Ký ức tuổi thơ luôn là một hoài niệm đẹp trong nỗi nhớ của chúng ta. Cái thời hồn nhiên ngây thơ chẳng phải lo toan bất kỳ điều gì, rong chơi cùng lũ bạn từ sáng sớm đến lúc chiều tàn, rồi đêm trăng cùng nhau ngồi tán chuyện quên cả lối về...Ở truyện ngắn “Mùa gió ngang vai” mà chúng ta vừa nghe, với giọng văn giọng văn trong trẻo, tự nhiên, tác giả Lê Ngọc giúp người đọc người nghe cảm nhận được rõ nhất những mảnh ký ức thời tuổi thơ ở làng quê Bắc bộ. Những khung cảnh, âm thanh, màu sắc đều được hiện lên một cách chân thực nhất: “Nắng chiếu ngoài sân. Nắng rơi mái bếp. Tiếng chim hót lảnh lót, véo von trên hàng cau ông trồng vui vẻ hát mừng. Dưới chân giàn mướp xanh mướt lấp ló đôi chùm hoa vàng tươi mời gọi đàn ong mật…”. Hay: “Mùa hè nghiêng nghiêng trút nắng vàng oi ả từ đầu trưa tới cuối chiều. Và nhiều khi nhập nhoạng tối, người ta vẫn phe phẩy quạt nan thều thào than phiền: trời ơi, nóng quá! Ấy thế mà, mùa hè lúc nào cũng thật hấp dẫn đối với tụi trẻ con. Chúng háo hức chờ đợi những khoảng trời đỏ cháy hoa phượng, chờ tiếng ve rạo rực bên tai, chờ kỳ nghỉ dài thỏa thích chạy chơi…”. Những dòng văn nhẹ nhàng như một bài thơ, người đọc người nghe được tắm mát trong câu chữ thật an yên, thanh thản. Trong số lũ bạn quê, mùa hè thường gợi nhắc Dung nhớ tới những thứ đồ ăn dân dã như que kem, cái bánh rán, cốc chè thập cẩm…Nhưng nếu chỉ có thế tác phẩm mới dừng ở dạng tản văn diễn tả ký ức tuổi thơ gắn với mùa hè. Từ những món ăn dân giã, thôn quê ấy, cả một bầu trời ký ức tuổi thơ buồn vui gắn với hình bóng người bà thân thương hiện ra trong tâm trí Dung. Bà như sợi dây liên kết tinh thần giữa Dung với chị Minh, chị Liên và anh Hạnh. Khi sợi dây ấy bị đứt thì mối liên kết có nguy cơ bị lỏng lẻo…
Với lối viết thong thả mà thấm thía, truyện ngắn “Mùa gió ngang vai” tựa như mảnh gương ký ức để khi soi mình vào đó, chúng ta chợt nhận ra những bóng hình thân thương, những món ăn bình dị, những kỷ niệm êm đềm rụng rơi theo năm tháng và cả những mất mát song hành cùng quá trình trưởng thành, lựa chọn. Vẫn biết rằng ai rồi cũng phải lớn lên, cuộc sống rồi cũng phải thay đổi, nhưng có nỗi nhớ nào mà không khắc khoải, có niềm thương nào không thổn thức con tim? Chúng ta không thể trở về nhưng có thể nâng niu, lưu giữ quá khứ, như một phương cách chữa lành sự nông nổi, nhạt nhòa của hiện tại.
