“Họ đã trở thành đàn ông”: Sự hy sinh, hiến dâng của nữ thanh niên xung phong16/3/2022

Truyện ngắn “Họ đã trở thành đàn ông” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến là một câu chuyện chiến tranh, kể về một nữ thanh niên xung phong ở một binh trạm. Điều day dứt và ám ảnh chúng ta chính là sự giằng xé nội tâm nhân vật này khi cô không dám trao thân gửi phận cho người yêu trước khi anh vào mặt trận. Cô đấu tranh với anh, với chính cô để giữ gìn đến ngày cưới. Nhưng, oái ăm thay, cay đắng thay, người lính ấy đã hy sinh, người yêu cô đã nằm lại chiến trường với lời hứa không bao giờ thực hiện được nữa. Cô đau đớn, ân hận, giằng xé tâm can. Và cũng từ đó, nơi chiến trường ác liệt, cô thay đổi. Cô chứng kiến những người lính trẻ măng tơ chưa biết sự đời là gì vì chưa trở thành đàn ông. Họ ra trận và sẽ không bao giờ trở lại. Họ đi vào cái chết một cách trinh trắng. Cô nghĩ, hãy cho họ trở thành đàn ông trước khi vào trận. Dẫu có hy sinh, cũng với tư thế một người đàn ông. Và từ đó, đêm đêm, cô trao tình thương cho các chàng lính trẻ. Ngày qua ngày, làm sao kể hết được bao nhiêu đêm, bao nhiêu lần, bao nhiêu chàng trai được hưởng tình yêu thương, hiến dâng của cô, và họ đã trở thành đàn ông như thế. Tứ truyện lạ, ấn tượng nhưng cứ băn khoăn day dứt. Người phụ nữ Việt Nam có truyền thống “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, vì đó mà hạnh phúc. Vì đó mà bất hạnh đau khổ nếu bị mất đi. Nhưng chiến tranh, giữa sự sống và cái chết, giữa còn và mất, người phụ nữ đã chọn cách hy sinh, là dâng hiến. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây

“Mùa én gọi bầy’’: Trân trọng hạnh phúc từng phút giây 14/3/2022

Nhân vật gã tên Thùng được nhà văn chú tâm khắc họa là một người đàn ông cục cằn, thô lỗ, nghiện rượu và ghen tuông. Một motip cũng khá quen thuộc khi khắc họa chân dung người đàn ông vùng cao với những bi kịch gia đình: Cuộc sống nghèo khó, ít học, đi kèm văn hóa đấm đá, bạo hành. Song khác với nhiều truyện ngắn chỉ nói về những bi kịch người vợ bị hành hạ, nhà văn Cao Duy Sơn ở truyện ngắn này lý giải cặn kẽ nguyên nhân sâu xa của bất hạnh hôn nhân của gia đình Thùng. Nhà văn dụng công xây dựng nhân vật Thùng: hết mực yêu vợ thương con, cũng từng là một con người tử tế biết cư xử , biết phân biệt tốt xấu….nhưng vì sao lại trở nên một con người cục cằn thô lỗ, rượu chè và luôn sống trong ngờ vực, thiếu tự tin như thế. Ghen tuông quả thực hết sức nguy hiểm, nó như một thứ bệnh, hay nọc độc gặm nhấm, khiến con người trở nên điên khùng, dễ đưa đến những hành động mất kiểm soát. Sự việc được đẩy lên thành cao trào. Đó là lần Thùng chứng kiến sự phản bội của vợ và anh ta đã thiêu trụi ngôi nhà. Nhân vật Thùng cũng đã nhìn ra những hạn chế của mình nhưng quá muộn màng, anh ta không vượt lên được bằng sự tha thứ bao dung. Cuộc sống hôn nhân của anh ta nặng nề và bế tắc với lỗi lầm của người vợ. Đến một ngày người vợ không chịu được, đã tự bỏ ra đi. Truyện cho thấy những khát khao hạnh phúc của con người là có thật. Song chỉ khi đánh mất rồi con người mới thấm thía giá trị của nó. Vì thế thông điệp mà nhà văn muốn gửi tới các bạn trẻ là hãy biết trân trọng hạnh phúc, hãy biết bao dung và tha thứ. Điều tưởng giản dị như vậy mà không phải ai cũng thực hiện được. Đoạn kết nhân ái thể hiện rõ góc nhìn nhân văn của một nhà văn giàu trải nghiệm. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

