
Các bạn thân mến, nếu đọc tên truyện ngắn người đọc, chúng ta dễ nghĩ tới một câu chuyện khoa học viên tưởng với những vật thể bay không xác định, những chuyến du hành ngoài không gian, trận chiến liên hành tinh … Nhưng đây lại là một câu chuyện về hai ông bà già sống trong một viện dưỡng lão. Qua câu chuyện về những chiếc đĩa bay mà họ hóm hỉnh gọi là những chiếc bánh rán, hai người già sống cô đơn hiểu nhau hơn, thương mến và nương tựa vào nhau trong lúc cô đơn. Bà thì cả đời chưa lập gia đình, ông thì con cái cũng cần không gian riêng nên đêm gia thừa viện dưỡng lão chỉ còn hai ông bà. Họ trò chuyện với nhau trong đêm cô đơn và bà thích nghe ông kể chuyện về những chiếc đĩa bay. Việc kể cho bà nghe về sở thích của mình khiến ông như trẻ lại và bà cũng thấy vui lây. Khi đã ở tuổi xế chiều, điều quan trọng với con người chính là tình cảm, là sự vui sướng về mặt tinh thần. Hai con người đã qua cái tuổi yêu đương nồng cháy của tuổi trẻ. Họ trao gửi cho nhau tình cảm của hai người bạn già cần một nơi tâm tình, gửi gắm tình cảm. Khi đã già có lẽ cái tôi của con người đã sẽ bớt đi để muốn có thêm cái chúng ta. Bởi đó cũng là cách người già bớt đi nỗi niềm cơ đơn của mình. Bà không biết gì về những chiếc đĩa bay nhưng vì đó là sở thích của ông nên rồi nó cũng trở thành mối quan tâm của bà. Ông lão ra đi thực hiện khát khao của đời của mình là tìm được chiếc đĩa bay để lại một mình bà lão cô đơn trong viện dưỡng lão. Mỗi khi cô đơn nhìn lên bầu trời đêm là bà lại nhớ đến ông cùng câu chuyện kì lạ mà ông thường kể. Truyện ngắn kết thúc một cách ẩn dụ khi bà lão bay ra không trung, hòa vào không gian đi tìm người bạn già của mình. Truyện ngắn mang phong cách hiện đại khi ít tập trung vào thời gian, sự kiện mà là đi vào dòng cảm xúc và hồi ức của nhân vật. Tác giả đưa chúng ta vào chiều sâu đời sống tinh thần, hiểu hơn tâm tư tình cảm của những người lớn tuổi. Truyện ngắn sử dụng nhiều ngôn từ hiện đại với phong cách viết khá lạ với người đọc, người nghe. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là bà cụ Tứ, hồi trẻ tên là Tư nhưng rồi sau khi lấy chồng làm nghề thợ ngõa thì mọi người gọi bà theo tên chồng. Vượt qua những dị nghị điều tiếng buổi đầu, bà Tứ cũng có một gia đình êm ấm với ba mặt con, các con đều phương trưởng. Nhưng trong lòng bà vẫn canh cánh một nỗi niềm mà phải cho đến trước khi sắp từ giã cuộc đời, bà mới thổ lộ với con trai. Ngày xưa, cũng vì những quan niệm khắt khe môn đăng hộ đối mà bà Tứ, lúc ấy còn là cô Tư thiếu nữ, phải chia tay với anh cả Cõi bởi mẹ anh làm nghề cắp thúng đi khâu mướn nên bố mẹ cô không đồng ý. Nhưng cuộc đời trớ trêu xô đẩy, cuối cùng bà lại làm vợ một ông thợ ngõa. Cho đến khi chồng mất, bà ở cùng gia đình con trai và ngày càng có những biểu hiện lẩm cẩm của người già. Nhưng riêng mối tình ngày xưa thì bà không thể quên. Anh giáo Nhất, con trai bà đã sang bên kia sông để tìm và mời ông cả Cõi sang gặp bà. Hai người chỉ cách nhau một con sông mà sao đến gần hết đời người mới có ngày gặp lại. Đoạn cuối của tác phẩm cũng là đoạn gây xúc động mạnh mẽ trong lòng mỗi người nghe, người đọc khi bà Tứ “mặt trắng nhợt lạnh như đá mà nước mắt thì nóng ấm đầm đìa lòng bàn tay tôi”. Thế mới biết cái tình nghĩa với nhau nó quan trọng đến thế nào trong đời sống mỗi con người. Chỉ khi nói được câu xin lỗi với ông cả Cõi, bà Tứ mới yên lòng nhắm mắt. Lần gặp lại nhau giữa bà Tứ và ông Cõi cũng chính là lần cuối cùng trong cuộc đời. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Trung tá, nhà thơ Phạm Vân Anh sinh năm 1980 tại Hải Phòng. Hiện chị công tác tại Phòng Tuyên huấn – Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Quân đội, thành viên nhóm dịch giả nữ Hà Nội. Nhà thơ Phạm Vân Anh đã có 13 tác phẩm văn học được ấn hành đủ các thể loại: Tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, thơ; hàng chục kịch bản phim tài liệu, kịch bản chương trình truyền hình...Chị được trao nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cùng nhiều tác phẩm báo chí được trao giải thưởng Báo chí quốc gia. Dẫu làm thơ hay viết văn xuôi, hình ảnh người chiến sỹ biên phòng luôn hiện diện trong tác phẩm của chị. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn một sáng tác viết về bộ đội biên phòng của nhà thơ Phạm Vân Anh, truyện ngắn Giữa tầng trời. Mời các bạn cùng nghe:

Truyện ngắn gợi lại không khí hào hùng, sôi sục của quân và dân ta những năm tháng chống đế quốc Mỹ giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Đoàn quân chi viện từ Miền Bắc vượt qua dãy Trường Sơn như dòng nước lũ cuốn phăng tất cả trở ngại để tiến về Sài Gòn. Trong giai đoạn cuối chiến tranh, người chiến sĩ giải phóng nào cũng mong muốn đóng góp một phần công sức của mình vào chiến thắng đã đến rất gần. Đúng thời điểm quan trọng này thì cô thanh niên xung phong tên là An lại đổ bệnh. Dù không muốn nhưng An phải tuân theo mệnh lệnh cấp trên quay trở lại hậu phương để điều trị. Khi An đang bị căn bệnh sốt rét hành hạ trong một hang đá giữa rừng sâu thì bất ngờ gặp tên thám báo địch. Vì lý do cá nhân mà Nhơn, một người lính Cộng hòa đang đào ngũ tìm cách trốn tránh cuộc chiến. Hai người lính ở hai bên chiến tuyến từ đối đầu nhau, sống cùng nhau trong hang đá rồi nảy sinh tình cảm. Khi biết tin thị xã Ban Ma Thuột được giải phóng, An và Nhơn mới lên đường tìm bộ đội. Nhờ An dấu kín tin tức mà Nhơn được chiến đấu trong lực lượng giải phóng. Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, Nhơn ra tự thú thân phận thám báo rồi đi học tập cải tạo ba tháng. Ngày Nhơn xuất hiện trước mắt An khiến cô òa khóc vì ngỡ ngàng xúc động. Chiến tranh không chỉ có mất mát đau thương, hi sinh gian khổ mà còn có những tình cảm lãng mạn của tuổi trẻ. Hai người lính ở hai bên chiến tuyến đã có cuộc gặp gỡ định mệnh giữa rừng xanh. Có lẽ vì An là phụ nữ lại đang yếu ớt vì bệnh tật, hay vì Nhơn cũng đang đào ngũ hoặc Nhơn không phải là kẻ ác nên anh đã không giết hại cô. Tất cả tạo nên một mối tình đặc biệt trong chiến tranh. Truyện ngắn không đi vào cảnh bom đạn, chiến đấu trong chiến tranh mà khai thác số phận, tâm tư tình cảm của người lính khi gặp trường hợp bất ngờ. Truyện ngắn cũng giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về người lính phía bên kia chiến tuyến. Nếu tác giải khai thác sâu hơn về nội tâm của An và Nhơn, những thay đổi về mặt cảm xúc của hai nhân vật khi họ sống chung trong hang đá thì có lẽ truyện ngắn sẽ cuốn hút người đọc, người nghe nhiều hơn. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Vọng khúc tương tư” là một truyện ngắn của Tống Phước Bảo có dáng dấp “bi kịch lạc quan” như thế. Bối cảnh câu chuyện là một miền quê sông nước Tây Nam Bộ. Nhân vật không nhiều, gói gọn trong bốn nhân vật chính với hai câu chuyện tình: một trẻ trung chớm nở và một lỡ làng, muộn màng nhưng đều giống nhau ở một điều: đã thương thì thương hết mình, hết lòng hết dạ, thương mà không cần nói, chỉ mong ngóng cho người mình thương được những điều tốt lành. Và vì nỗi niềm thương ấy mà những nhân vật đã gắn bó cuộc đời với nhau, sống vì nhau. Trong tiếng miền Nam ngày trước và cho đến tận bây giờ, thương tức là yêu. Mà thậm chí thương còn có nghĩa rộng hơn cả yêu với nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau. Nghe chữ thương thấy có cả nghĩa, cả tình đằm thắm trong đó. Còn yêu thì… chưa chắc. Miền Bắc thì phân biệt thương và yêu rất rõ ràng. Tình thương khác với tình yêu. Nhưng miền Nam thì không phải thế. Người miền Nam không sử dụng từ “yêu”, mà sử dụng từ “thương”, bởi vì thương là thương nhớ miên man, là lo toan chăm bẵm, là yêu thương từ trong sâu thẳm mà không cần nói ra. Thương ở đây là vượt lên trên tình yêu nam nữ thông thường. Vì thương đứa trẻ bị bỏ rơi nên tía của Song Lang mới “thương phận mà đem về dung dưỡng. Nghèo khổ giăng tứ bề với cái nghề xướng ca rày đây mai đó của tía, vẫn nguyện lòng bảo bọc nó đến tận bây giờ.” Và cũng vì thương tía nên Song Lang giấu đi giấy báo trúng tuyển đại học.Vì thương tía nên Song Lang nhìn cô bạn thanh mai trúc mã Út Thà vào đại học với niềm mong ngóng.
Như tiếng đờn của tía Song Lang vọng xuống một nhịp buồn, đánh rớt trái tim con người, sự âm thầm hy sinh cho nhau của những phận người khiến cho người đọc cũng khắc khoải theo từng con chữ của nhà văn. Cô Tư Lành thiếu phụ xế bóng vẫn âm thầm mang trọn chữ thương với tía của Song Lang mà chẳng dám mong chờ ngày duyên phận thôi dang dở, bởi ngày xưa thì đã quá xa. Nhưng “nếu đã là thương, thì trọn cuộc đời cũng cứ thương. Giờ xế bóng heo may chạm tuổi đời, hổng lẽ để tiếng đờn mãi thắt thẻo bên kia sông. Còn bên này sông, lại thêm một người dằn vặt những xa xót. Ai cũng chỉ có duy nhất một cuộc đời này, để sống và để thương.” Vậy nên những phận đời buồn trong truyện ngắn “Vọng khúc tương tư” đã vì thương mà âm thầm hy sinh, lo lắng cho đời nhau, nhưng cũng vì thương mà đã bước qua những ngập ngừng e ngại, những băn khoăn tình cảm, khúc mắc ngại ngần để đến được với nhau. Một truyện ngắn mở đầu bằng một quyết định buồn của nhân vật, tưởng sẽ là bi kịch nhưng cuối cùng lại là “bi kịch lạc quan” và người đọc khi xem xong những dòng chữ cuối cùng, sẽ thở phào nhẹ nhõm, sẽ thấy rằng cuộc đời tuy buồn, nhưng không buồn nhiều đến thế, rằng cuộc đời vẫn còn có những điều đáng sống, những hy sinh rồi sẽ được đáp đền, tình thương sẽ gặp gỡ tình thương.
