"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 26): Tìm lại người xưa17/4/2024

Qua lời kể của người anh trai, nhân vật Sơn đã hiểu rõ ngọn nguồn mối bất hòa giữa gia đình anh và gia đình Diễm. Sơn cũng sững sờ và xót xa trước nỗi đau khó tỏ bày của anh Hai Viên. Thực sự chiến tranh đã gây mất mát quá nhiều: tổn thương thể xác, tinh thần và hơn cả là nỗi đau của người bị tước mất bản năng đàn ông và quyền làm cha. Cũng trong cuộc trò chuyện riêng tư với người em trai, Hai Viên khuyên Sơn nên cưới Tươi, người vợ góa của anh Bồng, giờ đây là con nuôi của bác Chín Cư, người đang là thủ trưởng của anh. Nếu lấy Tươi, Sơn sẽ có chỗ dựa, có tương lai. Nhưng trái tim anh vẫn còn day dứt mối tình của Diễm. Chính vì vậy, Sơn đã quyết định tìm gặp cô lần cuối. Trên chuyến tìm gặp Diễm, vừa xuống ga Thủ Biên, Sơn tình cờ gặp lại Trang, bạn gái Tâm - anh trai Diễm vốn là thiếu úy Cộng hòa đã phát tang trước ngày đất nước thống nhất. Qua bao sóng gió cuộc đời, Trang giờ đây phải làm gái đứng đường. Nhưng gặp lại Sơn, cô được trở lại là chính mình, hồn nhiên, trong sáng. Việc hai người bạn khác giới cùng trú một phòng khách sạn đã bị bảo vệ báo công an. Không ai tin lời giải thích của họ. Nhưng chính lúc ấy, một người bạn ngỗ ngược một thời của Sơn và Trang đã xuất hiện và cứu nguy kịp thời. Qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 25): Xô dạt giữa dòng đời 17/4/2024

Chiến tranh kéo theo nhiều biến động thay đổi cuộc đời và lý tưởng của các nhân vật chính trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Trong buổi đọc chuyện hôm qua, chúng ta đã được dõi theo bước chân của nhân vật Hoàng, chàng thi sĩ văn khoa đầy mơ mộng ngày nào. Sau ngày đất nước thống nhất, anh đã rẽ ngang sang sư phạm và trở thành một thầy giáo cấp hai ở Long Khánh. Hoàng tình cờ gặp lại Diễm khi cô đang cùng mẹ và vợ chồng ông Danh tới cư ngụ tại đây. Nhưng câu chuyện giữa hai người bạn cũ chẳng chút mặn mà. Cả hai giờ đây mang tâm trạng khác nhau. Hoàng vẫn còn chút tâm hồn thi sĩ một thời, còn Diễm, xô dạt giữa dòng đời, cô chẳng còn chút mộng mơ nào để tiếp tục hàn huyên với người bạn cũ. Về phần Sơn, về nước, anh được bố trí làm chuyên viên ở một Bộ quan trọng. Sơn xin nghỉ hai tuần về thăm quê trước khi nhận nhiệm sở. Gặp lại mẹ và những người láng giềng thân thiết, nghe kể chuyện xóm làng, anh không khỏi ngậm ngùi. Ngay trong gia đình Sơn cũng xáo động vì mối quan hệ sứt mẻ với gia đình ông Tư Duy, vì phong trào hợp tác xã nông nghiệp. Bây giờ, qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một

