Từ khóa
Tìm kiếm trong
Chuyên mục
Tìm từ ngày Đến ngày
Hệ thống tìm thấy 14 kết quả

"Bão táp chưa dừng": Nỗi đau khôn nguôi của người mẹ

Ngày phát hành 11:7 | 9/11/2023

Lượt nghe: 536

Có bao người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vì nền hòa bình thống nhất, thì có bấy nhiêu bà mẹ mất con trong sự chờ đợi, hy vọng mỏi mòn. Văn chương với bao bút mực cũng không thể tả xiết nỗi đau sự hy sinh này. Thêm một truyện ngắn nữa của tác giả Lã Thế Khanh làm đầy những cảm xúc về sự đau thương của chiến tranh và mất mát vô bờ bến của người mẹ. Sự khác biệt của người mẹ trong “Bão táp chưa dừng” là chi tiết độc đáo trở đi trở lại trong đời mẹ. “Cây cau” và những chùm cau mẹ để dành mỗi mùa cây ra quả với tâm niệm mẹ để dành phần cho con trai cưới vợ thật xúc động và xa xót. Những ngày cuối đời mẹ vẫn khôn nguôi nhớ con, vẫn khắc khoải vì không bù đắp được gì cho đứa con trai thiệt thời hy sinh vì việc nước. Chỉ một chi tiết thôi mà tạo cho truyện được nét riêng ấn tượng. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

"Cánh vạc" hay nỗi đau đàn bà tự sát thương

Ngày phát hành 0:0 | 28/10/2019

Lượt nghe: 1179

Chọn lựa và để chi tiết cất lời vốn là sở trường của Đàm Huy Đông. Trên nền một câu chuyện đơn thuần, thậm chí điểm xuyết cả những chi tiết gây cười, “Cánh vạc” không chỉ nêu ra một thực trạng đáng sợ rằng trong đời thực vẫn còn những bà mẹ chồng đã và đang nung nấu ý tưởng giống bà Nga. Đáng sợ hơn cả dã tâm thực dụng ấy là sự tàn nhẫn, lạnh băng của nhân tâm, của thân phận đàn bà với nhau. Hỏi sao bao đời cò kiếp vạc mãi còn dạt trôi trong mịt mù đêm đen…

"Chuyện tình Khau Vai" (buổi 5): Nỗi đau mất mẹ

Ngày phát hành 0:0 | 15/11/2019

Lượt nghe: 1163

Những sóng gió trong cuộc tình ngang trái của hai nhân vật chàng Ba và nàng Út tiếp tục được tác giả Nguyễn Thế Kỷ khắc họa trong diễn biến của tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”. Nếu như nàng Út nhức nhối nỗi khổ đau vì bị cha, Tộc trưởng người Giáy – Vương Vần Sáng cấm đoán chuyện yêu đương với chàng Ba thì chàng trai người Nùng cũng bị cái tin cha người yêu đang kén rể cho con gái làm cho chết lặng. Thế rồi điều gì đến sẽ đến. Nàng Út bỏ trốn ngay trong ngày cha kén chồng cho nàng. Có lẽ nàng không thể hay rằng chính trong đêm ấy, người yêu nàng hứng chịu nỗi đau mất người mẹ thân yêu. Út đã khoác lên mình bộ váy áo mẹ của Ba chuẩn bị cho người con dâu mà bà còn chưa biết mặt; Nàng Út đã tự nguyện làm người của chàng Ba, làm dâu người Nùng như thế! Không còn biết sợ hãi là gì nữa, Út đã dẫn Ba về nhà mình...(Đọc truyện dài kỳ phát 18/11/2019)

