“Ba quả trứng lòng đào”: Tình anh em26/12/2023

Đây là truyện ngắn lịch sử đặc sắc của tác giả trẻ Nguyễn Anh Tuấn kể về tình cảm sâu nặng giữa Bình An vương Trịnh Tùng - vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh dưới thời Lê Trung hưng với người anh trai cùng cha khác mẹ là Thái phó Trung quốc công Trịnh Cối. Nhưng, những biến cố của thời cuộc đã đẩy hai anh em họ vào một cuộc chiến tranh giành quyền lực đầy khốc liệt. Truyện lấy bối cảnh Việt Nam ở thế kỷ 16, thời kỳ nội chiến Nam - Bắc triều, giữa nhà Mạc và nhà Lê trung hưng. Thái sư Trịnh Kiểm nắm trọng trách trung hưng nhà Lê, nên ông rất nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái, đặc biệt là người con cả Trịnh Cối. Chuyện xảy ra khi Trịnh Cối và Trịnh Tùng rủ nhau đi tắm ao, suýt nữa bị chết đuối. Thái sư Trịnh Kiểm đã dựng lên màn kịch xử chém những người hầu để dạy cho các con ông bài học về sự cẩn trọng trong cách hành xử nếu không sẽ liên lụy đến người vô tội. Thế nhưng, bài học khắc nghiệt ấy đã thay đổi số phận của hai anh em. Trịnh Cối - người được kỳ vọng gánh vác sự nghiệp thì ngày càng thu mình, sợ sệt, do dự, thiếu quyết đoán. Trong khi đó, người em trai Trịnh Tùng ngoài sự day dứt vì liên lụy đến người vô tội, đã dần thấu hiểu đạo lý, chính chắn hơn người anh của mình. Thế rồi, khi Trịnh Kiểm chết, Trịnh Cối lên thay cha, như con chim xổ lồng, lại buông thả, ham mê tửu sắc, bê trễ việc binh làm cho ba quân bất mãn. Dẫn đến việc các tướng lĩnh đưới quyền chọn Trịnh Tùng làm minh chủ, ép vua Lê phải trao binh quyền cho ông. Mặc dù rất khó xử, nhưng vì cơ nghiệp khó nhọc của cha, Trịnh Tùng buộc phải làm điều bất nghĩa với anh. Cũng vì điều đó mà hai anh em trở mặt thành thù, Trịnh Cối phải bỏ nhà Lê về với nhà Mạc, rồi chết trên đất Bắc Triều, sau đó, rất lâu mới được đưa linh cữu về quê nhà. Thông điệp của truyện được thể hiện rõ nhất khi Trịnh Tùng đếm thăm mộ Trịnh Cối. Lúc nghe người hộ vệ phàn nàn về đứa con ham chơi, Trịnh Tùng đã khuyên rằng: “…Cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái công thành danh toại, cho bõ công dưỡng dục, điều ấy không sai. Nhưng cũng đừng kỳ vọng quá và cũng đừng đem ước mơ dang dở của đời mình gán lên cuộc đời chúng. Mỗi người đều có một phận số riêng, hãy cứ thuận theo, đừng cố cưỡng cầu hay ép buộc”. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên bị trầm cảm, stress thậm chí là tự tử vì áp lực phải thành công từ gia đình đầy thương tâm, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã mang đến một câu chuyện hấp dẫn với góc nhìn mới mẻ về cách giáo dục con cái. Sự kỳ vọng và nghiêm khắc của cha mẹ đôi khi là áp lực cho những đứa con trên đường đời của chúng. Hãy nghiêm khắc nhưng có sự thấu hiểu, yêu thương, hãy kì vọng nhưng có sự động viên, định hướng. Một thông điệp nhân văn, đầy tính thời sự được kể bằng chất liệu văn chương lấy cảm hứng từ những nhân vật, sự kiện lịch sử có thật của Việt Nam. Đồng thời, với sự hiểu biết lịch sử và cách hành văn khúc chiết, tác giả Nguyễn Anh Tuấn đã vẽ nên một bức tranh lịch sử đầy khói lửa, chân thực và sống động trên từng trang viết của mình. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Mùa táo mèo chín rộ”: Một thời vụng dại

