"Con Đốm”: Tình cảm con người và loài vật16/7/2021

Truyện ngắn sinh động giàu cảm xúc về cuộc sống của người dân ở nơi hậu phương trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Nhân vật chính của câu chuyện là chú chó Đốm để tác giả nói tới tình cảm con người và loài vật trong chiến tranh. Đốm là chú chó thông minh, tài giỏi và trung thành. Đốm đã 2 lần lập công lớn khi giúp lính biên phòng và dân quân tóm gọn 2 tên biệt kích và 1 tên giặc lái. Khi cậu chủ là Đoàn ra trận thì Đốm trở thành người thân duy nhất của chị Vinh. Đốm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, nỗi nhớ người thân của chị Vinh. Chú chó là người bạn lúc chị Vinh cô đơn nhất, là người bảo vệ chị Vinh trong ngày tháng anh Hoàng và Đoàn xa cách. Lồng ghép trong câu chuyện về chú chó Đốm là cuộc sống chiến đấu, lao động của người dân nơi hậu phương trong chiến tranh. Cuộc sống của người dân cũng gian khổ không kém những người lính chiến đấu ngoài mặt trận. Cuộc sống vừa lao động sản xuất để chi viện cho chiến trường vừa chiến đấu chống lại sự phá hoại của địch được miêu tả qua những lần bắt giặc lái, bắt lính biệt kích Hay những phút yếu lòng, cô đơn của người phụ nữ có chồng biền biệt nơi phương xa. Nếu không có Đốm thì có lẽ chị Vinh đã không giữ được mình trước tình cảm của anh phó phòng văn hóa trẻ trung, ngọt ngào. Tình người, tình đời và cả tình cảm vật nuôi được thể hiện qua nhiều chi tiết của truyện ngắn. Việc chị Vinh chăm sóc chu đáo cho con Đốm không chỉ thể hiện tình cảm của chị với con vật trung thành, gắn bó mà còn gửi gắm tình cảm của cô với người thân nơi chiến trận. Nhiều chi tiết xúc động về tình cảm của Đốm với chủ của mình như việc nó liếm di ảnh của Đoàn khi đưa người lính đã hi sinh về quê hương. Hay chi tiết Đốm buồn chán nằm chết trên mộ chủ mang đến nhiều xúc động cho người đọc, người nghe. Truyện ngắn cũng có chi tiết khá khôi hài khi anh Hoàng bao năm chiến đấu ác liệt ngoài chiến trường lành lạnh trở về thì lại bị thương vì chó nhà mình cắn. Với giọng văn dung dị mà giàu cảm xúc, cách lựa chọn chi tiết khá đặc sắc đã khiến truyện ngắn “Con Đốm” của tác giả Nguyễn Hùng Sơn để lại nhiều ấn tượng với người đọc, người nghe.

"Trở về xóm Doi": Những mảnh vỡ ký ức 13/7/2021

Ngay từ nhan đề, “Trở về xóm Doi” của tác giả Sơn Trần đã báo trước một chuyến đi trở về nơi chốn cũ – nơi nhân vật “tôi” sinh ra và lớn lên. Kí ức dần hiện về từ tên xóm, tên người. Ở cái doi cát chồm ra khỏi bờ sông là là bao nhiêu chuyện đời éo le: chị Sa xinh gái đi làm bia ôm mong đổi đời, ông thầy cúng tên Nhịn hóa ra là một tay biến thái chuyên nhắm vào đám thanh niên trai tráng để làm trò xằng bậy. Nhân vật “tôi” thì mắc kẹt trong tình cảm tuổi mới lớn với Hiền, con gái ông Nhịn. Truyện viết có lớp lang. Các tình tiết đan vào nhau, cùng với những mối quan hệ của nhân vật khiến mọi chuyện không được nói ra một cách rõ ràng mà như phủ lên một lớp sương huyền ảo. Truyện ngắn, vì thế, mà vừa nhuốm màu kí ức, vừa như một cơn mộng mị kéo dài, không có cách gì thoát ra. Mỗi nhân vật trong “Trở về xóm Doi” dường như đều có một góc khuất riêng, không dễ tỏ bày. Với ông Nhịn, đó là một bí mật. Với nhân vật “tôi”, đó là một kí ức kinh hoàng. Còn với Hiền, với chị Sa, rất có thể đấy là ám ảnh về phận nghèo, mà tiếc thay, lối thoát mà cả hai lựa chọn lại là đi làm tay vịn, rồi đi lấy chồng chung ở xứ Hàn… Truyện có kịch tính, có cao trào, nhưng có cảm giác tác giả không đẩy đến cùng để nhân vật giải quyết mâu thuẫn, mà phần lớn để họ trốn chạy với những câu hỏi chưa tìm được lời đáp.