Chiến tranh luôn có sự mất mát, hy sinh và gian khổ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cứu nước cũng như chiến tranh biên giới bảo vệ tổ quốc, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã chiến đấu anh dũng. Vì nhiều nguyên do khác nhau của chiến trường ác liệt mà khi hòa bình lập lại, có người chưa hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của đất nước. Nhân vật Định chính là một trường hợp như vậy. Mới 16 tuổi Định đã khai 18 tuổi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Những trường hợp như Định không hề hiếm trong chiến tranh khi nhiều thế hệ thanh niên hòa chung không khí hào hùng sẵn sàng ra trận chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp của đất nước. Nhưng chính vì khai sai tuổi khi nhập ngũ nên khi chiến tranh kết thúc, Định trở về cuộc sống đời thường đã gặp nhiều khó khăn trong việc làm giấy tờ hưởng quyền lợi thương bệnh binh. Gần 40 năm trôi qua, hàng chục vết thương vì bom đạn vẫn còn trên người Định. Những vết thương chiến tranh còn đó nhưng vì vấn đề giấy tờ mà Định vẫn chịu bao nỗi thiệt thòi. Vết thương trên cơ thể Định có lẽ không đau xót bằng nỗi đau trong lòng anh khi bị mọi người hiểu lầm, dè bỉu. Sau mấy chục năm mệt mỏi vì những giầy tờ, thủ tục thì có lẽ Định đã âm thầm cam chịu cuộc sống của mình. Những tâm tư tình cảm, nỗi niềm chua xót của người thương bệnh binh chịu nhiều thiệt thòi được tác giả thể hiện với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Với những người lính từng chiến đấu trên chiến trường ác liệt, được chứng kiến sự hy sinh của đồng đội thì còn sống trở về quê nhà đã là một niềm hạnh phúc. Những day dứt trong lòng Định cũng như nhiều trường hợp như anh không phải quyền lợi mà là niềm kiêu hãnh, là niềm tự hào của người lính. Có lẽ với Định, anh thấy mình vẫn còn may mắn hơn Păn, người đồng đội hy sinh không còn dấu vết sau trận pháo kích của địch. Tấm lòng của người thương bệnh binh với đồng đội khiến chúng ta không khỏi cảm động. Tác giả lựa chọn đề tài thương bệnh binh để nhắc nhở chúng ta nhớ tới công ơn bao thế hệ cha ông đã hy sinh vì cuộc sống hòa bình hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
“Ngôi nhà trên núi” của nhà văn Roman Ivanytchouk đúng như nhan đề, gây cho người đọc, người nghe một cảm giác miên man, diệu vợi. Số phận người cha và người con gái như những thước phim buồn. Khung cảnh hoang vu, xa vắng của núi rừng, của quy luật cuộc sống sinh tồn tự nhiên và khắc nghiệt – Tất cả khảm vào mỗi chúng ta những cảm xúc thường tình mà vẫn rất ngưng đọng. Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ đã chuyển tải cơ bản chất văn đặc trưng của một nhà văn Xô viết luôn đắm mình trong thiên nhiên Nga kỳ vĩ. Khuất sau những câu văn lý trí, đầy tỉnh táo là cả một sự ngậm ngùi, xót xa cho thân phận con người. Nhà văn không tham vọng biến câu chuyện của mình trở nên kịch tính, dữ dội. Ông chọn lọc vài chi tiết, phát triển và khiến chúng trở nên ám ảnh. Diễn biến truyện ngắn là đơn tuyến nhưng cảm xúc và thân phận con người lại không ngừng biến động. Tình yêu, sự gắn bó giữa đất với người ở đây lại đẩy chính con người vào cay đắng, bi kịch. Nhưng bi kịch không kết thúc tất cả mà như sự sống mới trên đống đổ nát, như núi non sau tiết lụi tàn lại hồi sinh. Cái kết của “Ngôi nhà trên núi”, như nhiều truyện ngắn của nhà văn Roman Ivanytchouk thực sự khiến chúng ta bất ngờ, và ấm lòng. (Lời bình của BTV Võ Hà)
Truyện ngắn được tác giả viết chắc tay, tiết chế và có ý đồ rõ ràng. Điều thú vị là ngoài cái giọng lạ thì tác giả đã khéo léo chuyển tải một thông điệp ngầm trong đó. Và cái thông điệp ấy ẩn ngay trong nhan đề truyện ngắn-một hình ảnh ám ảnh: Con voi nuốt cái vòi tự tử.