“Mùa táo mèo chín rộ”: Một thời vụng dại 26/12/2023

“Mùa táo mèo chín rộ” là câu chuyện của một cô gái sinh trưởng trong một gia đình miền xuôi lên vùng cao làm kinh tế rồi theo học trên thành phố. Cô đã không trở về mà thức thời chọn cuộc sống ổn định nơi phố thị. Rời bỏ miền đất xa ngút ngàn ấy nhưng đâu thể xóa sạch ký ức. Cô muốn quên và tưởng rằng sẽ quên nhưng đoạn tình tuổi trẻ tưởng nhạt nhòa ấy một ngày kia thức dậy cùng mùi hương táo mèo dâng đầy trí nhớ. Người ấy vẫn chưa thể quên và cô cũng vậy. Nỗi day dứt giăng mắc trong hồi tưởng về một vùng đất, một tấm chân tình không được đáp trả. Ai cũng có một thời tuổi trẻ nông nổi, vụng dại để lại dư vị bâng khuâng, nuối tiếc cả quãng đời về sau – Tác giả Nguyễn Thu Trang đã diễn tả câu chuyện ấy bằng ngòi bút chân phương, viết kỹ lưỡng như kể lại chuyện có thật, không chút hư cấu. Chính vì không dụng công xây dựng tình huống, cốt truyện nên cảm giác mạch truyện đều đều, thiếu điểm nhấn. Tác giả đã giãi bày gần như toàn bộ cảm xúc và hoàn cảnh nhân vật qua câu chữ nhưng chính sự quá rành mạch, rõ ràng ấy lại làm thiếu đi sự ngưng đọng và chiều sâu không lời xuyên suốt, thấm thía. Tuy vậy, đây vẫn là một truyện ngắn viết cẩn thận, giàu chi tiết, thức dậy nỗi niềm…(Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

“Phía sau cầu vồng”: Ánh sáng cuộc sống hạnh phúc

“Phía sau cầu vồng”: Ánh sáng cuộc sống hạnh phúc 22/12/2023

Các bạn thân mến, mở đầu truyện ngắn nhà văn Lê Vũ Trường Giang đã trực tiếp đưa người đọc, người nghe vào ngay cuộc chiến đấu căng thẳng ác liệt, gian khổ tại thành phố Huế trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Trong tiếng bom đạn ác liệt của kẻ thù, Tân nhớ lại những người quan trọng trong cuộc đời mình. Tân nhớ tới anh trai là Tạo, người phục vụ trong lực lượng cảnh sát quốc gia, nhớ thầy giáo, bạn bè tại thành phố Huế và nhớ tới người yêu là Hằng. Khi Tân bị thương nặng trong lúc chiến đấu, biết bao kỉ niệm, tình cảm vui buồn của cuộc đời bỗng ùa về trong tâm trí anh. Hai anh em Tạo và Tân mỗi người một lý tưởng nên bỗng trở nên xa cách, đối đầu nhau. Tân nhớ tới tình yêu tuổi trẻ giữa mình với Hằng tuy đã chớm nở nhưng vì cuộc chiến mà vẫn anh vẫn chưa dám thổ lộ. Những mất mát hi sinh của người dân đất Huế trong chiến tranh đề nặng trong lòng Tân. Anh chứng kiến cái chết của gia đình thầy giáo Ký, của cô bạn học tên Thu, của các đồng đội… Trong giây phút bị thương nặng những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh mà Tân chứng kiến trong cuộc đời hiện lên như một thước phim. Hình ảnh tên lính Mỹ trẻ ở phần cuối truyện là điểm nhấn khá đặc biệt. Người lính Mỹ cũng bị tổn thương, cũng rơi nước mắt trước sự khốc liệt của chiến tranh. Dù nhìn thấy Tân nhưng cuối cùng người lính Mỹ lại không tố cáo với đồng đội của mình. Hành động này khiến chúng ta có cái nhìn đúng hơn về con người hai bên chiến tuyến. Truyện ngắn được viết khá gai góc, cảm xúc mãnh liệt, đưa người đọc người nghe đi từ cảm xúc ngày đến cảm xúc khác. Số phận của nhân vật Tân chỉ là một góc nhỏ bé trong biết bao cuộc đời người lính, người dân Việt Nam trong thời khắc gian khó của đất nước nhưng cũng đã thể hiện phần nào sự hi sinh, mất mát đau thương của chiến tranh. Trong chiến tranh, người thân ruột thịt có lúc lại ở hai bên chiến tuyến, sự sống và cái chết thật mong manh, cái thiện và cái ác không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. … Vượt qua bom đạn khốc liệt, niềm tin chiến thắng, khát khao hòa bình của một thế hệ thanh niên như chàng trai Tân đã mang đến ánh sáng của cầu vòng, ánh sáng cuộc sống hạnh phúc hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“ Vỹ thanh”: Neo giữ tình người, tình đời tốt đẹp

