“Ly Caipirinha cuối cùng”: Đánh thức lương tâm con người13/1/2025

Truyện ngắn được viết theo lối văn hiện đại, trẻ trung, mang những triết lí sâu sắc về cuộc sống và con người. Qua lời kể của nhân vật xưng Tôi-chàng trai trẻ tên Vũ làm nghề bartender (pha chế đồ uống), người đọc người nghe hiểu hơn về những góc khuất của nghề bartender cũng như của khách đến quán bar. Làm việc ở chốn giàu sang, hào nhoáng, ồn ào, Vũ vẫn giữ được bản chất chất lương thiện, trong sáng. Tình cờ anh gặp Hà-một cô gái trông có vẻ hiện đại, sành điệu nhưng bản chất là người chân phương, quê mùa. Một cô gái lấy thế mạnh nhan sắc để kiếm sống, nhưng lại là người khá tinh tế, nhạy cảm. Hai con người luôn cảm thấy cô đơn này đã có sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu; từ đó họ dần cảm mến nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau tốt hơn lên mỗi ngày. Người đọc người nghe mong cho mối tình chị em này sẽ có một cái kết trọn vẹn. Song, cuối cùng Hà quyết định rời xa chốn đô hội, trở về quê để làm lại cuộc đời. “Ly Caipirinha cuối cùng” với nội dung đời sống đô thị hiện đại, có nhiều chi tiết độc lạ, được cài cắm tạo bất ngờ, nhịp điệu trần thuật nhanh, biến hóa. Kết thúc truyện, chi tiết Vũ phát hiện ông bố của mình tặng Hà chai rượu Thoquino rất bất ngờ. Vũ bàng hoàng, choáng váng, tâm hồn anh vụn vỡ, nhưng cũng tạo dư vị tràn đầy tinh thần nhân bản, đánh thức thiên lương trong lòng người đọc người nghe…

“Anh Kha”: Câu chuyện về tình yêu đôi lứa

“Anh Kha”: Câu chuyện về tình yêu đôi lứa 10/1/2025

Quý vị và các bạn thân mến, qua lời kể của nhân vật cô gái tên Khanh, người đọc, người nghe cảm nhận được những cung bậc tình cảm của tình yêu đôi lứa. Người mẹ mất khi Khanh 18 tuổi là một bước ngoặt của cuộc đời cô. Cha làm việc ở xa, Khanh phải về quê sống cùng người bác. Ở quê, cô găp người anh họ tên Kha. Trong thời điểm cô đơn không người thân bên cạnh, hình ảnh người anh họ khỏe mạnh, niềm nở, tốt bụng như tia nắng ấm áp tâm hồn ngây thơ của cô gái trẻ. Những công việc làm nông, những câu trò chuyện thường ngày bồi đắp tình cảm của hai người một cách tự nhiên. Sự cố Khanh bị nhóm thanh niên làng cầm đầu là Tuyên sàm sỡ là một điểm nhấn của truyện ngắn. Trong lúc Khanh cảm thấy lo sợ, yếu đuối nhất thì anh Kha xuất hiện như người hùng để cứu cô. Từ lúc này hình ảnh anh đã in đậm trong trái tim của Khanh. Nhưng vì bên cạnh anh Kha luôn có cô người yêu tên Phượng nên Khanh chỉ biết dấu kín những tình cảm trong lòng mình. Khanh được ba đón sang Đức sinh sống, thời gian xa cách khiến tình cảm mới chớm nở trong lòng cô gái trẻ càng bị chôn dấu trong trái tim. Chỉ đến khi Khanh biết được anh Kha lập gia đình mà cô dâu lại không phải chị Phương thì cô mới thấy tiếc nuối. Khanh có lẽ sẽ nghĩ rằng giá mà ngày xưa cô vượt qua được mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, vượt qua lời chì chiết của bác gái hoặc hiểu được thân phận thực sự của anh Kha thì … Nhưng duyên phận con người chính là như vậy. Bỏ lỡ chính là có duyên hữu phận với nhau. Truyện ngắn viết về tình yêu đôi lứa không có nhiều biến cố sâu sắc, không có nồng nàn cháy bỏng, chỉ là những vần vươn tơ tình khiến người đọc, người nghe thổn thức không nguôi. Duyên đến, duyên đi đều là tùy duyên, cái gì đã qua thì hãy buông bỏ bình tĩnh đối diện. Từ nơi đất khách quê người, có lẽ điều tốt nhất với Khanh đó là chúc phúc cho vợ chồng anh Kha.

"Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu": Thấu hiểu và thương cảm người phụ nữ 7/1/2025

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe được viết theo phong cách lịch sử, dựa vào những dữ kiện về cuộc đời Tây Thi, người phụ nữ được phong là một trong Tứ đại mỹ nhân thời cổ điển của Trung Quốc. Tây Thi được vua nước Việt là Câu Tiễn giao cho một sứ mệnh, đó là làm mê hoặc vua nước Ngô là Phù Sai để Câu Tiễn đợi dịp báo thù. Sau đó Câu Tiễn chiến thắng và nước Ngô bị xóa sổ. Thế nhưng phần đời còn lại của Tây Thi mãi là một ẩn số. Nhiều người tin rằng Tây Thi đã chết. Truyện ngắn của Đỗ Trung Lai có thể xem như một giấc mơ đưa ta ngược dòng thời gian về trò chuyện với người xưa. Trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, khi có chiến tranh, người phụ nữ thường trở thành một nạn nhân, một sự hy sinh bắt buộc. Những nỗi đau đớn xót xa của họ có mấy ai thấu tỏ. Chúng ta có thể liên tưởng đến những câu chuyện trong lịch sử Đại Việt có phần tương tự như câu chuyện về Huyền Trân công chúa hay An Tư công chúa. Nhà thơ Đỗ Trung Lai qua một tác phẩm mang đẫm màu sắc kỳ ảo đã bày tỏ niềm thương xót và đồng cảm với một trang mỹ nhân tuyệt sắc, cũng là tình thương yêu cho bao số phận người phụ nữ trên thế gian này có thể rơi vào cùng cảnh ngộ như Tây Thi. Bài thơ Nghe đàn nguyệt ở Tây Hồ ở phần cuối truyện là kết tinh của cảm xúc, hoàn toàn có thể xem là một tác phẩm độc lập. Đúng như lời nhân vật Tây Thi đã thổ lộ trong truyện, có được sự thấu hiểu và thương cảm ấy, những hận sầu oan ức từ thiên cổ như được cởi tan, đó cũng là tấm tình của người nghệ sĩ dành cho giai nhân tài tử.

"Người thợ đồng hồ": Một câu chuyện về lòng tử tế 2/1/2025

Cô gái trong câu chuyện đã hồi tưởng lại một kỷ niệm đáng nhớ thời sinh viên, kỷ niệm gắn với một con người đã giúp cô nhận ra ý nghĩa cuộc sống, giúp cô vượt qua thời khắc yếu lòng, vượt qua những ranh giới tưởng chừng như bản thân với bản tính rụt rè, yếu đuối không thể nào bước tới. Nữ tác giả người Nga dựng nên tình huống cô gái bị kẹt trong thang máy và cũng đồng thời mắc kẹt trong một mối quan hệ mà chính tình cảm của cô bị đem ra trêu đùa. Một tình huống thử thách trong một thời điểm cũng vô cùng đặc biệt, chuyển giao năm cũ và năm mới. Những tưởng chừng ấy điều tệ hại sẽ hủy hoại nốt chút niềm tin, hi vọng le lói trong lòng cô gái trẻ. Thế nhưng, chính người thợ sửa đồng hồ mang quá khứ đạo chích, những câu chuyện về lòng tốt, lòng tự trọng, căn nhà đặc biệt và sự tử tế của ông đã sưởi ấm cô gái với trái tim yếu đuối, thương tổn. Cô đã giũ bỏ hết những tàn dư hoang mang, sống đúng thật là bản thân mình với sự tự tin, can đảm. Người thợ đồng hồ thích những tiếng tích – tắc của đồng hồ giống như nhịp đập trái tim con người. Dù sau này cô không còn gặp lại người thợ sửa đồng hồ ấy nhưng những mảnh ký ức đẹp về ông vẫn như một nguồn sáng diệu kỳ mãi còn dọi suốt hành trình cuộc sống. Vậy đó, có những con người, ta chỉ tình cờ gặp trong đời thế nhưng câu chuyện của họ đã thực sự truyền cảm hứng để ta sống đẹp hơn, giá trị hơn, cho quãng đời về sau, trái tim không ngừng những nhịp ấm nóng, không chút yếu lòng còn vương lại…