“Cửa Phật hoa mai nở”: Gieo nhân lành để nhận được quả lành

“Cửa Phật hoa mai nở”: Gieo nhân lành để nhận được quả lành 8/3/2022

Truyện ngắn “Cửa Phật hoa mai nở” của nhà văn Hoàng Thế Sinh xoay quanh nhân vật chính là Mai Xưa, một bác sĩ sản. Nàng đã nhận nuôi một bé gái khi mẹ bé qua đời còn người cha phải lên đường ra trận. Trong bối cảnh người ta chưa có cái nhìn cởi mở về mẹ đơn thân, Mai Xưa trải qua nhiều lận đận. Một phần vì vất vả nuôi con khi chưa một lần sinh nở. Một phần vì tình duyên lắm mối mà chẳng đi đến đâu…Có cốt truyện cảm động, ca ngợi sự hi sinh của người phụ nữ nhưng truyện ngắn “Cửa Phật hoa mai nở” không thiếu những đoạn hài hước, thậm chí có chút châm biếm khi kể về những người đàn ông tới tìm hiểu Mai Xưa. Ai lúc đầu cũng hăng hái nhưng sau thì ngần ngại. Lí do thì muôn màu muôn vẻ nhưng nhìn chung, vẫn là chưa đủ yêu, chưa đủ duyên, chưa đủ cảm thông để nuôi nấng một đứa trẻ không phải ruột thịt của mình… Nhân vật Mai Xưa cũng được tác giả xây dựng một cách sinh động. Nàng không đóng khung trong kiểu nhân vật tròn trịa, mẫu mực mà vẫn có nét ngây thơ, hồn nhiên, thậm chí có chút cả tin. Nhưng có lẽ chính vì vậy, Mai Xưa mới ít đau khổ vì ái tình và vẫn tin vào ái tình. “Cửa Phật hoa mai nở” đã kết lại bằng ấm áp, bằng tin yêu, bằng hạnh phúc. Một cái kết sáng đủ làm ấm lòng người đọc và cũng như một lời nhắn nhủ rằng hãy cứ kiên trì gieo nhân lành để nhận được quả lành. (Lời bình của Nguyễn Hà)

"Nơi tình yêu ở lại": Tình yên biển đảo, quê hương 3/3/2022

Ngay từ tên truyện, tác giả đã hé lộ đây là một câu chuyện nói về tình yêu. Một câu chuyện tình yêu được tác giả đề cập ngay từ những dòng chữ đầu tiên. Chỉ có điều, tình yêu trong truyện ngắn này, không xảy ra ở một nơi bình thường, mà xảy ra ở một hòn đảo cách xa đất liền, giữa một cô thanh niên xung phong và một anh bộ đội, khi cả hai cùng công tác trên đảo. Một tình yêu đẹp và trong sáng như ta vẫn thường thấy ở những đôi trai gái, khi cả hai cùng đang làm nhiệm vụ dựng xây và bảo vệ Tổ Quốc! Hoa - cô thanh niên xung phong, và Kha - anh bộ đội, theo tiếng gọi của quê hương, cùng đến với đảo, cùng có những năm tháng sống, công tác trên đảo, và cả hai cùng yêu đảo như chính quê hương mình. Từ những năm tháng gần gũi bên nhau ấy, họ đã “bén duyên” và yêu nhau. Tình yêu của hai người đã giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống, công tác thường ngày trên đảo. Đặc biệt, khi Kha hết hạn nghĩa vụ quân sự, được trở về đất liền, anh phải đứng trước hai sự lựa chọn cho cuộc sống sau này của mình: Ở lại đảo cùng Hoa xây dựng cuộc sống dài lâu, hay trở về đất liền vĩnh viễn? Hơn thế, anh còn phải đối mặt với lời khuyên của cha mẹ, người thân, bạn bè… phải trở về quê hương xây dựng cuộc sống tương lai! Nhưng Kha đã không làm thế, anh đã trở lại đảo theo tiếng gọi của con tim, với chiếc ba lô trên lưng, như ngày nào đến với đảo lần đầu. Chỉ có tình yêu đối với người mình yêu, đối với biển đảo, với quê hương đất nước, mới có thể thúc giục Kha trở lại đảo, xây dựng cuộc sống gia đình cùng Hoa. Thông qua truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến muốn khẳng định một điều, biển đảo dù xa cách bao nhiêu vẫn là chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc thân yêu, mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm đóng góp công sức, xây dựng và giữ gìn biển đảo, nhất là trong tình hình biển đảo đang có những bất ổn như hiện nay. Truyện ngắn với lối viết mộc mạc, giản dị, tự nhiên, tác giả không chú tâm lắm với những yếu tố kỹ thuật trong kết cấu, xây dựng truyện. Song, “Nơi tình yêu ở lại” vẫn có những chi tiết chân thực, xúc động, làm ta tự hào, yêu thương nhiều hơn đối với biển đảo quê hương…