“ Vỹ thanh”: Neo giữ tình người, tình đời tốt đẹp 19/12/2023

Truyện ngắn “Vĩ thanh” gây ấn tượng với người đọc, người nghe ngay từ tiêu đề của tác phẩm, nó gợi về những dư âm, dư ba còn vương mãi về chuyện tình cảm của nhân vật Quân và Loan. Những dòng quá khứ hiện về khi tình cơ Quân gặp lại Loan trong một tình huống hết sức trớ trêu, Quân bị tai nạn trong một lần đi công tác và chính Loan là bác sĩ đã phẫu thuật kịp thời cứu Quân. Nhận ra người mà mình đem lòng yêu mến, dành nhiều tình cảm năm xưa, Quân lại cảm thấy day dứt và ân hận. Ngày ấy, Quân là thầy giáo của trường đại học sư phạm và Loan là sinh viên năm nhất khoa toán, nhưng chỉ vì một phút dại dột, Loan lấy cái bút máy của bạn để về cho em. Loan bị hiệu trưởng kỷ luật, buộc thôi học. Quân không bảo vệ được người bạn gái và thậm chí còn trốn chạy trước những luồng dư luận không hay về Loan và cả anh nữa. Từ đó hai người bặt tin nhau và mấy chục năm sau gặp lại, chính Loan là ân nhân cứu Quân thoát chết. Tình huống truyện bất ngờ, kịch tính, tạo ra những khoảng day dứt, ám ảnh của nhân vật Quân. Lẽ ra anh phải bảo vệ bạn gái của mình? Lẽ ra anh nên đối diện với tất cả nhưng tại sao anh lại trốn chạy? Những ý nghĩ đó khiến Quân đau khổ và càng ân hận khi gặp lại Loan – bây giờ là một bác sĩ giỏi, đã cứu anh thoát nạn. Nhân vật Loan khiến người đọc, người nghe dành sự cảm phục, yêu mến, trân trọng. Câu chuyện của họ đã khép lại bằng một cái kết có hậu, khi Quân đã nói với Loan những điều đáng ra anh phải nói cách đây mấy chục năm. Dẫu muộn màng nhưng câu chuyện về họ vẫn khiến chúng ta xúc động. Tình người, tình đời vẫn luôn ấm áp chứa chan, cho chúng ta niềm tin và hy vọng vào cuộc sống vốn rất nhiều gập ghềnh và trắc trở. Truyện ngắn “Vỹ thanh” của nhà văn Hồ Ngọc Quang đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm và gieo vào lòng những niềm tin yêu chân thành…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Bức nude thứ 9" - Khi tổ ấm không còn ấm 12/12/2023

Với những ai đã là độc giả trung thành của nhà văn Tống Ngọc Hân, “Bức nude thứ 9” là một truyện ngắn có phần khác lạ. Trong tác phẩm này, nữ nhà văn không khai thác các yếu tố phong tục tập quán của đồng bào vùng núi mà bước thẳng vào đời sống đô thị, cụ thể hơn là đi sâu vào đời sống hôn nhân của Triển và vợ. Hai người tới với nhau đúng theo mô típ người đẹp và đại gia nhưng đây không phải là một cuộc trao đổi xác thịt tình tiền. Liền lấy chồng có thể không có tình yêu, nhưng cô có lòng biết ơn với người đàn ông đã cứu cả gia đình mình. Chỉ khi sống chung, những khác biệt, xô lệch mới dần trở nên rõ ràng, khiến một người sống trong tủi nhục, một kẻ lòng đầy hoài nghi. Hôn nhân của họ chỉ còn trên danh nghĩa…Là một người viết văn có nghề, không lạ khi với truyện ngắn này, Tống Ngọc Hân vẫn đem đến một câu chuyện có lớp lang, kịch tính từ giây đầu tiên tới phút cuối cùng. Nhà văn vẫn phát huy được thế mạnh khi xây dựng nội tâm nhân vật, nhất là với Triển, gã đàn ông ghen tuông đến mức mù quáng. Trong khi đó, sự kiệm lời của nữ chính lại cho thấy một sự kìm nén trong lồng son gác tía. “Bức nude thứ 9” gửi gắm thông điệp về hôn nhân: khi không đủ sự tin tưởng, cuộc sống lứa đôi chẳng khác gì địa ngục. Nhưng cũng trong truyện ngắn này, độc giả còn thấy được thông điệp về nghệ thuật, về một cái Đẹp vượt lên sự tầm thường và ích kỷ. Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới, dẫu đấy là thế giới đầy rẫy những ghen tuông, áp đặt và hoài nghi của một kẻ như Triển hay là thế giới uất ức, cam chịu của những người đàn bà như Liền. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

"Những mùa lũ": Ấm áp tình người 6/12/2023

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe, như lời tác giả tâm sự, được viết từ một sự kiện có thật. Trong đêm cơn bão số 12 (tên quốc tế là Damrey) đổ vào Nam Trung Bộ năm 2017, người dân vùng An Nhơn, Phù Mỹ đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Nghiệp, nhân vật trong truyện cũng chính là tên cậu học sinh học lớp tác giả làm giáo viên chủ nhiệm. Chi tiết người mẹ đu trên cây đà cả đêm và nhà ngập gần tới nóc đều là những chi tiết có thật. Từ những chi tiết ấy, tác giả tiếp tục dựng lên một bức chân dung đầy đủ về chuyện đời của một người phụ nữ lắm đa đoan. Bị cha dượng cưỡng bức từ năm 12 tuổi, đến năm 15 tuổi chị mất mẹ và bắt đầu phải sống tự lập. Cũng trong một lần chống chọi với bão lũ và nhận được sự giúp đỡ của người đàn ông hàng xóm, chị đã cảm động đón nhận tình cảm của anh ta rồi sinh ra thằng Nghiệp, chịu bao lời xầm xì dè bỉu của dân làng, nhất là từ người vợ chính thức của anh kia bởi thằng Nghiệp lớn lên giống bố như tạc. Chị còn nhận thêm nhiều tháng ngày đau khổ tủi nhục nữa khi chọn nhầm một người đàn ông khác về làm chồng, thường xuyên phải chịu cảnh đánh đập hành hạ cho đến một ngày gã say rượu và bị nước cuốn đi. Mạch truyện đi từ thực tại về quá khứ rồi lại trở về thực tại, khi nhân vật nữ phải đối diện với cơn lũ hung dữ, khắc nghiệt. Lần này, lại vẫn là người đàn ông hàng xóm, là bố thằng Nghiệp sang cứu chị, nhưng mà là cứu trong sự giục giã hối thúc của người vợ. Dường như trong phút nguy nan sinh tử, con người ta dễ mở lòng với nhau hơn, thương cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Người đàn bà kia có lẽ không còn giận chị nữa bởi người ấy cũng đang khóc khi nhìn thấy sự nguy nan của chị. Câu chuyện vì thế có một cái kết khơi gợi sự ấm áp của tình người. Có thể thấy, tác giả đã dành rất nhiều sự cảm thông và thương xót cho số phận những người phụ nữ, đặc biệt là những người rơi vào hoàn cảnh kém may mắn, khi hạnh phúc không được đủ đầy. Tác phẩm đồng thời cũng thắp lên một niềm tin vào lòng tốt, vào sự bao dung trong trái tim mỗi người phụ nữ.

"Bộ cờ ngà voi": Không chỉ là chuyện thắng thua 5/12/2023

Chuyện thắng thua trong mọi cuộc chơi là cả một triết lý nhân sinh, thấm đẫm đạo lý, nhân cách của người trong cuộc. Kẻ thù lớn nhất là chính mình, thất bại lớn nhất cũng từ mình mà ra. Người tài giỏi, nếu không tránh được thói kiêu ngạo, tự cao tự đại, coi thường kẻ yếu kém hơn mình, thì đó là cái bẫy tự sập mình, do đã dồn kẻ yếu tới tận cùng đớn đau, nhục nhã, khiến tức nước vỡ bờ...Triết lý ấy được thể hiện qua truyện ngắn "Bộ cờ ngà voi" của nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến trong chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay

"Nhau của núi": Vẻ đẹp văn hóa Tày 27/11/2023

Để có được một truyện ngắn hay về đề tài miền núi, không gì bằng việc tác giả phải có một đời sống thực tế gắn bó với mảnh đất và con người nơi ấy. Tác giả Nguyễn Văn Toan quê Hà Giang và là người con của dân tộc Tày. Anh viết truyện ngắn này khi đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Như tác giả tự bạch, truyện ngắn này được viết trong cảm xúc xa nhà và đây cũng là một lời tri ân với núi rừng, với huyết mạch của dân tộc Tày. Truyện được viết từ ngôi thứ nhất, nhân vật xưng Tôi, có tên là Thánh, là con trai thứ hai trong một gia đình có hai anh em trai. Anh trai Thánh là Thử, có tính cách khác hẳn với Thánh. Toàn bộ các nhân vật trong truyện này đều hiện lên với sự bất thường và đều đi qua những biến cố đặc biệt trong cuộc đời. Những biến cố ấy góp phần dẫn dắt mạch truyện, đưa cốt truyện đến những cao trào dữ dội, mang đến những bi kịch cho các nhân vật. Thử thì có tính cách ngang ngạnh, ngỗ ngược, lầm lì. Thánh thì hiền hơn anh nhưng năm 17 tuổi cũng quyết định bỏ nhà ra đi. Các nhân vật nữ trong truyện đều có cuộc đời long đong, lỡ dỡ, nhất là chuyện tình duyên. Đó là mẹ của Mẫn rồi sau này là Mẫn, đó là bà Mải và chị Tơ. Người đọc có cảm giác nỗi khổ của người phụ nữ giống như một cái gì truyền kiếp, muốn dứt ra mà không được. Khi Mẫn thành vợ của Thử một cách bất đắc dĩ, cả Mẫn và Thánh đều rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực. Cho đến khi Thử bị tai nạn lao động rồi qua đời, thì bi kịch mới lại nảy sinh. Đó là nỗi đau buồn của gia đình khi mất đi một người con, một người anh trai, đứa trẻ vừa được Mẫn sinh ra mất đi người bố. Những tháng ngày sắp tới, Thánh và Mẫn sẽ đối mặt như thế nào, họ có thể vượt qua được những thử thách hay không. Một cái kết mở, đầy nhức nhối nhưng cũng không ít hy vọng được tác giả đặt ra cho nhân vật và cho chính mỗi người đọc khi câu chuyện khép lại. Truyện được mở ra và kết thúc đều bằng những hình ảnh/chi tiết mang đậm nét văn hóa Tày. Đó là tục lệ treo dây rốn và nhau thai lên cây cổ thụ khi một đứa trẻ ra đời và tục cắt tóc của những người thân trong gia đình cùng tóc người đã mất cũng treo vào đúng gốc cây ấy. Ẩn chứa đằng sau những phong tục ngàn đời như vậy chính là lối sống trọng tình nghĩa và cũng thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của mỗi con người. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

“Chân trời mờ xa”: Niềm tin vào công lý

“Chân trời mờ xa”: Niềm tin vào công lý 20/11/2023

Truyện được kể ở nhiều điểm nhìn khác nhau. Dù ở điểm nhìn của người kể chuyện hay điểm nhìn của nhân vật đều góp phần khắc họa hình ảnh người cán bộ công an xã trong quá trình đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bình yên cuộc sống. Mở đầu truyện là hình ảnh nhân vật Quyết trên một chuyến phà đến nhận công tác tại địa bàn xã khó khăn nhất tỉnh trung du. Khung cảnh đẹp của một vùng quê tưởng chừng yên bình hiện ra trước mắt nhưng khi chứng kiến những chiếc xe tải chở cát vàng và nhất là qua cuộc gặp gỡ bên quán Gió, Quyết dần phát hiện ra các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông của ông Lưỡng - một người có máu mặt tại địa phương. Từ đây, sự xuất hiện của các nhân vật cùng một loạt các diễn biến tiếp theo dần đẩy câu chuyện lên cao trào. Mối quan hệ gia đình phức tạp giữa ông Lưỡng, Khem- vợ ông Lưỡng, Du - thằng bé con của Khem và Nuôi - thằng con trai không rõ lai lịch của ông Lưỡng tạo các tình tiết cho câu chuyện thêm hấp dẫn. Tác giả để nhân vật tự tự kể chuyện, dùng điểm nhìn của nhân vật để diễn tả tâm lý. Đoạn văn diễn tả cảnh Du bị nước cuốn trôi do sạt lở bãi bồi ven sông đã nói lên hậu quả đau lòng của nạn khai thác cát trái phép làm hủy hoại môi trường. Và từ đây, hình ảnh Quyết - người cán bộ Công an xã hiện lên thật đẹp, ngời sáng tinh thần dũng cảm, sự mưu trí, không ngại hiểm nguy. Chính Quyết đã cứu Du thoát nạn. Để bảo vệ người dân khỏi mối nguy hiểm rình rập hàng ngày, Quyết trên cương vị Phó Công an xã đã lên kế hoạch cùng đồng đội quyết tâm triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông hàng đêm. Tình huống bất ngờ khi Nuôi mới đi tù về đột ngột xuất hiện cản trở, dùng súng định bắn Quyết. Càng bất ngờ hơn khi Du- thằng bé được Quyết cứu đã lao đến đỡ viên đạn thay Quyết. Đây là chi tiết thể hiện sự nhân văn của tác phẩm. Với sự trải nghiệm sâu sắc, lối viết tỉ mỉ và cốt truyện gay cấn, nhiều bất ngờ, tác giả Đỗ Ngọc Bích đã mang đến ngưởi đọc, người nghe một niềm tin rằng, vượt lên trên tất cả, công lý và tình người sẽ luôn giành chiến thắng trong mọi hoàn cảnh.

Miền gió: Thao thiết tiếng đời

Miền gió: Thao thiết tiếng đời 20/11/2023

Truyện ngắn của Nguyệt Chu mang lại cảm giác và liên tưởng về một cuốn phim quay chậm. Ở đó tác giả hoàn toàn để cảm xúc chi phối câu chuyện của mình. Từ sự dẫn dắt của cảm xúc, đường nét các nhân vật, chi tiết, bối cảnh, tình huống, xung đột hiện ra. Như những truyện ngắn khác của cô giáo Nguyệt Chu, chất văn và cả chất đời thấm đẫm trong từng trang truyện “Miền gió”. Ta có thể nhặt ra trong truyện của chị từng mảnh cuộc sống hiện thực nơi chốn đang cư ngụ, một tai nạn rơi máy bay huấn luyện quân sự, nhịp sống thường ngày của một cô giáo, cánh đồng, vụ gặt và triền sông ngập gió. Khi nhìn qua lăng kính khô khốc của đời thường, mọi thứ giản đơn và trôi tuột đi, rồi tuần tự nhịp sống chồng chất lên, chẳng còn lại chút dư vang. Nhưng qua những trang văn của Nguyệt Chu, chúng ta thấy đọng lại đó thao thiết tiếng đời, nỗi xót xa, thương cảm cho số phận con người. Tác giả đã không chọn sự tỉnh táo trong khi sáng tác mà để cho cảm xúc dẫn dắt đến cùng. Có lẽ vì thế kết truyện của chị có lẽ khiến một bộ phận độc giả hụt hẫng. Nhưng cũng tới cùng, nhặt trong “Miền gió”, chúng ta vẫn cảm nhận được sự rung động, chất văn trong sáng tác của Nguyệt Chu. (Lời bình của BTV Võ Hà)

“Trụ cột gia đình”: Câu chuyện xúc động về sự gắn bó của tình thân

“Trụ cột gia đình”: Câu chuyện xúc động về sự gắn bó của tình thân 16/11/2023

Các bạn thân mến, một gia đình thường có cha mẹ là chỗ dựa vững chắc cho con cái. Nhưng gia đình của nhân vật chính trong truyện là cậu bé Flury, 10 tuổi thì không được đầy đủ như vậy. Trong cả câu chuyện chúng ta không hề thấy hình bóng của người cha, mà chỉ thấy có hai mẹ con Flury. Chính vì vậy, khi mẹ bị ốm thì bỗng cậu bé 10 tuổi trở thành trụ cột trong gia đình. Mẹ ốm, cậu phải xin nghỉ học để ở nhà chăm sóc mẹ, cậu lo nấu nướng cho mẹ ăn, đi mua thuốc cho mẹ, nhờ người mời bác sĩ đến khám cho mẹ. Với một cậu bé đang ở tuổi ăn tuổi chơi bỗng phải làm mọi việc nhà lại còn chăm sóc mẹ ốm khiến cậu bối rối, lo lắng. Cậu bé không biết tâm sự, chia sẻ, hỏi ai mình phải làm gì cho đúng, làm thế nào để mẹ nhanh khỏi bệnh khi không có nhiều tiền…. Tất cả khó khăn, công việc bỗng nhiên đổ lên đôi vai nhỏ bé khi người mẹ bị bệnh. Cuối cùng dường như nhờ phép màu nhiệm nào đó hay nhờ sự cố gắng của Flury mà người mẹ đã khỏi bệnh. Truyện ngắn là câu chuyện về cuộc sống bình thường của một gia đình nghèo khi người mẹ đổ bệnh. Truyện không có những mâu thuẫn hay sự kiện to lớn mà đi vào những chi tiết sinh hoạt hàng ngày quen thuộc mà ai cũng có thể gặp. Những suy nghĩ, lo lắng, cảm xúc của một cậu bé khi bỗng nhiên trở thành trụ cột lo lắng mọi việc trong gia đình. Dù đã cố gắng nhưng cuối cùng cậu vẫn chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi ham vui, ham chơi. Cậu đi một đoạn đường xa để mua thuốc ho cho mẹ nhưng rồi mải vui cùng cô bé cậu lại uống hết chai thuốc đó. Lo lắng, sợ hãi trước sai lầm của mình khiến chính cậu lại đổ bệnh khiến mẹ phải chăm sóc. Một câu chuyện giản dị về cuộc sống hàng ngày thể hiện tình cảm yêu thương của người thân trong gia đình. Truyện ngắn giúp chún ta hiểu được tình yêu thương, sự quan tâm châm sóc là điều quan trọng nhất của một trụ cột trong gia đình.