Tác giả đã dựng nên thế giới ý niệm biểu trưng cho góc khuất nội tâm của con người trong xã hội hiện đại. Tuy xuất hiện ít, nhưng nhân vật ông Hiệu phó được khắc họa khá rõ nét. Ông Hiệu phó lúc nào cũng mặc sơ mi dài tay màu trắng và thắt cà vạt đỏ, luôn ở trong phòng làm việc, tựa một sự sắp đặt không thể thay thế hay dịch chuyển. Cứ như người đàn ông này được cố định mãi ở vị trí này, trong bộ quần áo ấy; ông ta không muốn và cũng không thể ra khỏi chỗ ngồi của mình. Vẻ như ông ta luôn cảm thấy không hoài nhập được với đời sống, với cộng đồng; tự xây nên một tòa kén trầm lặng của riêng mình. Trái với nhân vật ông Hiệu phó tự cô lập bản thân với ốc đảo cô đơn, thì nhân vật kể chuyện xưng Tôi lại muốn hòa nhập với thế giới thực, tìm niềm vui sống ở mọi lúc mọi nơi, mọi sự việc…Lựa chọn của hai nhân vật thể hiện sự đấu tranh giằng co bên trong mỗi con người với chính bản ngã của mình.
Hình ảnh con voi bị nhốt trong chuồng thật nhám chán, con người cho ăn lúc nào thì ăn và coi nó như món đồ trang sức để chụp ảnh, gợi liên tưởng đến hình ảnh ông Hiệu phó lúc nào cũng ăn mặc đóng hộp và ngồi lì một chỗ, không suy chuyển.
Con voi chết âu đó cũng là cách để nó giải thoát khỏi sự giam cầm, tù túng; khỏi sự nhàm chán suốt ngày diễn đi diễn lại một cảnh; suốt ngày chịu sự sắp đặt, điều khiển, chi phối của con người. Loài vật dám làm và đã làm được điều đó, còn con người liệu có dám làm không, chắc sẽ khó. Nhân vật “Tôi” dù có lúc cũng muốn thoát khỏi sự sắp đặt của gia đình, sự đơn điệu của tình yêu, sự nhàm chán của cuộc sống, nhưng cũng không dễ dàng gì. “Tôi không phải con voi. Thật đáng buồn, nhưng tôi còn chẳng có một cái vòi để nuốt!”- câu nói của chàng trai tuổi đôi mươi đang căng tràn sức sống ở phần kết truyện như thể hiện sự bất lực của anh ta trước sự vượt thoát, dũng cảm thoát khỏi cái vỏ an toàn. (Lời bình của BTV Vũ Hà)
Thảm họa diệt chủng tại Campuchia xuất hiện sau năm 1975 đã giết hại hơn 2 triệu người dân Campuchia. Không chỉ mất nhân tính khi giết hại chính đồng bào của mình, chế độ Polpot leng Sary còn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều tội ác với người dân vùng biên giới Tây Nam nước ta. Ngay phần đầu truyên ngắn, qua lời kể lại của nhân vật Út Liên, một người phụ nữ sinh sống ở ngoại ô Phnom Pênh, chúng ta thấy được phần nào tội ác của chế đô diệt chủng Polpot với người dân Việt Nam và Campuchia. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ cuộc sống bình yên nơi vùng biên cũng như giúp đỡ người dân Campuchia, hàng vạn thanh niên ưu tú của đất nước đã nhiệt huyết lên đường chiến đấu. Nhân vật tôi cũng như người đồng đội, người bạn tên là Ngọ cũng hòa vào không khí hào hùng của đất nước. Dù Ngọ thuộc dạng miễn nghĩa vụ quân sự vì là con trai độc nhất của liệt sĩ nhưng anh vẫn quyết tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ cao cả. Hình ảnh người cha đã hi sinh, người thầy giáo thương binh rồi hai người lính trẻ bịn dịn chia tay người thân lên đường nhập ngũ tô điểm truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của người dân đất Việt. Nhiều chi tiết tạo điểm nhấn khiến người đọc, người nghe không khỏi thổn thức như hình ảnh người mẹ gạt nước mắt tiễn con trai duy nhất lên đường nhập ngũ, cuộc chiến khốc liệt giữa quân giải phóng Việt Nam và quân PolPot trên mảnh đất Campuchia hay sự hi sinh của Ngọ để lại biết bao ân hận trong lòng nhân vật tôi. Từng trang viết dường như thấm đẫm cảm xúc của tác giả, thấm đẫm máu và nước mắt của những lính và