Bằng giọng văn đặc sệt những phương ngữ đặc thù của miền Tây Nam Bộ, bằng câu chữ được kể theo một cách chậm rãi, rề rà rất miền Tây, bằng những chi tiết đặc thù của miền sông nước như tiếng đờn cò, dề lục bình trôi dạt trên sông, mớ bông điên điển vàng hươm, mớ tép đồng, rặng bần… “Vọng khúc tương tư” của nhà văn Tống Phước Bảo là một truyện ngắn đầy ắp niềm thương, khiến cho độc giả cũng nao lòng, chơi vơi theo tâm trạng của nhân vật, để rồi gật gù tán thưởng với cách kết thúc truyện đậm chất tình của người miền Tây. Một truyện ngắn thành công là một truyện ngắn gợi được cảm xúc và “Vọng khúc tương tư” đã thật sự trở thành “Vọng khúc thương” trong lòng độc giả. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Theo đuổi đề tài lịch sử nhưng rất khó xác định “Ký ức phủ sương” viết về một giai đoạn cụ thể nào. Câu chuyện về vị tướng quân đầu triều hay cô gái vô danh không đưa ra bất kì một chi tiết nào về một dấu mốc rõ ràng. Dường như tác giả Đào Thu Hà có ngụ ý rằng ở bất kì thời nào, vẫn luôn có những người quên mình hi sinh vì nghĩa lớn. Họ có thể được ghi danh hoặc không. Nhưng đều đã trở thành một phần của đất nước non sông. “Ký ức phủ sương” là một truyện ngắn được viết chắc tay. Sự đan cài giữa quá khứ và hiện tại buộc người đọc phải có sự tập trung nhất định mới có thể kết nối các mảnh ghép. Có nhiều hơn một cuộc đời được kể trong “Ký ức phủ sương”. Những nhân vật đều không có tên dù họ là công chúa đời trước, tướng quân đương triều hay cô thôn nữ cắn răng chịu nhục để bảo vệ người mình thầm thương… Mạch truyện chính liên tiếp được mở rộng bằng các câu chuyện nhỏ khác, tạo nên bức tranh toàn cảnh về một dân tộc anh hùng, gửi gắm một thông điệp rõ ràng rằng có những người ta không ta biết mặt nhớ tên nhưng chính họ đã làm nên đất nước… Bản thân tác giả cũng cho thấy sự chú ý trong việc xây dựng và lựa chọn chi tiết như màn sương giăng kín một vùng trắng xóa hoặc loại rượu Không Tên phủ lên hiện thực màu sắc của huyền thoại. Từ đó, góp phần tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Ký ức tuổi thơ luôn là một hoài niệm đẹp trong nỗi nhớ của chúng ta. Cái thời hồn nhiên ngây thơ chẳng phải lo toan bất kỳ điều gì, rong chơi cùng lũ bạn từ sáng sớm đến lúc chiều tàn, rồi đêm trăng cùng nhau ngồi tán chuyện quên cả lối về...Ở truyện ngắn “Mùa gió ngang vai” mà chúng ta vừa nghe, với giọng văn giọng văn trong trẻo, tự nhiên, tác giả Lê Ngọc giúp người đọc người nghe cảm nhận được rõ nhất những mảnh ký ức thời tuổi thơ ở làng quê Bắc bộ. Những khung cảnh, âm thanh, màu sắc đều được hiện lên một cách chân thực nhất: “Nắng chiếu ngoài sân. Nắng rơi mái bếp. Tiếng chim hót lảnh lót, véo von trên hàng cau ông trồng vui vẻ hát mừng. Dưới chân giàn mướp xanh mướt lấp ló đôi chùm hoa vàng tươi mời gọi đàn ong mật…”. Hay: “Mùa hè nghiêng nghiêng trút nắng vàng oi ả từ đầu trưa tới cuối chiều. Và nhiều khi nhập nhoạng tối, người ta vẫn phe phẩy quạt nan thều thào than phiền: trời ơi, nóng quá! Ấy thế mà, mùa hè lúc nào cũng thật hấp dẫn đối với tụi trẻ con. Chúng háo hức chờ đợi những khoảng trời đỏ cháy hoa phượng, chờ tiếng ve rạo rực bên tai, chờ kỳ nghỉ dài thỏa thích chạy chơi…”. Những dòng văn nhẹ nhàng như một bài thơ, người đọc người nghe được tắm mát trong câu chữ thật an yên, thanh thản. Trong số lũ bạn quê, mùa hè thường gợi nhắc Dung nhớ tới những thứ đồ ăn dân dã như que kem, cái bánh rán, cốc chè thập cẩm…Nhưng nếu chỉ có thế tác phẩm mới dừng ở dạng tản văn diễn tả ký ức tuổi thơ gắn với mùa hè. Từ những món ăn dân giã, thôn quê ấy, cả một bầu trời ký ức tuổi thơ buồn vui gắn với hình bóng người bà thân thương hiện ra trong tâm trí Dung. Bà như sợi dây liên kết tinh thần giữa Dung với chị Minh, chị Liên và anh Hạnh. Khi sợi dây ấy bị đứt thì mối liên kết có nguy cơ bị lỏng lẻo…
Với lối viết thong thả mà thấm thía, truyện ngắn “Mùa gió ngang vai” tựa như mảnh gương ký ức để khi soi mình vào đó, chúng ta chợt nhận ra những bóng hình thân thương, những món ăn bình dị, những kỷ niệm êm đềm rụng rơi theo năm tháng và cả những mất mát song hành cùng quá trình trưởng thành, lựa chọn. Vẫn biết rằng ai rồi cũng phải lớn lên, cuộc sống rồi cũng phải thay đổi, nhưng có nỗi nhớ nào mà không khắc khoải, có niềm thương nào không thổn thức con tim? Chúng ta không thể trở về nhưng có thể nâng niu, lưu giữ quá khứ, như một phương cách chữa lành sự nông nổi, nhạt nhòa của hiện tại.