"Đất không cưu mang" (P2): Hạnh phúc và khổ đau 9/11/2023

Nhà văn có lối dẫn truyện đầy lôi cuốn, mạch văn tràn trề, lúc dữ dội, lúc êm đềm khiến người đọc người nghe như được sống trong nhiều cung bậc cảm xúc; vui buồn cùng các nhân vật mà mỗi nhân vật đều có một cõi riêng đầy ưu tư và sóng gió. Xưa nay trai chưa vợ mê mẩn và muốn cưới người phụ nữ đã lỡ dở một lần đò mà lại có con nhỏ làm vợ không phải là chuyện hiếm. Song, yêu một cách say mê không tính toán như ông Mười trong truyện ngắn Đất không cưu mang thì chắc không nhiều. Đêm nào ông Mười cũng đến nằm trên bãi cỏ trước cửa nhà bà Năm, mặc sương sa, mặc gió mưa…Trong con người vạm vỡ của ông có chút gì đó yếu đuối, trong sự từng trải có chút gì đó còn ngây thơ. Ông ghen tuông với quá khứ, với người chồng đã khuất của vợ, và luôn nghi ngờ hạnh phúc mà mình đang có. Và khi đứa con chung giữa hai người chào đời, ông mới biết hạnh phúc là điều có thật. “Cứ mỗi lần nghe vợ hát ru con, nước mắt ông cứ chực trào ra. Khi ấy ông muốn ôm vợ, ôm con, ôm cả trời đất vào lòng”. Nghĩa là niềm tin, niềm hy vọng; là chứng nhân cho tình yêu của bà Năm dành cho ông. Vậy mà Nghĩa đã bỏ ông ra đi mãi mãi. Cùng lúc đó nước tràn vô rẫy quét sạch thành quả lao động của cả gia đình ông. Nỗi bất hạnh liên tiếp ập đến đã vắt kiệt sức lực ông Mười, khiến ông không thể gượng dậy nổi. Ông đã từ giã cuộc đời vì kiệt sức, mất mát, bất hạnh. “Mặt đất cũng bỏ ông. Nó chỉ cưu mang ông khi ông chia lìa cuộc đời này, khi không còn yêu thương và chẳng biết đau khổ…”.

"Đất không cưu mang" (P1): Tình yêu của ông Mười 9/11/2023

Chồng mất sớm, bà Năm ở vậy một mình nuôi 3 con nhỏ. Trái tim bà tưởng đã đóng chặt vì tình yêu mà bà dành cho người chồng rất sâu đậm, bởi đó là “phần ký ức dịu ngọt, nồng nàn đã hòa tan trong từng mạch máu và luân chuyển không ngơi trong cơ thể bà…”. Thế nhưng, trước tình yêu chân thành và tấm lòng nhẫn nại của ông Mười mà cuối cùng bà Năm đã mở lòng trở lại. Nói rằng bà Năm đã thực sự yêu ông Mười thì chưa hẳn. Tuy sống cùng một nhà, nhưng ông Mười luôn có cảm giác là vợ mình vẫn dành tình cảm cho người chồng trước hơn là mình. Bởi thế ông luôn sống trong mặc cảm, tự ti. Đã có lúc ông có ý định tự tử, nhưng rồi chính những đứa con riêng của bà Năm đã giữ ông ở lại…Liệu tính ghen tuông của ông Mười có khiến hạnh phúc gia đình rạn nứt? Rốt cục bà Năm có dành hết tình yêu cho ông Mười? Và hẳn các bạn cũng đang nóng lòng muốn biết lý do ông Mười cũng theo người chồng trước của bà Năm ra đi mãi mãi? Vào giờ này đêm mai, mời các bạn tiếp tục theo dõi phần tiếp theo truyện ngắn Đất không cưu mang của nhà văn Bích Ngân để phần nào có được câu trả lời:

"Bão táp chưa dừng": Nỗi đau khôn nguôi của người mẹ 9/11/2023

Có bao người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vì nền hòa bình thống nhất, thì có bấy nhiêu bà mẹ mất con trong sự chờ đợi, hy vọng mỏi mòn. Văn chương với bao bút mực cũng không thể tả xiết nỗi đau sự hy sinh này. Thêm một truyện ngắn nữa của tác giả Lã Thế Khanh làm đầy những cảm xúc về sự đau thương của chiến tranh và mất mát vô bờ bến của người mẹ. Sự khác biệt của người mẹ trong “Bão táp chưa dừng” là chi tiết độc đáo trở đi trở lại trong đời mẹ. “Cây cau” và những chùm cau mẹ để dành mỗi mùa cây ra quả với tâm niệm mẹ để dành phần cho con trai cưới vợ thật xúc động và xa xót. Những ngày cuối đời mẹ vẫn khôn nguôi nhớ con, vẫn khắc khoải vì không bù đắp được gì cho đứa con trai thiệt thời hy sinh vì việc nước. Chỉ một chi tiết thôi mà tạo cho truyện được nét riêng ấn tượng. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

"Lời hứa của thời gian": Tự hứa với lòng mình 6/11/2023

Nhân vật chính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe – ông Miêng, có thể khiến mỗi thính giả, độc giả liên tưởng ngay đến một nhân vật khá nổi tiếng trong giới văn chương, đã từng nổi tiếng ở miền Nam từ trước 1975. Đó là thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, còn được gọi là Sơn núi. Cả Nguyễn Đức Sơn và ông Miêng đều có hành động giống nhau, đó là dành cả cuộc đời mình để trồng những cây thông. Trong đời thực, ông Nguyễn Đức Sơn tương truyền đã trồng tới một vạn cây thông ở vùng Phương Bối, Bảo Lộc, Lâm Đồng và còn tiếp tục truyền cảm hứng này cho các con của mình. Nếu như thi sĩ Nguyễn Đức Sơn trồng thông trong một tâm thế trở về với hoang sơ, sống gần gũi với thiên nhiên thì ông Miêng trong truyện ngắn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại trồng thông kín những quả đồi vì nỗi đau chiến tranh, khi tất cả đồng đội ông đã hy sinh ở đó. Đặt tên truyện là Lời hứa của thời gian, chúng ta hiểu rằng đây là cách ông Miêng tự hứa với lòng mình chứ không phải có ai ép buộc hay giao nhiệm vụ cho ông cả. Xoay quanh cuộc sống của ông Miêng, ta bắt gặp cả một bi kịch của người lính thời hậu chiến khi hạnh phúc gia đình tan vỡ, đứa con sinh ra bị nhiễm chất độc da cam, người vợ đợi chờ ông đằng đẵng suốt mười năm thời chiến thì nay lại bỏ ông trong thời bình. Một hy vọng hạnh phúc vừa nhen nhóm lên trong đời ông Miêng đã nhanh chóng vụt tắt, đấy là khi Hoa cuốc phải quả mìn còn sót trong chiến tranh và qua đời. Nỗi đau cũ còn chưa nguôi thì nỗi đau mới lại chồng lên trong lòng người cựu chiến binh. Phần cuối truyện có lẽ là một sắp đặt để mong mang đến một cái kết có hậu trong cuộc đời ông Miêng, đó là ông không phải sống cô đơn nữa bởi con trai của Lợi đã tìm về. Nhưng ông cũng đồng thời phải giữ kín một bí mật khác, bởi nếu nói ra sự thật sẽ mang nỗi đau cho người thanh niên vừa tìm đến ông. Mỗi người nghe, người đọc có lẽ đều tin rằng, hai người đàn ông ấy sẽ mang đến cho nhau hơi ấm cuộc đời trong tất cả những tháng ngày sắp tới. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Điểm hẹn Văn nghệ
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Điểm hẹn Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 21h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