“Bên ngoài thành phố”: Tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay

“Bên ngoài thành phố”: Tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay 2/3/2022

Truyện ngắn có đề tài về cuộc sống đời thường, tình cảm đời thường nhưng được tác giả thể hiện qua một câu chuyên mang phong cách giả tưởng. Khi mà dân số quá đông, thành phố chỉ tiếp nhận người trẻ tuổi còn người già phải ở ngoài thành phố. Bố mẹ già phải xa con, cháu của mình. Và một cuộc thi đấu trở thành lằn ranh để quyết định ai sẽ được trở lại thành phố. Nhân vật chính của câu chuyện là ông lão nhiều tuổi nhưng vẫn quyết tâm tập luyện chăm chỉ để tham gia được thi với ước vọng vào thành phố gặp gỡ con cháu. Lẫn trong những giọt mồ hôi của ông, nước bắt của bà là nỗi nhớ mong con cháu, là tình cảm ruột thịt. Ông đã chiến thắng cuộc thi đấu nhưng cuối cùng không vào thành phố mà quay trở lại với người vợ yêu khi bà bị bệnh Alzhemer. Lắng đọng trong lòng người đọc, người nghe truyện ngắn này là trăn trở về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Trong thành phố, ngoài thành phố chỉ là một hình ảnh thể hiện sự khoảng cách của người già với thế hệ con cháu của mình. Biết bao người vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền, bận rộn công việc, bận rộn vui chơi mà ít liên hệ, ít quan tâm tới cha mẹ già ở nhà, ở quê. Đó là tâm tư, nỗi buồn của không ít người già hiện nay. Cái cha mẹ cần đâu chỉ có cuộc sống vật chất mà chính là tình cảm của con cháu. Trong khi tình cảm 2 ông bà vẫn thấm thiết với nhau thì dường như con cháu trong thành phố đã quên mất có người đang mong ngóng mình. Một câu chuyện giả tưởng nhưng được viết với giọng văn chân chất, giản dị về cuộc sống đời thường. Ước mơ của hai ông bà lão trong truyện khiến người đọc, người nghe nhất là người trẻ phải tự nhủ “hãy để bố mẹ không phải ở ngoài thành phố”. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Nước đen": Hành trình đi tìm chân lý 23/2/2022

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe có dáng dấp của một tác phẩm dựa vào lịch sử nhưng sự kết hợp những tên đất, tên người lại cho ta thấy tác giả đang muốn thoát ly khỏi chính sử để nâng cao mức độ hư cấu và giả tưởng. Mỗi người đọc tùy vảo cảm xúc và trải nghiệm của mình có thể tự do liên tưởng đến các sự kiện khác nhau. Mạch truyện được diễn biến xoay quanh cuộc trò chuyện giữa cô phóng viên Á Châu và một lính biệt kích đã giải nghệ. Cuộc trò chuyện ấy, đồng thời là một cuộc phỏng vấn, mà thực chất hơn nữa, có thể xem là sự truy vấn đến cùng để tìm ra chân lý, tìm ra sự thực lịch sử. Sự truy vấn của cô phóng viên càng lúc càng dồn tay cựu biệt kích vào đường cùng và đẩy kịch tính của truyện lên đến đỉnh điểm. Điều ấy thể hiện qua chi tiết tay biệt kích “sờ khẩu súng ngắn và nòng hãm thanh nhét sau lưng quần. Phía sau lưng quán rượu có một hồ bơi nhỏ của khách sạn”. Truyện khép lại với một kết thúc mở: Sinh mạng của cô phóng viên đang bị đe dọa. Cô có thể bị hạ sát bởi biết quá nhiều bí mật. Thực ra cô gái hoàn toàn có thể cảm thấy sự nguy hiểm rình rập mình, nhưng hành trình đi tìm chân lý của cô chính là cuộc đấu tranh đến cùng giữa cái thiện và cái ác một cách quyết liệt, không khoan nhượng. Sự dũng cảm ấy đáng để mỗi chúng ta phải trân trọng và khâm phục. Một thông điệp quan trọng nữa mà tác giả muốn gửi gắm, theo chúng tôi chính là tiếng nói phản đối chiến tranh, tiếng nói đòi quyền sống bình yên hạnh phúc chính đáng cho mỗi con người.