“Sám hối”: Gieo nhân nào, gặt quả nấy

“Sám hối”: Gieo nhân nào, gặt quả nấy 27/12/2024

Quý vị và các bạn thân mến, tục ngữ ta từ xưa đã có câu “Gieo nhân nào, gặt quả ấy” hay câu nói “luật nhân quả không chừa một ai chớ nên xem thường” để nhắc nhở con người về cách sống ở đời. Triết lý về luật nhân quả bắt nguồn từ chính quy luật của cuộc sống. Gieo nhân nào thì được quả ấy như trồng dưa được dưa, trồng đậu thì thu hoạch đậu, khi con người làm việc tốt, việc xấu sẽ có báo đáp phù hợp hành động của mình. Nhân quả không phụ thuộc vào ý muốn của con người, có thể thể hiện ngay lập tức hoặc đến một thời điểm nào đó hạt giống sẽ nẩy mầm. Truyện ngắn “Sám hối”của tác giả Nguyễn Hồng cũng bắt nguồn cảm hứng từ quy luật nhân quả. Cuộc đời của nhân vật Thin gặp không ít điều bất hạnh. Bố mẹ bị kẻ xấu giết khi Thin còn nhỏ, Thin mồ côi cha mẹ lớn lên không người nuôi dưỡng, giáo dục. Khi trưởng thành Thin lập gia đình có con gái, con gái. Tưởng rằng cuộc đời Thin dù nghèo khó nhưng cũng yên ấm trôi qua nhưng không ngờ bà vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Cảnh nhà khó khăn vật vả, vợ lại ốm đau bệnh tật đã vắt kiệt sức lực, tâm trí của Thin. Đúng lúc này Mân xuất hiện giúp đỡ như một con người tốt bụng. Nhưng đằng sau những hành động tưởng rằng lòng tốt, sự hào sảng của Mân là âm mưu thâm độc. Qua thời gian tiếp xúc với dân làng, Mân đã kích động sự bất mãn, lòng thù hận trong lòng một nhóm người dân nhẹ dạ cả tin. Nghe theo lời Mân, Thin và nhiều người trẻ tuổi trong làng đã tham gia phá hoại ủy ban xã, gây ra cái chết thương tâm cho anh Hải, người cán bộ tốt bụng. Cái chết của anh Hải khiến Thin vô cùng choáng váng. Đến lúc này Thin mới biết mình bị Mân lừa gạt nhưng tay đã nhúng chàm khó thoát. Sau mấy ngày lẩn trốn gặm nhấm nỗi day dưt, Thin quay trở về nhà định chia tay vợ con rồi ra đầu thú. Nhưng người vợ đã tự sát khiến Thin vô cùng đau khổ. Người vợ chết như một sự giải thoát còn Thin phải sống với sự ân hận suốt đời. Ánh mắt của anh Hải trước khi chết hay ánh mắt giận dữ và tuyệt vọng của thằng Pha là điểm nhấn của truyện ngắn mãi ấm ảnh Thin cũng như người đọc, người nghe. Truyện ngắn nói tới quy luật nhân quả cũng là lời cảnh tỉnh con người chớ rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu để gây ra những lầm lỗi đáng tiếc.

"Lỗ sẻ": Được sống là chính mình 24/12/2024

Điều dễ nhận thấy là các sáng tác trước của Phan Đức Lộc giàu cảm xúc, mang đậm phong vị núi rừng và phần lớn nói về thân phận của người phụ nữ vùng cao. Với truyện ngắn mới này, Phan Đức Lộc bắt đầu với đề tài đồng giới-một đề tài đòi hỏi cách viết khéo léo, tinh tế thể hiện sự đồng cảm của người viết nếu không rất dễ sa vào kiểu viết đơn giản, sống sượng chỉ cốt kích thích trí tò mò của người đọc, người nghe. Qua lời kể của nhân vật kể chuyện xưng Tôi-người con gái, hình ảnh người cha hiện lên thật ấm áp, tình cảm, là chỗ dựa vững chãi của người con. Song sự thực đó chỉ là người cha trên danh nghĩa. Mẹ bỏ hai cha con theo một người đàn ông khác. Cha nuôi nấng Tôi, một mình đóng hai vai, vừa làm cha vừa làm mẹ. Cha chăm chỉ bắt ốc mò cua cào hến nuôi con, một mình đóng cả hai vai kịch Romeo và Juliet. Đứa con gái lớn lên, ra thành phố kiếm sống quăng quật, gặp tai họa nguy hiểm chết người nhưng cũng gặp được tình yêu. Người con trai yêu Tôi chân thành, nồng thắm. Nhưng, chính ở chỗ thắt ngặt này, Tôi nhận ra mình đã yêu em gái của người yêu. May mắn, nhờ tuổi trẻ, sự thấu cảm giới tính thứ ba của xã hội và đặc biệt là lòng nhân ái của người con trai con trai đã giúp Tôi được chuyển giới, được sống là chính mình. Trong khi đó người cha đã không được sống là chính mình, cha đã gồng mình lên, cố sống mạnh mẽ như một người đàn ông thực thụ, dồn nén mọi nỗi đau trong lòng. Truyện trở nên hấp dẫn hơn khi đứa con gái trở về, gặp lại người cha đã già nua hốc hác nhưng vẫn đang sắm cả hai vai Romeo và Juliet, diễn sâu như thể vở bi kịch cổ điển đã trở thành một thế giới nghệ thuật – thành chỗ để sống của riêng người cha. Phan Đức Lộc có khả năng xây dựng cốt truyện để cơi nới nỗi lòng người đọc người nghe, khiến cái bi đát biến hóa thành niềm bùi ngùi cứ lan tỏa mãi ra theo sâu rộng của nỗi lòng ấy. Tên truyện là Lỗ sẻ, và xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh Lỗ sẻ. Lỗ sẻ tượng trưng cho khát vọng của con người. Từ đây sẽ mở ra dòng sông, mở ra cánh đồng, mở ra một chân trời thênh thang ngập nắng-một chân trời hạnh phúc.