“Bình minh Đắk D’Rao”: Nỗi đau và lòng vị tha của người phụ nữ

“Bình minh Đắk D’Rao”: Nỗi đau và lòng vị tha của người phụ nữ

Ngày phát hành 15:30 | 7/3/2023

Lượt nghe: 190

Truyện ngắn “Bình minh Đắk D’Rao” được viết trong thời gian tác giả tham gia trại sáng tác văn học tại Đắc Nông do Bộ Công an tổ chức. Đây là truyện ngắn được lấy ý tưởng về một người nữ chiến sỹ công an mồ côi có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam. Trong một lần về cơ sở cô đã gặp lại kẻ thù đã giết chết cha mẹ mình. Nỗi đau mất mẹ, mất cha từ thuở bé khiến cho Ngọc Vạn luôn bị ám ánh, đeo bám. Hơn hai mươi năm sau, cô đối mặt với kẻ thủ ác giết cha mẹ mình, đôi mắt cô căm phẫn, uất nghẹn, cô muốn trả thù cho cha mẹ cô. Kẻ thủ ác giờ đã là một sư thầy, ông ta ân hận vì những tội ác đã gây ra trong quá khứ và giờ đây, khi đối diện với cô gái, ông ta run sợ và chạy trốn, ông lao thẳng xuống vực sâu trong đêm đen. Chỉ có cái chết mới có thể xóa bỏ được sự hối hận, dẫu muộn màng của kẻ ác. Nhưng, với nhân vật Ngọc Vạn, có lẽ nỗi đau ấy vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Những tình tiết của câu chuyện đan xen quá khứ, hiện tại mang màu sắc ma mị và lôi cuốn. Cốt truyện lắt léo, biến tấu linh hoạt, bất ngờ với văn phong tự nhiên, cuốn hút là điểm nhấn hấp dẫn cho truyện ngắn này. Qua câu chuyện, tác giả đã gợi lại một giai đoạn lịch sử của đất nước, truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn về lòng vị tha, tình yêu đất nước, tình yêu con người của phụ nữ Việt Nam.

“Cánh cửa bên kia”: Nỗi đau của người phụ nữ khi bị phản bội

“Cánh cửa bên kia”: Nỗi đau của người phụ nữ khi bị phản bội

Ngày phát hành 8:54 | 30/12/2022

Lượt nghe: 229

Các bạn thân mến, nỗi đau tinh thần đôi khi còn khó chữa lành hơn đau đớn của thể xác. Người phản bội có thể là người thân, người yêu, người chồng, người vợ, người bạn ….người mà bạn nghĩ sẽ luôn gắn bó cả cuộc đời này. Nhân vật Như, một trong ba người phụ nữ trong truyện ngắn đã trải qua đau đớn khi bị phản bội. Chị bàng hoàng, khó tin, khó xử khi người chồng lại ngoại tình với chính cô bạn thân tên là Phương của mình. Những cảm xúc đau đớn dồn dập đè năng lên vai Như khi nghe tin chồng bị tai nạn thảm khốc, Phương thì bị mất mạng. Như mất phương hướng không biết phải làm gì đây khi hai người yêu mến phản bội mình, người thì ra đi mãi mãi, người thì cấp cứu không biết sống chết ra sao. Biết bao nỗi niềm cảm xúc giằng xé trong nội tâm của Như. Chị phải làm gì đây, oán hận hay tha thứ cho hai con người bất hạnh kia. Một người là chồng, một người là bạn thân lại phản bội, chà đạp lên tình cảm của Như. Những kỉ niệm với chồng, kỉ niệm tình bạn từ thủa trẻ với Phương hiện lên như vết dao cứ vào lòng Như. Đáng lẽ là người bị phản bội Như có quyền căm hận bất bình người phụ nữ đã phá tan hạnh phúc gia đình mình. Nhưng trớ trêu thay đó lại chính là Phương, người bạn thân đã gắn bó bao năm nay. Như phải im lặng nhận thua thiệt về mình khi chứng khiến hoàn cảnh của chồng Phương, của bé Na con gái của Phương. Truyện ngắn dồn dập biết bao cảm xúc vui buồn, yêu, hận, thất vọng và tha thứ. Việc Như giữ kín mối quan hệ bất chính của chồng với Phương là cách tha thứ và cũng là quyết tâm buông bỏ cho lòng mình nhẹ nhàng hơn. Nghị lực của Như cũng như lòng vị tha của chị với chồng, với Phương khiến chúng ta phải cảm phục. Truyện ngắn mang đến cho người đọc, người nghe những suy nghĩ về hạnh phúc hôn nhân, về niềm tin yêu, về lòng trắc ẩn và tha thứ trong cuộc sống.