“Múa trên miền tứ phủ”: Niềm tin của con người

“Múa trên miền tứ phủ”: Niềm tin của con người 18/2/2022

“Múa trên miền tứ phủ”là câu chuyện của Thành - một đứa con cầu tự của cửa Cha, cửa Mẹ, của Thần Đình Tứ Phủ. Nhà văn sử dụng cách kể chuyện tự sự khi nhập vào nhân vật, lúc đặc tả khách quan bằng giọng văn thấm đẫm chất thơ làm nhân vật hiện lên trong không gian đầy hiện thực mà cũng rất đỗi huyền ảo. Thành vừa gần gũi lại vừa xa xôi như cậu Hoàng Bơ trong thập nhị thánh cậu. Và chính Thành đi trên con đê sông Hóa đưa người đọc trở về với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, một tín ngưỡng bản địa thuần thành lấy việc tôn thờ Mẫu làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo vệ và che chở cho con người. Tín ngưỡng ấy đã được giới tính hoá mang dáng hình của người Mẹ, là nơi mà người phụ nữ chân lấm, tay bùn suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên đồng cao, ruộng trũng đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến chuyên quyền, độc đoán. Thành đi giữa đôi bờ tỉnh - thức, hư - thực, tỏ - mờ của cõi người và cửa Mẫu. Và Thành có một đức tin nguyên sơ, vững chắc vào tam tòa thánh mẫu, tứ phủ công đồng. Đức tin khiến Thành nuôi dưỡng đam mê cháy bỏng để lựa chọn nghề nghiệp trở thành một nghệ sĩ kịch hát dân tộc thay vì nối nghiệp bố để trở thành một chiến sĩ Công an như ước mong của gia đình. Đó là một lựa chọn đúng đắn, sáng suốt nhất của Thành, bởi sống và làm việc mà không có đam mê, đó là nỗi bất hạnh của con người. Khi có đức tin thì con người sẽ có đủ nghị lực để vượt qua những tai ách, ngang trái giăng ra cản bước trên đường đời. Đức tin ấy còn cao hơn niềm tin rất nhiều lần. Bởi suy cho cùng, đức tin vào Thánh Mẫu là tin vào yêu thương, bác ái, và sự bình đẳng của con người với con người trong một xã hội còn nhiều cạm bẫy và lắm khổ đau. Thì ra đức tin vào những điều tốt đẹp vẫn còn sót lại ở trần gian này. Thử hỏi không có đức tin mà đôi khi chúng ta cho rằng còn nhiều hư ảo ấy, thì Thành có gục ngã không khi nhìn thấy những giọt máu bắn ra tay mà ai biết có phải bệnh lao phổi di truyền không, khi nghe thấy tiếng ho của mẹ chật kín ba gian nhà nhỏ trong một chiều mưa nơi thôn quê yên ả. Một mầm cây mùa xuân được mưa móc tưới nhuần trỗi dậy mãnh liệt trong lòng Thành mà không điều gì, không một ai có thể ngăn cản được. Mầm cây chầm chậm lớn lớn, nhẩn nha xanh và dịu dàng tỏa bóng mát xuống tâm hồn Thành. Tâm hồn của một nghệ sĩ - một thanh đồng có thiện căn hiền lành và thiên lương trong sáng như hạt cốc vũ - mưa rào từ mà Thánh Mẫu từ trên tiên giới ban xuống cõi trần. Câu chuyện khép lại mà không gian quanh chúng ta vẫn xập xòe khăn chầu, áo ngự, ngan ngát hương trầm, hoa huệ, và réo rắt những làn điệu chầu văn trong các giá hầu thỉnh mời thánh mẫu về giáng đền, giáng phủ. Và Thành ở đó. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Đám cưới hoa dong riềng”: Tình yêu của lính