Khát vọng con người qua đôi cánh

Khát vọng con người qua đôi cánh "Người Dơi" 19/12/2024

Ngược biên niên sử trở về những năm đầu thế kỷ 20, cuộc sống ở làng quê thời xưa cũ, khi con người sống gắn bó với tự nhiên, với nhiều tập tục lâu đời, những nếp sống, nếp nghĩ còn thuần chất. Tác giả đã dày công tạo dựng một không gian bảng lảng nét hoang lạnh cùng với đó là nội tâm phức cảm của con người một thời ranh giới giữa cái thực và cái ảo, giữa truyền thuyết và thực tế chưa minh định. Thuở ấy người ta sống giữa hai bến bở hư – thực, sống tựa vào nhau và truyền cho nhau tâm cảm về quá khứ, vừa sống vừa tìm hiểu, khám phá và tự tiến hóa chính mình. Thuở ấy cũng có những cái ác, cái xấu nhưng rạch ròi hơn và vẫn còn lòng tin gần như tuyệt đối vào quy luật ác giả ác báo. Thế nhưng, dù là thời nào thì vẫn vậy, lòng tốt, mầm thiện vẫn cứ âm thầm được gieo trồng, nảy nở tự trong tâm. Nhân vật Hoàng Văn Giang, người đàn ông sống đơn độc giữa đất trời, cây cỏ đã tìm thấy niềm đồng cảm với cô gái phải mang thân phận người Dơi, phải trả giá cho tội lỗi của mẹ cha. Bao năm tháng đã qua đi, câu chuyện về người Dơi càng thêm kỳ bí, cô gái trong thân phận người Dơi bị gán cho bao tai họa đổ xuống làng Vực. Thế nhưng, khi ngẫm lại, cô gái đáng thương phải sống cuộc đời hoang thú, bị truy sát đến hang cùng thẳm cốc ấy vẫn chưa một lần xuống tay với những kẻ hãm hại cô. Có chăng, tất cả những người kẻ ấy đều đã trút bỏ lòng tham, sự thù hận và sống lương thiện hơn sau khi nhìn thấu bản chất đúng nghĩa con người sâu bên trong thân xác người Dơi với ý nghĩa đọa đày. Càng về cuối truyện, biểu tượng về đôi cánh càng trở nên lấp lánh. Phải! Đôi cánh sẽ giúp con người thỏa mãn khát vọng bay lên, thoát khỏi kiếp sống cô độc nơi cõi nhân gian. Nhưng đôi cánh không tự nhiên mà có, chỉ khi đi đến tận cùng của sự giải thoát, trút bỏ hết những cừu hận, những tham- sân- si, con người mới có thể nhẹ nhõm thoát thân, thanh thản. Khi đó, đôi cánh không còn là cái lốt của loài vật, đôi cánh đã dẫn tâm hồn con người bay tới những khoảng không bay bổng, là cõi sống lý tưởng, nơi tâm hồn hoàn toàn tự do…