Chiến tranh luôn có sự mất mát, hy sinh và gian khổ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước cũng như chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã chiến đấu anh dũng. Vì nhiều nguyên do khác nhau của chiến trường ác liệt mà khi hòa bình lập lại, có người chưa hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của đất nước. Nhân vật Định chính là một trường hợp như vậy. Mới 16 tuổi Định đã khai 18 tuổi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Những trường hợp như Định không hề hiếm trong chiến tranh khi nhiều thế hệ thanh niên hòa chung không khí hào hùng sẵn sàng ra trận chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp của đất nước. Nhưng chính vì khai sai tuổi khi nhập ngũ nên khi chiến tranh kết thúc, Định trở về cuộc sống đời thường đã gặp nhiều khó khăn trong việc làm giấy tờ hưởng quyền lợi thương bệnh binh. Gần 40 năm trôi qua, hàng chục vết thương vì bom đạn vẫn còn trên người Định. Những vết thương chiến tranh còn đó nhưng vì vấn đề giấy tờ mà Định vẫn chịu bao nỗi thiệt thòi. Vết thương trên cơ thể Định có lẽ không đau xót bằng nỗi đau trong lòng anh khi bị mọi người hiểu lầm, dè bỉu. Sau mấy chục năm mệt mỏi vì những giầy tờ, thủ tục thì có lẽ Định đã âm thầm cam chịu cuộc sống của mình. Những tâm tư tình cảm, nỗi niềm chua xót của người thương bệnh binh chịu nhiều thiệt thòi được tác giả thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Với những người lính từng chiến đấu trên chiến trường ác liệt, được chứng kiến sự hy sinh của đồng đội thì còn sống trở về quê nhà đã là một niềm hạnh phúc. Những day dứt trong lòng Định cũng như nhiều trường hợp như anh không phải quyền lợi mà là niềm kiêu hãnh, là niềm tự hào của người lính. Có lẽ với Định, anh thấy mình vẫn còn may mắn hơn Păn, người đồng đội hy sinh không còn dấu vết sau trận pháo kích của địch. Tấm lòng của người thương bệnh binh với đồng đội khiến chúng ta không khỏi cảm động. Tác giả lựa chọn đề tài thương bệnh binh để nhắc nhở chúng ta nhớ tới công ơn bao thế hệ cha ông đã hy sinh vì cuộc sống hòa bình hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Ngôi nhà trên núi” của nhà văn Roman Ivanytchouk đúng như nhan đề, gây cho người đọc, người nghe một cảm giác miên man, diệu vợi. Số phận người cha và người con gái như những thước phim buồn. Khung cảnh hoang vu, xa vắng của núi rừng, của quy luật cuộc sống sinh tồn tự nhiên và khắc nghiệt – Tất cả khảm vào mỗi chúng ta những cảm xúc thường tình mà vẫn rất ngưng đọng. Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ đã chuyển tải cơ bản chất văn đặc trưng của một nhà văn Xô viết luôn đắm mình trong thiên nhiên Nga kỳ vĩ. Khuất sau những câu văn lý trí, đầy tỉnh táo là cả một sự ngậm ngùi, xót xa cho thân phận con người. Nhà văn không tham vọng biến câu chuyện của mình trở nên kịch tính, dữ dội. Ông chọn lọc vài chi tiết, phát triển và khiến chúng trở nên ám ảnh. Diễn biến truyện ngắn là đơn tuyến nhưng cảm xúc và thân phận con người lại không ngừng biến động. Tình yêu, sự gắn bó giữa đất với người ở đây lại đẩy chính con người vào cay đắng, bi kịch. Nhưng bi kịch không kết thúc tất cả mà như sự sống mới trên đống đổ nát, như núi non sau tiết lụi tàn lại hồi sinh. Cái kết của “Ngôi nhà trên núi”, như nhiều truyện ngắn của nhà văn Roman Ivanytchouk thực sự khiến chúng ta bất ngờ, và ấm lòng. (Lời bình của BTV Võ Hà)

Truyện ngắn được tác giả viết chắc tay, tiết chế và có ý đồ rõ ràng. Điều thú vị là ngoài cái giọng lạ thì tác giả đã khéo léo chuyển tải một thông điệp ngầm trong đó. Và cái thông điệp ấy ẩn ngay trong nhan đề truyện ngắn-một hình ảnh ám ảnh: Con voi nuốt cái vòi tự tử.
Tác giả đã dựng nên thế giới ý niệm biểu trưng cho góc khuất nội tâm của con người trong xã hội hiện đại. Tuy xuất hiện ít, nhưng nhân vật ông Hiệu phó được khắc họa khá rõ nét. Ông Hiệu phó lúc nào cũng mặc sơ mi dài tay màu trắng và thắt cà vạt đỏ, luôn ở trong phòng làm việc, tựa một sự sắp đặt không thể thay thế hay dịch chuyển. Cứ như người đàn ông này được cố định mãi ở vị trí này, trong bộ quần áo ấy; ông ta không muốn và cũng không thể ra khỏi chỗ ngồi của mình. Vẻ như ông ta luôn cảm thấy không hoài nhập được với đời sống, với cộng đồng; tự xây nên một tòa kén trầm lặng của riêng mình. Trái với nhân vật ông Hiệu phó tự cô lập bản thân với ốc đảo cô đơn, thì nhân vật kể chuyện xưng Tôi lại muốn hòa nhập với thế giới thực, tìm niềm vui sống ở mọi lúc mọi nơi, mọi sự việc…Lựa chọn của hai nhân vật thể hiện sự đấu tranh giằng co bên trong mỗi con người với chính bản ngã của mình.
Hình ảnh con voi bị nhốt trong chuồng thật nhám chán, con người cho ăn lúc nào thì ăn và coi nó như món đồ trang sức để chụp ảnh, gợi liên tưởng đến hình ảnh ông Hiệu phó lúc nào cũng ăn mặc đóng hộp và ngồi lì một chỗ, không suy chuyển.
