"Lạc nhịp" - Hành trình tự vấn8/11/2022

Thoạt tiên, khi đọc những trang đầu của “Lạc nhịp”, người đọc tưởng chừng sẽ bắt gặp một mô típ quá quen thuộc khi viết về dân tộc thiểu số ở vùng cao. Đó hẳn là một hành trình vượt khó, hoặc một chuyện tình vượt lên hủ tục. Tuy nhiên, “Lạc nhịp” lại là một câu chuyện khác hẳn khi có nhân vật chính là một người đồng tính. Lớn lên giữa núi rừng cùng cô bạn xinh đẹp Thẩm Hoa, cuộc đời A Phái dường như đã được định sẵn là trở thành chồng, thành cha. Tuy nhiên, thay vì chôn vùi bản năng, anh đã luôn trăn trở, băn khoăn, để rồi dũng cảm vượt lên mọi định kiến. Nhìn chung, đây là một truyện ngắn được viết chắc tay. Tác giả cũng rất chú ý tới việc đặc tả diễn biến tâm lí của nhân vật chính: từ hoài nghi, mặc cảm, thậm chí xấu hổ đến khi có ý thức rõ ràng về giới tính và lựa chọn của mình. Đặt bên cạnh các tác phẩm chung đề tài, “Lạc nhịp” cũng là một truyện ngắn giàu tính nhân văn khi không xây dựng nhân vật đồng tính với nhiều nét tính cách thái quá, ngoa ngoắt, điệu đà… Điều này cũng giúp truyện không sa vào một khuôn mẫu máy móc, thậm chí là một cái nhìn đầy định kiến về giới tính thứ ba. Kết truyện sáng cũng là một điểm cộng, giúp “Lạc nhịp” nhận được nhiều thiện cảm của độc giả.

“Đêm dài hun hút”: Nỗi đau không dễ nguôi quên

“Đêm dài hun hút”: Nỗi đau không dễ nguôi quên 8/11/2022

Yêu nghề viết, say mê văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên, gần 20 năm cầm bút, nữ nhà văn Niê Thanh Mai người dân tộc Ê Đê đã mang đến cho bạn đọc cả nước những trang văn đầy trăn trở, day dứt về những thân phận người trong dòng chảy biến đổi văn hóa. Ở đó có sự dùng dằng níu giữ nguồn cội, có sự va đập, đứt gãy văn hóa khi bứt phá để hội nhập. Nhà văn Niê Thanh Mai hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk; Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong sự nghiệp viết văn, chị đã có nhiều giải thưởng như: Giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2005 với tập truyện ngắn “Suối của rừng”, giải Nhì của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006 trao cho truyện ngắn “Giữa cơn mưa trắng xóa” và “Cửa sổ không có chắn song”. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay gửi đến quý vị và các bạn truyện ngắn “Đêm dài hun hút” của nhà văn Nie Thanh Mai

"Hoa mía": Biểu tượng của tình yêu thương 28/10/2022

Trong văn chương đã có không ít truyện ngắn viết về chuyện tình yêu tay ba. Nhà văn Bùi Thị Như Lan, một lần nữa, lại hướng ngòi bút vào đề tài này: em gái yêu chồng của chị. Nhưng cái tình tay ba trong “Hoa mía” éo le trắc trở, nó khiến người ta cảm thông hơn là tức giận, phê phán. mang nhiều Seo Mỷ-cô em gái tật nguyền nhưng rạo rực, thanh xuân: “như bông hoa dại bị bỏ quên trong lũng núi”; khi thương thầm nhớ trộm anh rể thì “tim Seo Mỷ hổn hển đập khó nhọc”. Còn Seo Mây, người chị gái có tình thương lớn lao dành cho đứa em tật nguyền. Cô vừa là người cha, người mẹ, người chị, nhưng khi biết chuyện chồng và em gái có quan hệ với nhau, thì tâm trạng nhức nhối, quặn đau giữa yêu thương và thù hận. Người đọc người nghe đang băn khoăn lo lắng không biết tác giả sẽ xử lý mối quan hệ này như thế nào, thì Seo Mây vô tình bị rắn cắn chết. Từ đấy, Sùng Chứ sống trong dằn vặt của tội lỗi. Còn Seo Mỷ, do quá ân hận đã bỏ nhà ra đi. Biền biệt suốt mười bốn năm trời, không gian vùng mía Nặm Thàng như chìm trong bóng tối, một nỗi buồn u ám, thê lương đeo bám tưởng chừng không dứt nổi. Nhưng rồi mọi chuyện đã đổi khác khi nhân vật Sùng Choóng xuất hiện. Sùng Choóng, từ một đứa trẻ trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, cậu khuyên cha đón dì về để mẹ yên lòng nơi suối vàng và còn muốn cha sống khác. Sống khác! Chính là tạo ra một không gian khác. Một không gian lạc quan, sáng sủa, đổi mới thay vào không gian trĩu nặng, cũ kỹ trên mái nhà của những người vốn rất thương yêu nhau. Người đọc người nghe bỗng có một cảm tưởng thung lũng Nặm Thàng vốn âm thầm bao năm tháng như được bừng lên trong nắng. Nó cuốn con người ra khỏi cõi âm u, mặc cảm, ra khỏi nỗi đau mê sảng của kiếp người. Và đọng lại trong tâm trí người đọc người nghe chính là hình ảnh hoa mía ở phần kết truyện-biểu tượng cho những gì đẹp đẽ, lương thiện; cho sự sinh sôi nảy nở…