“Sấm rền Độc Tôn Sơn”: Dựng lại một góc khuất đau thương

“Sấm rền Độc Tôn Sơn”: Dựng lại một góc khuất đau thương 17/12/2024

“Sấm rền Độc Tôn Sơn” là truyện ngắn lịch sử kể về cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương, thời vua Lê chúa Trịnh. Tác giả đã xây dựng nhân vật Nguyệt Tranh với tính cách phức tạp. Ban đầu Nguyệt Tranh tiếp cận Nguyễn Danh Phương để trả thù cho đấng sinh thành. Nàng mất cả cha lẫn mẹ trong loạn lạc giao tranh giữa một bên là đội quân của thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương và một bên là đội quân triều đình. Nàng luôn nghĩ Nguyễn Danh Phương là giặc cỏ, là kẻ đẩy nàng vào bi kịch gia đình. Nàng dùng mỹ nhân kế trở thành người đàn bà của Nguyễn Danh Phương. Nàng giúp Nguyễn Phan, một viên tướng triều đình cũng là người có tình cảm với nàng đưa hai kẻ Phạm Tiền và Đỗ Chung vào làm môn khách ở căn cứ của nghĩa quân. Thực chất hai kẻ này có mối thâm thù với Nguyễn Danh Phương, dùng mọi mưu hèn kế bẩn mục đích phá hoại nghĩa quân từ bên trong. Khi thấy nàng Nguyệt Tranh không nghe theo kế hoạch của chúng giết Nguyễn Danh Phương, Phạm Tiền là thầy phù thủy đã dùng bùa phép che mắt thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương và những người lãnh đạo nghĩa quân khiến cả quân doanh hiểu lầm nàng là cáo tinh hóa thành hủy hoại cơ nghiệp của đại vương. Nàng bị giam lỏng và bị mọi người xa lánh. Tình tiết mang tính liêu trai, kỳ ảo này được tác giả khéo léo lồng ghép trong truyện tạo nên sự hấp dẫn, kịch tính. Cái hay của truyện chính là tác giả đã thành công xây dựng chuyện tình trong truyện. Mối tình tay ba giữa Nguyễn Danh Phương- Nguyệt Tranh- Nguyễn Phan. Nàng thực sự yêu ai. Ai mới là anh hùng, xứng đáng để nàng yêu. Nguyễn Phan là tướng quân triều đình, lập nhiều chiến công hiển hách, là người được chúa Trịnh tin tưởng giao trọng trách tiêu diệt Nguyễn Danh Phương. Còn Nguyễn Danh Phương là anh hùng cái thế hay giặc cỏ. Điều này quyết định đến sự lựa chọn của Nguyệt Tranh. Sau khi trở thành nữ chủ nhân của đại đồn, nàng Nguyệt Tranh đã nhận ra Nguyễn Danh Phương là một người anh hùng áo vải, dám đứng lên chống lại triều đình vua Lê chúa Trịnh mục nát. Nàng muốn gột rửa tội lỗi của mình với nghĩa quân. Trong tình thế đại đồn gặp nguy khốn, nghĩa quân bị dìm trong bể máu, Nguyệt Tranh đã chọn hi sinh bản thân, chặn đường tiến quân của quan binh triều đình để bảo vệ thủ lĩnh Nguyễn Danh Phương - phu quân của nàng và bảo toàn lực lượng nghĩa quân. Với những tình tiết gay cấn, truyện ngắn lý giải nhiều góc khuất của lịch sử cũng như mở ra những góc nhìn rộng hơn về một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước.

“Cớm nắng”: Câu chuyện đời thường về tình làng nghĩa xóm

“Cớm nắng”: Câu chuyện đời thường về tình làng nghĩa xóm 16/12/2024

Quý vị và các bạn thân mến, tình làng nghĩa xóm được thể hiện từ những điều đơn giản như lời chào hỏi cởi mở hàng ngày tới việc chia sẻ niềm vui nỗi buồn, giúp đỡ nhau những lúc có công có việc. Với những người chuyển tới nơi ở mới thì môi trường sống xung quanh nhất là hàng xóm, láng giềng rất quan trọng. Khi nhân vật Nga chuyển tới ngôi nhà mới, cô đã rất mừng vì không gian sống sạnh sẽ, con người vui vẻ và có nếp sống văn hóa. Thế nhưng buồn một nỗi gia đình hàng xóm lại quá bất ổn. Đầu tiên là cậu con trai bị bắt vì trộm cắp đồ của công ty rồi vợ chồng hàng xóm thì suốt ngày mắng chửi nhau. Sau một thời gian bà vợ bị mất vì ung thư thì đến ông chồng ngày đêm hát Karaoke làm phiền hàng xóm. Ông biến một thú vui giải trí cá nhân trở thành nỗi phiền toái cho cả cộng đồng. Nhưng khi Nga biết việc ông hát cho vơi nỗi cô đơn, nỗi buồn trong lòng thì cô bỗng thấy thương người hàng xóm xấu số. Sự khó chịu vì tiếng hát của ông trở thành nỗi cảm thông, thấy hiểu. Truyện ngắn viết dung dị về cuộc sống đời thường rất gần gũi với chúng ta. Mỗi cây mỗi quả, mỗi nhà mỗi cảnh. Cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận theo ý muốn của con người. Những sự việc, chi tiết trong câu chuyện người đọc, người nghe đều có thể gặp được trong cộng đồng dân cư thậm chí trong chính gia đình của mình. Chúng ta đồng cảm với những nỗi bất hạnh của người đàn ông hàng xóm và xúc động trước tấm lòng nhân hậu của nhân vật Nga. Khi gặp những việc chưa vừa ý về hàng xóm làng giềng nên đặt mình vào vị trí của họ để từ đó có sự thấy hiểu và chia sẻ. Hàng xóm tối lửa tắt đàn có nhau. Hàng xóm chính là những người hàng ngày sống xung quanh chúng ta, tại sao chúng ta lại không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không chia sẻ với họ những lo toan, buồn vui của cuộc sống hàng ngày. Truyện ngắn khai thác đề tài mối quan hệ hàng xóm láng giềng để nói đến tình nghĩa con người.