“Rượu mê”: Tìm về nơi hạnh phúc

“Rượu mê”: Tìm về nơi hạnh phúc 16/4/2024

Quý vị và các bạn thân mến, với ngôn ngữ giàu tính tạo hình truyện ngắn đưa người đọc, người nghe tới không gian văn hóa các dân tộc thiểu số nước ta. Truyện ngắn xoay quanh cuộc đời của cô gái trẻ tên là Dơ khi cô gặp việc vui, buồn trong hôn nhân. Dơ lấy chàng trai Pó đẹp trai, cao to nhưng khả năng đàn ông lại yếu kém nên mãi mà Dơ không có con. Nghe lời mẹ chỉ bảo, Dơ lặn lội vượt đèo, vượt núi đi tìm thuốc của lão Kía ở Bôm Lầu. Rượu thuốc hiệu nghiệm, Dơ hưởng niềm hạnh phúc vợ chồng và cô cũng mang bầu. Nhưng Pó lại quan hệ với một cô gái khác. Khi biết chuyện, Dơ muốn giết chết tình địch để giành lại chồng. Nhưng rồi cảm thương cho đứa bé trong bụng cô gái, Dơ đành chịu nỗi đau của mình. Cuối cùng Dơ tìm đến lão Kía và hai con người cô đơn nương tựa vào nhau cho một cuộc sống mới. Qua những trang viết mộc mạc mà sinh động, người đọc người nghe cảm nhận được cuộc sống văn hóa, tình cảm của con người vùng cao. Đan xem với những câu văn chau chuốt, giàu hình ảnh là tình cảm nội tâm của nhân vật cô gái Dơ. Cô hạnh phúc khi được làm vợ một chàng trai trẻ đẹp, thất vọng ngượng ngùng khi chồng không có khả năng đàn ông, vui mừng khi có bầu, căm hận, giận dữ khi chồng phản bội mình, kiên cường đi tìm hạnh phúc tương lai. Phải nói rằng trong một khoảng thời gian ngắn mà Dơ đã trải qua biết bao cung bậc tình cảm vui buồn khác nhau của cuộc đời. Rượu thuốc chữa bệnh cũng là thứ rượu mê khiến Pó lầm đường lạc lối. Nhưng rươu mê cũng đưa hương dẫn Dơ đến nhà lão Kía. Chi tiết Dơ không trả thù cô gái đã cướp chồng mình thể hiện tấm lòng bao dung của người phụ nữ. Nhìn đứa bé trong bụng cô gái có lẽ Dơ cũng đồng cảm thân phận một người phụ nữ được làm mẹ. Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận lợi, biết vươn lên đi tìm hạnh phúc hay chìm đắm trong nỗi đau khổ chính là lựa chọn của mỗi người.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 24): Cuộc đời mới 16/4/2024

Trong khi Sơn chuẩn bị khăn gói lên đường đi học thì gia đình Diễm được đón vào đất liền. Sau 3 tháng sống trên đảo hoang, nhiều người đã phải bỏ mạng. Quân giải phóng đã đưa họ trở về đất liền. Ông Duy-bố Diễm phải đi cải tạo. Mẹ con cô trở về Thủ Biên nhưng căn nhà của họ đã thành nhà công vụ. Mẹ con Diễm tìm đến nhà ông Doanh và được biết Thành chở các cố vấn Mỹ đi trong đêm trước khi quân Giải phóng chiếm được Xuân Lộc. Bà Thu còn một ít tiền đón xe ra Phan Thiết để gặp chồng nhưng khi đến nơi, bà nhận được câu trả lời của cán bộ là ông Duy đã được đưa ra Bắc để cải tạo. Gia đình ông Danh cũng bị tịch thu hết tài sản. Họ phải về quê sinh sống. Mẹ con Diễm cũng không có nhà cửa nữa, đành phải về quê. Cô mở một quán cà phê nhỏ để buôn bán sống qua ngày và chờ đợi ngày cha cô trở về. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tác phẩm vinh dự được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 23): Giải phóng Sài Gòn 15/4/2024

