“Màu cô dâu”: Màu của hạnh phúc lứa đôi14/3/2024

Quý vị và các bạn thân mến, có một gia đình hạnh phúc là điều mà ai cũng mong muốn. Như thế nào là gia đình hạnh phúc cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Có người trọng vật chất nghĩ cứ giàu có dư dả là hạnh phúc, có người trọng tinh thần nghĩ sống yêu thương nhau là hạnh phúc. Với người phụ nữ khi lựa chọn cho mình được một tấm chồng tốt, yêu thương, biết chăm lo cho vợ con thì đó là điều hạnh phúc nhất. Thế nhưng ở nhiều vùng sâu, vùng xa đất nước ta, với phong tục tập quán từ xa xưa thì nhiều người phụ nữ trước khi lấy chồng còn không biết mặt chồng mình ra sao, tình tính anh ta thế nào. Việc hai người có hòa hợp hay không, chồng có yêu thương mình hay không thì họ đành gửi hy vọng vào may rủi. Cô gái người Dao tên Phụng trong truyện ngắn cũng là như vậy. Giống nhiều cô gái vùng cao khác, Phụng cũng được mai mối để lấy lập gia đình. Dù rất bất ngờ nhưng vì phong tục tập quán bao đời của tổ tiên, vì chiều lòng cha mẹ mà Phụng cũng đồng ý. Hai gia đình cũng gặp mặt nhau để thống nhất lễ cưới, cỗ bàn cũng được chuẩn bị chu đáo. Nhưng rồi gia đình Phụng biết việc chú rể Thịnh bị tật ở chân. Bố mẹ Phụng nổi giận muốn hủy đám cưới còn anh trai Đoàn cùng chị dâu có phần lý bênh họ nhà trai. Là người trong cuộc nhưng từ đầu đến cuối Phụng luôn bị động. Tâm trạng cô luôn lo lắng, phân vân, bất an không biết tương lai của mình và Thịnh sẽ ra sao. Nhưng khi biết anh bị tật ở chân, Phụng bỗng thấy trong lòng trào lên nỗi niềm thương cảm. Được sự vun vén, ủng hộ của anh trai và chị dâu, Phụng đã quyết định lên duyên chồng vợ với Thịnh. Câu chuyện nhiều cảm xúc của cô gái người Dao khi đứng trước sự kiện quan trọng của đời mình. Do chưa từng quen biết chú rể nên việc lấy chồng khiến Phụng quá bất ngờ, bối rối. Nghe theo lời khuyên của anh chị, hai người đã có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và cảm xúc trái tim mà Phụng đã hy vọng Thịnh sẽ là người chồng tốt của mình. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn những nét văn hóa độc đáo trong hôn nhân cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao đất nước. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Trăng lạnh”: Hơi ấm tình người

“Trăng lạnh”: Hơi ấm tình người 12/3/2024

Trong xã hội hiện đại, vấn đề bi kịch trẻ vị thành niên luôn là nỗi lo lắng, thậm chí ám ảnh không của riêng ai. Đề tài này trở thành đối tượng phản ánh, khai thác của nhiều nhà văn. Với giọng văn giàu chất trữ tình, truyện ngắn “Trăng lạnh” của tác giả Tạ Thị Thanh Hải đã mang đến cho người đọc nhiều xúc cảm. Có lẽ độc giả ấn tượng ngay từ nhan đề của truyện. Trăng lạnh hay đó chính là một nốt trầm trong bản hòa ca cuộc sống lao xao bộn bề, tác giả đã lựa chọn ngôi kể thứ nhất như hóa thân vào nhân vật, để nhân vật chính tự kể lại những gì mà mình đã trải qua, đan cài giữa tự sự và biểu cảm, để rồi mỗi chi tiết như gieo vào lòng độc giả nỗi niềm cảm thông xa xót. Cô bé là kết quả của tình yêu, đam mê và hiến dâng nhưng cô lại thấy mình chỉ như một hạt máu rơi, một hạt bụi vô duyên bám vào chiếc áo choàng xa hoa của đời mẹ. Và cô đã trở thành một quân cờ trong tay của người cha dượng mưu mô trong một nước cờ cao tay để cứu mẹ và dượng thoát khỏi vòng lao lý. Bi kịch bị đẩy lên cao trào đau đớn hơn khi cô bé vô tình trở thành nạn nhân trong cuộc trao đổi giữa cha dượng và cha đẻ của mình. Thật xót xa biết bao. Nhưng chính trong giây phút căng thẳng nhất ấy, tác giả đã tự giải nguy cho cô bé. Người đàn ông ở trong trạng thái say mềm bất lực vẫn còn một chút nhân tính nên đã để cho cô bé đi. Chi tiết nhỏ ấy đã trở thành điểm sáng của câu chuyện. Nỗi xót xa đắng đót của nhân vật chính đã được hóa giải. Hoàn cảnh và nỗi niềm của cô bé Nguyệt có lẽ ta dễ bắt gặp đâu đó ngoài đời. Thông qua nhân vật ấy, tác giả đã muốn gửi gắm đến người đọc thông điệp về lòng nhân ái và sự sẻ chia rằng, xin hãy đừng để đam mê lầm đường lạc lối hóa thành thù hận. Xin hãy lắng nghe lời tha thiết nguyện cầu của những trái tim trong trẻo, để cuộc đời này bớt đi những bi kịch oan khiên…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Trên đỉnh giời": Ranh giới giữa bản năng và nhân tính 11/3/2024