“Thênh thang M’đrăck”: Khát vọng chung sống chan hòa với thiên nhiên, nguồn cội

“Thênh thang M’đrăck”: Khát vọng chung sống chan hòa với thiên nhiên, nguồn cội 2/12/2024

Truyện kể về hai nhân vật chính là H’Ril và Y Pher, có số phận khá giống nhau. Cả hai đã cùng bắt đầu cuộc sống lang bạt trên thảo nguyên M’đrăck từ khi mới tròn mười tuổi. H’Ril không có mẹ. Y Pher chẳng có cha. Bố mẹ của hai người bỏ đi khi họ còn nhỏ. Cả hai cũng nước da đen như cột nhà, đôi mắt rực sáng và mái tóc cháy vàng khét nắng. Đôi bạn cùng chung tình yêu với đàn bò, với những tháng ngày lang thang trên đồng cỏ, giữa nắng gió vùng thảo nguyên mênh mông... Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua, cho đến một ngày Y Pher cứu H’Ril khỏi bị lão già dâm đãng xâm hại. H’Ril thầm yêu trộm nhớ Y Pher. Từ đó cô cười nhiều hơn, vui vẻ hơn, yêu đời hơn. Nhưng cũng như mẹ mình, H’Ril đành bất lực trong cuộc giành giật người đàn ông với thảo nguyên kia. Người đàn ông của mẹ, của Y Pher và rất nhiều chàng trai nơi đây nữa tất thảy đều thuộc về bình nguyên bao la. Nguyễn Thị Thanh Thuý với truyện ngắn Thênh thang M’đrăck đã trình ra một gương mặt mới ấn tượng với giọng văn tinh tế đầy nhịp điệu, ngôn ngữ giàu hình ảnh. Tác giả bao quát một vùng hiện thực Tây Nguyên vừa dữ dội đa đoan vừa trữ tình thơ mộng, cả đất và người. Nguyễn Thị Thanh Thuý đã thành công trong việc dựng lên một không khí Tây Nguyên sống động, gây ấn tượng mạnh và mê hoặc người đọc người nghe. Sau nữa là những tầng nghĩa được gợi lên, đan bện, chất chứa những khát vọng về tự do, tình yêu, khát vọng sống, khát vọng bảo vệ thiên nhiên và chung sống chan hòa với thiên nhiên, nguồn cội.

“Sự phản bội của chiếc gương”: Đạo đức kinh doanh

“Sự phản bội của chiếc gương”: Đạo đức kinh doanh 2/12/2024

Quý vị và các bạn thân mến, ở đời có nhiều người khi thất bại thì không nhìn nhận sai lầm từ bản thân mình mà thường đổ trách nhiệm cho người khác hoặc nhân tố khách quan. Nhân vật với danh xưng là “tôi” trong truyện ngắn chính là một người như vậy. Được thừa hưởng một cửa hàng từ thời ông cố để lại, nhân vật tôi không biết vì cái gì mà cửa hàng kinh doanh bao nhiều năm đến đời mình làm chủ lại đứng bên bờ phá sản. Không tìm được ra nguyên nhân, ông đành đi xem bói hy vọng dựa vào thế lực siêu nhiên nào đó để cứu giúp sự nghiệp. Nhưng thầy bói phán rất mơ hồ và chung chung khiến ông thật không biết đường nào mà lần. Cuối cùng sau bao ngày suy nghĩ, nhân vật tôi quy tội cho chiếc gương tổ truyền 3 đời trong cửa hàng. Ông cho chiếc gương cổ vào kho, mua 4,5 chiếc gương mới mà vẫn không giữ được khách hàng. Một vị khách bước vào cửa hàng khi ông treo bảng giảm giá 40%. Sau khi chị thử đồ thì không soi gương mà dùng chiếc điện thoại của mình chụp hình. Chị ta rất vừa ý với bức hình trong điện thoại. Vậy là nhân vật tôi đã tìm ra thủ phạm, chính chiếc gương trong cửa hàng đã khiến khách hàng bỏ đi. Ông nghĩ mình đã đặt bao niềm tin hy vọng vào chiếc gương như một cách để bán được hàng nhưng chiếc gương lại phản bội. Ông đập tất cả gương trong cừa hàng rồi đi tìm mua chiếc gương mới. Tới một cửa hàng bán gương nổi tiếng nhất, ông muốn mua một chiếc gương hạnh phúc. Và người chủ bán gương đã trả lời ông một câu rất thâm thúy “ Chúng tôi chỉ sản xuất và bán những chiếc gương soi thấy thật”. Vâng, chân thật chính là một tiêu chí quan trọng trong kinh doanh. Tất cả những quảng cáo, lời hay ý đẹp khác chỉ là phụ trợ chứ điều cốt lõi vẫn là chất lượng của sản phẩm. Nếu sản phẩm của anh không tốt thì cuối cùng khách hàng cũng chỉ mua đồ của anh một lần mà thôi. Truyện ngắn với giọng văn trần thuật có chút hóm hỉnh, chua chát không chỉ nói về việc kinh doanh buôn bán mà còn là bài học về cách sống của con người. Sự chân thật, chân thành chính là yếu tố quan trọng để con người ta gắn bó lâu dài với nhau.