"Cơn đau dĩ vãng": Đoạn đời sau chiến trận 6/7/2021

Ba người lính, ba người bạn chí cốt trong truyện ngắn của nhà văn Trung Sỹ, mỗi người đều rời chiến trường với những thương tích chiến trận, xót xa cơn đau dĩ vãng khi trở về đời thường. Thời tuổi trẻ, họ là những người lính chiến đấu quên mình vì lý tưởng. Rời quân ngũ, nhập dòng sinh nhai nhưng vẫn còn đó trong con người tất bật mưu sinh bản chất người lính trận – tình cảm, lãng mạn, trọng nghĩa tình. Chúng ta không khó để nhìn thấy một phần hình ảnh của các nhân vật Bình, Việt, Ngọc trong những bóng dáng áo lính cũ đẫm mồ hôi trên chiếc xe thồ ba bánh giữa phố phường hôm nay. Trong chiến trận, họ can trường một mất một còn, về đời thường, họ cũng như bao người, sấp ngửa vì miếng cơm manh áo. Có bao bao góc khuất trong những mảnh đời xô dạt. Những trang văn Trung Sỹ khi đắm chìm cảm thương, xáo động, lúc gọn gàng, tỉnh táo, thẳng băng - Đó là những tiếng nói từ bên trong lẫn bề ngoài, là dĩ vãng hòa lẫn với thực tại. Mất mát cơ thể, chứng tích một thời sôi nổi quên mình chỉ người trong cuộc mới hiểu thấu. Giữa các diễn biến sòng phẳng, gấp gáp mà người lính dự phần, những cơn đau lại dậy lên, nhắc nhủ về thời khắc đau thương mà hào hùng từng trải đời lính. Một tiểu cảnh vỉa hè, một hắt bóng tưởng rất đơn sơ mà chất chứa bao tâm tư, nỗi niềm là thế…(Lời bình của BTV Võ Hà)