Những trang đầu nhà văn đặc tả bối cảnh cuộc sống của một gia đình miền núi trên đỉnh trời chỉ có mây và núi, thực sự cách biệt, cô lập và buồn tẻ. Để lý giải vì sao khi người mẹ mất đi, cuộc sống của những đứa trẻ trở nên bị đe dọa, cư xử của người cha trở nên cùng quẫn đến vậy. Không vòng vo, nương nhẹ, ngay đầu truyện nhà văn đi thẳng vào chiếc giường, chú tâm miêu tả sự sắp xếp, trình tự vị trí chỗ nằm của từng người trong gia đình. Chỉ có một nhà văn giàu trải nghiệm, sắc sảo, thậm chí là đáo để mới đi thẳng vào góc khuất sâu thẳm, không nề hà ngại ngùng. Những đối thoại của người cha với người bà đã cho thấy tất cả và từ đó soi chiếu được tất cả những tăm tối trái ngang. Đó là tệ nạn rượu chè, vấn nạn quan hệ cận huyết do điều kiện sống, do lối sống bản năng, do sự kém hiểu biết, lạc hậu. Không khai thác cuộc sống nghèo đói, nhưng người đọc thừa sức hình dung. Điều mà nữ nhà văn chạm tới là đời sống tinh thần khi mà tất cả ngủ trên một cái giường, cuộc sống thiếu tiện nghi, sự tăm tối thiếu ánh sáng văn minh, không giao lưu với bên ngoài khiến con người ta trở nên quẩn quanh, bế tắc, dễ làm càn. Thói quen sống cam chịu khiến họ là nạn nhân của chính họ. Nhà văn Y Ban chính là người phát hiện và là người cảnh tỉnh, rung hồi chuông báo động. Phải thương lắm nhà văn mới viết dữ dằn thế. Nhiều chi tiết đọc lên thấy gai người và đầy ám ảnh: “Cả đêm nó thức để canh bố, để bảo vệ em gái và chính mình”. Ranh giới của bản năng và nhân tính, giữa sự u tối và tội ác thật mong manh, thật đáng sợ khi con người sống không có ý chí và hiểu biết. Cái kết lửng càng có sức lay động. Nhân vật “nó” thật đáng thương. Rồi ra số phận mẹ con nó thế nào, có bao phụ nữ vùng cao như nó đang phải sống như thế vẫn là những dấu hỏi lớn. Dẫu sao vẫn có ánh sáng niềm tin. Lớp trẻ lớn lên ở vùng cao có nhận thức hiểu biết hơn, sẽ vượt thoát, sẽ không chấp nhận cuộc sống u tối. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

"Ông lão vẽ tranh": Nghệ thuật vị nhân sinh 4/3/2024

Nhân vật chính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe không có tên cụ thể, nhà văn chỉ gọi là ông lão vẽ tranh. Sau hơn 60 năm lưu lạc, ông tìm về quê ngoại của mình để sống những năm tháng cuối đời. Hàng ngày, ông vẽ tranh truyền thần hoặc vẽ theo yêu cầu cho các khách gần xa mà không đòi hỏi công xá, ai muốn đưa bao nhiêu cũng được. Ông đều vui vẻ và luôn vẽ bằng cả tấm lòng của mình. Có thể nói, ông lão vô danh ấy là một nghệ sĩ đích thực, mỗi bức tranh của ông mang lại sự xúc động cho người xem và thu phục cả nhân tâm con người. Cho đến một ngày không nhận vẽ truyền thần nữa, dường như ông lão bước vào một giai đoạn thật đặc biệt, đó là vẽ như trả món nợ ân tình với quê hương, vẽ như để tổng kết cuộc đời của mình. Ông vẽ mải miết như quên hết thời gian. Cho đến bức vẽ cuối cùng, ông dồn hết tâm lực để vẽ một bãi cỏ mùa xuân với cô gái nhỏ hàng ngày giúp việc cho ông, bé Hồng. Chính bức tranh ấy đã biến Hồng, vốn được giới thiệu trong phần đầu truyện là một đứa bé câm và dở người, đã thốt lên nghẹn ngào tiếng nói đầu tiên trong cuộc đời của mình. Qua hình tượng ông lão vẽ tranh, nhà văn đã gửi tới người đọc, người nghe những thông điệp thật sâu sắc. Thứ nhất, người nghệ sĩ không thể sáng tạo nếu thiếu đi quê hương và nguồn cội. Thứ hai, nghệ thuật đích thực phải mang đến những giá trị tích cực cho đời sống con người, khiến con người trở nên tốt đẹp hơn. Đó chính là tinh thần nghệ thuật vị nhân sinh. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