"Đồng bạc lấy may": Ân tình của một thời tuổi trẻ 21/11/2024

Ký ức mỗi con người luôn mang trong nó những giá trị thiêng liêng, dẫu bụi thời gian có phủ mờ. An, nhân vật xưng Tôi trong câu chuyện đã kể lại cho chúng ta những kỷ niệm đã diễn ra hơn hai mươi năm về trước, khi anh là một chàng trai trẻ đang chờ kết quả thi đại học. An cùng bố lên mạn ngược, ở trọ trong gia đình một người dân tộc Tày để hàng ngày bố An đi kiếm măng rừng, dây rừng, gỗ rừng. An đã có những kỷ niệm thật đẹp với em Thiềm, con gái thứ hai của ông chủ nhà. Hàng ngày, An không chỉ dạy cô bé học mà còn cùng nhau đi giặt chiếu, trèo cây…Và một dấu ấn sâu đậm nhất là Thiềm tặng An một đồng bạc lấy may kèm câu nhắn: Khi nào anh không còn giữ được nữa, tức là anh đã quên em. Tình cảm giữa Thiềm và An khi đó có thể xem là những rung động thật trong sáng của một thời tuổi trẻ. Thời gian trôi đi, An không gặp lại Thiềm lần nào nữa, cho đến khi con gái của Thiềm đỗ đại học trường An đang dạy và mang đến cho An lá thư của mẹ. Lúc bấy giờ An mới nhớ về đồng bạc năm xưa mà không biết ở đâu rồi. Cuộc sống hiện tại với biết bao lo toan bận rộn, bao ồn ào náo nhiệt xô bồ dễ khiến người ta quên đi nhiều chuyện. An cũng không nằm ngoài vòng quay ấy của cuộc sống. Lá thư của Thiềm gửi đến đã đánh thức vùng kỷ niệm trong trẻo ngày nào. Một cái kết mở của truyện khiến người nghe, người đọc có thể tưởng tượng rằng, An sẽ tìm gặp lại Thiềm trong một ngày không xa. Câu chuyện nhẹ nhàng mà thấm thía của Văn Giá như nhắc nhở mỗi người hãy biết sống trân trọng nhiều hơn với những kỷ niệm, những ân tình của một thời tuổi trẻ đẹp đẽ mà bất cứ ai cũng từng đi qua trong cuộc đời.

"Mùa Xuân của Sú": Đường đến trường nơi miền rẻo cao 19/11/2024

Những trang truyện ngắn “Mùa Xuân của Sú” thiên về trần thuật xung đột đơn tuyến, cho thấy tác giả chưa phải là một cây bút quá sành sỏi về nghệ thuật xây dựng tình huống cốt truyện. Nhưng vì thế sáng tác này lại có được sự mộc mạc, dễ mang lại cho người đọc, người nghe cảm giác về tình người, về sự gắn bó của cô giáo với học trò vùng cao. Đó là câu chuyện của nhân vật Sú, một cô bé lớp Tám bị người bố ép buộc nghỉ học để lấy chồng bên kia biên giới. Cùng quẫn và kiệt sức trong khi trốn chạy, cô bé Sú tưởng đã mất mạng nếu như không có vòng tay cưu mang, cứu giúp của cô giáo và những người bạn học. Thông qua câu chuyện của mình, tác giả đã nêu lên thực trạng cũng là vấn nạn, là hành vi lợi dụng tâm lý người dân vùng cao để lừa đảo mua bán trẻ vị thành niên qua bên kia biên giới. Tương lai của những cô bé ấy sẽ đi về đâu ở xứ người nếu như không có sự chung tay ngăn chặn của xã hội, của lực lượng bộ đội biên phòng. Con đường đến trường của trẻ em vùng cao vẫn còn đó bao nỗi gian nan. Là một cô giáo nhiều năm gắn bó với ngôi trường ở vùng đất biên giới Tây Bắc, có lẽ hơn ai hết tác giả Đào Thanh Tám thấu hiểu những nỗi niềm của con người nơi đây. Những trang viết của chị dù vẫn còn nét nguyên sơ, mô phạm nhưng ít nhiều đã chạm đến không khí hiện thực cuộc sống đã trải nghiệm….

"Bên sông giặt áo": Nâng cánh ước mơ 12/11/2024

Khi gửi truyện ngắn Bên sông giặt áo tới chương trình, Bảo Thương có chia sẻ rằng: “Tôi viết truyện ngắn này bởi thương những con người có tài hoa, có phẩm cách, giàu khát vọng, ý thức sâu sắc về cuộc sống, mà vì hoàn cảnh phải chôn vùi tuổi trẻ nơi thâm sơn, sống một cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị…”. Truyện được kể dưới góc nhìn của nhân vật kể chuyện xưng Tôi-một cô gái trẻ tên Phương. Ông nội cô bỏ nhà ra đi, bố cô cũng vậy. Họ ra đi theo tiếng gọi của một bóng hồng nào đó, đặng giúp họ tìm một công việc mới, thỏa mãn ước mơ, lý tưởng đời trai. Đến Lăng-cậu bạn thân cũng bỏ Phương ra đi. Rồi Thông và bao người bạn khác trong bản cũng bỏ đi mất tăm mất tích…Còn bao nhiêu số phận như thế? Đời người ai cũng muốn lộng lẫy nhất, ngọn nến của mỗi người, ai cũng muốn thắp lên rực rỡ nhất. Xuân Diệu có lý khi cho rằng: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhân vật người Bà, khi chạy loạn từ Hà Nội lên miền núi cao, dù những dấu hiệu của hào hoa đã phai tàn, nhưng đâu đó vẫn còn sót lại vết tích của tài hoa, phong lưu, nên nhiều khi bà vẫn tủi thân, tủi phận. Số phận, khiến bà đã ghim vào vùng đất nơi này, khiến bà trở nên cay nghiệt hơn, sắc sảo hơn, như là để thích ứng với đời sống. Còn Phương, phải chăng lớn lên từ vùng đất khắc nghiệt đó, bên một người bà truân chuyên, bên một gia đình có nhiều bi kịch sót thiếu, mà cô trở nên cá tính hơn, mạnh mẽ hơn, và đôi khi cũng bản năng và hoang dại hơn chăng? Phương tự nhận: “Tôi là con ngựa hoang, tôi rong chơi trả thù bà tôi không yêu tôi, rong chơi trả thù bố tôi bỏ bê tôi…”. Song, chỉ có Phương là chọn con đường về lại quê hương. Phương nói với chú Lương: “Đi mãi rồi đến lúc cũng phải về, con chim bay mãi thì cũng cần có tổ, con chồn chạy mãi thì cũng cần có hang. Cháu đã đi nhiều quá, cháu đã cống hiến cho bên ngoài nhiều quá, còn quê nhà thì sao?”. Phương về và đem theo một dự án về cho quê nhà. Nhà máy mọc lên từ ước mơ của ông, của bố, của Phương và bao người dân thôn quê. Ông nội, bà nội, bố, chú Lương, Phương…họ như những cây dại, bằng cách này hay cách khác, cố vươn mình tìm ánh sáng, may sao, ánh sáng cuối cùng cũng đã đến, câu chuyện cuối cùng cũng có lối ra. Đừng hủy hoại tài hoa của con người, hãy tạo đà cho con người phát triển, đó là điều mà tác giả Bảo Thương muốn nhắn gửi qua truyện ngắn này chăng?!.

"Mùi khói" - Mạch ngầm yêu thương 12/11/2024

Tác giả trẻ Tạ Thị Thanh Hải là một cây bút đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả bởi giọng văn trữ tình, giàu cảm xúc. Truyện ngắn của chị luôn là những day dứt về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xô bồ thực ảo của xã hội. Phụ nữ trong văn chị đa phần là khổ. Nỗi khổ kinh niên, thâm căn cố đế như một căn bệnh di truyền, một dòng thác chảy tràn, đổ ập từ thế hệ trước xuống các thế hệ sau. Đó không chỉ là nỗi khổ quay quắt mưu sinh; khổ vì không đẻ được con trai nối dõi; khổ vì đắng cay nhịn nhục; vì âm thầm, lặng lẽ tháo gỡ những “trái bom” ẩn trong chính dáng vẻ rất đỗi yên bình của ngôi nhà mình, sau sự thản nhiên như không của bản thân mà kì thực vô cùng đớn đau quằn quại… Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin gửi đến quý vị và các bạn truyện ngắn “Mùi khói” của tác giả Tạ Thị Thanh Hải nói về thân phận người phụ nữ.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