"Nhân tài về quê”: Nỗi niềm cuộc đời công chức 30/6/2021

Các bạn thân mến, nhân vật chính của câu chuyện là chàng thanh niên nhà nghèo, học giỏi phải đối mặt với bao điều khó ngờ tới khi bắt đầu đi làm. Cần vốn là người hiền lành, chăm học, là niềm tự hào của gia đình, làng xóm. Tuy nhà nghèo nhưng cha mẹ vẫn cố gắn cho Cần ăn học thành người. Với tấm bằng đỏ xuất sắc ngành phát triển đô thị ở nước ngoài, Cần háo hức mong tới ngày mình đi làm để áp dụng những gì đã học vào cuộc sống. Nghe lời sắp xếp của bố, Cần về quê với suy nghĩ vừa gần gia đình vừa có cơ hội phát triển quê nhà. Nhưng anh không được phân công đúng ngành nghề chuyên môn của mình. Cần phải đối mặt với những điều phức tạp của đời sống công chức nhiều góc khuất. Những mối quan hệ nhất thân nhì quen, tệ nạn chạy việc, quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ đồng nghiêp vô cùng phức tạp khiến chàng trai hiền lành, thật thà bối rối. Đó là những điều khác hẳn những kiến thức mà Cân được học trên giảng đường. Có những người nhanh chóng thích nghi với guồng máy làm việc như vậy. Cần thì ngỡ ngàng và có phần lạc lõng nên dần dần lạc nhịp so với mọi người. Anh được điều chuyển vài vị trí khác nhau, vài công việc khác nhưng đều không phù hợp. Rồi cuộc sống cứ cuốn anh đi khiến Cần quên dần những kế hoạch, hoài bão thời mới tốt nhiệp đại học. Đùng một cái, Cần bị tố cáo nhận hối lộ trong lúc làm việc. Một cú vấp có thể khiến cuộc đời công chức của anh chấm dứt. Rồi cuộc điện thoại bất ngờ đầy ẩn ý của chị Hiền. Trước biến cố đầu đời, Cần đã dừng bước không trượt dài vào cám dỗ tình tiền. Mất 3 năm học nhiều bài học đường đời, Cần quyết định tiếp tục làm lại từ đầu với đề án ấp ủ ngày ra trường. Truyện ngắn viết rất chân thực, sinh động phản ánh được những góc khuất, những mặt tối của môi trường làm việc phức tạp. Nhiều tài năng không được trọng dụng hoặc bị sắp xếp nhầm chỗ, sai chuyên môn. Những tệ nạn này vẫn tồn tại ở nhiều vùng, nhiều ngành nghề khác nhau ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội, của đất nước...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Cô gái xuống ga Vĩnh Yên": Vẻ đẹp tâm hồn của cô gái giang hồ 29/6/2021

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa từng có những tâm sự về hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn này trong một bài viết mang tên Trang đời và trang sách. Theo đó, cô gái xuống ga Vĩnh Yên vốn là một câu chuyện có thật ở ngoài đời mà nhân vật tôi trong truyện cũng chính là tác giả. Trên chuyến tàu từ Lào Cai về Hà Nội, anh đã ngồi cùng ghế với một cô gái trẻ tên là Diễm Quyên. Mọi tình tiết diễn ra y như trong diễn biến của câu chuyện chúng ta vừa nghe. Ngoài đời thực, Diễm Quyên đã theo tác giả về ký túc xá ở hẳn một tuần. Phạm Duy Nghĩa nhớ lại: “Quyên là một người khá đặc biệt. Cô chưa học hết cấp 3 và đã từng phiêu dạt trong Nam ngoài Bắc. Lần đầu được đặt chân đến một trường đại học ở thủ đô, cô rất vui và bỡ ngỡ. Trong suốt một tuần ấy, chúng tôi sống trong trẻo như đôi chim non. Tôi hì hục viết luận văn, cô thì mải mê đọc sách và tôi kinh ngạc thấy khả năng thẩm văn của cô còn tốt hơn cả một số nhà phê bình”. Phần hư cấu của Phạm Duy Nghĩa chủ yếu nằm ở cuối truyện. Nếu như Quyên ngoài đời là một cô gái bán cà phê thì Diễm trong truyện là một cô gái điếm. Nhưng chính hư cấu quan trọng này đã đẩy ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa nhân văn của truyện cao thêm một bậc. Văn xuôi Việt Nam hiện đại đã có nhiều đồng cảm giữa nhà văn và những cô gái giang hồ. Từ Nguyên Hồng với nhân vật Tám Bính trong tiểu thuyết Bỉ vỏ, Vũ Trọng Phụng với Huyền trong tiểu thuyết Làm đĩ và sau này là Nguyễn Văn Học với Vy trong tiểu thuyết Gái điếm; các tác giả đều bày tỏ những thông cảm, sẻ chia và nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của những người con gái ấy. Với cô gái trong truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, cô biết yêu cái đẹp của văn chương và ao ước có một tình yêu dù ngắn ngủi nhưng trong sạch, không phải là những cuộc đổi chác bán mua về thân xác.

"Đứa bé” và “Ông già ngu xuẩn”: Hai truyện ngắn hay của nhà văn Italy Alberto Moravia 25/6/2021

Nhà văn Al-béc-tô Mô-ra-vi-a thường cho rằng nghệ thuật của truyện ngắn “tinh khiết hơn, cơ bản hơn, trữ tình hơn, cô động hơn và tuyệt đối hơn, so với tiểu thuyết”. Điều này thể hiện rõ ràng qua hai truyện ngắn mà chúng ta vừa thưởng thức. Hiển nhiên, “Đứa bé” và “Ông già ngu xuẩn” là hai câu chuyện khác hẳn nhau, một xoay quanh quyết định bỏ con lại nhà thờ của cặp vợ chồng nghèo, một là hành trình tán tỉnh yêu đương của một người đàn ông trung niên. Tuy vậy, dường như nhân vật chính trong cả hai truyện ngắn này đều phải đối diện với một bi kịch: người thì không thể nuôi con, người thì vì mặc cảm tuổi tác chợt thấy tình yêu với gái trẻ đã ngoài tầm với. Điều đáng chú ý là ngay với một hoặc tình huống bi kịch, nhà văn Al-béc-tô Mô-ra-vi-a vẫn có cách viết hóm hỉnh, hài hước, nhất là trong các đoạn đối thoại, khiến truyện có được nét duyên riêng. Kết truyện cũng được người viết nâng đến tầm nghệ thuật khi đưa đến một ngã rẽ đầy bất ngờ, nhưng cũng hết sức hợp lí. Với truyện “Đứa bé”, đó là một cái kết đầy nhân văn. Còn với truyện “Ông già ngu xuẩn”, đấy lại là một cái kết lạc quan và cũng… rất đời, như một lời cổ vũ người ta đến với tình yêu ở bất cứ độ tuổi nào, hoàn cảnh nào. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

"Dưới chân Hòn Dáu": Mãi mãi một tình yêu 22/6/2021

Nhà văn Hiệu Constant từng chia sẻ, ngay từ nhỏ, chị đã rất thích nghe chương trình Đọc truyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam, và chị rất thích giọng đọc của các phát thanh viên trong chương trình này. Trong đêm thanh vắng, giọng đọc từ chiếc đài vô tri phát ra nhưng lại thấm đẫm tình người, khi thì thăm thẳm xa vời, lúc lại thì thầm như đang tâm sự với chính khán thính giả, họ như đang ở cạnh ta vậy. Truyện ngắn Dưới chân Hòn Dáu ra đời từ một tình cảm như vậy. Toàn bộ câu chuyện Dưới chân Hòn Dáu như toát lên điều gì đó huyền bí, thầm thì, mơ hồ xa vắng nhưng thực chất lại rất gần gũi qua cách kể của tác giả. Cuộc hẹn hò của Loan và Tuấn, đôi con người tưởng như chưa quen nhưng thực chất họ lại là người yêu của nhau, chỉ xa cách nhau có mấy chục năm. Lúc đầu là chương trình trò chuyện giữa đài phát thanh với khán thính giả trong đêm muộn. Hai nhân vật: Loan là nhà báo trực tổng đài và Tuấn là thính giả gọi đến, họ được mặc định là chưa hề gặp nhau, nhưng qua cuộc đàm thoại thì người đọc người nghe dần nhận ra hình như họ đã từng quen biết nhau từ lâu. Giọng văn bình thản nhẹ nhàng, không ồn ào xối xả nhưng lại sâu lắng và thấm dần vào lòng đất; giống như tình yêu thương và nỗi nhớ nhung của những người yêu nhau, và hơn thế là của người viễn xứ đối với quê hương chôn nhau cắt rốn của mình cũng vậy, không phải lúc nào cũng hiển lộ, nhưng luôn khắc khoải. Các truyện ngắn của nhà văn Hiệu Constant thường có cái kết mở. Ở tác phẩm này cũng vậy, hình ảnh ở phần kết truyện khi hai con tàu giao nhau trên biển, hai nhân vật chính nhìn thấy nhau giữa một khung trời hoàng hôn tuyệt đẹp nhưng lại không thể chạy ngay đến bên nhau, nhưng dù gì họ đã nhận ra nhau và điều ấy gây thêm niềm hi vọng. Cuộc sống nên có hi vọng và ước mơ…

“Một cái bánh bao mà có tới 2 quả trứng”: Thái độ sống tích cực

“Một cái bánh bao mà có tới 2 quả trứng”: Thái độ sống tích cực 22/6/2021

Truyện ngắn như một cuốn nhật ký cuộc đời của nhân vật tôi. Qua lời tự sự của nhân vật, cuộc đời của anh hiện lên với những điểm nhấn nhỏ nhặt nhưng nhiều xúc cảm. Đầu tiên là tình cảm với cô gái Trâm thời còn học đai học với ký ức về giọng nói kì lạ của anh Khánh. Những rung động xấu hổ khi nhân vật bị người mẫu khỏa thân trêu chọc. Rồi anh lên thành phố đi làm với những mối quen biết mới mới cuộc đời của mình. Cuộc sống của anh cứ bình lặng trôi qua ít biến động và cũng không có gì thú vị. Dường như anh là vị khách qua đường của cuộc sống sôi động này. Chỉ đến khi nhân vật tôi gặp ông cụ bên bờ sông, được nghe ông tâm sự anh mới thay đổi cái nhìn của mình về cuộc đời. Một chiếc bánh bao mà có 2 quả trứng cũng là một bất ngờ mang đến niềm vui nho nhỏ cho ông. Chính thái độ sống tích cực khiến ông nhìn thấy được niềm vui trong chiếc bánh bao đó. Tinh thần lạc quan cũng là nguồn sống giúp ông vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Chính cách nhìn đời của ông lão đã lan tỏa sang nhân vật tôi. Từ ngày gặp ông, anh bỗng thấy cuộc đời mình có ý nghĩa hơn, nhìn thấy nhiều niềm vui hơn. Cuộc đời là như vậy đó các bạn ạ. Cùng một sự vật, hiện tượng nhưng nếu nhìn nhận với thái độ tích cực hay tiêu cực. Chúng ta sẽ thấy sự vật hiện tượng đó không hề giống nhau. Có người giàu sang phú quý, cuộc sống không thiếu thứ gì nhưng vẫn thấy buồn bã. Nhưng có người chỉ cần một bữa cơm ngon bên người thân yêu là thấy hạnh phúc lắm rồi. Đó chính là thái độ sống, tinh thần sống mà con người nên lựa chọn để cuộc sống bình thường của mình yên vui hạnh phúc. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Chuyện đôi thỏ trắng”: Biểu tượng của tình yêu 16/6/2021