"Tiếng thét ngàn năm": Bài học về sự đoàn kết, trọng dụng người tài 1/3/2024

Trần Khát Chân là vị tướng Anh hùng chống ngoại xâm kiệt xuất nhất cuối triều Trần. Trong lịch sử các triều đại phong kiến chống ngoại xâm của Đại Việt từng xuất hiện nhiều vị tướng tài năng, dũng khí can trường nhưng một vị Tổng tư lệnh chiến trường mới 20 tuổi, lại xuất thân từ một Thái học sinh ( tức Tiến sĩ) như Trần Khát Chân thì chỉ có một. Năm 1390, Ngài đã chỉ huy quân Long Tiệp nhà Trần đánh tan cánh quân xâm lược của vua Chiêm Chế Bồng Nga, kẻ đang ngự giá thân chinh tiến chiếm Thăng Long lần thứ tư trên sông Hải Triều. Sau công huân rỡ ràng đó, Ngài được thăng chức Thượng tướng quân. Năm 1399, trước họa cướp ngôi nhà Trần của Hồ Quý Ly, vị Thượng tướng quân lỗi lạc ấy, chỉ vì một giây lát chần chừ mà bị Hồ Quý Ly sát hại cùng với 370 vị tướng và thân vương nhà Trần. Sử sách đã bàn khá nhiều về cái giây lát mất còn ấy. Truyện ngắn Tiếng thét ngàn năm không đi sâu vào khoảnh khắc bi thương ấy mà tập trung khắc họa cuộc đời nhân vật Trần Khát Chân, qua đó nhà văn Lê Ngọc Minh bày tỏ một lời bàn cảm thương và day dứt. Lịch sử đã chứng minh, trước họa xâm lăng, kẻ cường quyền nào không biết cố kết sức mạnh dân tộc thành một khối vững chắc, lại đi hãm hại hiền tài thì sớm muộn gì cũng thảm bại, đất nước và nhân dân bị lầm than vong quốc như Nguyễn Trãi đã viết trong Cáo bình Ngô “... Vừa rồi nhân họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận/ Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa…”. Ngoài ra, theo chúng tôi còn một thông điệp nữa làm nên sức nặng cho truyện ngắn, đó là việc trọng dụng người tài. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông với con mắt tinh đời và tấm lòng rộng lượng đã nhìn ra người tài mà ở đây còn rất trẻ, “tài không đợi tuổi”. Trước tình thế nguy kịch “ngàn cân treo sợi tóc” khi đại quân địch do Chế Bồng Nga ngự giá thân chinh đã sắp tiến vào Thăng Long, Nghệ hoàng đã có một nước đi sáng suốt. Ngài không giấu diếm việc sức khỏe mình yếu sợ không địch nổi tài thao lược của Chế Bồng Nga, không ngại việc lời ra tiếng vào, không sợ đặt cuộc số phận chính trị của mình vào trò may rủi để cất nhắc Trần Khát Chân-một viên Đô tướng trẻ mới mười chín tuổi lên làm Tổng chỉ huy quân đội thống lĩnh đại quân đi chinh phạt Chế Bồng Nga. Một truyện ngắn hấp dẫn, tiết tấu nhanh qua những câu văn ngắn và giọng kể đầy cảm thương của nhà văn./.

