"Ngưu hoàng": Hồn làng xưa14/5/2024

Truyện ngắn Ngưu hoàng kể câu chuyện về hồn làng xưa đang rã ra từng mảnh từ câu chuyện ứng xử với căn nhà từ đường của cha ông trong một gia đình nông thôn dần bỏ làng ra phố. Thổ cư của lão bá hộ rộng cả mẫu với những cây ăn trái lâu năm đã thành rừng cây cổ thụ, nhà ngang dãy dọc, chuồng trại, nhà kho khang trang lại có nhà cho kẻ ăn người ở…Trong ngôi nhà cổ bày biện toàn đồ gia bảo, nhưng “Bọn phá hoại”. Lão rủa inh lên mỗi độ về thăm nhà. Nhưng là rủa chung chung thôi. Bọn phá hoại chính là ba thằng con trai lão. Đứa này xin tấm phản gỗ dày cả gang tay về xẻ làm sa lông thẻ, đứa kia xin cái tràng kỷ chạm khắc xà cừ về kê nằm mát, đứa thì cái mâm đồng, đứa thì chở chum vại, hũ có tuổi hơn trăm năm… Rồi những đồ đạc quý ấy cũng chẳng còn ở trong nhà ba đứa con. Đứa bán cho đám đồ cổ, đứa vứt đi thay đồ hiện đại…Tan hoang này có lỗi của lão. Chính lão cũng không thấy hết giá trị ngôi nhà của cha mẹ để lại và đã dễ dãi vứt bỏ. Ba đứa con trai không đứa nào thèm nhận nhà từ đường và lão cũng hùa về phố ở với chúng. Cuối cùng, cảm thấy mình sắp chết, lão về lại cơ ngơi xưa. Về để lão tự cứu mình, cứu ngôi nhà tổ tiên. Ký ức vụt dậy, câu chuyện về ngưu hoàng – cái túi mật của con bò vàng do lão thầy Miên nói, là một loại kỳ dược, có thể cải tử hoàn sinh. Bản năng sống âm ỷ trong cơ thể rệu rã của lão bùng lên như bấc cạn dầu, mùi hương của đàn bà, cả hương âm con ma nữ áo trắng đi từ dưới ao lên từng trong mơ biến gã trai mười bảy là lão thành đàn ông rồi cứ nương vào hương vợ, cả các cô con dâu lẫn đứa người làm mà thức dậy, lan tỏa, mời gọi lão. Hồn làng xưa ngụ trong hồn của lão, hồn lão ngụ trong cơ thể đang dần tàn lụi còn chính lão thì ngụ trong ngôi nhà rường đang mòn mỏi giữa đàn mối mọt kiên trì và ráo riết gặm nhấm. Kết truyện, lão bá hộ chết ngay trên chính mảnh đất cha ông thật có ý nghĩa, và mang tính biểu tượng…

"Cái đùi cừu": Hậu họa của sự phản bội 8/5/2024

Phụ nữ xứ nào cũng vậy, mang bản năng dịu dàng và hết lòng chăm sóc gia đình, chồng con. Nhiều người chấp nhận cuộc sống nội trợ nhàm chán, đơn điệu, toàn tâm cho tổ ấm. Toàn bộ tâm trí, sức lực và nhịp đập trái tim họ hướng về những vui buồn của những người thân yêu. Tuy nhiên, điều họ cần không phải là sự trả ơn. Họ chỉ cần gia đình, người thân được bình an, sống tử tế, và đặc biệt không được phản bội lại lòng tin của mình. Ở những người phụ nữ này toát lên nét nữ tính, cuốn hút dù thế giới hàng ngày của họ chỉ là một không gian thu nhỏ với những điều giản đơn. Thế nhưng, thẳm sâu dưới phẳng lặng là những cơn sóng ngầm, một khi đã làm tổn thương, làm trái tim phụ nữ vụn vỡ thì sự đáp trả của họ cũng thật dữ dội. Biển khơi đã nổi giận, cuốn phăng và vùi sâu tất thảy xuống lòng đại dương, tuyệt không dấu vết. Bằng ngòi bút điềm nhiên, nhà văn đã kể cho chúng ta một câu chuyện mở đầu bằng khung cảnh trong căn nhà ấm áp, một người phụ nữ đang đợi chồng trở về nhà sau một ngày làm việc và kết thúc bằng tiếng cười có phần man rợ của chính người phụ nữ đó sau khi xóa sạch dấu vết của hành động sát nhân. Li kỳ, kịch tính và cũng chứa đựng thông điệp về hậu họa của sự phản bội, nhà văn Roald Dahl vốn nổi tiếng với các tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu nhi đã chứng tỏ được khả năng với thể loại trinh thám vốn chưa bao giờ thôi cuốn hút với công chúng, độc giả.