“Đêm dài hun hút”: Nỗi đau không dễ nguôi quên

“Đêm dài hun hút”: Nỗi đau không dễ nguôi quên

Ngày phát hành 9:23 | 8/11/2022

Lượt nghe: 126

Yêu nghề viết, say mê văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên, gần 20 năm cầm bút, nữ nhà văn Niê Thanh Mai người dân tộc Ê Đê đã mang đến cho bạn đọc cả nước những trang văn đầy trăn trở, day dứt về những thân phận người trong dòng chảy biến đổi văn hóa. Ở đó có sự dùng dằng níu giữ nguồn cội, có sự va đập, đứt gãy văn hóa khi bứt phá để hội nhập. Nhà văn Niê Thanh Mai hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong sự nghiệp viết văn, chị đã có nhiều giải thưởng như: Giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2005 với tập truyện ngắn “Suối của rừng”, giải Nhì của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006 trao cho truyện ngắn “Giữa cơn mưa trắng xóa” và “Cửa sổ không có chắn song”. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay gửi đến quý vị và các bạn truyện ngắn “Đêm dài hun hút” của nhà văn Nie Thanh Mai

“Dưới đá lặng im”: Nỗi đau chưa bao giờ thôi day dứt

“Dưới đá lặng im”: Nỗi đau chưa bao giờ thôi day dứt

Ngày phát hành 12:27 | 27/7/2023

Lượt nghe: 1334

Ở truyện ngắn “Dưới đá lặng im”, nhà văn Đào Thu Hà viết về đề tài chiến tranh, viết về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ và hơn hết đó là tiếng vọng của thanh âm biết ơn với những hy sinh bằng một góc nhìn trẻ. Văn chương suy cho cùng chính là cất lên tiếng nói tử tế với hết thảy mọi điều mà mình có duyên hạnh ngộ. Với người sinh ra khi nước nhà đã hòa bình, chiến tranh là những câu chuyện về bài học lịch sử, là những bộ phim tư liệu, là những kỉ niệm. Tuy vậy, từ trong những con chữ xao xác tâm hồn ấy, chiến tranh mang đến cho người đọc, người nghe không chỉ là niềm đau, là chia ly, là sum vầy, mà còn là chữ tình đằm đẵm trong tấc dạ của người ở lại, người còn sống và người đi tìm. Trên quê hương này sau gần 50 năm độc lập vẫn còn có những cuộc tìm kiếm và cuộc trở về da diết đến thế. Truyện ngắn “Dưới đá lặng im” của Đào Thu Hà một lần nữa đưa chúng ta tìm về những vùng day dứt, thương xót của những ai đã đi qua cuộc chiến; chạm vào nỗi đau chinh chiến của sự khốc liệt; rung lên tiếng ngân của tâm khảm với những mất mát; hoài vọng cho cuộc trở về dẫu chẳng lành lặn, dẫu chỉ là xương cốt hòa vào đất đá quê hương. Tuy viết về cuộc chiến, viết về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng Đào Thu Hà quyến dụ chúng ta bằng một lối viết khoan nhặt xoáy sâu vào cảm xúc, đi tận cùng những chi tiết nội tâm và bằng thủ pháp mượn cảnh tả tình. Người đọc, người nghe như trầm mình vào không gian được bày biện một cách khéo léo để từ đó thấu cảm theo nhân vật. Lối xây dựng không gian đồng nhất với tâm trạng nhân vật, tình tiết truyện và diễn biến mạch truyện này đã khiến chúng ta cứ bị cuốn hút vào, càng nghe càng đắm đuối, càng nghe càng chẳng thể rời đi được. Nhà văn như hóa thân vào nhân vật tôi để kể lại hành trình tìm kiếm người anh của mình, những chi tiết cuối thiên truyện khiến chúng ta lặng đi vì xúc động, đó là cuộc đối thoại giữa người sống và người chết, đó là chi tiết khi Thắng đã tìm thấy anh mình nhưng đau đớn quá, lựu đạn chôn vùi bao nhiêu dưới lòng đất phát nổ, Thắng nằm lại nơi chính người anh của mình đã hy sinh. Câu chữ của Đào Thu Hà khá mượt mà, có sự chắt lọc tinh tế và có cả sự hóa thân vào tâm lý để thể hiện trọn vẹn hành động, câu nói của nhân vật. Một truyện ngắn hay và cũng cho thấy người viết trẻ bây giờ khi viết về đề tài chiến tranh cũng có nhiều nét hấp dẫn riêng để độc giả có thể hy vọng và đón đợi. Chiến tranh là để tài chẳng bao giờ cạn, một dòng chảy văn chương riêng biệt của dân tộc ta và may thay, lớp người viết trẻ ngày nay vẫn còn có những cây bút mặn mà và dấn thân viết như thế là điều đáng trân quý. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Đọc truyện "Búp sen xanh" - Buổi mười lăm - Nỗi đau mất mẹ