“Sự tích câu ca dao”: Câu chuyện về Mỵ Châu-Trọng Thủy

“Sự tích câu ca dao”: Câu chuyện về Mỵ Châu-Trọng Thủy 27/2/2024

Quý vị và các bạn thân mến, nếu truyện ngắn “Sự tích câu ca dao” nhà văn Đỗ Hàn lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Mỵ Châu- Trọng Thủy” thì truyện ngắn “Bức huyết thư” ông lại phóng bút sáng tác phần “Hậu Truyện Kiều”. Đây đều là hai tác phẩm văn học nổi tiếng và in đậm trong tâm trí của người dân Việt Nam. Hai truyện ngắn có không gian, thời gian, nội dung khác nhau nhưng có một điểm chung là số phận bi thảm của người phụ nữ. Mỵ Châu vì ngây thơ tin tưởng Trọng Thủy mà trở thành tội đồ làm nước mất, nhà tan. Mỵ Châu có lẽ đáng thương hơn là đáng trách. Thúy Kiều tuy đã tái hợp cùng Kim Trọng, Kiều về ở cùng Kim Trọng nhưng nàng cũng sống không hạnh phúc. Kim Trọng bận rộn công việc, không quan tâm khiến Thúy Kiều cô đơn. Cuối cùng nàng hiểu ra chỉ có Từ Hải mới là người yêu mình nhất, trân trọng mình nhất. Kiều chọn cái chết để giải thoát cho cuộc đời duyên phận dở dang của mình. Dựa trên truyền thuyết “Mỵ Châu- Trọng Thủy”và truyện thơ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, nhà văn Đỗ Hàn đã sáng tác nên hai truyện ngắn sinh động, giầu sức sáng tạo, ẩn chứa nhân sinh vui buồn của con người. Khai thác nguồn chất liệu văn học dân gian để có những tác phẩm nghệ thuật nói về vấn đề ngày nay hay những bài học đạo đức, về triêt lý nhân sinh đời người là một một cách là tốt để góp phần giúp người đọc, người nghe hiểu hơn lịch sử dân tộc cũng như những góc nhìn khác nhau về văn học, văn hóa dân gian Việt Nam.

“Phía khuất”: Sự hy sinh thầm lặng

“Phía khuất”: Sự hy sinh thầm lặng 16/2/2024

Truyện ngắn “Phía khuất” của Bùi Tuấn Minh với cốt truyện khá hấp dẫn, không nói nhiều về những hoạt động nghiệp vụ mà đi sâu vào khai thác con người cảnh vệ, con người đời thường với tất cả những lo toan, suy nghĩ. Đây là truyện ngắn đã chạm đến đề tài về người cảnh vệ cũng như lực lượng công an nhân dân gắn với những phương diện mới mẻ, khá bí ẩn, nhiều tình tiết hấp dẫn, ly kỳ ở đằng sau đó. Đó chính là yếu tố tham dự vào tác phẩm văn học của các tác giả viết về ngành công an mà trong đó Bùi Tuấn Minh là gương mặt mới đầy triển vọng. Với lối viết đầy nội lực và giàu sự trải nghiệm, truyện ngắn “Phía khuất” tuy viết về lực lượng công an nhân dân nhưng không hề khô khan, cốt truyện dày, chặt chẽ, lắt léo, biến tấu linh hoạt, gây được sự bất ngờ. Điều khiến tác phẩm để lại dấu ấn là văn phong tự nhiên cuốn hút, không sa vào lối tuyên truyền để mất đi nét đẹp của văn chương. Sau thành công của tác phẩm này, chúng ta chờ đợi những tác phẩm mới của anh, dẫu biết con đường văn chương chưa khi nào là dễ dàng cả, nó luôn chứa đựng những nhọc nhằn, nghiệt ngã. Nhưng chúng ta tin với sự nhập cuộc đầy tự tin, với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ công an nhân dân, với sự tâm huyết và niềm đam mê cháy bỏng của cây bút thế hệ 8X sẽ giúp anh sớm gặt hái được những “trái ngọt” và khẳng định được chỗ đứng trong văn đàn của lực lượng. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Ngủ giữa khói hương bài”: Điểm tựa ký ức