"Chuyến tàu đêm": Chuyên chở những phận người 3/5/2024

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe xoay quanh câu chuyện của cặp vợ chồng Thùy và Tiến, trong đó Thùy được tập trung miêu tả, khắc họa đậm nét. Thùy vốn là một ý tá xinh đẹp, sau khi kết hôn thì nghe lời chồng nghỉ việc để hỗ trợ công việc cho chồng. Là một tay môi giới bất động sản, Tiến thường kéo Thùy đi những cuộc gặp gỡ khách hàng của mình, tận dụng nhan sắc của Thùy trong việc ký kết các dự án, hợp đồng. Thế nhưng, chuyến đi đến Lũng Mây đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của Thùy. Tiến đã lộ rõ bộ mặt đê tiện, thấp hèn, sẵn sàng bán đứng vợ, biến vợ thành một món hàng thân xác với tay quan chức của địa phương. Thùy cũng đã có mối duyên kỳ lạ với cô gái liệt sĩ cùng tên hy sinh ở ga Yên Khê, khi cô hỗ trợ Thùy giúp sản phụ vượt cạn thành công ngay trên chuyến tàu đêm. Thùy cũng bất ngờ gặp được chị dâu của cô gái liệt sĩ cùng tên với mình. Truyện có một cái kết mở, gợi cho người nghe, người đọc nhiều suy nghĩ. Thùy đã quyết định dừng chân ở ga Yên Khê chứ không theo chồng về thành phố, điều ấy cũng có thể hiểu là Thùy sẽ không tiếp tục đồng hành cùng Tiến khi đã nhận rõ bản chất của một kẻ con buôn, coi đồng tiền là trên hết. Cũng qua câu chuyện của Thùy, mỗi chúng ta có thể chiêm nghiệm nhiều hơn về một đời sống tâm linh vẫn hàng ngày hàng giờ đồng hành cùng đời sống thực, nhắc nhở mỗi người phải biết sống sao cho tốt hơn, hướng đến sự tử tế và lương thiện.