Đọc truyện

Ngày phát hành 21:14 | 15/9/2021

Lượt nghe: 395

Mùa hè năm 1899, chị cử Sắc chuyển dạ sinh bé Nguyễn Sinh Nhuận, tự là Tất Danh. Anh cử Sắc và con trai cả cũng về kịp. Nhưng anh chỉ ở nhà được vài hôm thì nhận lệnh đi Thanh Hóa coi kỳ thi Hương. Sức khỏe của chị cử Sắc rất yếu. Hằng ngày bé Côn vừa chăm sóc mẹ, vừa phải bế em đi xin sữa. Côn không bao giờ nghĩ mình có thể mất mẹ mãi mãi... (Văn nghệ thiếu nhi 11/09/2021)

Nhà văn Triệu Xuân – Chấm ngòi bút vào nỗi đau niềm oan khổ của con người

Nhà văn Triệu Xuân – Chấm ngòi bút vào nỗi đau niềm oan khổ của con người

Ngày phát hành 11:44 | 29/10/2021

Lượt nghe: 374

Nhà văn Triệu Xuân tên thật là Triệu Xuân Điến, sinh năm 1952 tại Hải Dương. Ông tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó, ông tình nguyện vào chiến trường miền Nam làm phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, thường trú khu V – Trung Trung bộ. Sau năm 1975, ông làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Trưởng ban biên tập chương trình phát thanh dành cho Nam Bộ. Ông ghi dấu ấn trong lòng độc giả qua loạt tác phẩm như “Trả giá” – đạt Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, “Bụi đời”, “Sóng lừng”, “Những người mở đất”, “Cõi mê”… Bên cạnh việc sáng tác, nhà văn Triệu Xuân cũng là người dành nhiều tâm huyết với văn hóa đọc. Kể cả trong thời gian chống chọi với bệnh tật, ông vẫn duy trì trang web trieuxuan.info, lan tỏa nhiều thông tin về văn chương nghệ thuật. Tiễn biệt ông, người hiền đã trả trang “giấy trắng” cho “bụi đời” để về với “cõi mê”, mời quý vị và các bạn cùng nghe bài của tác giả Khải Mông có nhan đề “Nhà văn Triệu Xuân – Chấm ngòi bút vào nỗi đau niềm oan khổ của con người”.

Truyện ngắn "Con chim lam về rừng": Nỗi đau của rừng, của đời

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 26/4/2018

Lượt nghe: 1461

Tác giả khai thác đề tài lâm tặc nhưng không miêu tả các vụ án, các âm mưa kế hoạch mà đi vào số phận, tâm tư, tình cảm của những con người trong vòng xoáy tội lỗi. Chàng trai Hượu mồ côi cùng cô gái trẻ tên Xoàn bị dòng đời xô đẩy nhập hội với đám lâm tặc. Hượu đã chứng kiến những mặt đen tối của con người khi cả những tên lâm tặc làm nhục Xoàn, đối xử với nhau bằng luật rừng. Tác giả xây dựng hai tuyến nhân vật rất rõ nét. Đó là Hượu và Xoàn, hai con người vô tình bị cuốn vào công việc xấu. Tuyến nhân vật còn lại là những kẻ lâm tặc độc ác, tàn nhẫn. Truyện có cái kết đẹp khi Hượu giúp Xoàn trốn được về quê làm lại cuộc đời. Truyện ngắn sinh động, chân thực khiến người đọc, người nghe cảm thương và vui mừng cho số phận của cô gái trẻ Xoàn đồng thời căm hận những kẻ tàn ác. (VOV6 Đọc truyện đêm khuya 23/4/2018)

Truyện ngắn "Mùa khô" và "Còn thương": Nỗi đau chiến tranh còn nhiều day dứt

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 26/6/2018

Lượt nghe: 1329

Hai câu chuyện trong hai truyện ngắn của nhà văn Vĩnh Quyền đều nói về nỗi đau chiến tranh. Truyện ngắn "Mùa khô" kể với chúng ta về những người vợ đi tìm hài cốt chồng, về người cựu chiến binh Mỹ tìm thân nhân trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ cùng chung nỗi đau mất người thân, không thể nguôi ngoai dẫu chiến tranh đã đi qua máy chục năm rồi. Truyện ngắn "Còn thương" lại nói về nhân vật Ba Hoành, một chiến sĩ biệt động dũng cảm và tài giỏi nhưng ông phải chịu nỗi đau li tán gia đình. Về già Ba Hoành bị bệnh ung thu, đau đớn về thể xác và mỏi mệt về tinh thần. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của người lính vẫn còn day dứt, ám ảnh. (V0V6 Đọc truyện đêm khuya 21/6/2018)

Truyện ngắn "Những cơn bão": Nỗi đau chiến tranh

Truyện ngắn

Ngày phát hành 8:57 | 25/10/2017

Lượt nghe: 2853

Câu chuyện về gia đình nhiều biến động của người thương bình tên là Trọng. Chiến tranh kết thúc, ông Trọng trở về từ chiến trường với những di chứng chiến tranh. Đó là di chứng chất độc da cam có thể nhìn thấy qua hình hài, số phận những người con. Nhưng có cả những chấn thương về tâm lý khó bày tỏ cùng ai. Gia đình người cựu chiến binh luôn sống trong những cơn bão. Đó không phải cơn bão thiên nhiên mà là cơn bão tâm lý khi họ lo lắng cho số phận những người con, người em không biết có lành lặn hay không. Chiến tranh đã rời xa mấy chục năm nhưng nỗi đau không gì xóa nhòa. Chính điều này khiến chúng ta càng quý trọng những ngày hòa bình hôm nay. (Đọc truyện đêm khuya 23/10/2017)

Truyện ngắn "Núi mây và bồ câu xám": Nỗi đau chiến tranh

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 14/7/2017

Lượt nghe: 3676

Súa và Dín là con gái một người lính bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Súa đau đớn khi cả ba người con sinh ra đều bị chết. Trong nỗi thất vọng, lo sợ hai người con gái thay tên, đổi họ trốn lên đảo vắng. Dín đi theo Súa để chia xẻ nỗi đau với chị nhưng trong lòng cô vẫn luôn khát khao làm vợ, làm mẹ. Hai người phụ nữ luôn sống trong những mâu thuẫn nội tâm giữa nỗi đau và khát vọng hạnh phúc. Câu chuyện xúc động về những mất mát, đau thương của hai người phụ nữ gánh chịu di chứng chiến tranh.(Đọc truyện đêm khuya 13/7/2017)

Truyện ngắn "Nước mắt bên sông": Nỗi đau còn thổn thức

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 30/5/2017

Lượt nghe: 6536

Con sông Nhiêu gắn bó với làng quê, với tuổi thơ, với mọi buồn vui sướng khổ của người dân xứ này nay đã chết. Chết vì lòng tham và sự hủy hoại tàn nhẫn của con người. Sông chết trơ dòng và lòng người cũng trở nên cạn kiệt, cỗi cằn, độc ác. Hãy trả lại sự sống cho dòng sông, hãy thức tỉnh nhân cách con người khi chưa quá muộn. Truyện chạm vào trái tim chúng ta bằng những hồi chuông đang gióng lên ráo riết, chạm đến những vấn đề còn day dứt khôn nguôi. (Đọc truyện đêm khuya 29/5/2017)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