người thân của họ trong cuộc chiến biên giới Tây Nam. Lần trở lại Nongchan của nhân vật tôi để giải quyết những tiếc nuối trong lòng về cái chết của người đồng đội. Sau mấy chục năm, những người lính nằm xuống trên chiến trường vẫn để lại biết bao tiếc thương với đồng đội và người thân. Các anh đã anh dũng hi sinh để đất nước có ngày hòa bình, tươi đẹp hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Câu chuyện chúng ta vừa nghe được mở ra bằng bi kịch của Nhiên, nhân vật nữ chính trong truyện ngắn. Sau một buổi tối, Nhiên bỗng trở thành góa bụa, phải ngậm ngùi nuôi con một mình khi Khoa, chồng Nhiên bất ngờ bị tai nạn, ngã đập đầu xuống đường do kẻ nào đó đã tông vào mà công an chưa tìm ra manh mối. Phần lớn nội dung truyện ngắn là những diễn biến tâm lý của Nhiên. Nhiên mang nặng trong lòng mối uẩn khúc, u uất về cái chết của chồng nên cứ cuối tháng lại đạp xe lên tỉnh để hỏi công an xem đã có thông tin gì mới về vụ điều tra hay chưa. Thời gian thấm thoắt trôi đi, cuộc sống hàng ngày của mẹ con Nhiên có sự giúp đỡ đùm bọc thân tình của những người hàng xóm, trong đó có anh Hai con thím Bảy. Anh Hai đem lòng yêu Nhiên và muốn cưới cô, nhưng Nhiên đã quyết định rằng khi nào chưa tìm ra hung thủ thì cô chưa thể đành lòng đi bước nữa. Truyện còn có nhiều chi tiết phân tích tâm lý nhân vật rất tinh tế khác qua mối quan hệ giữa Nhiên, Hai và Thùy, đều là những người hàng xóm cận kề. Thùy đem lòng yêu Hai nhưng Hai lại thầm yêu Nhiên. Cho đến một ngày tưởng như hạnh phúc bắt đầu mỉm cười với Hai và Nhiên thì một bi kịch khác lại đến. Đó chính là lúc Hai ra công an đầu thú việc mình đã gây nên cái chết cho Khoa, chồng Nhiên cách đây nhiều năm. Hai quyết định chịu nhận án để mong cho Nhiên an lòng xây dựng hạnh phúc mới. Truyện mở ra bằng một bi kịch và kết thúc bằng một bi kịch, để lại nhiều cay đắng day dứt và cả bẽ bàng trong lòng Nhiên bởi Nhiên cũng đã dành tình cảm cho Hai. Suy cho cùng, người phụ nữ vẫn là người dễ chịu những tổn thương và nhận thiệt thòi nhiều hơn cả. Truyện kết thúc bằng hình ảnh Nhiên đạp xe từ đồn công an về trong một trạng thái dở khóc dở cười, nghĩ cuộc đời đã đùa với mình theo một cách thật trớ trêu. Bi kịch của Nhiên có lẽ sẽ còn làm day dứt mỗi người nghe, người đọc rất nhiều khi câu chuyện khép lại. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Giống như mọi ngả đường đều có thể dẫn đến tình yêu, câu chuyện ngoại tình cũng có nhiều lý do: người vì hết yêu, kẻ vì sa ngã trước cám dỗ hoặc tham lam, muốn có được nhiều hơn. Nhưng dẫu vì lý do gì, ngoại tình vẫn đem đến một cảm giác nặng nề khi lời hứa thủy chung bị quên lãng, bị vứt bỏ, bị giày xéo. Tình yêu tưởng như thiên trường địa cửu bỗng chốc tan vỡ vì những điều nhiều khi vụn vặt, tầm thường…
Kể lại câu chuyện ngoại tình từ góc nhìn của người bị phản bội, truyện “Hương say” của tác giả Hồ Loan đem đến nhiều xót xa. “Nàng” và Hiền đều là những người đẹp. Họ đã từng được theo đuổi một cách si mê nhưng cuối cùng, vẫn bị đối phương “cắm sừng”. Hai người đàn bà, hai câu chuyện cay đắng. Trong toàn bộ truyện ngắn này, mùi hương giống như một “chỉ dấu”. Nó đã từng tượng trưng cho tình yêu say đắm, cho sự duy nhất và niềm tin về sự vĩnh viễn chỉ một mình em. Nhưng cũng chính mùi hương lại là lí do cho hai vụ ngoại tình: một của chồng Hiền, một của người yêu nàng. Dường như điều đó cũng là một ẩn ý về việc điều làm người ta yêu cũng có thể trở thành lý do để người ta phản bội, rằng chẳng có gì là mãi mãi hay vĩnh viễn. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Qua lời kể của nhân vật tôi, cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, bảo vệ biên giới Tổ quốc của người dân Tây Nguyên hiện lên đầy hào hùng. Nổi bật nhất là người anh hùng dân tộc Gia Rai tên là A Tin. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ông đã bắn hạ bốn xe tăng, bắn rơi hai máy bay cánh quạt, ba trực thăng và trở thành một huyền thoại của dân làng Gia Rai. Ngày hòa bình lập lại, người anh hùng A Tin lại trở về làng Lơ Bơ sống giản dị như một con người bình thường. Ông sống quãng đời còn lại trong không gian yên bình, quen thuộc trên mảnh đất cả đời mình đã gắn bó. Cái chết của ông cũng lặng lẽ như bao người dân Gia Rai khác nếu không có sự việc chính quyền muốn cải táng mộ ông về nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Thế nhưng khi anh hùng A Tin qua đời, theo phong tục bỏ mả của người Gia Rai, ông được chôn chung quan tài với hàng chục người khác khiến việc cải tang cho ông bất thành. Bên cạnh cuộc đời người anh hùng A Tin là sự gắn kết quân dân trong công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam chống lại các thế lực thù địch như lực lượng Fulro. Cuộc sống của người dân tộc Gia Rai vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng luôn một lòng tin tưởng vào Đảng, đùm bọc bộ đội góp phần bảo vệ biên giới. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn không gian văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống của đồng bào dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên. Vùng đất Tây Nguyên có vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ và yên bình, đời sống người dân giản dị mộc mạc mà cũng đầy tình cảm gắn kết yêu thương. Tác giả khai thác sâu lễ Pơ Thi- lễ bỏ mả của người dân tộc Gia Rai. Một lễ hội quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Gia Rai. Khi còn sống người anh hùng A Tin sống bình dị với bà con dân làng Lơ Bơ. Khi mất ông cũng muốn gần gũi gắn kết cả thể xác và linh hồn với ông bà tổ tiên. Có lẽ đó mới chính là tâm nguyện của mỗi người dân Gia Rai khi nghĩ về sự sống và cái chết. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ở truyện ngắn “Dưới đá lặng im”, nhà văn Đào Thu Hà viết về đề tài chiến tranh, viết về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ và hơn hết đó là tiếng vọng của thanh âm biết ơn với những hy sinh bằng một góc nhìn trẻ. Văn chương suy cho cùng chính là cất lên tiếng nói tử tế với hết thảy mọi điều mà mình có duyên hạnh ngộ. Với người sinh ra khi nước nhà đã hòa bình, chiến tranh là những câu chuyện về bài học lịch sử, là những bộ phim tư liệu, là những kỉ niệm. Tuy vậy, từ trong những con chữ xao xác tâm hồn ấy, chiến tranh mang đến cho người đọc, người nghe không chỉ là niềm đau, là chia ly, là sum vầy, mà còn là chữ tình đằm đẵm trong tấc dạ của người ở lại, người còn sống và người đi tìm. Trên quê hương này sau gần 50 năm độc lập vẫn còn có những cuộc tìm kiếm và cuộc trở về da diết đến thế. Truyện ngắn “Dưới đá lặng im” của Đào Thu Hà một lần nữa đưa chúng ta tìm về những vùng day dứt, thương xót của những ai đã đi qua cuộc chiến; chạm vào nỗi đau chinh chiến của sự khốc liệt; rung lên tiếng ngân của tâm khảm với những mất mát; hoài vọng cho cuộc trở về dẫu chẳng lành lặn, dẫu chỉ là xương cốt hòa vào đất đá quê hương. Tuy viết về cuộc chiến, viết về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhưng Đào Thu Hà quyến dụ chúng ta bằng một lối viết khoan nhặt xoáy sâu vào cảm