“Ngủ giữa khói hương bài”: Điểm tựa ký ức 16/2/2024

Với giọng văn trữ tình, thiết tha trìu mến, tác giả đưa chúng ta trở về không gian làng quê Bắc bộ yên bình-nơi có dòng sông Sò và những bụi hương bài mọc bên bờ sông. Dư-một chàng trai mới lớn, nhân vật chính trong truyện ngắn “Ngủ giữa khói hương bài” lớn lên trong không gian làng quê thoang thoảng mùi hương bài, bên dòng sông tuổi thơ cùng những bữa cơm bà nội nấu và được bồi đắp tâm hồn qua những câu chuyện cổ tích bà kể, làn điệu chèo bà hát. Có thể nói “Da thịt Dư tỏa ra mùi của hương bài, của đất, của gió, của dòng sông, của quê hương”. Thế nhưng cuộc đời Dư lại lận đận. Thi trượt đại học, định học cao đẳng cũng không xong. Đi học nghề mộc thì bỏ dở giữa chừng vì thất tình. Đi làm phụ hồ thì không chuyên tâm. Trong một lần trèo lên giàn giáo để trát vữa, cậu không may bị ngã xuống đống gạch ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, Dư thấy mình đang nằm giữa những bụi hương bài mọc bên sông Sò. Chính làn hương bài đang lan tỏa trong không gian đã đưa Dư vào thế giới mộng tưởng hư hư thực thực để gặp lại bà nội và anh Đủ. Bà nội và anh Đủ đã giúp Dư sống lại ký ức tuổi thơ đẹp đẽ gắn bó với làng, với dòng sông Sò. Dư như được sống lại những năm tháng đẹp đẽ, đầm ấm, hạnh phúc bên bà nội. Nơi đó, ký ức tuổi thơ của Dư đủ đầy với những bữa cơm bà nấu, tâm hồn tắm mát ánh trăng rằm, neo đậu bến sông quê; Dư được gặp lại những người thân trong gia đình đã lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc…Có lẽ, ký ức là điểm tựa để Dư hóa giải những va vấp, mất mát đầu đời; đánh thức trong cậu ý thức trách nhiệm là một chàng trai trụ cột gia đình. Chúng ta không thể trở về nhưng có thể nâng niu, lưu giữ quá khứ, như một phương cách hữu hiệu chữa lành sự nông nổi, nhạt nhòa của hiện tại. Dẫu tác giả không lý giải hành trình cuộc đời phía trước của Dư sẽ đi đến đâu, nhưng người đọc người nghe tin rằng Dư sẽ trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và tự tin, quyết đoán hơn. Bởi cậu được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình, trong mạch nguồn quê hương xứ sở và sự trường tồn của văn hóa làng. (Lời bình của Vũ Hà)

"Mùi Tết': Lưu giữ hồn Việt 12/2/2024

Mở đầu truyện ngắn Mùi Tết, nhà văn Quế Hương đã tái hiện không khí chuẩn bị Tết của cộng đồng người Việt ở Úc, những cành mai giả, đào giả, chợ tràn ngập bánh chưng, bánh tét, mứt, lì xì, chiếc áo tứ thân... Cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên khiến sự hiện diện của nhân vật ông già và khu vườn trở nên thật gần gũi. Những đặc sản của xứ Huế đều có trong ngôi nhà vườn của ông lão. Từ thứ cỏ Thạch Xương Bồ, cây vả, cây xoài, cây mít, mãng cầu, măng cụt đến thứ sen Tịnh Đế, bánh tráng, bát canh tập tàng . Ông lão yêu quê nhớ quê đã mang cả cái vườn Huế qua Úc, bước vào vườn của ông, cảm nhận như đã được trở về nhà, về Việt Nam vậy. Những chi tiết ông già nâng niu từng hạt giống, tìm cách mang sang Úc gieo trồng, đủ thấy người đàn ông đó yêu thiên nhiên, nhớ quê hương xứ sở đến thế nào. Hương vị quê hương, hương vị Tết còn thể hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt, giọng điệu, từ ngữ địa phương rất đặc trưng của xứ Huế, ở tình đồng hương ấm nồng, ở trong câu chuyện, những đối thoại giữa ông lão và cô gái trẻ , ở trong những nghĩ suy của họ về Tết. Một yếu tố nữa làm nên hương vị Tết hương vị mùa Xuân chính là không gian đẫm cây cỏ, thiên nhiên. Cảm ơn nhà văn Quế Hương đã mang đến một câu chuyện ấm áp và giúp chúng ta hiểu ra một điều Tết Nguyên Đán cổ truyền chính là văn hóa tinh thần có trong tâm thức mỗi người con đất Việt. Dù đi đâu, ở đâu người Việt vẫn có Tết. Đó cũng là cách để những người con xa xứ lưu giữ hồn Việt, bày tỏ nỗi nhớ, tình yêu quê hương đất nước của mình. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