“Đám cưới hoa dong riềng”: Tình yêu của lính 17/2/2022

Viết về người lính năm xưa nhưng tác giả Nguyễn Tham Thiện Kế không đi vào những trận chiến đấu, mất mát hi sinh mà lựa chọn đề tài một chuyến đi bắt lính đào ngũ. Những ai trốn lính hay trốn nghĩa vụ quân sự là một tội không hề nhỏ. Họ bị kỉ luật quân sự, bị coi là hèn nhát và khiến gia đình, họ hàng xấu hổ. Với một đề tài có phần nghiêm túc, nặng nề như vậy nhưng tác giả lại viết với giọng văn khá hóm hỉnh. Hóm hỉnh từ danh xưng gã, hắn hay trong nhiều chi tiết của quá trình về bắt lính đào ngũ. Hai người đồng đội từng chia nhau miếng cháy giờ “gã” lại phải đi bắt “hắn”. Mà “hắn” trốn về quê không phải vì hèn nhát mà để dự đám cưới chạy. Bắt đồng đội trong ngày cưới thật đúng là một nhiệm vụ không hề thoải mái tí nào. Hắn càng dở khóc dở cười không dám nói thật nhiệm vụ khi mọi người nồng nhiệt đón tiếp anh lính được cử về mừng cưới đồng đội. Chỉ có hai người trong cuộc là “gã” và “hắn” mới hiểu rõ sự việc mà thôi. Nhiều chi tiết đời thường được tác giả đưa vào câu chuyện giàu cảm xúc. Như cô dâu chú rể cưới mà không có hoa khiến hắn phải nhanh trí hái bó hoa dong riềng ngay bên sông, hình ảnh “gã” và “hắn” lóng ngóng dùng kim băng cài lại áo cho cô dâu hay ánh mắt của cô gái dân quân nhìn gã không chớp mắt. Cuộc sống nơi hậu phương trong chiến tranh được thể hiện sinh động qua đám cưới của “hắn”. Cuộc sống vật chất khó khăn nhưng tình cảm hàng xóm láng giềng, tình cảm gia đình, tình cảm tiền tuyến và hậu phương thật ấm áp, chân tình. Những nỗi buồn, mất mát hi sinh trong chiến tranh cũng được tác giả nhắc đến khá nhẹ nhàng. Truyện ngắn khiến không ít người nghe, người đọc bật cười rồi lại rơm rớm nước mắt thốt lên rằng “đó đúng là một thời để nhớ”. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Tuyết đào”: Biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung

“Tuyết đào”: Biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung 14/2/2022

Truyện ngắn “Tuyết đào” mở ra trước mắt chúng ta về một mùa xuân vùng cao tươi đẹp, với thiên nhiên hũng vĩ, với cảnh sắc gợi cảm giác yên bình.Mùa xuân là mùa đẹp nhất ở vùng cao, đó là mùa những bông đào rừng bung phun sắc đỏ kiêu hãnh, rực rỡ đến mê hoặc. Mùa xuân cũng là mùa tình trên núi. Những trai, những gái bản theo sắc hoa trải dài hai bên đường núi, theo tiếng sáo, tiếng khèn mà tìm đến bạn lòng...Tác giả tô đậm không gian ấy để nói về câu chuyện tình của Tủa và So. Sẽ có những người thỏa nguyện đường yêu, ăn đời ở kiếp với nhau, sinh con nở cái dưới một mái ấm yên bình. Nhưng cũng rất nhiều mối tình dang dở, để thương để nhớ cả một đời... Mối tình của Tủa và So đẹp như một bông hoa đào mới hé, nhưng rồi cũng sớm rụng rơi vào sự tuyệt vọng, chia lìa. Xuân đến hoa nở, xuân qua hoa tàn, rồi xuân đến lại hoa, đấy là quy luật của tạo hóa. Hy vọng và đợi chờ, thủy chung gìn giữ cho tình yêu luôn thắm đỏ như đóa hoa đào, dù đã bị số phận đẩy đến sự ly biệt, phải chăng đấy là mẫu số chung của tình yêu vĩnh cửu? Gần hết một cuộc đời, lão Tủa đi tìm người yêu, rồi khi không tìm nữa thì lão trồng những cây tuyết đào để thắp lên những tia hy vọng, những lời nguyện cầu nồng ấm. Việc lão Tủa bỏ đảo hoa đào ra đi cũng là để bảo vệ sự vẹn nguyên của tâm hồn, tình yêu trước những phút nổi loạn của “bản năng”. Không ai biết lão Tủa đi đâu, nhưng chi tiết chàng kỹ sư trẻ gặp Sao trên đảo hoa đào gợi lên một sự bắt đầu tươi mới. Chàng kỹ sư trẻ đi kiếm tìm loài tuyết đào thuần chủng cũng như con người luôn khát khao gặp được tình yêu đích thực đẹp đẽ, cao khiết. Hình ảnh những bông tuyết đào xuyên suốt truyện ngắn hay chính là biểu tượng của tình yêu son thắm, thủy chung…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Tí tách mưa xuân”: Tình yêu nảy mầm từ tấm lòng bao dung, nhẫn nại