“Trong lòng đất”: Thông điệp từ quá khứ

“Trong lòng đất”: Thông điệp từ quá khứ 25/10/2022

Gần nửa thế kỉ đất nước kết thúc chiến tranh là khoảng thời gian dài đủ để chúng ta nhìn nhận cuộc chiến đa dạng, đa chiều hơn. Chiến tranh để lại biết bao mất mát hi sinh, nhiều người lính nằm xuống nơi rừng sâu, đất hoang. Sau chiến tranh, hành trình đi tìm hài cốt người lính mất tích, quy tập các anh về nơi an nghỉ là trách nhiệm của người thân, đồng đội và toàn xã hội. Có nhiều trường hợp di hài người lính được vô tình phát hiện khi người dân xây dựng công trình, làm ruộng, đi nương, vào rừng … Hài cốt hai người lính trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe được phát hiện như vậy. Nhân vật tôi là người thầu xây dựng một công trình thủy điện đang trong giai đoạn công việc, cuộc sống khó khăn. Bằng kinh nghiệm bao năm làm nghề cùng những kĩ năng độc đáo xây cầu từ thời còn là bộ đội đánh Mỹ, dự án xây dựng được nhân vật thu xếp khá ổn thỏa. Thế nhưng việc công nhân phát hiện hai bộ hài cốt đã thay đổi tất cả. Dù đã bỏ bao công sức vào công trình xây dựng nhưng vì Phát cá tra không đồng ý tránh thi công ở khu vực có nhiều hài cốt nên anh đã chấm dứt công việc. Từ công việc của một người thợ xây dựng thủy điện, tác giả lồng ghép câu chuyện số phận những người lính hi sinh, mất tích trong chiến tranh. Chiến tranh đã kết thúc gần nửa thế kỉ nhưng từ những di vật còn lại, chúng ta cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc chiến. Hai người lính ở hai chiến tuyến ngã xuống nằm cạnh nhau suốt mấy chục năm. Thời gian đã hóa giải đi nhiều thứ, hận thù, ân oán tan vào cát bụi, chỉ còn lại hai bộ hài cốt hòa với nhau không phân biệt địch ta. Từ cuộc sống khó khăn, cơm áo gạo tiền của người công nhân xây dựng thời đương đại, tác giả dẫn dắt người đọc tới số phận người lính ngã xuống trong chiến tranh. Vấn đề về hòa giải dân tộc, câu chuyện văn hóa ứng xử với lịch sử, quá khứ, văn hóa nhân cách trong làm ăn kinh tế… Tất cả những thông điệp từ câu chuyện đều khiến chúng ta phải suy ngẫm (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Ngụ ngôn tháng tư”: Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