Ngày hôm sau ông Duy chở cả nhà đi về hướng Vũng Tàu. Cả gia đình lên một tàu đánh cá của ngư dân chở thuê người tị nạn ra tàu Hải quân cách bờ biển hơn chục hải lý. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, chủ tàu đánh cá thông báo tàu sắp hết dầu nên phải tấp vào một hòn đảo. Hàng trăm người di tản ban đầu rất hoảng hốt. Nhưng sau đó, họ phải lên đảo để chờ tàu đón. Lại nói về Sơn và Hoàng, cả hai được thả tự do. Sơn và Hoàng nhận ra trước mặt họ là những người lính trong quân phục màu xanh. Sài Gòn đã giải phóng. Mọi thứ đã thay đổi, Sơn và Hoàng nhận ra khi đi trên phố. Sơn tìm đến nhà Diễm và nhận được câu trả lời rằng, cả gia đình Diễm đã bỏ trốn hai tuần nay. Sơn nhận được ít tiền từ bà Mười, bà giục Sơn về quê. Sơn lên tàu trở ra Đà Nẵng. Xứ Quảng quê anh sau giải phóng có nhiều sự thay đổi. Gặp lại cha mẹ Sơn đã khóc, mẹ anh khóc oà lên vì mừng. Đứng trước ban thờ 3 người anh cha mẹ Sơn đã không giấu được sự xúc động, năm người con nay chỉ còn hai. Khi biết Sơn trở về làng, Anh Hai cũng về và khuyên Sơn đi học. Sơn được kết nạp vào Đoàn thanh niên. Đây là điều kiện để Sơn tiếp tục được đi học. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 22): Chuyển biến trong Sơn 15/4/2024

Những ngày sống cạnh Hoàng, Sơn nhận ra Hoàng thay đổi khá nhiều. Hoàng quan tâm đến các vấn đề chính trị. Đặc biệt anh tỏ ra bất mãn với nhà cầm quyền đương thời. Hoàng cũng kể với Sơn nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên “chống quân sự hóa học đường”. Hoàng rủ Sơn gia nhập với sinh viên tham gia những cuộc biểu tình nhưng Sơn từ chối. Sơn cảm thấy không phù hợp với một người xuất thân từ làng quê như anh. Sáng chủ nhật hôm đó, Hoàng đứng đầu một nhóm sinh viên và xuống đường biểu tình. Sơn vẫn nằm trên gác, đang nghĩ về Hoàng thì xe cảnh sát đã đỗ xịch trước nhà trọ. Họ khám xét, đưa Sơn về đồn. Sau đó, Hoàng cũng bị bắt. Hoàng và Sơn bị tra khảo nhưng Hoàng rất bình tĩnh. Cảnh sát nghi ngờ Hoàng và Sơn là Việt cộng nhưng Hoàng đã trả lời thẳng thắn, chúng tôi là sinh viên và chúng tôi có quyền được đấu tranh. Nghe tin Sơn bị bắt, Diễm hoảng hốt, cô tìm mọi cách để cứu Sơn ra. Cô tìm đến Trang ở quán bar để kết nối với viên cố vấn Mỹ. Nhưng khi Diễm đến quán bar thì Trang đã đi khỏi nơi này. Chỉ còn một cách, Diễm tìm đến nhà Thành với hy vọng là Thành sẽ giúp nhưng Thành không được về nhà từ mấy tháng nay. Khi Diễm trở về nhà, cô thấy mọi thứ đang đảo lộn. Bà Thu - mẹ cô giục giã cô thu xếp hành lý để sáng mai lên tàu di tản. Nghe lời mẹ, Diễm thu xếp hành lý trong tâm trạng bấn loạn. Cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 21): Sự cảm thông, thấu hiểu 12/4/2024