“Mom my” (P2): Tình yêu thương

“Mom my” (P2): Tình yêu thương 26/4/2024

Các bạn thân mến, truyện ngắn lôi cuốn người đọc, người nghe không chỉ bởi cách kể chân thực, sinh động mà còn bởi tác giả biết đưa ra những tình huống, nút thắt. Trên chiến trường khốc liệt, xác lính Mỹ bị chết còn nằm ngổn ngang, nhân vật tôi không cho Steve Brao một viên đạn mà lại cứu giúp anh ta. Nhưng sau khi cùng đồng đội là Định đưa Steve Brao về hầm trú ẩn, nhân vật tôi lại gặp phải tình huống khó xử. Để Steve Brao trong hầm cũng không ổn, mà bỏ vị trí chiến đấu để đưa người bị thương đi cứu chữa cũng không được. Cuối cùng nhân vật tôi và Định đành đưa Steve Brao tới một bãi đất trống để chờ trực thăng Mỹ tới cứu viện. Lúc bình thường thì họ phải ẩn nấp kĩ sao cho kẻ địch không phát hiện mà giờ phải làm sao khiến trực thăng dễ nhìn thấy Steve Brao. Người lính Mỹ được trực thăng cứu hộ đưa đi, nhân vật tôi tiếp tục cuộc chiến đấu của mình. Chiến tranh kết thúc, anh trở về quê hương, thời khắc gặp lại mẹ nhân vật tôi buột miệng gọi Mom my. Điều đó chứng tỏ câu gọi mẹ của người lính Mỹ quá ấn tượng trong cuộc đời lính chiến của anh. Sau này anh có dịp qua nước Mỹ và nghẹn ngào xúc động khi biết Seven Brao đã chết trong chiến tranh. Truyện ngắn giàu cảm xúc và cuốn hút người đọc, người nghe. Bên cạnh trường đoạn miêu tả sinh động, chân thực là những câu thoại tếu táo của người lính. Nhiều chi tiết nhỏ mà chỉ những người lính trực tiếp chiến đấu trên chiến trường mới biết. Chi tiết nhân vật cứu giúp Steve Brao hay việc anh không bắn hạ chiếc trực thăng cứu thương thể hiện tính cách cao đẹp của người lính Cách mạng. Trên chiến trường họ có thể chiến đấu với kẻ địch tới viên đạn cuối cùng, giọt máu cuối cùng nhưng với thương binh thì cũng rất nhân đạo. Thời gian gần nửa thế kỷ là quãng lùi để chúng ta nhìn nhận chiến tranh với góc độ đa dạng và có chiều sâu hơn. Mỗi người lính trên chiến trường dù ở bên chiến tuyến nào đều có một người mẹ, một nơi yêu thương để hướng về.

“Mom my” (P1): Cuộc gặp gỡ đặc biệt của hai người lính hai bên chiến tuyến

“Mom my” (P1): Cuộc gặp gỡ đặc biệt của hai người lính hai bên chiến tuyến 26/4/2024

Các bạn thân mến, ngay mở đầu truyện ngắn người đọc, người nghe đã cảm nhận được mùi chiến tranh. Vâng, đó là mùi khét của bom đạn, mùi cây cỏ bị đốt cháy, mùi tanh của bùn đất bị cày xới, mùi tanh của máu. Tất cả thứ mùi quện vào nhau trong không gian đặc quanh của chết chóc. Không có màn dạo đầu, chúng ta được chứng kiến ngay cuộc chiến khốc liệt của người lính giải phóng danh xưng là tôi với lính Mỹ tại chiến trường miền Tây Thừa Thiên. Trong cuộc chiến tìm diệt, cả hai bên chiến tuyến đều có hy sinh, mất mát. Tranh thủ lúc địch “nghỉ hết giờ”, nhân vật tôi lần theo tiếng kêu “mom my” để tìm người lính Mỹ bị thương. Tuy vốn tiếng Anh ít ỏi nhưng anh cũng hiểu tên lính Mỹ đang gọi mẹ như tất cả những đứa con khi đau, khi sợ hãi gọi mẹ ơi. Nỗi niềm đồng cảm của một người con cũng như lòng trắc ẩn khiến nhân vật tôi cứu giúp người lính Mỹ. Người lính Mỹ còn rất trẻ tên Steve Brao bị thương ở chân. Sau khi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến cái chết của hàng chục, hàng trăm đồng đội, Steve Brao chỉ muốn được còn sống trở về với mẹ. Với giọng văn chân thực, câu chuyện như một bộ phim điện ảnh vô cùng sinh động với hình ảnh sắc nét, cốt truyện hy hữu khi một người lính giải phóng lại cứu giúp kẻ địch của mình. Sau khi đưa được Steve Brao về hầm trú ẩn thì nhân vật tôi sẽ phải xử trí như thế nào, số phận người lính mỹ sẽ ra sao, quý vị và các bạn cùng đón nghe phần cuối câu chuyện vào chương trình Đọc truyện đêm khuya ngay mai.