“Ngụ ngôn tháng tư”: Đi tìm ý nghĩa cuộc sống 18/10/2022

Phải nói rằng đây là một truyện ngắn quá đẹp, đẹp về văn, về chuyện, về khả năng lay động tâm thức người đọc. Trần Thị Tú Ngọc viết một câu chuyện tình nhưng không phải chuyện tình. Mượn câu chuyện hành trình đi tìm “bông súng đỏ” của một người lính để tác giả lồng ghép về những ám ảnh hậu chiến, những mất mát chiến tranh vùi lấp ẩn trong tâm khảm người đang sống, những định kiến, những thổn thức trong không gian man mác miền sông nước “Giữa dằng dặc chiến tranh tơi bời đạn lửa, những nỗi niềm nho nhỏ bị vùi lấp đi tuyệt mù vô tăm tích". Cái đặc sắc của truyện còn ở chỗ Trần Thị Tú Ngọc đã nhập vai hoàn chỉnh cho tác phẩm mang đậm hơi hướng Nam Bộ, thổi hồn cốt sông nước miền Tây vào câu chuyện rất tự nhiên, uyển chuyển, tài tình. Tác giả không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất sông nước này nhưng tình cảm phải nồng hậu đến thế nào, am hiểu đến nhường nào mới có được mạch văn đậm chất miệt vườn như thế “Những bờ sông lở lói nhìn tôi giễu cợt. Tàu hút cát chạy ầm ầm. Những con mương trơ lòng rác rến. Đám trẻ con lem luốc quệt nước mũi lòng thòng. Bà lão bán bánh bò ở Châu Đốc nhọc nhằn chèo xuồng đưa tôi qua đầm nước sắp cạn khô. Thở dài não ruột: thật hết biết tụi trẻ bọn bây, chẳng nhớ gì ráo trọi. Muốn tìm hoa súng phải đợi đến tháng chín tháng mười, về đây khi mùa nước nổi nghen con”. Phải có một xúc cảm mãnh liệt và một ngòi bút vô cùng tinh tế tác giả mới có thể làm được điều đó. Truyện có hai giọng kể đều xưng “tôi”, “tôi” trong vai người lính và “tôi” cũng là Nguyên – người con gái mang hai dòng máu Việt - Mỹ, cả hai đều dành cho nhau tình cảm quyến luyến, mến thương. Hình ảnh bông súng đỏ cuối truyện thật đẹp, thật gợi, nó mở ra một sự hứa hẹn, chờ đợi dẫu Nguyên đi, đi rồi sẽ quay trở về. Là cây bút trẻ, Trần Thị Tú Ngọc còn cả một chặng đường dài phía trước để từng bước trau dồi ngòi bút của mình và chúng ta có thể nhận thấy những tín hiệu lấp lánh đáng để mong chờ và hy vọng (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Con riêng”: Gắn kết tình cảm gia đình

“Con riêng”: Gắn kết tình cảm gia đình 11/10/2022

Con nhà tông không giống lông thì giống cánh ý muốn nói là cha con thì kiểu gì cũng có những điều giống nhau. Ấy vậy mà nhân vật Thạch, người con thứ hai trong gia đình có tám anh em lại có tính cách không hề giống thày của mình chút nào. Trong khi 7 chi em khác có tình hiền lành, điềm đạm của thày u thì Thạch lại một mình một kiểu. Từ nhỏ cậu đã vô cùng cứng đầu và tinh nghịch, biết bao lần ăn đòn roi của thày vì thói nghịch ngợm của mình. Thế nên nhân vật Thanh, cô chị cả đôi lúc nhủ thầm không biết Thạch có phải con riêng của U hay không. Sau trận đòn dữ dội của thày vì tội làm mất đàn lợn, Thạch bỏ nhà nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Nhưng vì nhiều lí do khác nhau, thông tin Thạch nhập ngũ không được chuyển về địa phương nên làng xóm hiểu nhầm Thạch theo ngụy quân. Suốt mấy năm, gia đình Thạch phải chịu nỗi dè bỉu, chê bai, xa lánh của làng xóm. Thày u Thạch cắn răng chịu điều tiếng mà không một lời giải thích. Chỉ đến khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, nhờ có anh Nam tìm được hồ sơ của Thạch thì sự thật mới được sáng tỏ. Và bất ngờ hơn nữa từ nhật kí của Thạch, Thanh mới biết mình lại là con riêng của U. Vậy mà biết bao năm qua, thày vẫn yêu thương mình hết lòng. Truyện ngắn là lời tâm tình nhỏ nhẹ và tình cảm gia đình. Tình cảm gia đình không phải điều gì to lớn mà chỉ là những sinh hoạt đời thường, những kỉ niệm nhỏ bé mà sâu sắc. Như việc Thạch nghịch ngợm đi tiểu lên mặt chị cả, Thạch làm bị thương các em, Thạch làm mất lợn của thày u. Hay việc Thanh cõng thày bị thương vượt rừng trở về nhà. Tất cả tạo nên sự gắn kết của các thành viên trong gia đình cùng chung hoạn nạn, cùng vui buồn vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Truyện ngắn được viết dung dị, nhẹ nhàng đề cao tình cảm trân quý của gia đình, dòng tộc.