xúc, đi tận cùng những chi tiết nội tâm và bằng thủ pháp mượn cảnh tả tình. Người đọc, người nghe như trầm mình vào không gian được bày biện một cách khéo léo để từ đó thấu cảm theo nhân vật. Lối xây dựng không gian đồng nhất với tâm trạng nhân vật, tình tiết truyện và diễn biến mạch truyện này đã khiến chúng ta cứ bị cuốn hút vào, càng nghe càng đắm đuối, càng nghe càng chẳng thể rời đi được. Nhà văn như hóa thân vào nhân vật tôi để kể lại hành trình tìm kiếm người anh của mình, những chi tiết cuối thiên truyện khiến chúng ta lặng đi vì xúc động, đó là cuộc đối thoại giữa người sống và người chết, đó là chi tiết khi Thắng đã tìm thấy anh mình nhưng đau đớn quá, lựu đạn chôn vùi bao nhiêu dưới lòng đất phát nổ, Thắng nằm lại nơi chính người anh của mình đã hy sinh. Câu chữ của Đào Thu Hà khá mượt mà, có sự chắt lọc tinh tế và có cả sự hóa thân vào tâm lý để thể hiện trọn vẹn hành động, câu nói của nhân vật. Một truyện ngắn hay và cũng cho thấy người viết trẻ bây giờ khi viết về đề tài chiến tranh cũng có nhiều nét hấp dẫn riêng để độc giả có thể hy vọng và đón đợi. Chiến tranh là để tài chẳng bao giờ cạn, một dòng chảy văn chương riêng biệt của dân tộc ta và may thay, lớp người viết trẻ ngày nay vẫn còn có những cây bút mặn mà và dấn thân viết như thế là điều đáng trân quý. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Một câu chuyện tình tay ba, nhưng cách mà các nhân vật ứng xử thật đẹp, nhân văn, giàu lòng vị tha. Huy, Nhân và Hạnh là bạn thân. Huy và Nhân đều thầm yêu trộm nhớ Hạnh, nhưng chưa ai dám ngỏ, dường như người này đợi (hay nhường) người kia ngỏ lời trước? Thế rồi Huy đi bộ đội tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tưởng Huy đã hy sinh, Hạnh đã nhận lời lấy Nhân. Hai người có cậu con trai, song Nhân đã bỏ hai mẹ con Hạnh để ra đi tìm chân trời mới. Nhân có nét giống bố của Huy khi cũng bỏ mẹ con Huy ra đi khi cậu mới chào đời. “Rồi mày cũng giống bố thôi”-mẹ Huy thường nói với anh như vậy. Nhưng Huy không giống bố, anh đã rất nhiều lần muốn nhận làm bố của đứa trẻ. Nhưng Hạnh đều từ chối, vẻ như cô không muốn làm tổn thương, không muốn ảnh hưởng đến tương lai, sự nghiệp của anh; song sâu thẳm có lẽ cô vẫn hy vọng Nhân trở về. Cuối cùng hai mẹ con Hạnh ra đi, Nhân cũng không trở về, chỉ còn đó tấm lòng nhẫn nại, bao dung của Huy. Một câu chuyện tình buồn nhưng không bi lụy. Cảm thức chiến tranh và hậu chiến luôn thường trực trong mỗi sáng tác của tác giả Bảo Thương. Bởi nơi đâu trên đất nước này, từ ngọn cỏ dòng sông, con suối, ngôi làng mà không in hình bóng dáng của chiến tranh. Cuộc chiến kéo dài đã gây ra đau thương chia cắt cho bao gia đình, đã gây ra những éo le tình cảm cho bao con người. Nên Mùa hoa cù kì là câu chuyện ở một ngôi làng, cũng là câu chuyện ở bao ngôi làng Việt Nam khác. Cái đẹp của tình yêu tuổi trẻ bị bão táp chiến tranh tước đoạt. Cơn bão qua rồi nhưng vết thương lòng còn mãi…
Mùa hoa cù kì là mùa cùa những kí ức, mà tuổi trẻ thường gắn liền với những kỉ niệm, và dường như người trẻ có kỉ niệm nhiều hơn với những mùa hoa. Cây cù kì, là loại cây nào? Trong sáng tác của mình, Bảo Thương thường đưa vào những hình ảnh thiên nhiên nhiều ám gợi, hình ảnh đó có thể thực, có thể đi qua miền hoài cảm của nhà văn và nhân vật nên nó kì ảo, lạ hóa mà vẫn rất thân quen. Vậy hoa cù kì là loài hoa nào, thì ra đó là một cái tên Bảo Thương đặt cho loài hoa trong trí tưởng tượng của mình, để đưa nhân vật vào miền ám gợi, để gọi dậy câu chuyện mình muốn truyền tải.