“Tí tách mưa xuân”: Tình yêu nảy mầm từ tấm lòng bao dung, nhẫn nại 9/2/2022

Từ trước đến nay không ít tác phẩm văn học đề cập chuyện dì ghẻ-con chồng, và thường để lại trong độc giả những sự ấm ức, bức bối về tình cảm mà dì ghẻ dành cho con chồng. Nhưng ở truyện ngắn “Tí tách mưa xuân” của nhà văn Nguyễn Hương Duyên mà các bạn vừa nghe, đọng lại trong lòng độc giả lại là sự ấm áp, cái ấm áp đó đến từ một dì ghẻ bao dung và độ lượng. Anh-người đàn ông có vợ qua đời từ sớm, một mình nuôi con gái trưởng thành. Đến khi Anh được một người phụ nữ yêu thương chăm sóc, chia sẻ buồn vui thì cô con gái lại kịch liệt phản đối. Anh đã bước ra khỏi ngôi nhà do mình gây dựng nên để nhường lại cho vợ chồng cô con gái. Trải qua nhiều thử thách, trong đó có cả những lần đối mặt giữa sự sống và cái chết, cô con gái mới dần hiểu ra được nỗi lòng của người cha, tình cảm của người mẹ kế và cũng là nhận thức đầy đủ hơn về đạo lý làm người. Như những giọt mưa xuân cứ tí tách rơi thấm dần vào đất, tình cảm của người mẹ kế này cũng vậy. Chị lặng lẽ chăm sóc, yêu thương Anh mà không hề đòi hỏi, không một lời than trách, không một lời oán hận…mặc dù đứa con riêng không ít lần hỗn xược, vô lễ với chị, không chấp nhận chị như một thành viên trong gia đình. Truyện đã thành công trong việc diễn tả diễn biến tâm lý nhân vật, đặc biệt là nhân vật người cha. Xung đột nội tâm luôn giằng xé. Ở anh luôn tồn tại mâu thuẫn: Anh vừa yêu thương vừa tức giận con gái; vừa hy vọng chờ đợi vừa ra vẻ dửng dưng; vừa muốn mắng mỏ con lại vừa như sợ con đau lòng…(Lời bình của BTV Vũ Hà)

“Có hẹn với mùa xuân”: Ước hẹn đoàn viên

“Có hẹn với mùa xuân”: Ước hẹn đoàn viên 8/2/2022

“Có hẹn với mùa xuân” của tác giả Phương Huyền không quá đặc sắc về cốt truyện hay kỹ thuật viết. Truyện ngắn giống như một màn đối thoại không đầu không cuối giữa Miên và anh hướng dẫn viên du lịch. Giữa bối cảnh tuyết rơi của xứ Nhật xa xôi, không lạ khi hai con người cùng quê hương có thể sát lại gần nhau, chia sẻ những điều mà có lẽ với cả bạn bè thân thiết nhất họ cũng chưa từng tâm sự. Cũng chính trong cuộc trò chuyện không đầu không cuối ấy, hai người tình cờ tìm ra câu trả lời cho những băn khoăn day dứt ở trong lòng. Với Miên, đó là dũng khí đối diện với mối tình tan vỡ. Còn với anh hướng dẫn viên, đó là quyết định đưa mẹ nuôi về Việt Nam ăn Tết. Họ có thể sẽ đi những chuyến bay khác nhau để về nước nhưng đều hướng tới một mùa xuân ấm áp, đoàn viên và trọn vẹn – một mùa xuân không lặng lẽ gặm nhấm nỗi cô đơn mà là để trưởng thành, để quan tâm nhiều hơn tới những người còn ở bên cạnh mình. Giản dị, mộc mạc mà ấm áp, “Có hẹn với mùa xuân” đem đến một cái kết có hậu, làm đẹp lòng nhiều độc giả. Người viết không tiết lộ quá nhiều về việc liệu hai nhân vật trong truyện có đến với nhau hay không nhưng có lẽ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng và chờ đợi, nhất là vào những ngày xuân phơi phới yêu đời. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

“Đối tác đến từ phía bên kia”: Mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai

“Đối tác đến từ phía bên kia”: Mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai 26/1/2022

Viết về người cựu chiến binh chiến tranh biên giới, nhà văn Phan Ngọc Chính kéo léo đan xen quá khứ với những vấn đề thời sự của hiện tại. Qua cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa nhân vật ông Sơn và Liu, một khách buôn người Hoa, không gian và thời gian được quay trở lại mấy chục năm trước. Khi mà ông Sơn và ông Liu là hai người lính đối đầu nhau trong cuộc chiến biên giới Việt Trung. Mấy chục năm sau, hai người cựu binh lại trở thành đối tác làm ăn buôn bán. Gặp lại nhau sau nhiều năm, hai người không khỏi nhớ lại những kỉ niệm xưa trên chiến trường. Những mất mát, hi sinh, lòng vị tha của người lính Việt Nam được thể hiện qua lời kể của ông Sơn và ông Liu. Dù những trận chiến đấu trong quá khứ không được tác giả viết quá nhiều nhưng đã thể hiện được hình ảnh cao đẹp của người lính Việt Nam chiến đấu, hi sinh để bảo vệ tổ quốc. Tác giả giành nhiều đất cho những thay đổi của đất nước, mối quan hệ của hai đất nước, hai dân tộc sau trận chiến. Sau chiến tranh loạn lạc thì việc giao thương buôn bán giữa hai đất nước luôn được tiếp diễn tạo sinh kế cho nhiều người. Qua việc hợp tác làm ăn của hai người cựu binh, tác giả đề cập đến nhiều vấn đề thời cuộc như việc mất mùa được giá của người nông dân, những điều cẩn trọng khi làm ăn với nước bạn, việc ắc tắc nông sản tại biên giới …Chủ động tìm thị trường mới, đối tác mới là điều cần thiết của người nông dân nước ta để tránh quá phụ thuộc vào thị trường nước bạn. Đó là điều tác giả muốn gửi đến người đọc, người nghe qua câu chuyện làm ăn giữa nhân vật Sơn với đối tác phía bên kia. Bên cạnh đó, tác giả nhấn mạnh tới truyền thống cách mạng, tình cảm đồng đội keo sơn qua mối duyên tình của đôi bạn trẻ Hà và Na. Một truyện ngắn dung dị đề cập nhiều vấn đề của quá khứ, hiện tại và tương lai. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Cưới nhau vào mùa xuân”: Lời ước hẹn lứa đôi

“Cưới nhau vào mùa xuân”: Lời ước hẹn lứa đôi 25/1/2022

Là một cây bút chuyên viết về đề tài người phụ nữ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang thường đi sâu khai thác đời sống nội tâm nhân vật với nhiều cung bậc phức tạp, rối ren. Truyện của chị thường có nét u buồn: buồn thương thân, buồn thiệt phận, buồn vì kiếp đàn bà “trót sinh ra thế biết là tại đâu”. Chính vì vậy, với những ai đã quen biết Vũ Thị Huyền Trang qua trang viết, “Cưới nhau vào mùa xuân” và “Vùng xanh” là những tác phẩm hiếm hoi của chị có màu sắc tươi sắc với cái kết có hậu. Trong đó, “Vùng xanh” gây ấn tượng với BTV hơn cả. Nhân vật chính tên Sâm cũng là người “yêu rồi cưới” nhưng điều đó cũng phải là tấm vé đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Có những điều khi yêu đương người ta không nhận ra sự xô lệch nhưng hôn nhân lại như một chiếc kính hiển vi, soi rõ và thậm chí khuếch đại khuyết điểm của từng người. Giống như một câu nói vui: “Tình yêu là đi từ lúc chứa chan đến lúc chán chưa”, hôn nhân khiến người ta ngỡ ngàng với cảnh đồng sàng dị mộng, nhìn mãi, ngắm mãi mà không thấy nét nào của người đã từng làm mình đắm say. Sâm cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, cô may mắn hơn khi trong khoảng thời gian xa chồng vì dịch bệnh Covid 19, cô mới chợt nhận ra chính mình cũng có lúc vô tâm, ích kỉ trong gia đình này. Khép lại bằng một cái kết có hậu, “Vùng xanh” hẳn sẽ khiến nhiều người thấy ấm áp. Tác phẩm cũng nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về sự sẻ chia trong đời sống vợ chồng, điều mà nếu thiếu đi, ta chỉ còn là những người lạ chung nhà mà thôi. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