“Mãi là người lính”: Tự hào người lính Cụ Hồ

“Mãi là người lính”: Tự hào người lính Cụ Hồ 6/10/2022

Nhà văn Dương Thanh Biểu sinh ra và lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Đang học cấp 3 ở quê nhà, theo tiếng gọi của Đảng, Dương Thanh Biểu gác bút nghiên, lên đường nhập ngũ. Khi đất nước hòa bình, ông theo học ngành tư pháp và trở thành người lãnh đạo cấp cao trong ngành kiểm sát. Sự nghiệp văn chương đến với ông như một sự hội ngộ giữa niềm đam mê với đầy ắp tư liệu, viết về những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang quan tâm. Những năm gần đây, nhà văn viết nhiều về ký ức người lính, những năm tháng mà ông đã từng tham gia chiến đấu ở mặt trận phía Nam.

Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong hai truyện ngắn “Người làm súng ở Lủng Căm” và “Con trâu nhà họ Cầm”

Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong hai truyện ngắn “Người làm súng ở Lủng Căm” và “Con trâu nhà họ Cầm” 4/10/2022

“Người làm súng ở Lủng Căm” của tác giả Triệu Hoàng Giang xoay quanh nhân vật chính là ông Tài Minh. Là một người thợ làm súng có tài, lẽ thường ông Tài Minh phải mong khách tới tìm mua thật đông, mong mình bán được thật nhiều súng. Tuy nhiên, ông dường như lại chẳng thiết tha với điều đó… Chính điều lạ lùng ấy, cùng với giọng kể mộc mạc đã khiến truyện “Người làm súng ở Lủng Căm” khá cuốn hút. Thông điệp bảo vệ rừng và lẽ sống giản dị: rừng “cho nhà mình được bằng nao thì dùng như thế, đừng lấy nhiều quá” cũng được truyền tải một cách chân thật, không lên gân. Tương tự, với truyện “Con trâu nhà họ Cầm” của tác giả Nông Văn Kim cũng ghi điểm ở sự giản dị. Nhân vật trung tâm của truyện là con Xoăn, một con trâu có kết cục bi thảm trước những toan tính của con người. Tác giả đã tạo ra sự tương phản giữa một bên là một con vật hiền lành và một bên là một đám người tham lam, độc ác với đủ những thủ đoạn hèn mọn. Truyện không quá xuất sắc về kĩ thuật viết nhưng cũng đủ sức để đưa ra một lời cảnh tỉnh về lòng tham – điều sẽ khiến con người hủy hoại tất cả và hủy hoại chính mình.

“Lá thư nhầm địa chỉ”: Tình yêu còn mãi

“Lá thư nhầm địa chỉ”: Tình yêu còn mãi 30/9/2022

Thời nữ sinh ai mà chả có một mối tình, chỉ là mối tình đó có đủ sức nặng để xuyên suốt thời gian và không gian hay không. Có mối tình thoáng qua, nhưng cũng có mối tình thì lại rất sâu sắc và theo chúng ta đi suốt cuộc đời. Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay, chúng ta cùng đến với một mối tình như thế qua truyện ngắn “Lá thư nhầm địa chỉ” của nhà văn Hiệu Constant

“Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió”: Ươm đời sự sống tươi xanh

“Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió”: Ươm đời sự sống tươi xanh 21/9/2022

“Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió” của nhà văn Hồ Ngọc Quang bắt đầu từ tình huống nhân vật tôi – một người thầy bị hỏng xe dọc đường, xe máy bị xịt lốp ở cánh rừng không một bóng người. Thật may mắn khi anh gặp lại Thùy – cô học trò cũ trường sư phạm năm xưa, cô mời anh ở lại nghỉ ngơi qua đêm, giúp thầy sửa xe. Câu chuyện của họ ấm dần lên khi nhắc đến những học trò cùng lớp với Thùy, cuộc sống mưu sinh hiện tại của họ khá vất vả, khó nhọc. Nghe cô học trò kể về bạn bè, anh không khỏi băn khoăn, day dứt. Bao nhiêu năm mới gặp lại, bấy nhiêu kỷ niệm thân thương ùa về, biết hoàn cảnh của từng em học trò năm xưa, anh cảm thấy xót xa, buồn bã. Nhưng trong câu nói lạc quan của cô học trò, rằng chúng em phải cố gắng không được nản, không được gục ngã, phải gắng từng ngày để vươn lên. Bản thân Thùy đã tự nguyện lên vùng núi này dạy học, đưa mẹ già lên sinh sống, một mái nhà đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp ở bìa rừng, chồng Thùy là công nhân trồng rừng, miệt mài với công việc. Họ lặng lẽ dâng hiến những điều nhỏ bé nhất để xây dựng cuộc sống ngày thêm khấm khá hơn, tươi sáng hơn. Câu nói của người mẹ “Bây giờ mình trồng thì con cháu sau này mới có rừng. Còn bây giờ có cây nào chặt bán cây đó để ăn thì mươi năm nữa đời con cũng không có rừng chứ đừng nói đời cháu” khiến nhân vật tôi và cả chúng ta phải ngẫm ngợi. Người mẹ già đã khuyên bảo con rể những điều thật sâu sắc, hãy vì ngày sau, hãy bảo vệ rừng. Những việc làm thầm lặng của họ khiến chúng ta ấm lòng. Nơi cánh rừng hoang sơ ấy, những con người bình dị đang gắng từng ngày vươn lên, gieo con chữ, gieo từng mầm xanh, ươm cho đời sự sống tươi xanh và đầy hy vọng. Tình huống hỏng xe nơi bìa rừng đối với người thầy ấy lại là điều trong rủi gặp may, anh được gặp lại cô học trò năm xưa, được chứng kiến cuộc sống của họ nơi xa xôi này, nhưng cũng chính họ đã tiếp thêm cho anh niềm tin yêu vào cuộc sống, không thể gục ngã, không thể lùi bước mà hãy gắng vươn lên, âm thầm nhưng mạnh mẽ. Tình người ấm áp, sâu nặng, nghĩa tình của mẹ con cô học trò đối với thầy giáo cũ khiến chúng ta được tiếp thêm niềm tin, niềm vui vào cuộc đời, rằng đằng sau những vất vả, bộn bề lo toan cuộc sống, họ vẫn sống thật trọn vẹn, nghĩa tình thủy chung, đầy lạc quan, yêu đời. Câu chuyện khép lại trong tình cảm thầy trò quyến luyến khi chia tay, điều đọng lại dư ba là tình người ấm mãi, cứ tỏa lan như cánh rừng kia, xanh đến nao lòng…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Người muôn năm cũ": Nuối tiếc vẻ đẹp xưa cũ 16/9/2022

Trong lời đề từ của truyện, nhà văn Bão Vũ đã viết: “Tôi nhớ, có một nhà văn Pháp đã tự hỏi: “Không biết những bà già mà ta thường cho là lẩm cẩm, có thể làm ta khó chịu, đến một ngày nào không còn nữa thì đó là điều đáng vui hay đáng buồn?”. Câu hỏi bỏ đấy, không có trả lời. Nhưng riêng tôi, và tôi biết nhiều người khác nữa, sẽ thấy buồn, thậm chí rất buồn khi không còn những bà già ngày xưa. Bởi họ chính là hình ảnh của một nền văn hóa tinh tế đầy nhân ái mà ta sẽ chẳng còn thấy lại được một cách cụ thể khi họ mất đi. Khoảng trống vắng khi không còn họ sẽ chẳng gì bù đắp được. Tôi viết truyện ngắn này với nỗi thương tiếc vô hạn đối với bà nội tôi, người đã từng đưa tôi vào một thế giới cổ xưa dịu dàng mà ngọt ngào, dù có khi đẫm nước mắt: Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? Lời đề từ và nhan đề truyện "Người muôn năm cũ" đã nói lên ý nghĩa của câu chuyện. Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh, xô bồ nó cuốn con người ta đi với bao điều lo toan vất vả. Có bao điều trong lành đẹp đẽ của quá khứ đang phôi pha dần. Biết đó là một quy luật buồn, tiếc thương mà không sao níu kéo được. Nhà văn Bão Vũ đã sử dụng thủ pháp đồng hiện để đan xen hai tuyến cốt truyện song hành, diễn tiến xoắn quyện vào nhau trong không gian – thời gian quá khứ và hiện tại. Tuyến cốt truyện đau buồn với bà Ngân phải lòng anh kép hát gánh chèo chỉ chậm chân một chút mà lỡ một tình yêu đẹp, rồi buộc phải lấy một chàng trai nhà giàu, dù không có tình yêu. Tuyến cốt truyện thứ hai có sự vô tư đến vô tâm của Nga-cháu bà Ngân, tuy yêu Hoàng đẹp trai tốt bụng nhưng lại lấy chồng là một gã trai giàu có. Hai tuyến truyện với hai mối tình dang dở, nhưng về nội dung thì có sự khác biệt lớn, phản ánh sự thay đổi chóng mặt của thời đại, của hệ giá trị thẩm mĩ, đạo đức. Lớp trẻ như Nga với chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, có thể yêu bằng trái tim nhưng lấy chồng phải bằng lý trí, bằng sự tính toán thiệt hơn, cân đong đo đếm. Sự thay đổi trong tình yêu, trong quan điểm sống ấy không còn mang tính cá biệt nữa. Vẻ đẹp xưa cũ như làn sương mong manh tan dần. Để những ai trân trọng văn hóa truyền thống, những giá trị xưa cũ bâng khuâng, lưu luyến.