"Vòng tròn nhân hậu" (P2): Vòng tròn của sự tử tế 25/4/2024

Truyện ngắn “Vòng tròn nhân hậu” của nhà văn Hồ Ngọc Quang là câu chuyện cảm động về tình người, về sự ứng xử nhân văn cao đẹp. Ba số phận – ba nhân vật Liên, Vinh và Hợp, là những cuộc đời trải qua nhiều thử thách gập ghềnh, sóng gió. Nhưng chính nghịch cảnh đã tôi luyện cho họ sự kiên trung. lòng chung thủy và nghĩa tình trọn vẹn. Liên trong hoàn cảnh chiến tranh, lỡ mang thai với Vinh và phải ra xứ Nghệ tá túc. Trong hoàn cảnh đó, Liên gặp Hợp, một người nông dân bán củi hiền lành, tử tế, đã cưu mang Liên. Hợp thay Vinh nuôi vợ con anh trong mười năm chờ đợi. Người đọc, người nghe cảm động, trân trọng. về lòng chung thủy của Liên bao nhiêu thì với Hợp chúng ta càng trân quý, yêu mến sự tử tế, độ lượng của Hợp bấy nhiêu. Cuộc đoàn tụ trong nước mắt hạnh phúc của ông Vinh khi đã là một vị tướng già, trở về chịu tang bà Liên. Gặp lại ông Hợp mừng tủi và mang ơn, chúng ta càng thấy một cái kết có hậu, một vòng tròn của sự tử tế, nhân văn. Câu chuyện là bài học quý về lòng nhân hậu, là tình nghĩa trước sau như một, là sự tử tế trong cuộc đời. Truyện ngắn “ Vòng tròn nhân hậu”, giống như tên gọi, là thông điệp sâu sắc mà nhà văn Hồ Ngọc Quang muốn gửi tới người đọc, người nghe những điều tốt đẹp của cuộc đời.

“Vòng trong nhân hậu” (P1): Cuộc gặp gỡ định mệnh

“Vòng trong nhân hậu” (P1): Cuộc gặp gỡ định mệnh 25/4/2024

Trong số các tác giả văn xuôi đương đại xứ Nghệ, nhà văn Hồ Ngọc Quang là gương mặt để lại nhiều ấn tượng cho độc giả. Hồ Ngọc Quang có khả năng viết nhiều thể loại như truyện ngắn, ký, kịch nói, thể loại nào cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Nhà văn Hồ Ngọc Quang bén duyên với văn chương từ cuối những 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã đạt giải Nhất cuộc thi Ký báo Nghệ An, tiếp đó, đạt giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An. Từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài sáng tác, đặc biệt là những tác phẩm dành riêng cho Quỳnh Lưu quê ông. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin gửi tới quý vị và các bạn phần mở đầu truyện ngắn “Vòng tròn nhân hậu” của nhà văn Hồ Ngọc Quang, một tác phẩm mới sáng tác của ông:

"Trăm năm phấn thổ": Câu chuyện thước đo tiền tài và nhân nghĩa 23/4/2024

Truyện ngắn “Trăm năm phấn thổ” mang đặc trưng văn phong ngòi bút của Trần Huyền Trang, một tác giả xuất hiện thường xuyên trên chuyên trang văn nghệ của nhiều tờ báo tên tuổi. Bằng lối viết tự sự, giàu hình ảnh, tác giả đã kể câu chuyện tâm sự của nhân vật Tân - một người con trong gia đình có người cha bỏ vợ con để chạy theo cuộc sống phù hoa. Cuộc đời Tân thêm một lần nữa hứng chịu nỗi đau khi người con gái anh thương vì ham giàu sang mà bội ước. Thế nhưng, từ đầu đến cuối truyện, nhân vật Tân không một lời trách cứ. Truyện nhẹ nhàng, miên man theo dòng cảm xúc mà ngưng đọng, thấm thía. Phải hứng chịu những nỗi đau, những vết thương sâu, cuối cùng cuộc đời Tân cũng được trổ hoa hạnh phúc. Truyện kết thúc với câu ca của người xưa: “Tiền tài như phấn thổ/ Nhân nghĩa tợ thiên kim…” – Chạy theo bạc tiền rồi một ngày cũng nhận ra vật chất như bụi đất, chỉ nghĩa tình giữa con người với nhau là đáng quý trọng, bền bỉ qua thời gian….