Con voi chết âu đó cũng là cách để nó giải thoát khỏi sự giam cầm, tù túng; khỏi sự nhàm chán suốt ngày diễn đi diễn lại một cảnh; suốt ngày chịu sự sắp đặt, điều khiển, chi phối của con người. Loài vật dám làm và đã làm được điều đó, còn con người liệu có dám làm không, chắc sẽ khó. Nhân vật “Tôi” dù có lúc cũng muốn thoát khỏi sự sắp đặt của gia đình, sự đơn điệu của tình yêu, sự nhàm chán của cuộc sống, nhưng cũng không dễ dàng gì. “Tôi không phải con voi. Thật đáng buồn, nhưng tôi còn chẳng có một cái vòi để nuốt!”- câu nói của chàng trai tuổi đôi mươi đang căng tràn sức sống ở phần kết truyện như thể hiện sự bất lực của anh ta trước sự vượt thoát, dũng cảm thoát khỏi cái vỏ an toàn. (Lời bình của BTV Vũ Hà)

Thảm họa diệt chủng tại Campuchia xuất hiện sau năm 1975 đã giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia. Không chỉ mất nhân tính khi giết hại chính đồng bào của mình, chế độ Polpot leng Sary còn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều tội ác với người dân vùng biên giới Tây Nam nước ta. Ngay phần đầu truyên ngắn, qua lời kể lại của nhân vật Út Liên, một người phụ nữ sinh sống ở ngoại ô Phnom Pênh, chúng ta thấy được phần nào tội ác của chế đô diệt chủng Polpot với người dân Việt Nam và Campuchia. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống bình yên nơi vùng biên cũng như giúp đỡ người dân Campuchia, hàng vạn thanh niên ưu tú của đất nước đã nhiệt huyết lên đường chiến đấu. Nhân vật tôi cũng như người đồng đội, người bạn tên là Ngọ cũng hòa vào không khí hào hùng của đất nước. Dù Ngọ thuộc dạng miễn nghĩa vụ quân sự vì là con trai độc nhất của liệt sĩ nhưng anh vẫn quyết tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ cao cả. Hình ảnh người cha đã hi sinh, người thầy giáo thương binh rồi hai người lính trẻ bịn dịn chia tay người thân lên đường nhập ngũ tô điểm truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của người dân đất Việt. Nhiều chi tiết tạo điểm nhấn khiến người đọc, người nghe không khỏi thổn thức như hình ảnh người mẹ gạt nước mắt tiễn con trai duy nhất lên đường nhập ngũ, cuộc chiến khốc liệt giữa quân giải phóng Việt Nam và quân PolPot trên mảnh đất Campuchia hay sự hi sinh của Ngọ để lại biết bao ân hận trong lòng nhân vật tôi. Từng trang viết dường như thấm đẫm cảm xúc của tác giả, thấm đẫm máu và nước mắt của những lính và người thân của họ trong cuộc chiến biên giới Tây Nam. Lần trở lại Nongchan của nhân vật tôi để giải quyết những tiếc nuối trong lòng về cái chết của người đồng đội. Sau mấy chục năm, những người lính nằm xuống trên chiến trường vẫn để lại biết bao tiếc thương với đồng đội và người thân. Các anh đã anh dũng hi sinh để đất nước có ngày hòa bình, tươi đẹp hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Câu chuyện chúng ta vừa nghe được mở ra bằng bi kịch của Nhiên, nhân vật nữ chính trong truyện ngắn. Sau một buổi tối, Nhiên bỗng trở thành góa bụa, phải ngậm ngùi nuôi con một mình khi Khoa, chồng Nhiên bất ngờ bị tai nạn, ngã đập đầu xuống đường do kẻ nào đó đã tông vào mà công an chưa tìm ra manh mối. Phần lớn nội dung truyện ngắn là những diễn biến tâm lý của Nhiên. Nhiên mang nặng trong lòng mối uẩn khúc, u uất về cái chết của chồng nên cứ cuối tháng lại đạp xe lên tỉnh để hỏi công an xem đã có thông tin gì mới về vụ điều tra hay chưa. Thời gian thấm thoắt trôi đi, cuộc sống hàng ngày của mẹ con Nhiên có sự giúp đỡ đùm bọc thân tình của những người hàng xóm, trong đó có anh Hai con thím Bảy. Anh Hai đem lòng yêu Nhiên và muốn cưới cô, nhưng Nhiên đã quyết định rằng khi nào chưa tìm ra hung thủ thì cô chưa thể đành lòng đi bước nữa. Truyện còn có nhiều chi tiết phân tích tâm lý nhân vật rất tinh tế khác qua mối quan hệ giữa Nhiên, Hai và Thùy, đều là những người hàng xóm cận kề. Thùy đem lòng yêu Hai nhưng Hai lại thầm yêu Nhiên. Cho đến một ngày tưởng như hạnh phúc bắt đầu mỉm cười với Hai và Nhiên thì một bi kịch khác lại đến. Đó chính là lúc Hai ra công an đầu thú việc mình đã gây nên cái chết cho