“Ngọt như gió Tết”: Tìm về yêu thương

“Ngọt như gió Tết”: Tìm về yêu thương 2/2/2024

Phù sa châu thổ miệt chín nhánh sông ám gợi bao trùm câu chuyện, vẽ lên thân phận nhân vật và lắng xuống thành nỗi niềm buồn thương da diết. Tuy vậy không hề bi lụy hoặc nặng nề mà ở đó, phía sau những thắt thẻo ruột gan, người đọc người nghe luôn thấy thứ ánh sáng ấm áp tình người và một năng lượng sống tích cực được truyền tải mạnh mẽ trong câu chữ. Trong truyện ngắn “Ngọt như gió Tết”, Tống Phước Bảo khéo léo đem bản vọng cổ với hành trình của một anh nghệ sĩ từ con sông Cố Giang lan xa đến tận nước ngoài. Cả một vùng sông nước Cửu Long hiện lên bàn bạc qua lời kể của đứa cháu. Góc nhìn của người trẻ hiện nay với những thế hệ đi trước thông qua cuộc sống, cách sống và lựa chọn hạnh phúc của cuộc đời. Chuyện của ngoại, chuyện của cậu, chuyện của dì hay của ba má được nhân vật thể hiện thông qua những sự phân tích tâm lý cực kì dạt dào cảm xúc. Chuyện cũ nhưng luôn đong đầy trong tâm thức người trẻ một nỗi thao thiết giữa thời đại. Hạnh phúc là gì khi chúng ta lớn lên và rời xa nguồn cội của chính mình? Đi là để trở về, là để thấu hiểu và thêm thương cho những mùa sum vầy thiếu vắng. Chọn thời điểm là Tết để kể một câu chuyện gia đình, nhưng lồng vào đó là một thông điệp về sự đoàn viên như một truyền thống của dân tộc mỗi độ xuân về năm hết. Lấy câu vọng cổ để nhắc nhớ những đứa con Việt dù đi bất cứ nơi nào chỉ cần nằm nghe câu xề rớt xuống là lòng dạ chợt bời bời nhớ quê. Còn nhớ quê hương nguồn cội có nghĩa là trái tim mình vẫn còn nhịp đập cho ngày về. Về để thấy nơi nào cũng chỉ là để ở, chỉ có quê là nơi phải về. Cái tinh tế của Tống Phước Bảo là giọng văn mượt mà như một dòng sông uốn lượn men theo kí ức vỗ lòng người đọc, người nghe. Cứ vậy mà câu chữ của Tống Phước Bảo dẫn dắt chúng ta lang thang từ kí ức đến hiện tại. Câu vọng cổ nối liền hai miền thời gian và rơi đúng mùa Tết. Kết truyện bằng một câu vọng cổ, hệt như người nghệ sĩ xuống xề và người nghe vỗ tay rần rần bên dưới. Hẳn là người đọc, người nghe thưởng thức xong truyện chợt mỉm cười bởi Tết đã nở trong lòng mình tự bao giờ….(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Thiền sư và kiếm khách": Cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác 2/2/2024

Toàn bộ nội truyện ngắn chúng ta vừa nghe xoay quanh hai nhân vật chính: thiền sư và kiếm khách. Theo mạch kể của tác giả, hai nhân vật gần như cùng xuất hiện và tham dự vào tất cả các diễn biến của truyện cho đến khi dòng cuối cùng khép lại. Kịch tính của truyện mở ra ngay từ phần đầu tác phẩm khi kiếm khách bị truy sát, trên người đầy vết thương, được thiền sư hết lòng giúp đỡ. Kịch tính tiếp tục được nhân lên khi cuộc truy sát chưa dừng lại, đám thổ phỉ tìm đến tận chủa để lùng bắt kiếm khách và sát thương thiền sư. Lần này thiền sư lại được kiếm khách giúp đỡ, chăm sóc các vết thương. Thiền sư và kiếm khách vốn là hai nhân vật ở hai thái cực khác hẳn nhau. Thiền sư thì khiêm nhường, tĩnh lặng, giàu lòng yêu thương. Kiếm khách thì lạnh lùng kiêu bạc, thậm chí là hiếu sát, ban đầu tuy được giúp đỡ mà vẫn buông những lời đe dọa thiền sư. Nhưng cùng với diễn biến câu chuyện, thiền sư và kiếm khách đã đối thoại được với nhau nhiều hơn và kiếm khách đồng ý nghe theo những sắp đặt của thiền sư. Có những lúc, tưởng như kiếm khách đã phần nào được thiền sư cảm hóa. Cao trào của truyện được đẩy tới đỉnh điểm trong phần cuối, khi thiền sư tự sát bằng lưỡi kiếm của kiếm khách để chứng minh sự trong sạch của mình. Cho đến trước khi cái chết của thiền sư xảy đến, bản chất giang hồ trong kiếm khách vẫn là rất lớn, và gã không dứt được mối nghi ngờ ngay với chính ân nhân của mình. Chỉ đến khi thiền sư không còn nữa thì kiếm khách mới được cảm hóa tuyệt đối. Từ nay, kiếm khách rũ bỏ hẳn con người đã qua của mình để trở thành một thiền sư. Truyện ngắn đã đưa ra một thông điệp sâu sắc về cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa cái thiện và cái ác. Thiền sư kiên quyết không đi theo kiếm khách dù có phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Cái thiện chấp nhận hy sinh để cảm hóa và đẩy lùi cái ác, mang đến một niềm tin bất diệt về lẽ phải, về sự từ bi và lòng nhân ái trong cuộc đời.

“Mùa hè xa lạ”: Sự phi lí của cái chết

“Mùa hè xa lạ”: Sự phi lí của cái chết 30/1/2024

Truyện ngắn Mùa hè xa lạ viết vắn gọn, cô đọng, tình huống truyện được đẩy lên cao trào để nhân vật tự bộc lộ tính cách và qua đó mâu thuẫn được giải quyết. Một cô gái trẻ người thành phố bơi ra biển với ý định tự tử. Nhưng không giống như thông thường khi bắt gặp người có ý định tự tử thì người cứu sẽ khuyên can, ngăn cản trái lại anh chàng Shinichi- một người dân địa phương lại mặc kệ và không có ý định ngăn cản cô gái. Anh bình tĩnh, chậm rãi kể câu chuyện về cuộc đời cha anh, một ngư phủ vì không còn sức khỏe để ra khơi đánh cá, ông đã buộc lao vào người, rồi nhảy xuống biển khơi tự trầm mình. Ông chết vì lòng tự trọng, vì tâm niệm cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ta không thể lao động. Sau khi nghe câu chuyện, cô gái trẻ đã tự động bơi lại vào bờ. Cô đã nhận ra đâu là lòng dũng cảm thực sự và ý nghĩa của lao động. Qua nhân vật Shinichi, tác giả cũng bày tỏ sự cô đơn, lạc lõng của con người. Với Shinichi anh cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay chính thị trấn ven biển nơi mình sinh ra và lớn lên. “Để tránh ánh mắt người lạ mà lén lút bơi như thế này khiến Shinichi có cảm giác như mình đang lẻn vào vườn nhà của người ta”. Anh không còn thuộc về nơi này nữa, khi mà cái sự ồn áo náo động đã làm mất đi sự yên tĩnh, êm đềm vốn có. Cuối cùng, “anh chỉ nhìn thấy một mùa hè xa lạ”. (Lời bình của BTV Vũ Hà)

"Vợ dại”: Khi lấy phải vợ đoảng 26/1/2024

Quý vị và các bạn thân mến, một gia đình hạnh phúc không thể thiếu đôi bàn tay đảm đang của người vợ. Có nhiều câu tục ngữ nói về vai trò của người vợ trong gia đình như “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” hay “của chồng, công vợ”, “giầu vị bạn sang vì vợ”….Người chồng sẽ cảm thấy thật tự hào khi lấy được một người vợ giỏi việc nước lại đảm việc nhà, dạy dỗ con cái nên người, chăm ngoan học giỏi. Nhưng trong cuộc sống không phải ai cũng gặp điều may mắn như vậy. Nhân vật danh xưng là hắn trong truyện là người chồng có người vợ dại. Từ những công việc được cho là sở trường, là điểm mạnh của người phụ nữ trong gia đình như mua bán, nấu nướng tới cách ứng xử trong công việc hàng ngày thì vợ hắn rất kém hay chúng ta gọi là đoảng. Những lần xử lý vô duyên của vợ khiến hắn dở khóc, dở cười thậm chí phải nén giận. Chỉ đến lúc hắn bỏ đi công tác xa nhà một thời gian rồi quay về mới giật mình trước thay đổi của vợ. Cờ đến tay ai người đấy phất. Được mẹ chồng bắt ra chợ để buôn bán, cô vợ dại cũng học được nhiều điều và buôn bán không kém ai. Với giọng văn hóm hỉnh pha chút tự giễu, truyện ngắn thể hiện cuộc sống hôn nhân quen thuộc nhưng cũng rất sắc sảo. Những việc lông gà vỏ tỏi như mua mớ rau con cá, nấu cơm, chăm con, việc buôn bán kiếm sống mà chúng ta ai cũng trải qua khiến người đọc, người nghe thấy một phần hình ảnh của mình trong đó. Đó đều là việc rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày nhưng nếu không xử lý tốt có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Người chồng luôn chê vợ mình dại, đoảng vị làm việc gì cũng không vừa ý anh. Nhưng khi được bà mẹ chồng bắt phải đi bán hàng thì cô vợ đã biết phát huy nhiều ưu điểm của mình. Người vợ không khôn khéo nhưng được cái chăm chỉ, thật thà. Ai cũng có ưu khuyết điểm riêng, trong vô số khuyết điểm chúng ta vẫn có thể bắt gặp những điểm sáng bất ngờ. Biết giảm bớt khuyết điểm, trân trọng và phát huy những ưu điểm của nhau là điều giúp vợ chồng hòa thuận, tốt đẹp hơn trong cuộc sống hôn nhân. “Vợ dại” hay “vợ khôn” đôi khi lại phụ thuộc vào cảm nhận và cũng xử lý của người chống đấy quý vị và các bạn ạ! (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Trôi trong suối lạnh”: Sự thức tỉnh đúng đắn 24/1/2024