"Tiếng gọi trong chiều muộn": Tiếng gọi của tình yêu 22/4/2024

Trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe, đề tài và nhân vật của Hương Văn hướng về tầng lớp lao động phổ thông, những người công nhân khá vất vả, lam lũ nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Binh và lão Tứ đều là những người làm việc cho xưởng gỗ, trong đó lão Tứ là quản đốc còn Binh chỉ là một công nhân bình thường. Một nhân vật nữ đặc biệt quan trọng là Hoa, chủ quán nhậu ngay gần xưởng gỗ. Đằng sau những vẻ ngoài có phần thô tháp, vụng về, thậm chí có lúc cáu kỉnh, đanh đá, tất cả các nhân vật trong truyện của Hương Văn đều luôn có một khát khao được yêu thương, được chia sẻ. Lão Tứ có vợ con ở quê nhưng vẫn dành tình cảm cho Hoa. Hoa đã từng qua một đời chồng, ngỡ chỉ tập trung vào mở quán mưu sinh, thế rồi cũng có một ngày mềm lòng cảm động trước tình cảm của lão Tứ, dù trước đó chẳng ưa gì lão. Cao trào của truyện dâng lên đỉnh điểm với chi tiết lão Tứ gặp nạn hỏa hoạn và Binh phát hiện phiếu siêu âm Hoa đang mang thai. Hoa cũng đã từng hết lòng chăm sóc khi Binh say rượu. Chỉ có một trái tim đầy nhân ái, bao dung mới có thể khiến Binh bỏ qua tất cả để sẵn lòng giang rộng vòng tay che chở Hoa, nhận làm người cha hợp pháp cho đứa con Hoa đang mang trong bụng. Dù Hoa đã vùng chạy khỏi Binh nhưng một cái kết mở của truyện với hình ảnh hai bóng người hòa vào nhau mang đến cho người nghe, người đọc một niềm tin, một hy vọng về tình yêu thương và lòng trắc ẩn trong cuộc đời. Những con người lao động chân tay lam lũ nhọc nhằn, đôi khi lại có thể làm được việc mà những người có vị trí xã hội cao hơn, giàu có hơn không thể làm được. Sự chân thành của Binh với Hoa đã mang đến cho truyện ngắn những giá trị nhân văn sâu sắc về lòng hy sinh và vẻ đẹp của tình người.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 28): Ánh sáng của niềm tin 19/4/2024

Sau bao nhiêu đau khổ, cay đắng, xót xa, cuối cùng hai nhân vật Tâm và Trang của tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” cũng đã được về bên cạnh nhau. Nhà văn Nguyễn Một đã diễn tả vô cùng xúc động cuộc hội ngộ đầy nước mắt và hôn lễ thiêng liêng giữa hai con người đã chịu những vết thương sâu của chiến tranh. Sau chừng đó những nỗi đau, lòng tốt, sự cao thượng của Tâm khi nuôi nấng, che chở cho đứa con riêng của vợ thực sự là nghĩa cử ấm lòng. Về phần Sơn, cuộc đời anh sau giai đoạn thành đạt cũng có ngả rẽ bất ngờ. Lúc này, anh đã thú nhận cùng người thủ trưởng toàn bộ sự thật cuộc đời anh. Sơn đã xin từ chức, thôi việc, trở về thăm quê. Trong tâm anh lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm với đất Thủ Biên, nơi ghi dấu quãng đời tuổi trẻ. Qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời các bạn theo dõi những cuối tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một - Tác phẩm được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua:

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 27): Đoạn kết chân tình 19/4/2024

Nhờ sự sắp xếp của Hùng Hippie, Sơn và Diễm gặp lại nhau ở trong một căn phòng nhà nghỉ ở biển Bình Châu trước giờ cô cùng vợ chồng ông Danh vượt biên sang Mỹ. Hội ngộ và chia tay đều trong nước mắt, Sơn một lần có được Diễm rồi vĩnh viễn mất cô. Nỗi đau ấy dày vò Sơn suốt quãng đời về sau, kể cả khi anh đã cưới Tươi, cô con gái nuôi của thủ trưởng rồi trở thành Vụ trưởng, thành đạt trong cuộc sống, có nhiều cô gái đẹp vây quanh. Những trang tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một cũng hé lộ số phận bất ngờ của Thiếu úy Việt Nam cộng hòa - Trần Văn Tâm, anh trai Diễm, người tưởng đã tử nạn, được tổ chức lễ trang long trọng trước ngày đất nước thống nhất. Tâm bị quân đội Bắc Việt bắt làm binh. Sau ngày chính quyền miền Bắc làm chủ đất nước, Trần Văn Tâm vẫn ở trong tù, bị đánh giá là ý thức cải tạo kém, thường bị biệt giam. Nhờ Quyên, người nữ du kích mang ơn Tâm mà anh có hi vọng được tự do. Bây giờ, qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 26): Tìm lại người xưa 17/4/2024