"Tên trộm hoàn lương": Tàn tro quá khứ 21/1/2022

Không có những đoạn miêu tả đầy sức gợi như truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”, “Tên trộm hoàn lương” dày đặc chi tiết qua những lời kể mang tính hiện thực khách quan. Nhân vật chính của truyện là một tên trộm két sắt với bàn tay vàng và bộ đồ nghề có một không hai. Gã chưa bao giờ thất bại trong các phi vụ lớn và luôn có những mánh lới để qua mắt cảnh sát. Như bao người khác Jimmy nuôi mộng rửa tay gác kiếm, làm ăn chân chính khi mắc lưới tình. Nhưng cuộc đời éo le ở chỗ chính vào lúc đỉnh điểm khát khao sắp thành hiện thực, Jimmy lại phải giở ngón nghề cũ để cứu nguy cho cháu bé con chị gái của vợ sắp cưới. Đứng trước tình thế nguy khốn, cùng với bàn tay tài hoa thì lương tri con người trong tên trộm được kích hoạt. Gã đã hành động kịp thời mà không mang tới việc tất cả đã tố cáo quá khứ cố che giấu bấy lâu nay. Và như cởi được gánh nặng đè nén tâm can, Jimmy sẵn sàng cúi đầu nhận tội, đối mặt với hình phạt đích đáng cho các phi vụ trộm két sắt ngân hàng trước đó. Nhưng bất ngờ thay, và cũng vỡ òa trong một cử chỉ đẹp đến ngỡ ngàng mà nhà văn O.Henry đã trao cho nhân vật người chánh thanh tra trực tiếp nhận nhiệm vụ bắt giữ tên trộm khi đã có đầy đủ chứng cứ trong tay. Một truyện ngắn mà cái kết đã chạm và thỏa được ý nguyện của độc giả.

“Én lượn Truông Mây”: Mùa xuân tình yêu

“Én lượn Truông Mây”: Mùa xuân tình yêu 17/1/2022

Truyện ngắn mang phong cách dã sử khi đưa chúng ta trở lại không gian xưa dưới thời phong kiến loạn lạc. Người dân nhất là người phụ nữ chịu nhiều cực khổ, họ không làm chủ được số phận của mình. Nhân vật cô gái Trúc Nhã chính là một nạn nhân của xã hội xưa. Là người con gái xinh đẹp đang tuổi đôi mươi, Trúc Nhã bị ép làm thiếp tên Đinh Phiệt, tuần phủ Quy Nhơn. Để cứu người yêu, Vi Thượng đã đến cậy nhờ huynh đệ kết nghĩa là Lía cứu giúp. Nhưng ai ngờ Lía vì tham luyến sắc đẹp của Trúc Nhã mà hãm hại Vi Thượng. Cuối cùng trải qua biến cố thăng trầm, Vi Thượng và Trúc Nhã đã đoàn tụ cùng nhau trong niềm hạnh phúc. Với đề tài tình yêu đôi lứa, truyện ngắn đã mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc, người nghe. Chúng ta vui sướng trước hạnh phúc lứa đôi của Vi Thượng và Trúc Nhã, phẫn uất trước hành động cướp đoạt dân nữ của bọn tham quan ô lại, kinh ngạc và giận dữ vì sự phản bội của Lía. Truyện ngắn có những biến cố, những nút thắt bất ngờ cuốn hút người đọc, người nghe. Qua tình duyên của hai nhân vật chính, tác giả thể hiện được phần nào sắc thái chữ Tình. Vì tình mà Vi Thượng và Trúc Nhã đã vượt qua chông gai để đến với nhau, vì tình mà Lía phản bội lại người ân của mình, vì tình mà Định Phiệt mất mạng … Truyện ngắn rất giàu chất liệu để trở thành một kịch bản phim về đề tài dã sử khi có tình yêu, có ân nghĩa huynh đệ, có đấu tranh giai cấp, có sự phản bội, có sự hối lỗi hấp dẫn người xem. Tiếng thở dài của Lía trước khi quay người bỏ đi là cái kết đẹp của câu chuyện. Cánh én mùa xuân mừng vui hạnh phúc lứa đôi của Trúc Nhã và Vi Thượng cũng xua đi những xấu xa, đê hèn trong tâm hồn Lía. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Đối thoại mở
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Đối thoại mở
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Sân khấu truyền thanh
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Tiếng thơ