"Đổi mẹ”: Tình yêu thương của người mẹ 15/9/2022

Cuộc sống muôn mầu nên số phận mỗi con người không ai giống ai. Nhân vật cô gái Thúy trong câu chuyện xinh xắn, hiền lành, tốt bụng, học hành tử tế tưởng rằng sẽ gặp được nhiều may mắn, hạnh phúc. Trớ trêu thay, cuộc đời Thúy chịu biết bao điều đau khổ. Chị yêu Vinh hết lòng, dù biết anh mang bệnh tật nhưng vẫn muốn đến với anh. Vì tình yêu với Vinh, Thúy đã hi sinh cả tình cảm gia đình để trở thành vợ của anh. Cô hết lòng chăm sóc, cùng anh vượt qua bệnh tật nhưng cuối cùng chồng cô vẫn ra đi để lại nỗi đau khôn nguôi. Bé Ong trở là kết quả tình yêu giữa hai người, là nguồn sống và hi vọng tương lai của Thúy. Nhưng một lần nữa cuộc đời thật bất công khi bé Ong bị bệnh tự kỉ, kém phát triển so với những đứa trẻ khác. Bé Ong không thể hòa nhập cùng các bạn, cùng cộng đồng. Tình thương yêu với bé Ong đã giúp Thúy vươt qua nỗi đau thể xác và tinh thần giúp con khỏe mạnh. Tình yêu thương của người mẹ đã giúp cô vượt qua chê trách của nhà chồng, vượt qua sự dè bỉu của xã hội. Truyện ngắn không có những mâu thuẫn, lừa lọc mà đi vào nỗi đau đớn trong nội tâm của một người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh. Chồng bạo bệnh qua đời, con gái thì mắc bệnh tự kỉ, gia đình nghị kị chê trách. Biết bao uất ức, chua sót, đau đớn dồn lên đôi vai Thúy. Đau đơn nhất là nhìn thấy đứa con dễ thương lại có tinh thần không bình thường. Những cái tát của bé Ong vào mặt mẹ có lẽ không đau bằng nỗi đau trong lòng cô. Truyện ngắn khiến người đọc, người nghe cảm thương cho một số phận, một hoàn cảnh gặp nhiều vất vả. Nhưng chỉ những ai gặp hoàn cảnh như Thúy mới thấu hiểu hết nỗi đau của cô. Truyện ngắn giàu cảm xúc khiến không ít người nhận ra rằng mình còn hạnh phúc hơn nhiều người khác như Thúy (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Chuyện Trương Bốn": Ở hiền gặp lành 9/9/2022