Qua lời kể của nhân vật tôi, cuộc đời của ông Hưởng được trần thuật lại với những thành công và cả thất bại. Khi còn trẻ ông Hưởng học hành cũng bình thường nhưng nhờ tài ăn nói lên sau mấy chục năm công tác, ông Hưởng cũng lên được chức giám đốc. Nhưng để có quyền, có chức vụ, có danh lợi thì ông Hưởng cũng phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình. Khi biết mình mang bệnh năng nhưng bỏ ngoài tai lời khuyên của nhân vật tôi nên nghỉ hưu sớm chữa trị bệnh tật, ông Hưởng vẫn cố tại vị để lo cho con trai. Đáng buồn thay cậu con trai tên Lộc lại khiến ông Hưởng vô cùng thất vọng. Những ngày cuối đời ông Hưởng bị bệnh tật hành hạ lại chịu sự ghẻ lạnh của bà vợ hai. Âu cũng là cái nghiệp của ông Hưởng khi ngày xưa đã bỏ bà Nhu, người vợ gắn bó từ thủa đại học. Người vợ thứ hai của ông Hưởng là bà Hiền đến với ông từ việc hám danh, hưởng lợi nên khi ông nghỉ hưu, bệnh tật bà mới lộ bản chất thật. Hành vi ứng xử thay đổi chóng mặt của bà Hiền trước và sau khi ông Hưởng không còn làm giám đốc khiến nhân vật tôi ngỡ ngàng. Truyện ngắn là góc nhìn của nhân vật tôi về cái sự được mất trong cuộc đời ông Hưởng nên ít có cảm xúc nội tâm, không có nhiều tình tiết mâu thuẫn hoặc đáng nhớ, gây xúc động. Những đau đớn cả thể xác và tình cảm của ông Hưởng những ngày cuối đời khiến người đọc người nghe cảm thương nhưng kẻ đáng thương cũng có phần đáng trách. Ông Hưởng phải trả giá cho việc đánh đổi sức khỏe lấy danh lợi, trả giá cho việc phản bội người vợ hiền lành, tần tảo của mình. Phần kết câu chuyện có phần thiếu sức thuyết phục khi nhận vật tôi sốc trước sự đời gia đình ông Hưởng. Phản ứng đó được người viết sắp đặt có phần thái quá khi nhân vật tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc mà thôi. Phần cuối truyện giá như có sự xuất hiện của bà Nhu cùng hai cô con gái quan tâm chăm sóc ông Hưởng những ngày bệnh tật thì làm nổi bật hơn bản chất tệ bạc của bà Hiền. Từ đó chúng ta càng trân trọng những điều tốt đẹp của cuộc sống. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe lấy bối cảnh cuộc Nội chiến Nga giai đoạn 1917-1922. Trong cuộc chiến này, ngoài sự đối đầu giữa Hồng quân Nga và nhóm Bạch vệ, chính quyền Xô viết non trẻ còn phải đối phó với lực lượng quân phỉ Kadắc ở vùng sông Đông và Cuban. Nhân vật chính trong truyện là Nhicônca, một người lính trẻ mới 18 tuổi nhưng đã được giữ nhiệm vụ chỉ huy đội kỵ binh trong chiến dịch tiễu trừ quân phỉ. Mẹ mất sớm, bố của Nhicônca cũng vì chiến tranh mà bặt vô âm tín. Ưu thế của tuổi trẻ là dòng dũng cảm, nhiệt huyết và chiến đấu quên mình. Thế nên khi nhận thông tin của lão nông Lukich rằng bọn phỉ vừa đến nhà lão cướp phá, Nhicônca cùng đồng đội lập tức lên đường ngay. Diễn biến câu chuyện như chúng ta đã thấy, không phải tuổi trẻ lúc nào cũng dành được phần thắng, thủ lĩnh của nhóm phỉ với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn hơn đã bắn hạ Nhicônca. Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó, khi thủ lĩnh của nhóm phỉ tháo đôi ủng bốt can từ chân Nhicônca đã phát hiện cái bớt ở mắt cá chân và nhận ra đây chính là con trai của mình. Cái chết cũng đến với thủ lĩnh phỉ ngay sau đó bằng một phát súng tự sát bởi nỗi ân hận đau đớn. Chiến tranh đã gây nên bao oan nghiệt, thảm khốc và xót xa hơn khi những con người đối đầu với nhau vốn cùng chung một giống nòi, chung một gia đình. Vì thế, truyện ngắn Cái bớt có thể xem là một tiếng nói mạnh mẽ phản đối chiến tranh, lên án sự tàn nhẫn của chiến tranh. Thủ lĩnh phỉ mới đầu hiện lên như một nhân vật phản diện, giết người không ghê tay, sẵn sàng cướp bóc lương thực của dân lành, nhưng cho đến cuối truyện, hành động tự sát khi nhận ra mình vừa giết chính con trai lại cho thấy nhân vật này vẫn còn trong thẳm sâu con người gã một lương tri, một nghĩa tình. Một cốt truyện mang đầy tính bất ngờ và dữ dội đã khiến Cái bớt của Solokhop tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người nghe, người đọc. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Truyện ngắn “Hải trình” là sự trăn trở của nhà văn Bùi Tuấn Minh sau rất nhiều năm, chỉ đến khi chạm đến văn chương tác giả mới có thể dành tình yêu cho Tổ quốc và trước anh linh những người lính đã ngã xuống trận hải chiến năm ấy theo cách của riêng mình. “Hải trình” kể về chuyến đi biển dài ngày của một nữ nhà báo trẻ đến quần đảo Trường sa. Tuổi thơ của cô luôn ám ảnh về người cha đã khuất của mình, ông vốn là một thương binh, lính hải quân đã từng sống và chiến đấu tại quần đảo này. Có nhiều nhân vật xuất hiện trong chuyến đi của cô, đó là những người lính đảo chân thành, mộc mạc, là người đàn bà góa phụ đang thực hiện di nguyện của chồng muốn được rải tro cốt trên vùng biển ông đã từng chiến đấu. Đặc biệt là sự xuất hiện của một người lính bí ẩn, đã cứu nữ nhà báo khỏi bị đuối nước trong một lần tắm biển đêm. Anh đã cùng cô đồng hành và kể cho cô nghe câu chuyện về những người lính đã chiến đấu anh dũng như thế nào trên vùng biển này. Với cách kể chuyện chân thực, bằng bút pháp hư ảo, tác giả đã biến “Hải trình” thành một câu chuyện xúc động và lôi cuốn đến những dòng cuối cùng. Chỉ khi về tới đất liền, thân phận người lính bí ẩn kia mới được giải đáp. Đến lúc này, bất cứ độc giả nào cũng phải nghẹn ngào. Sự hy sinh của người lính luôn để lại sự xúc động, lòng biết ơn vô tận. Sẽ thật bất ngờ khi biết nhà văn Bùi Tuấn Minh xuất thân từ một người lính Đặc công, một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội nhân dân Việt Nam. Qua “Hải trình”, tác giả khéo léo gợi lại sự kiện bi tráng năm nào và truyền tải thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Nhà văn Vũ Đảm sinh năm 1966 tại Thái Bình; là Cử nhân văn chương, thạc sĩ văn hoá. Nhà văn hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Đã xuất bản 7 tiểu thuyết, 11 tập truyện ngắn, 1 tập phóng sự. Với trải nghiệm thấm đẫm tình người, cùng một trái tim luôn rung động thổn thức những yêu thương, luôn biết ngân lên giai điệu đồng cảm, xót xa với phận người, với cuộc đời, nhà văn Vũ Đảm đã chưng cất chọn lọc những “gồ ghề”, những “hạt sạn”, những điển hình trong cuộc sống để bối cảnh, tình tiết truyện, ngôn ngữ thoại hiện lên sống động, tự nhiên. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn một sáng tác mới của nhà văn Vũ Đảm, truyện ngắn Nắng sớm ngập tràn: