Nghệ thuật sân khấu truyền thống cần có sự tiếp nối, kế thừa. Tuy vậy, trong những năm gần đây, khi số lượng tuyển sinh đầu vào các ngành nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, ít và có những chuyên ngành không có sinh viên, thì đương nhiên, đầu vào diễn viên cho các nhà hát cũng có nơi bị “bỏ trống”. Làm cách nào để giữ chân người tài cho sân khấu truyền thống là chủ đề cuộc bàn luận của phóng viên Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) với TS. NSND Lê Tuấn Cường, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. (Đối thoại mở 20/12/2023)
Văn học và điện ảnh luôn có mối quan hệ khăng khít. Tác phẩm văn học là nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo điện ảnh. Xu hướng làm phim khai thác từ văn chương đang được điện ảnh nước nhà quan tâm. Song việc chuyển thể từ truyện sang phim luôn là thách thức đối với người làm điện ảnh bởi bên cạnh những bộ phim thành công thì đã có không ít bộ phim nếm mùi thất bại. Trong chương trình Đối thoại mở trực tiếp của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) hôm nay, phóng viên VOV6 cùng bàn luận với tiến sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội về chủ đề này. (Đối thoại mở 08/11/2023)
Thực tế luôn chứng minh một bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng và chính xác về bối cảnh lịch sử, văn hóa thì hiệu ứng của phim được lan tỏa rất lớn. Điện ảnh nước ta từ buổi đầu còn sơ khai gian khó nhưng các nhà làm phim đã vô cùng chú trọng đến yếu tố này. Song tất nhiên, trình độ và sự quan tâm của từng cá nhân khác nhau, trái nhận về cũng có độ chua ngọt khác nhau. Trong bối cảnh phát triển công nghiệp điện ảnh, phát triển công nghiệp văn hóa thì việc khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa cần phải được đặt ra một cách chuyên nghiệp, ủng hộ sự sáng tạo nhưng không dĩ hòa vi quý với dễ dãi, tùy tiện. Cùng chương trình Đối thoại mở VOV6 trao đổi về vấn đề này, với khách mời là nhà phê bình điện ảnh Tiến sỹ Mai Anh Tuấn, Giảng viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội. (Đối thoại mở 01/11/2023)
Sự gia tăng số lượng tác giả cùng với nhiều cách thể hiện mới đặt ra những băn khoăn trong tư duy người sáng tác thơ những năm gần đây. Một bộ phận người viết cố gắng thử nghiệm nhằm tìm ra cách để mở khóa cảm xúc và chuyển tải tới công chúng. Có người đã tìm được phương thức biểu đạt phù hợp nhưng cũng có rất nhiều người loay hoay mãi vẫn chưa thể cất lên một tiếng thơ riêng. Nhà thơ Phan Hoàng bàn luận cùng "Đối thoại Mở" về những cách tân hình thức thơ đương đại. (Đối thoại mở 18/10/2023)
Kiến trúc có trách nhiệm xã hội có thể là một khái niệm khá rộng lớn nhưng chúng ta lại có thể nhìn thấy rất rõ qua sự sáng tạo, thực hành của kiến trúc sư cùng nhiều bên liên quan đến sự ra đời của một công trình dù to hay nhỏ. Trách nhiệm xã hội còn thể hiện ở việc hướng những thực hành kiến trúc đến những người dân gặp nhiều khó khăn nhằm đáp ứng các hoạt động sống thiết thực, cải thiện chất lượng cuộc sống và bù đắp những thua thiệt về kinh tế, văn hoá - xã hội cho họ. “Kiến trúc có trách nhiệm xã hội: tự thân và dấn thân” cũng là chủ đề cuộc đối thoại với khách mời là TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc - công trình Trường Đại học Phương Đông, Ủy viên Ủy ban Kiến trúc Xanh và Bền vững - Hiệp hội Kiến trúc sư Châu Á. (Đối thoại mở 11/10/2023)
Ngay từ những năm chiến tranh, điện ảnh nước nhà đã có tác phẩm tham dự các Liên hoan phim thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa. Sang thời đổi mới, nhà làm phim có cơ hội tiếp cận với nhiều Liên hoan phim hơn, nhất là khi bước vào thế kỷ 21, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội, họ càng ý thức được vai trò, tầm quan trọng khi đưa phim ra thế giới. Nếu thế hệ đạo diễn 6x, 7x còn vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, thì đến thế hệ 8x, 9x hiện nay, khả năng cập nhật, tiếp cận ngày càng chủ động, không chỉ dừng lại ở những Liên hoan phim vừa và nhỏ mà còn hướng tới các Liên hoan phim lớn. Câu chuyện về điện ảnh Việt tại các Liên hoan phim cũng là chủ đề của chương trình Đối thoại mở Ban VHNT VOV6, với khách mời là đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng. (Đối thoại mở 27/09/2023)
Từ trước đến nay, trong hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta, môn Văn vẫn được coi là một trong những môn học quan trọng hàng đầu, có mặt ở tất cả các cấp học. Học Văn không chỉ đơn thuần để lấy tri thức và rèn kỹ năng mà còn để trau dồi đạo đức, hoàn thiện nhân cách. Học Văn cũng là học làm người. Thế những một thực tế cho thấy học sinh học môn Văn hiện nay dường như không có nhiều hứng thú, rất ít các em yêu thích việc tìm đọc các tác phẩm văn học. Nhiều giáo viên chỉ đạo các em việc học thuộc lòng các bài văn cho trước để vượt qua các kỳ thi. Việc dạy và học môn Văn thế nào cho tốt là vấn đề chưa bao giờ cũ, cần được đặt ra và thảo luận trao đổi một cách nghiêm túc bằng tất cả trách nhiệm, tình cảm của những ai nặng lòng với nền giáo dục nước nhà. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 cùng bàn luận với nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam về chủ đề này. (Đối thoại mở 20/9/2023)
Những năm gần đây, các không gian nghệ thuật công cộng ra đời góp phần tạo cảnh quan sạch, đẹp, mang đến những trải nghiệm văn hóa cho cộng đồng, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội. Tuy nhiên, sau một thời gian khai thác, các không gian này bị xuống cấp, không còn giữ được vẻ đẹp ban đầu, có nguy cơ trở thành “rác nghệ thuật”. Vậy, làm thế nào để bảo vệ, khai thác một cách bền vững những không gian nghệ thuật công cộng này? Nội dung này sẽ được chúng tôi bàn luận trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) với khách mời là họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Đối thoại mở 23/08/2023)
Viết văn từ trước đến nay luôn nhận được sự quan tâm của các Hội Văn học nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương dành cho các cây bút. Những năm gần đây xuất hiện những khóa học viết văn online cho những người đam mê viết văn do các nhà văn chuyên nghiệp tổ chức đã thu hút lượng đông đảo người viết chuyên và không chuyên tham gia. Vậy đích đến của nó như thế nào? Trong chương trình Đối thoại mở trực tiếp của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 cùng bàn luận với nhà văn Uông Triều - người hiện đang mở các khóa học viết văn online về chủ đề này. (Đối thoại mở 09/8/2023)
Chất lượng và sức hút của Văn học thiếu nhi trong nước lâu nay vẫn là bài toán khó. Gần đây một số cuộc thi, cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi được phát động. Các cuộc thi này chỉ mang tính chất phong trào hay là sự vào cuộc góp phần phát triển Văn học thiếu nhi nước nhà? Chúng ta cùng bàn luận về vấn đề này với nhà văn Lê Phương Liên - Uỷ viên Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam (Đối thoại mở 19/07/2023)
Nước ta có 54 dân tộc anh em, với bản sắc văn hóa rất đa dạng và phong phú. Múa dân gian dân tộc được coi là tài sản quý báu của văn hóa dân tộc, mạch nguồn khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong nghệ thuật múa. Tuy nhiên, trong đời sống nghệ thuật sôi động hiện nay, bảo tồn và phát triển thể loại múa này đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Trong chương trình Đối thoại mở trực tiếp của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 cùng bàn luận với Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Trưởng khoa Diễn viên múa, Học viện Múa Việt Nam về chủ đề này. (Đối thoại mở 12/7/2023)
Trong vài năm gần đây, các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ mỹ thuật Đông Dương xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường giao dịch và lập kỷ lục trên sàn đấu giá danh tiếng, nhưng cũng liên tục vướng nghi án tranh giả khiến nhà sưu tập thế giới đánh giá sai lệch tài năng của danh họa của nước ta. Mặt khác thị trường trong nước, nạn sao chép, làm tranh giả ngày một gia tăng cũng gây bức xúc cho giới mỹ thuật cũng như công chúng, là một phần nguyên nhân làm thị trường mỹ thuật trở nên lộn xộn, gây mất niềm tin và khiến cho tranh của họa sĩ mất giá trên thị trường. Làm thế nào để có thể lấp những lỗ hổng trong việc xử lý, trả lại sự minh bạch, công bằng cho thị trường mỹ thuật? Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 trao đổi với nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Long về chủ đề này. (Đối thoại mở 28/6/2023)
Là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí văn nghệ nước ta ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa và tinh thần. Trong đó, các tạp chí văn nghệ đã có những cách làm, lối đi riêng để tự đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của độc giả trong thời đại 4.0. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay, phóng viên VOV6 cùng trao đổi với nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội về chủ đề này. (Đối thoại mở 21/06/2023)
Được triển khai từ cuối tháng tư, Photo Hà Nội 23 là sự kiện Biennale nhiếp ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta, với sự phối hợp giữa Viện Pháp tại Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Photo Hà Nội 23 đã đi đến chặng cuối cùng, với hơn hai mươi triển lãm cùng các buổi tọa đàm, work shop, các tour nghệ thuật, chiếu phim tài liệu, giới thiệu sách, diễn ra trên địa bàn 7 quận huyện của Thành phố Hà Nội. Sự kiện này đã đem tới những hình dung mới mẻ như thế nào về nhiếp ảnh nghệ thuật, đem tới những cơ hội nào cho nhiếp ảnh đương đại trong nước? Đây cũng là nội dung mà chương trình Đối thoại mở trao đổi cùng nghệ sỹ thị giác, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, người giữ vai trò cố vấn và giám tuyển nhiều triển lãm tại Biennale Photo Hà Nội 23… (Đối thoại mở 31/05/2023)