Qua lời kể của người anh trai, nhân vật Sơn đã hiểu rõ ngọn nguồn mối bất hòa giữa gia đình anh và gia đình Diễm. Sơn cũng sững sờ và xót xa trước nỗi đau khó tỏ bày của anh Hai Viên. Thực sự chiến tranh đã gây mất mát quá nhiều: tổn thương thể xác, tinh thần và hơn cả là nỗi đau của người bị tước mất bản năng đàn ông và quyền làm cha. Cũng trong cuộc trò chuyện riêng tư với người em trai, Hai Viên khuyên Sơn nên cưới Tươi, người vợ góa của anh Bồng, giờ đây là con nuôi của bác Chín Cư, người đang là thủ trưởng của anh. Nếu lấy Tươi, Sơn sẽ có chỗ dựa, có tương lai. Nhưng trái tim anh vẫn còn day dứt mối tình của Diễm. Chính vì vậy, Sơn đã quyết định tìm gặp cô lần cuối. Trên chuyến tìm gặp Diễm, vừa xuống ga Thủ Biên, Sơn tình cờ gặp lại Trang, bạn gái Tâm - anh trai Diễm vốn là thiếu úy Cộng hòa đã phát tang trước ngày đất nước thống nhất. Qua bao sóng gió cuộc đời, Trang giờ đây phải làm gái đứng đường. Nhưng gặp lại Sơn, cô được trở lại là chính mình, hồn nhiên, trong sáng. Việc hai người bạn khác giới cùng trú một phòng khách sạn đã bị bảo vệ báo công an. Không ai tin lời giải thích của họ. Nhưng chính lúc ấy, một người bạn ngỗ ngược một thời của Sơn và Trang đã xuất hiện và cứu nguy kịp thời. Qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 25): Xô dạt giữa dòng đời 17/4/2024

Chiến tranh kéo theo nhiều biến động thay đổi cuộc đời và lý tưởng của các nhân vật chính trong tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Trong buổi đọc chuyện hôm qua, chúng ta đã được dõi theo bước chân của nhân vật Hoàng, chàng thi sĩ văn khoa đầy mơ mộng ngày nào. Sau ngày đất nước thống nhất, anh đã rẽ ngang sang sư phạm và trở thành một thầy giáo cấp hai ở Long Khánh. Hoàng tình cờ gặp lại Diễm khi cô đang cùng mẹ và vợ chồng ông Danh tới cư ngụ tại đây. Nhưng câu chuyện giữa hai người bạn cũ chẳng chút mặn mà. Cả hai giờ đây mang tâm trạng khác nhau. Hoàng vẫn còn chút tâm hồn thi sĩ một thời, còn Diễm, xô dạt giữa dòng đời, cô chẳng còn chút mộng mơ nào để tiếp tục hàn huyên với người bạn cũ. Về phần Sơn, về nước, anh được bố trí làm chuyên viên ở một Bộ quan trọng. Sơn xin nghỉ hai tuần về thăm quê trước khi nhận nhiệm sở. Gặp lại mẹ và những người láng giềng thân thiết, nghe kể chuyện xóm làng, anh không khỏi ngậm ngùi. Ngay trong gia đình Sơn cũng xáo động vì mối quan hệ sứt mẻ với gia đình ông Tư Duy, vì phong trào hợp tác xã nông nghiệp. Bây giờ, qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời các bạn theo dõi những trang tiếp theo tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một

