Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco. Hà Nội đang ủ ấp nhiều kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa. Giấc mơ về một thành phố bên sông, về những công viên văn hóa đa chức năng, những không gian sáng tạo rộng mở, những khu đô thị hiện đại cùng vùng cảnh quan xanh dọc hai bên sông Hồng là giấc mơ tuyệt đẹp, vô cùng lớn lao. Để giấc mơ ấy trở thành hiện thực thì luôn cần những tính toán chuyên môn, những tiếng nói phản biện độc lập từ nhiều phía. Và tất nhiên sự bền vững là yếu tố đầu tiên mà những người quản lý đô thị phải tính đến. Bởi chúng ta không được quyền thử thách Hà Nội, thử thách sông Hồng thêm một lần nào nữa. (Đối thoại mở 08/01/2025)
Viết cho thiếu nhi luôn là một mảnh đất mời gọi và thách thức các thế hệ cầm bút. Thực tế cho thấy, ở thời kỳ nào cũng có những nhà văn quan tâm đến việc viết cho thiếu nhi. Nhưng để có những tác phẩm hay, thực sự thành công, thực sự đi vào lòng bạn đọc nhỏ tuổi lại không hề là một điều đơn giản. Chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam lần này mời quý thính giả cùng nghe một cuộc trò chuyện với tên gọi: Văn học thiếu nhi - Những gì đang mời gọi?
Thời gian vừa qua, không ít cuộc thi ảnh phải rút giải thưởng vì phạm quy, nhiều tác phẩm đoạt giải nhận ý kiến trái chiều. Cộng đồng nhiếp ảnh và công chúng đặt câu hỏi về chất lượng cuộc thi, vai trò của ban tổ chức, hội đồng giám khảo cũng như chính những tác giả vướng lùm xùm. Làm thế nào để nâng cao chất lượng các cuộc thi, trả lại uy tín cho các cuộc thi nhiếp ảnh? Đây cũng là chủ đề chương trình Đối thoại mở cùng khách mời là NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống. (Đối thoại mở 30/10/2024)
Trong những năm gần đây, sự kiện Lễ hội thiết kế sáng tạo tại thủ đô Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Đáng lưu ý, những công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội qua các thời kì đã mở cửa đón khách tham quan, thưởng lãm, như một điểm kết nối không gian hoài niệm về kiến trúc thủ đô, vốn chứa đựng tầng tầng lớp lớp kí ức của đô thị. Nhìn rộng ra, Hà Nội còn rất nhiều điểm, cụm di sản kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn và đưa vào sử dụng theo những công năng nhất định, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ một sự kiện, lễ hội. (Đối thoại mở 11/12/2024)
Sân khấu hoá tác phẩm văn học là sáng tạo về phương pháp học văn trên ghế nhà trường, từ cấp tiểu học cho đến trung học phổ thông nhiều năm nay. Có nhiều tác phẩm văn học trong nước và nước ngoài đã được đưa lên sân khấu một cách linh hoạt, sinh động, tạo thêm sân chơi nghệ thuật thú vị dành cho lứa tuổi học đường. Vậy tác phẩm văn học được sân khấu hóa có mang những tiêu chí cụ thể nào không? Chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay bàn về chủ đề “Sân khấu hóa tác phẩm văn học - Cần một sắc màu riêng” cùng với khách mời là nhà báo, nhà văn Phong Điệp. (Đối thoại mở 27/11/2024)
Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII với chủ đề “Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh” diễn ra từ ngày 7 - 11/11 tại Hà Nội. Liên hoan phim mở ra nhiều cơ hội để điện ảnh Việt Nam tiếp cận với điện ảnh quốc tế. Là ngành nghệ thuật có sự hội nhập mạnh mẽ nhưng làm sao để trên con đường định danh điện ảnh Việt xây dựng nền tảng vững chắc từ yếu tố truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Và “Bản sắc Việt trên hành trình hội nhập điện ảnh” cũng là chủ đề được chúng tôi bàn luận trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật với khách mời là nhà văn, nhà báo Thiên Sơn. (Đối thoại mở 06/11/2024)
Lịch sử luôn là một đề tài lớn, nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, cũng là “lò bát quái” thử cái “dũng”, “nhẫn”, “tài” của người cầm bút. Bởi lẽ viết về đề tài này quả thật chưa bao giờ là dễ với các nhà văn dù ở bất kì độ tuổi nào. Văn học Việt Nam đương đại ghi nhận sự hồi sinh mạnh mẽ của thể tài lịch sử với nhiều tác giả và tác phẩm giá trị. Đáng mừng hơn nữa là có sự tiếp nối thế hệ ở đề tài này, đó là sự hiện diện của các tác giả trẻ với sự khởi đầu hết sức mới mẻ. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 cùng với nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam trao đổi về chủ đề này. (Đối thoại mở 23/10/2024)
Đặt trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, điện ảnh – trong đó có phim truyện điện ảnh – là lĩnh vực có khả năng tạo các giá trị thương mại cao, thu lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất. Phim truyện điện ảnh Việt cũng đang nỗ lực thay đổi, hướng tới thị trường, thu được những thành tích rất khả quan song cũng gặp không ít thất bại. Cùng Đối thoại mở Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 trò chuyện với nhà báo Hoàng Anh Tuấn - Quyền Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh về câu chuyện Phim truyện điện ảnh Việt: Bình mới, rượu có mới? (Đối thoại mở 25/9/2024)
Không ít tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đa phần bạn đọc nước ngoài quan tâm đến văn học Việt đều là ở các quốc gia đã ít nhiều có mối quan hệ với chúng ta trong quá khứ, và họ đọc với tâm thế để tìm hiểu nhiều hơn là thưởng thức giá trị của văn chương. Vậy nền văn học của chúng ta đang yếu và thiếu ở khâu nào trong việc quảng bá? Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay, phóng viên VOV6 cùng với nhà văn Đỗ Bích Thúy bàn về chủ đề này. (Đối thoại mở 18/9/2024)
Chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam lần này mời quý thính giả cùng nghe một cuộc trò chuyện xoay quanh một chủ đề mà có lẽ tất cả những người yêu văn chương đều quan tâm, đặc biệt là những người có ý định bước chân vào việc sáng tác văn học. Thực tế cho thấy, có nhiều người không qua trường lớp học viết văn làm thơ nhưng vẫn có thể sáng tác tốt, vẫn có nhiều tác phẩm được xuất bản. Ngược lại, có người được học nhưng vẫn không thể sáng tác được. Vậy có cần thiết để có trường lớp đào tạo việc dạy viết văn làm thơ hay không? (Đối thoại mở 28/8/2024)
Với địa hình đa dạng, nước ta có rất nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
Cảnh đẹp ấy khi đi vào phim ảnh với những góc quay nghệ thuật, đặc tả, lại càng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn. Song không chỉ có cảnh quan thiên nhiên. Câu chuyện lồng ghép quảng bá du lịch trong điện ảnh còn nhiều hơn thế, sâu sắc hơn thế. Chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) trò chuyện cùng đạo diễn Lương Đình Dũng về nội dung này. (Đối thoại mở 3/7/2024)
Song song với quá trình sáng tạo văn chương là nỗi lo cơm áo gạo tiền, đảm bảo các điều kiện cuộc sống hàng ngày. Các nhà văn hiện tại đang sống và viết trong điều kiện ra sao? Đối thoại Mở “Nhà văn và câu chuyện sống bằng nghề viết” hướng góc nhìn vào thực cảnh ấy. (Đối thoại mở 12/6/2024)
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc là nguồn cảm hứng lớn cho những sáng tác văn học nghệ thuật. Đối với văn học dân tộc thiểu số, những tác phẩm đã có tuy chưa thực sự tạo thành một dòng chảy mãnh liệt như văn học người Kinh nhưng cũng đã có những dấu ấn quan trọng, cả thơ, truyện ngắn, trường ca, tiểu thuyết… Các tác giả nữ người dân tộc thiểu số viết về chiến tranh và hậu chiến nhằm tri ân quá khứ, bởi đó là một món nợ, là trách nhiệm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, qua đó nhằm nhận thức lại hiện thực một thời với những khai thác chưa đầy đủ, cả mặt xấu và mặt tốt. Quan trọng hơn hết là viết về những con người trong chiến tranh với những số phận cụ thể, đời thường, không phải chỉ anh hùng với ý chí quật cường, dũng cảm mà ở đó còn có những đấu tranh giằng xé, những mất mát và cả những khát vọng hóa giải hận thù sau cuộc chiến. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay, phóng viên VOV6 cùng với khách mời là tiến sĩ Đỗ Thu Huyền - Viện Văn học bàn về chủ đề này. (Đối thoại mở 15/5/2024)
Có quá nhiều chất liệu để xây dựng những tác phẩm bề thế về Điện Biên Phủ, về những nhân vật đặc biệt gắn với sứ mệnh thiêng liêng mà dân tộc đã giao phó. Lịch sử luôn lặng im bởi còn nhiều vấn đề lớn chưa thể giải quyết, chưa thể thấu đáo. Nhưng khán giả đòi hỏi. Đòi hỏi một tác phẩm xứng với tầm vóc Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chương trình Đối thoại mở trò chuyện cùng Tiến sỹ, nhà phê bình điện ảnh Mai Anh Tuấn - Giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (Đối thoại mở 8/5/2024)