Câu chuyện xoay quanh mối tình âm thầm, sục sôi, đau khổ và tan nát của Khai Dèn, một chàng trai bản, dành cho Cà Xé, - một cô gái núi đã nhuốm màu phố thị... Ngày trước, nhà Khai Dèn với nhà Cà Xé chỉ cách nhau một khe suối và quả đồi bằng. Lúc nhỏ, hai đứa và bọn trẻ trong bản thường chơi chung với nhau. Hè đến lũ trẻ rủ nhau tắm suối, té nước, nô đùa chí chát vang khắp núi đồi. Bố Khai Dèn và bố Cà Xé từng là đôi bạn rất thân, họ cùng đi buôn bán đường xa. Nhưng rồi bố Khai Dèn mất sau một vụ tai nạn, và số phận của hai gia đình cùng những đứa trẻ từ đó thật khác nhau. Nếu như Khai Dèn phải nghỉ học để cáng đáng mọi việc trong gia đình thì Cà Xé ngày càng được cưng chiều vì gia đình khá giả, cô lại xinh đẹp, khéo léo, múa giỏi. Cà Xé xuống huyện học thì càng trở nên xa xôi với Khai Dèn. Vẫn biết mình và Cà Xé như hai dòng suối nhỏ khó lòng gặp nhau, nhưng Khai Dèn vẫn muốn lại gần, vẫn âm thầm hi vọng, bởi chả điều gì ngăn được trái tim yêu của một chàng trai trẻ. Nhưng rồi, cái đêm dân bản tiễn đoàn làm phim, cũng chính là cái đêm Khai Dèn nhận ra trái tim mình đã trao gửi nhầm chỗ, Cà Xé có lối sống khác xa với những cô gái núi, khác xa với những gì Khai Dèn vẫn tự thêu dệt, huyễn tưởng trong tâm trí. Hành động Khai Dèn vứt chiếc bút Cà Xé tặng, thả nốt cả cái khăn mùi soa định tặng cô như một sự thức tỉnh, sự dứt khoát từ bỏ một mối tình đơn phương, cũng là từ bỏ thứ không phù hợp với mình. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở chuyện tình của một đôi trai gái, nó còn truyền tải thông điệp về giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống của một bộ phận thanh niên miền núi trong bối cảnh hòa nhập đời sống hiện đại và giao thoa văn hóa giữa các vùng miền hiện nay. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Bài hát hôn lễ”: Câu chuyện về thân phận tình yêu, thân phận con người 18/1/2024

Truyện ngắn “Bài hát hôn lễ” mở đầu với tâm sự và lời kể về tiếng sáo mê hoặc của lão Platko. Ông là người cha luôn mang trong mình nỗi đau lỡ dở hôn nhân của người con gái mà chính ông là người đã gián tiếp dự phần. Đến kết truyện, nhà văn mới miêu tả thật ngắn gọn mà sinh động bản nhạc hôn lễ phát ra từ cây sáo trúc của lão Platko. Ở đầu truyện, người cha đầy ẩn ức này không chơi bản nhạc hôn lễ theo yêu cầu của những người thợ cắt cỏ nhưng đến cuối truyện, tiếng sáo của ông vang lên theo nhịp điệu tươi vui, hi vọng trong tâm tư. Người con gái khốn khổ của ông sẽ được hạnh phúc, dù muộn màng và đã qua biết bao bầm dập, đau khổ. Cấu trúc hình ảnh lặp lại ở đầu và cuối truyện đọng lại dư vị. Nhà văn Roman Ivanytchouk vẫn thể hiện được phong độ qua văn phong kể chuyện liền mạch, hấp dẫn. Truyện ngắn này của ông vẫn như một dòng chảy âm thầm, xuyên suốt, thấm thía về lẽ đời. (Lời bình của BTV Võ Hà)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