Sơn ở tạm trên căn gác nhà bà Mười. Nhớ Diễm những ngày tháng qua, giờ xa cách chưa có dịp gặp lại. Sơn băn khoăn về mối tình với Diễm. Có điều gì đó cản trở rất mơ hồ, Sơn cảm thấy mình không xứng đáng để có được tình cảm của Diễm - người con gái xinh đẹp, đài các, người mà bao chàng trai có địa vị đang theo đuổi. Nhận được tin dữ từ chú Lê Lý, Sơn đau đớn vô cùng, 3 người anh đã chết. Sơn muốn về quê nhưng chú Lý bảo cha anh kiên quyết không cho về. Sơn đang trốn lính, về quê lúc này sẽ bị bắt, không bên này thì bên kia. Phải trốn lính bằng mọi giá, đợi ngày hết chiến tranh. Nghe lời khuyên của chú Lê Lý, Sơn ở lại. Về Sài Gòn, Sơn gặp lại Hoàng và may mắn, Hoàng đã hẹn Diễm để Sơn được gặp cô ấy. Gặp lại Diễm, Sơn vui mừng nhưng có chút e ngại, băn khoăn bởi Sơn không làm được việc gì ngoài việc tìm nơi ẩn náu. Sơn kể với Diễm những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Diễm vẫn luôn dành cho Sơn tình cảm và sự cảm thông, thấu hiểu. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 20): Cuộc chiến đang hồi căng thẳng 11/4/2024

Cuộc chiến đang hồi căng thẳng trước mùa gặt, liên tiếp xảy ra những trận đánh kinh hoàng. Ông Giới và ông Ruộng chứng kiến rõ nhất cảnh trâu bò, lợn gà chạy tán loạn, vướng mìn chết la liệt. Chỉ sau một đêm cảnh tan hoang cửa nhà, người chết, vật chết đầy đường, Nhà ông Ruộng chỉ còn lại đống tro tàn. Đau xót hơn, vừa lúc ấy, ông nhận tin dữ 3 đứa con ông là Trí ,Giang và Thủy đã chết. Trí và Thủy là lính cộng hòa còn Giang là bộ đội của quân giải phóng. Vợ ông, bà Kha Ly suy sụp khi chứng kiến 3 đứa con nằm cạnh nhau chờ lính đến khâm liệm và mai táng. Ông Ruộng bình tĩnh hơn vợ. Ông nhận tiền tử tuất của 2 thằng con và nhờ ông Tư Duy lo cho Sơn - thằng con trai út của ông đang bị Việt cộng bắt vào rừng. Giữ lời hứa với ông Ruộng, ông Lý Lê và ông Tư Duy đã giúp Sơn. Sơn có giấy hoãn dịch và thẻ sinh viên giả để không phải đi lính. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 19): Lý tưởng cách mạng 10/4/2024

Theo lời kể của bà Mười thì ông Tư cụt tên thật là Nguyễn Văn Dũng, tên thánh là Phê-rô. Ông là con thứ tư trong một gia đình Công giáo. Của cải từ thời ông cố để lại, đến đời cha mẹ ông thêm nghề buôn bán tơ lụa với người Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… nên trở thành nhà tư sản lớn nhất thời ấy ở phía Bắc. Dũng ngay từ nhỏ tính khí hiền lành nên được cha mẹ gửi vào nhà thờ. Vì thế khi biến cố gia đình xảy ra thì may mắn thoát nạn và Dũng đã theo dòng người di cư vào Nam. Anh kết hôn với cô Lài và sinh ra Hùng Hippie. Sơn rất cảm phục Hùng vì tính khí mạnh mẽ, quyết đoán, luôn mang trong mình lý tưởng về công cuộc giải phóng. Phải chăng vì điều này mà chính quyền Sài Gòn đã ra lệnh bắt giữ ông Dũng, tức Tư cụt hòng khiến Hùng Hippie phải lộ diện? Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 18): Nhân vật bí ẩn 10/4/2024

Sơn đã rất bất ngờ khi nhìn thấy lá cờ có hình ngôi sao vàng ở giữa đang nằm gọn trong bao tải bột mì mà anh đã dùng để gối đầu trong suốt thời gian trú nhờ nhà bà Mười. Vậy bà Mười là ai? Tại sao bà ấy lại sẵn sàng cưu mang khi biết anh là người của quân Giải phóng vừa từ chiến khu trở về? Sơn cảm thấy bà Mười không phải là người đơn giản. Bằng chứng là bà không chỉ bán rượu cho các thương phế binh của quân đội Việt Nam Cộng hòa, mà còn chơi thân, giúp đỡ và nhận một phi công Mỹ làm con nuôi… Vậy tại sao bà Mười lại phải làm thế? Sơn muốn đi tìm câu trả lời cho điều thắc mắc này. Trở lại với tâm trạng của Diễm khi đọc bức thư của Sơn. Mặc dù cô đang rất buồn vì nội dung thư không hề nhắc tới tình cảm của anh dành cho mình, nhưng cô lại khá bất ngờ vì lý tưởng mà Sơn đang theo đuổi. Hình ảnh của Sơn cùng câu chuyện về thời niên thiếu của anh bỗng chốc chiếm trọn tâm trí Diễm. Thậm chí cô đã xúc động khi Sơn chia vẻ về cuộc đời xấu số của người bạn tên Hương thời học phổ thông. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tác phẩm vinh dự được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 17): Cơ hội gặp lại người thương 9/4/2024

Trong một lần Diễm cùng với Thành tới thăm mộ của anh hai Trần Văn Tâm thì họ đã gặp Hùng Hippie và Hoàng Phong. Cuộc gặp này đã giúp Diễm biết được đôi chút tin tức về Sơn, rằng anh ấy đã tham gia vào lực lượng quân Giải phóng ở tỉnh Tây Ninh. Nhưng Diễm đâu biết rằng đây chỉ là một phần kế hoạch đã được Sơn và Ba Em thực hiện nhằm giúp hai người nhanh chóng có cơ hội quay trở lại thành phố. Sau hai tháng Sơn gặp Hùng ở Tây Ninh, thì trong một lần bị quân địch càn quét, Sơn đã bị mất liên lạc với Ba Em khi hai người đang ẩn lấp trong rừng. Nhờ già làng Điểu Hạp cùng dân làng sinh sống ở Sóc Bưng Sê giúp đỡ, nên Sơn đã thuận lợi trở lại thành phố. Hiện anh đang ở trên căn gác của nhà bà Mười, cách nhà của Diễm vài trăm bước chân. Tại sao cơ hội thuận lợi như vậy mà Sơn lại chưa đến gặp Diễm? Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Thông trên núi Sơn Viện": Thời gian chữa lành mọi vết thương 9/4/2024

Truyện ngắn Thông trên núi Sơn Viện của tác giả Lê Đình Trung là tiếng vọng từ quá khứ, sống dậy trong nhân vật kể chuyện xưng Tôi-người con gái mang tâm hồn vụn vỡ, ký ức là những mảnh ghép đau thương chắp vá, vì không đủ mạnh mẽ để đối diện, cô chọn cách trốn chạy đau buồn trong suốt mười năm mới trở lại thăm quê. Truyện lên án tư tưởng trọng nam khinh nữ, cái tư tưởng lỗi thời, lạc hậu nhưng vẫn còn bám rễ ăn sâu vào nết ăn lối nghĩ của không ít người nhà quê. Sự ám ảnh của tư tưởng ấy như ngọn lửa thiêu rụi đi lương tri, sự tỉnh táo cần có của một con người, khiến con người ấy đánh mất mình và làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. May thay, sau tất cả những đớn đau, những biến cố, tình người là thứ còn lại duy nhất để xoa dịu, chữa lành những vết thương sâu hoắm, nhức buốt tưởng như khó có thể lành được. Thông trên núi Sơn Viện có nội dung nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, văn phong giản dị, tình tiết truyện chân thực đã chạm đến cảm xúc, rung động trong trái tim người đọc người nghe.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 16): Tình yêu trắc trở 8/4/2024

Sơn và Ba Em sau khi trở về Cam Bốt thì nhanh chóng được đồng chí Nguyễn Văn Bảy, phụ trách mặt trận khu vực Bắc Tây Ninh mời tham gia vào lực lượng Việt Minh. Tuy chưa biết tương lai sau này thế nào, nhưng cả Sơn và Ba Em đều đồng ý làm thủ tục gia nhập lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Hằng ngày được làm việc cùng với anh Ngợi và cô du kích tên Hiền đã phần nào giúp Sơn nguôi ngoai nỗi nhớ Diễm. Bởi Hiền có nhiều nét giống với Diễm, đặc biệt là khuôn mặt và mái tóc. Lúc này thì Thành đang có cơ hội rất lớn để bày tỏ tình cảm dành cho Diễm. Nhưng anh lại e ngại bởi nếu nói ra điều này mà bị Diễm từ chối thì coi như vĩnh viễn mất cô ấy. Trong cuộc sống Thành không thiếu một thứ gì bởi cha anh là doanh nhân Trần Xuân Danh- Giám đốc Công ty Âu dược Thành Danh – chuyên cung cấp thuốc và thiết bị y tế lớn nhất Sài Gòn và Thủ Biên. Thành hiện đang là sĩ quan Không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vậy những gì Thành đang có, có giúp anh chinh phục được Diễm không? Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 15): Quãng đời khó khăn của Trang 5/4/2024

Những trang truyện đằm sâu khi viết về thời gian ở cữ nhiều khó khăn của Trang khi cô có con ngoài giá thú với Giôn- một người lính không quân của quân đội Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Lúc cô sinh con thì Giôn đang nhận nhiệm vụ ném bom ngoài miền Bắc. Thời gian sau, Trang cũng không thấy anh ta quay trở về tìm cô. Để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con, Trang quyết định quay trở lại quán bar Thiên Thai làm việc, mặc cho Diễm và dì Thục Hạnh can ngăn và phản đối. Trong khi đó thì Sơn và Ba Em đã được anh Hai Khánh khuyên nên trở về khu rãy Cam Bốt (thuộc tỉnh Tây Ninh) của gia đình để lánh nạn chờ thời cơ. Đây được xem là nơi an toàn nhất cho cả hai người khi không muốn tham gia vào nghĩa vụ quân sự. Sau nhiều ngày băng rừng, Sơn và Ba Em đã trở về Cam Bốt được an toàn. Hai người gặp lại chị Hai Khánh. Thời gian sống ở đây càng khiến Sơn nghĩ nhiều tới Diễm và quê hương Quảng Nam của mình. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 14): Nỗi nhớ khôn nguôi 5/4/2024

Trang hoàn toàn gục ngã trước cái chết bi thảm của cha, mẹ và người yêu Trần Văn Tâm tử trận. Trong những ngày tháng tuyệt vọng, Hùng hippie giúp cô quên ý định quyên sinh bằng rượu và ma túy. Sau khi nỗi đau lắng xuống, Trang đối diện với thực tế là phải kiếm tiền để sống. Cô trở thành vũ nữ Đài Trang nổi tiếng của quán ba Thiên Thai. Trong lúc này thì Sơn vẫn sống trốn chui lủi dưới hầm tại Tây Ninh cùng với Ba Em. Vùng Tây Ninh – Hậu Nghĩa cũng ác liệt không kém chiến trường miền Trung quê anh. Trận đánh giữa quân Việt Nam Cộng Hòa và lính chính quy Bắc Cộng ở núi Bà Đen khiến rất nhiều người dân thiệt mạng. Trong những lúc nằm dưới hầm nghe tiếng bom đạn ác liệt vang dội, Sơn lại nhớ tới hình ảnh của Diễm, nhớ tới nụ hôn khi hai người chia tay nhau. Bây giờ, giọng đọc NSUT Việt Hùng sẽ giở tới quý vị và các bạn diễn biến tiếp theo trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tác phẩm vừa dành giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Tìm trong kho báu
08h30 - 08h45 Sàn diễn mới
08h45 - 09h00 Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Tìm trong kho báu
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Sàn diễn mới
20h45 - 21h00 Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya
08h00 - 08h30 Tìm trong kho báu