Có lẽ đối với hầu hết các độc giả văn học Việt Nam, Hồn Trương Ba da hàng thịt là một câu chuyện dân gian vô cùng quen thuộc. Vở kịch nổi tiếng cùng tên của Lưu Quang Vũ có thể xem là một sự viết lại/ viết tiếp của tác phẩm dân gian nổi tiếng trên. Như vậy, nếu coi câu chuyện dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt là một tác phẩm thượng bản thì Chuyện Trương Bốn của Nguyễn Toàn Thắng chính là hậu bản của hậu bản, là một kế thừa xuất sắc từ tác phẩm của Lưu Quang Vũ bởi Nguyễn Toàn Thắng vốn là một nhà viết kịch bản sân khấu với các tác phẩm thuộc nhiều thể loại: kịch lịch sử, kịch thiếu nhi, ca kịch, cải lương, chèo, hài kịch hiện đại, kịch lãng mạn…Có thể thấy, truyện ngắn của Nguyễn Toàn Thắng mang dấu ấn đậm nét của xã hội đương đại với những trò chơi online, đề tài dự án, điều hòa nhiệt độ, nghiên cứu viên, trưởng phỏng, trộm chó, nhạc jazz, đàn guitar, đầu gấu, đòi nợ thuê, con ông cháu cha…Một trong những chủ âm của truyện ngắn là chất giọng giễu nhại, hài hước, bắt đầu từ cái tên của nhan vật chính – Trương Bốn – như một sự chuyển dịch từ nhân vật nguyên mẫu Trương Ba trong truyện cổ dân gian. Một thế giới nửa hư nửa thực được tác giả dựng lên với bao xấu tốt đan xen lẫn lộn, khác hẳn với cách xây dựng nhân vật trong truyện dân gian truyền thống, bao giờ cũng chia hai phe thiện ác rõ ràng từ đầu đến cuối tác phẩm. Nguyễn Toàn Thắng có nhiều sáng tạo trong sự viết lại của mình, từ việc để Đế Thích là người luôn luôn thua cuộc trong mỗi ván cờ, cho tới việc để Trương Bốn chết là do trần gian có quá nhiều Trương Bốn nên phán quan bị nhầm, rồi việc Thiên Lôi đánh trượt Trương Bốn là do tay nghề quá kém, chỉ vì con ông cháu cha nên mới được giữ chức. Nếu như trong truyện dân gian, Trương Ba được quan phán quyết về ở với vợ của mình thì ở trong truyện ngắn của Nguyễn Toàn Thắng, Trương Ba cả đời được sống cùng lúc với hai bà vợ. Có thể xem đây là một cái kết “có hậu” mà cũng đầy sự hài hước theo một tinh thần hậu hiện đại. Tuy thế, cũng có thể nhận ra những thông điệp khác mà tác giả gửi gắm, như lời khuyên ở hiền gặp lành, chuyện cư xử ở đời, những chỉ trích, phê phán kín đáo của tác giả về những thói hư tật xấu trong xã hội đương thời. Tác phẩm được viết bằng một văn phong dí dỏm với nhịp điệu nhanh, các tình tiết sự kiện chuyển động liên tục khiến người đọc cảm nhận được sự mới mẻ và bị cuốn hút từ đầu đến cuối truyện ngắn này.