“Chuyện đôi thỏ trắng” kể một câu chuyện tình yêu không thành trong chiến tranh và trên nữa là tình đồng đội của những người đã vào sinh ra tử một thời. Mô tip về chuyện tình yêu không thành trong chiến tranh thì đã quá quen thuộc. Song ở truyện ngắn này tác giả cũng không có ý định đi sâu vào mối tình này trong chiến tranh mà chủ yếu vẫn là câu chuyện của thời hậu chiến. Tâm điểm hay nói cách khác điểm sáng của truyện ngắn này đọng ở đâu ? Đó chính là chi tiết đôi thỏ trắng. Một tình huống bất ngờ xảy ra trong chiến tranh đã kết nối người phụ nữ sau là bà chủ nhà của Thương Thương với người cha của Thương Thương. Tình huống cô gái nuôi quân đã rượt đuổi đôi thỏ trắng ở trong rừng mà suýt rơi vào tay giặc đưa đến sự việc anh bộ đội đã ra tay cứu cô gái, để rồi giữa họ dùng dằng một mối tình không duyên phận. Sau chiến tranh người phụ nữ vẫn nuôi đôi thỏ vì lòng biết ơn, hay để tưởng nhớ về một kỷ niệm đẹp trong chiến tranh. Chi tiết về đôi thỏ trắng giúp họ nhận biết thông tin về nhau mặc dù đôi người đã đôi ngả. Người làm Giám đốc sống nơi thị thành , người chỉ là nông dân, bộ đội phục viên ở quê sống cuộc đời nghèo khó Người kể đứng ở ngoài quan sát và kể lại một cách khách quan từ đó thấy được tấm lòng nhân hậu của một nữ cựu binh , cảm nhận được tình đồng đội của một thế hệ đã vào sinh ra tử , cảm nhận được tình yêu thủy chung và lòng biết ơn, cũng thấu hiểu hơn nỗi lòng người cha bệnh tật, nghèo khó và nhiều mặc cảm. Nhân vật Thương Thương trở thành cầu nối quá khứ với hiện tai, cầu nối giữa hai con người có tình cảm nhưng cũng đầy khoảng cách khi nghĩ về việc đến với nhau. Cô cũng là đại diện của thế hệ trẻ nhìn về quá khứ của cha ông đi trước mà ngưỡng vọng , cảm phục và thấy cần phải sống tốt, trân trọng và biết ơn. Truyện được viết một cách chân mộc, lối kể tuần tự đôi chỗ cũng không tránh khỏi dông dài. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

“Những món quà

“Những món quà": Thức tỉnh lương tâm 16/6/2021

Chúng ta có thể thấy thời gian, trình tự các tình tiết, sự việc trong truyện được nhà văn kể đảo lộn một cách hợp lý tài tình. Từ đó tâm trạng nhân vật Olive gây sự chú ý. Thường thì khi người chồng mất, người vợ luôn muốn lưu giữ kỷ vật, kỷ niệm, nhưng có sự không bình thường ở đây, cô vợ Olive lần lượt bán đi hết những món đồ liên quan tới người chồng quá cố. Truyện như một chiếc bánh gói kín nhiều lớp lá cứ lần lượt được bóc từng lớp ra, từ đó sáng rõ dần câu chuyện hôn nhân của họ. Đó là sự cư xử của người chồng coi vợ như vật sở hữu, một thứ nô lệ được yêu chiều. Bi kịch của người vợ đằng sau những chiều chuộng chăm chút của người chồng đó là sự gò bó, mất tự do. Bi kịch được đẩy lên đến cực điểm. Olive giải thoát khỏi sự “tra tấn” đó bằng liều thuốc độc cho chồng, và những kỷ vật như bằng chứng của cuộc hôn nhân đầy tội ác đã được cô đẩy đi, nhưng bất ngờ lại lần lượt trở về bởi bàn tay môt kẻ vô hình. Truyện tiếp tục được tạo bởi một lớp lang tầng vỉa nữa để rồi lại đẩy lên cao trào đưa tới một thắt nút mới. Sự sợ hãi, kinh hoàng không lý giải được tại sao lại có việc gửi trả lần lượt các kỷ vật vừa bán đi đã ám ảnh, giày vò Olive đến cùng cực. Như vẫn còn đó sự hiện diện của người chồng mặc dù anh ta đã bị cô giết chết. Kết thúc truyện bất ngờ tạo một lớp lang tầng vỉa thứ ba, lý giải hiện tượng có vẻ ma quái, kinh dị về những món quà được gửi trở lại. Thì ra hết sức đơn giản, lão chủ cầm đồ mê Olive đã gửi lại những món đồ và tìm đến gõ cửa để cầu hôn cô. Nhưng Olive đã tắt thở vì quá sợ hãi. Với cái kết này truyện đưa đến thông điệp sau sắc. Sau tội ác gây ra sẽ không bao giờ có được sự thanh thản. Sự trừng phạt sẽ đến từ chính lương tâm kẻ tội đồ. Truyện cho thấy sự tinh tế của nhà văn trong nghê thuật kể chuyện và xây dựng tâm lý nhân vật...(Lời bình của BTV Tuyết Mai)

"Về nhà" (P.2): Ấm ám tình cảm quê hương 14/6/2021

Nhân vật nữ chính trong câu chuyện chúng ta vừa nghe có những bước đường số phận khá trắc trở, long đong, nhiều sóng gió. Phải làm thiếu phụ không chồng khi tuổi đời còn quá trẻ, sau đó mất mẹ, tính cách cũng ngang bướng, không thông cảm được với bố, quyết định bỏ nhà lên thành phố tự bươn trải. Cô gái đã phải làm đủ mọi nghề để sinh sống, nhưng vẫn có ý thức giữ gìn phẩm giá, có lòng tự trọng, luôn biết ơn và chu đáo với những người đã từng giúp đỡ mình. Cô gái ấy vẫn nuôi ý chí, nghị lực để vươn lên, hoàn thành tốt việc học tập và được nhận bằng giỏi khi tốt nghiệp đại học. Rồi những suy nghĩ, cảm xúc bồng bột của tuổi trẻ cũng qua đi, cô gái quyết định trở về bên bố, về quê hương. Những kiến thức của cô học được từ mái trường Đại học Nông nghiệp sẽ giúp được bao người nông dân, bao gia đình ở làng cô có một cuộc sống tốt hơn. Từ chỗ không mặn mà lắm với người mẹ kế - vợ thứ hai của bố, cô gái đã cảm động và kính trọng bà hơn khi được bà chăm sóc tận tình hàng tháng trời, khi cô vô tình bị ngã xuống hố sâu. Tình cảm từ quê hương và gia đình luôn ấm áp, yêu thương, khiến mỗi con người có ý thức sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân mình và với mọi người xung quanh. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

"Về nhà" (P.1): Ký ức 14/6/2021

Trong phần đầu truyện ngắn Về nhà của NSND Hoàng Cúc, nhân vật nữ chính của truyện, mà tác giả gọi bằng danh xưng “nó”, đang hồi tưởng về tất cả những ký ức đã qua. Mọi chi tiết như cuốn phim chậm từ từ quay lại. “Nó” sinh con khi tuổi đời còn quá trẻ, lúc sinh con may có mẹ đẻ kề bên hỗ trợ, động viên. Nhưng rồi mẹ đẻ cũng sớm qua đời, bố đi bước nữa, con gái giận bố đã bỏ lên thành phố sinh sống.

"Vân tay mắt Phật" (P.2): Thương nhớ đồng quê 3/6/2021

Không khó để thấy hình bóng làng quê trong truyện ngắn “Vân tay mắt Phật” của nhà văn Trần Nhã Thụy. Làng quê trong mắt nhân vật “tôi” có phần xa lạ. Anh đã rời quê lên phố đủ lâu để thấy ngạc nhiên khi quê bây giờ cũng ngồi nhà bấm điện thoại, gọi ship tới tận cửa, cũng facebook, zalo… chả kém thị thành. Anh chỉ còn thấy gần gũi với kí ức về làng – điều được gắn kết nhờ người thân, bạn bè và một mối tình câm. Cái tam giác muôn đời, một lần nữa, xuất hiện trong mối quan hệ ba người “tôi”, Phước và Văn. Có điều, sau khi Phước qua đời, cả “tôi” và Văn dường như không ngừng hoài nghi rằng mình chẳng phải là người được yêu. Trong mạch kể chuyện pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, có thể “Vân tay mắt Phật” có nhiều hơn một câu chuyện. Chuyện tình ba người với nhiều éo le là một nhẽ. Nhưng rộng hơn, đó là câu chuyện về nông thôn, về người nhà quê tồn tại trong mỗi nhân vật, trong cả chúng ta: khi ta mơ về một cái sân vườn thoáng rộng, khi ta thấy ngột ngạt trong những khoảng không chật hẹp, và giấc mơ của ta vẫn còn mang mùi đất. Nó cũng là câu chuyện về sự mất mát, của cả bối cảnh lẫn con người khi tất cả chẳng thế nào như xưa. Và không phải cái mới, cái hiện đại, cái tân thời nào cũng đồng nghĩ với những điều tử tế, thiện lương. Mở ra bằng một nhan đề giàu sức gợi, “Vân tay mắt Phật” cũng có một đoạn kết ấn tượng không kém, đủ để người đọc, người nghe giật mình thảng thốt, tự xem ngón cái bàn tay mình có “hiển lộ hình mắt Phật đẹp đẽ” hay không? (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

“Vân tay mắt Phật” (P.1): Thương nhớ đồng quê...

“Vân tay mắt Phật” (P.1): Thương nhớ đồng quê... 3/6/2021

Giống như bao người bỏ quê lên phố, nhân vật “tôi” trong truyện “Vân tay mắt Phật” luôn có những sợi dây ràng buộc máu thịt với làng quê. Sự gắn kết với gia đình là hiển nhiên. Nhưng bên cạnh đó, còn là những kí ức tuổi thơ, bạn bè cũ, và cả một mối tình chưa nói thành lời. “Vân tay mắt Phật” đan xen những câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại, nhằm khắc họa sâu hơn đổi thay của làng quê cũng như khúc quanh của số phận con người. Mọi chuyện sẽ tiếp diễn ra sao? Mời các bạn cùng đón nghe phần cuối của truyện “Vân tay mắt Phật” trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” phát 04/06/2021. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Truyện ngắn

Truyện ngắn "Đồng cỏ" (P.2): Đường về cổ tích còn đâu 31/5/2021

Quá khứ và hiện tại bối cảnh “Đồng cỏ” của tác giả Vân Hạ khiến ta liên tưởng tới bài thơ “Sông Lấp” của nhà thơ Trần Tế Xương với những câu: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Vương quốc đầm lầy tuổi thơ chỉ còn là ảo ảnh, là kỷ niệm. Nhưng cũng như đoạn sông Vị Hoàng chảy qua quê hương cụ Tú Thành Nam, dẫu đã bị bồi lấp thành đất thổ cư nhưng tiếng vọng từ thuở nguyên sơ mãi còn thao thiết trong tâm tưởng của những chứng nhân còn lại. Cảnh hoang vu, những ngày tuổi thơ háo hức khởi nghiệp dấm ốc, sa lầy và cuộc chạy trốn của đàn ốc bắt được trên đầm lầy đồng cỏ - Những kỷ niệm tưởng nhỏ nhoi, vụn vặt nhưng đã trở thành một phần đời không thể nào quên. Dẫu “Đồng cỏ” tĩnh lặng kỳ bí đã thành “Làng Mới” sôi động, với quang cảnh nửa quê nửa phố, những bạn bè ngu ngơ thuở bé giờ ra sức làm kinh tế tinh nhanh nhưng vẫn còn đó những kỷ niệm thời vụng dại luôn phập phồng trong trí nhớ, thời gian chẳng thể san bằng. Tác giả Vân Hạ đã viết về những thương yêu nhắc nhủ ấy bằng một ngòi bút bản lĩnh, chân thành. Những câu văn giàu hình ảnh trải trên trang giấy các sắc màu, khung cảnh và tính cách, hành động con người tự nhiên, sinh động. Xen vào đó là những so sánh, liên tưởng, triết lý về thiên nhiên, về cuộc sống - Có những đoạn, truyện ngắn “Đồng cỏ” của tác giả Vân Hạ như đã hòa cùng nhịp đập thổn thức của trái tim người đọc, người nghe…(Lời bình của BTV Võ Hà)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