Khoa, chồng Nhiên cách đây nhiều năm. Hai quyết định chịu nhận án để mong cho Nhiên an lòng xây dựng hạnh phúc mới. Truyện mở ra bằng một bi kịch và kết thúc bằng một bi kịch, để lại nhiều cay đắng day dứt và cả bẽ bàng trong lòng Nhiên bởi Nhiên cũng đã dành tình cảm cho Hai. Suy cho cùng, người phụ nữ vẫn là người dễ chịu những tổn thương và nhận thiệt thòi nhiều hơn cả. Truyện kết thúc bằng hình ảnh Nhiên đạp xe từ đồn công an về trong một trạng thái dở khóc dở cười, nghĩ cuộc đời đã đùa với mình theo một cách thật trớ trêu. Bi kịch của Nhiên có lẽ sẽ còn làm day dứt mỗi người nghe, người đọc rất nhiều khi câu chuyện khép lại. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Giống như mọi ngả đường đều có thể dẫn đến tình yêu, câu chuyện ngoại tình cũng có nhiều lý do: người vì hết yêu, kẻ vì sa ngã trước cám dỗ hoặc tham lam, muốn có được nhiều hơn. Nhưng dẫu vì lý do gì, ngoại tình vẫn đem đến một cảm giác nặng nề khi lời hứa thủy chung bị quên lãng, bị vứt bỏ, bị giày xéo. Tình yêu tưởng như thiên trường địa cửu bỗng chốc tan vỡ vì những điều nhiều khi vụn vặt, tầm thường…
Kể lại câu chuyện ngoại tình từ góc nhìn của người bị phản bội, truyện “Hương say” của tác giả Hồ Loan đem đến nhiều xót xa. “Nàng” và Hiền đều là những người đẹp. Họ đã từng được theo đuổi một cách si mê nhưng cuối cùng, vẫn bị đối phương “cắm sừng”. Hai người đàn bà, hai câu chuyện cay đắng. Trong toàn bộ truyện ngắn này, mùi hương giống như một “chỉ dấu”. Nó đã từng tượng trưng cho tình yêu say đắm, cho sự duy nhất và niềm tin về sự vĩnh viễn chỉ một mình em. Nhưng cũng chính mùi hương lại là lí do cho hai vụ ngoại tình: một của chồng Hiền, một của người yêu nàng. Dường như điều đó cũng là một ẩn ý về việc điều làm người ta yêu cũng có thể trở thành lý do để người ta phản bội, rằng chẳng có gì là mãi mãi hay vĩnh viễn. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Qua lời kể của nhân vật tôi, cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, bảo vệ biên giới Tổ quốc của người dân Tây Nguyên hiện lên đầy hào hùng. Nổi bật nhất là người anh hùng dân tộc Gia Rai tên là A Tin. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ông đã bắn hạ bốn xe tăng, bắn rơi hai máy bay cánh quạt, ba trực thăng và trở thành một huyền thoại của dân làng Gia Rai. Ngày hòa bình lập lại, người anh hùng A Tin lại trở về làng Lơ Bơ sống giản dị như một con người bình thường. Ông sống quãng đời còn lại trong không gian yên bình, quen thuộc trên mảnh đất cả đời mình đã gắn bó. Cái chết của ông cũng lặng lẽ như bao người dân Gia Rai khác nếu không có sự việc chính quyền muốn cải táng mộ ông về nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Thế nhưng khi anh hùng A Tin qua đời, theo phong tục bỏ mả của người Gia Rai, ông được chôn chung quan tài với hàng chục người khác khiến việc cải tang cho ông bất thành. Bên cạnh cuộc đời người anh hùng A Tin là sự gắn kết quân dân trong công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam chống lại các thế lực thù địch như lực lượng Fulro. Cuộc sống của người dân tộc Gia Rai vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng luôn một lòng tin tưởng vào Đảng, đùm bọc bộ đội góp phần bảo vệ biên giới. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn không gian văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống của đồng bào dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên. Vùng đất Tây Nguyên có vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ và yên bình, đời sống người dân giản dị mộc mạc mà cũng đầy tình cảm gắn kết yêu thương. Tác giả khai thác sâu lễ Pơ Thi- lễ bỏ mả của người dân tộc Gia Rai. Một lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Gia Rai. Khi còn sống người anh hùng A Tin sống bình dị với bà con dân làng Lơ Bơ. Khi mất ông cũng muốn gần gũi gắn kết cả thể xác và linh hồn với ông bà tổ tiên. Có lẽ đó mới chính là tâm nguyện của mỗi người dân Gia Rai khi nghĩ về sự sống và cái chết. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)