“Lá mấn rơi ngoài cửa”: Nỗi cô đơn của người phụ nữ

“Lá mấn rơi ngoài cửa”: Nỗi cô đơn của người phụ nữ 5/9/2022

Nhân vật chính của truyện tên là Vui nhưng không như cái tên, cuộc đời cô không vui, đó là những tháng ngày gắn với nỗi buồn, cô đơn ngập tràn. Mở đầu truyện ngắn “Lá mấn rơi ngoài sân”, chúng ta thấy cảnh tượng Vui quét lá, gom lá và chờ chị lao công đi qua nhà thu rác. Chờ để bỏ túi rác vào thùng, chờ để cho chị mấy vỏ lon, vỏ thùng các tông, chờ để nghe kể chuyện về mấy mẹ con chị lao công cuối ngày quây quần bên nhau. Bởi vì Vui buồn lắm, chồng đi làm trên huyện lâu lâu mới về, các con chị lần lượt đi học trên thành phố, mỗi mình Vui với căn nhà trống hoác, lạnh lẽo. Chi tiết ngày nào Vui cũng quét lá, vun lá ngoài sân, ngoài ngõ, sắp xếp cẩn thận từng đôi dép trước thềm, đôi bẩn quay mũi ra ngoài, đôi sạch quay mũi vào trong…cho chúng ta cảm giác trống trênh trong lòng cô, cô thèm hơi người, thèm không khí đầm ấm của gia đình, chồng con. Nhưng mỗi lần chồng Vui về nhà, không gây gổ chuyện này thì cũng châm chọc chuyện kia, trong mắt chồng Vui, cô như cái gai, vừa quê mùa, vừa luộm thuộm, không làm được việc gì ra hồn. Chi tiết chồng cô, trong bữa cơm đơn sơ, nhìn cái mâm nhôm lâu ngày không dùng gợn đầy vết gỉ xám ngoét, liền rút tờ giấy ăn lau vẫn không sạch, anh ta thở dài, không nói một tiếng, cả bữa cơm không buông đũa xuống mâm vì sợ bẩn cho chúng ta cảm giác ngột ngạt, đó như là một sự khinh bỉ, ghẻ lạnh mà chồng Vui dành cho cô. Vui như cái bóng, sợ sệt, xa cách mỗi khi chồng xuất hiện trong nhà,“ Vui không hỏi, không nói, chỉ răm rắp làm, lầm lụi làm, tránh né va chạm, nem nép mỗi lần chồng về..”. Ngay cả chuyện chồng vợ, Vui có cảm giác trống trải, xa cách, nằm cạnh chồng mà Vui “muốn khóc mà nước mắt không chịu chui ra. Vui muốn hờn trách mà không biết trách ai. Muốn buông trôi mà không biết trôi đi đâu. Đành trách mình không biết cách làm căn nhà thôi lạnh, không biết cách ủ tình vợ chồng nồng mặn. Chồng hẳn là cũng chán ghét lắm rồi”. Cuộc sống tẻ nhạt, lạnh lẽo, cô đơn bao trùm lên Vui khiến cho cô càng trở nên lặng lẽ, ít nói. Cô trò chuyện với cây mấn trước nhà, với đám lá trước mặt, rồi vun lại thành đống châm lửa đốt “ngọn lửa bén vài lá rồi tắt, Vui châm mẩu giấy khác, thêm vài lá cháy lem lem rồi cũng tắt, vài đốm tàn sót lại nhỏ dần thành sợi chỉ, tan dần thành khói, khói thốc vào mắt cay sè. Vui cười nhạo mình, phải lá khô mới cháy cơ mà…”. Nỗi cô đơn dâng đến ngập lòng với chi tiết ấy, Vui chuyện trò với đám lá cây, với ngọn khói, với những buổi chiều cô quạnh. Truyện gợi nỗi cảm thương sâu sắc, chia sẻ đến tận cùng nỗi buồn khổ, day dứt, khắc khoải, dằn vặt…Truyện gửi một thông điệp sâu sắc, hãy yêu thương người phụ nữ của gia đình, họ cần được tôn trọng, chở che bởi chính họ đã đem lại hơi ấm, tình yêu và sự hy sinh thầm lặng cho mỗi căn nhà, mỗi tổ ấm bình yên…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Người mang thánh giá" - Câu chuyện hậu chiến từ một góc nhìn khác 31/8/2022

Câu chuyện hậu chiến với những nỗi đau còn sót lại đã không còn xa lạ trong văn chương. Nhưng với “Người mang thánh giá”, độc giả lại có cơ hội tiếp cận một đề tài cũ từ một góc nhìn mới mẻ hơn – góc nhìn của con gái kẻ tội đồ. Lớn lên trong giáo đường, nhân vật “tôi” mang thân phận của một đứa trẻ mồ côi với nhiều ấm ức, thiệt thòi. Đến khi trưởng thành, khi đã tỏ tường gốc tích, cô lại đối diện với một gánh nặng tâm lý khác khi cha ruột chính là một kẻ giết người… Mọi chuyện không được kể rõ ràng ngay từ đầu. Như thể nhân vật “tôi” có quá nhiều bối rối, không biết phải đối diện ra sao trước số phận của mình. Có quá nhiều băn khoăn mà giờ đây, chẳng thể nào được hồi đáp khi người trong cuộc đều ở dưới ba tấc đất. Có quá nhiều câu hỏi tại sao mà giờ đây, nhân vật chỉ có thể tự vấn trong mặc cảm tội lỗi mà thôi. “Người mang thánh giá” đã kể câu chuyện về cuộc chiến ở một khía cạnh dường như dễ bị bỏ qua nhất và dường như cũng sẽ có những khuất lấp riêng không dễ tỏ bày. Bên cạnh đó, truyện cũng “ghi điểm” ở khả năng khắc họa tâm lí, lối diễn đạt tinh tế, có chiều sâu. Bầu không khí tôn giáo của truyện cũng mở rộng đường biên liên tưởng cho mỗi độc giả về việc ai cũng phải mang cây thánh giá của cuộc đời mình. Và tình thương, của Thiên Chúa và cuộc đời, rồi sẽ cứu chuộc ta khỏi sự nhục nhã, đau khổ và cả oán thù. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00

Đối thoại mở (đang phát)

21h30 - 22h00 Tiếng thơ