“Rượu mê”: Tìm về nơi hạnh phúc

“Rượu mê”: Tìm về nơi hạnh phúc 16/4/2024

Quý vị và các bạn thân mến, với ngôn ngữ giàu tính tạo hình truyện ngắn đưa người đọc, người nghe tới không gian văn hóa các dân tộc thiểu số nước ta. Truyện ngắn xoay quanh cuộc đời của cô gái trẻ tên là Dơ khi cô gặp việc vui, buồn trong hôn nhân. Dơ lấy chàng trai Pó đẹp trai, cao to nhưng khả năng đàn ông lại yếu kém nên mãi mà Dơ không có con. Nghe lời mẹ chỉ bảo, Dơ lặn lội vượt đèo, vượt núi đi tìm thuốc của lão Kía ở Bôm Lầu. Rượu thuốc hiệu nghiệm, Dơ hưởng niềm hạnh phúc vợ chồng và cô cũng mang bầu. Nhưng Pó lại quan hệ với một cô gái khác. Khi biết chuyện, Dơ muốn giết chết tình địch để giành lại chồng. Nhưng rồi cảm thương cho đứa bé trong bụng cô gái, Dơ đành chịu nỗi đau của mình. Cuối cùng Dơ tìm đến lão Kía và hai con người cô đơn nương tựa vào nhau cho một cuộc sống mới. Qua những trang viết mộc mạc mà sinh động, người đọc người nghe cảm nhận được cuộc sống văn hóa, tình cảm của con người vùng cao. Đan xem với những câu văn chau chuốt, giàu hình ảnh là tình cảm nội tâm của nhân vật cô gái Dơ. Cô hạnh phúc khi được làm vợ một chàng trai trẻ đẹp, thất vọng ngượng ngùng khi chồng không có khả năng đàn ông, vui mừng khi có bầu, căm hận, giận dữ khi chồng phản bội mình, kiên cường đi tìm hạnh phúc tương lai. Phải nói rằng trong một khoảng thời gian ngắn mà Dơ đã trải qua biết bao cung bậc tình cảm vui buồn khác nhau của cuộc đời. Rượu thuốc chữa bệnh cũng là thứ rượu mê khiến Pó lầm đường lạc lối. Nhưng rươu mê cũng đưa hương dẫn Dơ đến nhà lão Kía. Chi tiết Dơ không trả thù cô gái đã cướp chồng mình thể hiện tấm lòng bao dung của người phụ nữ. Nhìn đứa bé trong bụng cô gái có lẽ Dơ cũng đồng cảm thân phận một người phụ nữ được làm mẹ. Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận lợi, biết vươn lên đi tìm hạnh phúc hay chìm đắm trong nỗi đau khổ chính là lựa chọn của mỗi người.

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 24): Cuộc đời mới 16/4/2024

Trong khi Sơn chuẩn bị khăn gói lên đường đi học thì gia đình Diễm được đón vào đất liền. Sau 3 tháng sống trên đảo hoang, nhiều người đã phải bỏ mạng. Quân giải phóng đã đưa họ trở về đất liền. Ông Duy-bố Diễm phải đi cải tạo. Mẹ con cô trở về Thủ Biên nhưng căn nhà của họ đã thành nhà công vụ. Mẹ con Diễm tìm đến nhà ông Doanh và được biết Thành chở các cố vấn Mỹ đi trong đêm trước khi quân Giải phóng chiếm được Xuân Lộc. Bà Thu còn một ít tiền đón xe ra Phan Thiết để gặp chồng nhưng khi đến nơi, bà nhận được câu trả lời của cán bộ là ông Duy đã được đưa ra Bắc để cải tạo. Gia đình ông Danh cũng bị tịch thu hết tài sản. Họ phải về quê sinh sống. Mẹ con Diễm cũng không có nhà cửa nữa, đành phải về quê. Cô mở một quán cà phê nhỏ để buôn bán sống qua ngày và chờ đợi ngày cha cô trở về. Bây giờ qua giọng đọc của NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi những trang tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ Sáu đến giờ thứ Chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tác phẩm vinh dự được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng nghệ thuật
08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Sân khấu truyền thanh
20h30 - 20h45 Làn sóng nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya