"Cánh diều đã bay lên": Gửi ước mơ lên trời xanh28/5/2021

Truyện cuốn hút người đọc người nghe ngay từ những dòng, những trang đầu tiên. Nó như một cuốn phim quay chậm, trong đó nhân vật chính là Thịnh-một quân nhân vừa xuất ngũ trở về quê hương. Mới ba năm thôi, nhưng bãi bồi ven sông không còn nữa. Bước chân Thịnh đi tới đâu kỷ niệm xưa lại ùa về đến đó. Nào là tiếng cười của những đứa trẻ thôn quê chiều hè gửi ước mơ theo cánh diều lên trời cao; nào là những kỷ niệm thuở ấu thơ cậu bé Thịnh cày cuốc trên cánh đồng bãi; rồi những kỷ niệm vui đùa của chàng thanh niên Thịnh cùng cô bạn gái tên Chi…Và tác giả không cần miêu tả nhiều, người đọc người nghe cũng đoán ra được nguyên nhân bị mất cánh bãi, đó là do việc hút cát-một vấn đề nóng bỏng trong đời sống hiện nay. Việc hút cát làm sạt lở bãi bồi khiến người dân mất đất canh tác, mất việc làm; trẻ em mất không gian thả diều; làm sụp đổ ngôi quán…đã là chuyện quá sức chịu đựng, nhưng điều khủng khiếp hơn là việc ngôi miếu cổ sắp sụp đổ. Người đọc người nghe lo sợ nếu điều này xảy ra, thì mọi mâu thuẫn sẽ bị đẩy lên đến đâu. Nhưng rồi, nhờ kinh nghiệm của Thịnh cùng sự đồng lòng giúp sức của bà con lối xóm mà ngôi miếu được cứu. Truyện kết thúc với cảnh Thịnh đi trên cánh bãi đỏ au màu đất phù sa đang chờ lên luống, bầu trời lộng gió đẩy cánh diều bay cao trong tiếng sáo vi vu. Cánh diều tiếp tục bay điều đó có nghĩa ước mơ của trẻ em tiếp tục được thả lên trời xanh, văn hóa truyền thống được gìn giữ, tiếp nối...(Lời bình của BTV Nguyễn Vũ Hà)

Nỗi niềm tình thân trong truyện ngắn

Nỗi niềm tình thân trong truyện ngắn "Nắng ở cuối cùng sông" 21/5/2021

Sự đổi thay chóng mặt của nhiều làng quê đã cho thấy sức hút, sức phủ sóng tốc độ của các tiện nghi và lối sống hiện đại. Thế nhưng vẫn có những người nông dân “ngược pha” khỏi làn sóng đồng đều đó. Họ vẫn sống một cuộc đời với những thói quen, công việc thời quá khứ, trong khi thôn xóm đã khác xưa. Họ không hiểu vì sao bản thân trở nên kỳ cục khi chẳng làm gì nên tội, khi chẳng thể nào xoay chuyển, hòa mình hội nhập cái đời sống mới đầy kỳ thú mà cộng đồng, những người thân đang tận hưởng. Bỗng dưng họ trở thành kẻ quê kệch, mặc cảm, lủi thủi với những niềm riêng khó tỏ. Người nông dân “lành như đất” trong truyện ngắn “Nắng ở cuối cùng sông” của Hoàng Anh Linh rơi vào trạng thái lạc lõng ấy. Nhưng ông còn có hi vọng để mà mong đợi. Đó là người em trai trí thức vẫn còn nhớ đến người anh lam lũ ở quê nghèo. Ký ức và hiện tại đan xen trong mớ bòng bong tâm trạng của người nông dân có lúc đã gắng gỏi để theo kịp xu thế, thời đại nhưng chỉ nhận lại sự ê chề, kiệt quệ. Điểm sáng trong câu chuyện là dù còn đó những khúc mắc, khoảng cách về lối sống, lối suy nghĩ nhưng tình thân vẫn là điều còn lại. Chính tình thân đã gắn kết hai con người cùng dòng máu, dẫu dòng đời xô dạt – Như ánh nắng cuối chiều lấp lánh cả dòng sông. Tập trung khắc họa niềm thương yêu khôn tả ấy, tác giả Hoàng Anh Linh dường như đã bỏ qua phần nào những mối quan hệ chằng chéo cần có trong cuộc đời cá nhân hai nhân vật chính. Thành ra truyện chỉ dừng lại ở lát cắt đặc tả - Người đọc, người nghe vẫn còn mong đợi những nhân vật, tình huống xúc tác sinh động cho một hình hài truyện ngắn hoàn chỉnh. (Lời bình của BTV Võ Hà)

"Tắm Tết": Níu giữ chân quê 20/5/2021

Bắt nguồn từ một thói quen đã thành chung thủy hơn nửa đời người, “Tắm Tết” mở ra khung cảnh tâm hồn thành tâm, chân quê và cũng rất đỗi dịu dàng, nữ tính của nhân vật “Dứa” – Người phụ nữ quá lứa lỡ thì tưởng đã trở nên thô ráp, dạn dày, chai sạn giữa dòng đời. Vì tình duyên lở dở, vì bộn bề mưu sinh, là người gắn bó với quê đến tận cùng gan ruột, chị cũng đành dằn lòng nhớ thương gửi lại – Và gợi nhớ về gốc gác bản xứ mỗi năm một lần trong cuộc tẩy trần tiễn năm cũ, đón năm mới. Nhà văn Nguyễn Hiệp đã kỳ công cả về mặt câu từ lẫn cảm xúc khi kể lại cặn kẽ màn gột rửa vừa trần tục vừa thanh sạch, thiêng liêng ấy. Đó là khi con người rũ bỏ hết tất thảy những ngổn ngang giăng mắc để hoàn toàn thả lỏng tận hưởng một mùi hương xưa cũ thấm dần vào trong từng tế bào sự sống. Với người phụ nữ đã nếm trải cả hạnh phúc lẫn tột cùng khổ đau của tình yêu như nhân vật “Dứa” – “Tắm Tết” có lẽ là những giờ khắc thảnh thơi, đẹp đẽ, hiếm hoi trong cả một năm dài không bờ không bến. Chị được mường tượng lại hình bóng của má, của người thương một thời – Những ký ức xa xôi, chạm vào là rạo rực và cả nhói đau – Giờ khắc ấy hết thảy được thứ tha. Sống dậy cảm xúc với quê nhà qua một mùi hương, một thói quen đã thành nghi lễ cá nhân, giá như xen kẽ vào đó câu chuyện hay khúc ngoặt về đoạn đời hiện tại của nhân vật, và kết lại vẫn bằng cuộc “Tắm Tết” thường niên – Có lẽ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hiệp sẽ vượt qua giới hạn tản mạn, trưởng thành hơn trong vóc dạc một truyện ngắn dày dặn cảm xúc. (Loi binh cua BTV Vo Ha)

"Dân cạp đất": Tình yêu lao động 18/5/2021

Các bạn thân mến, phải gần gũi với người nông dân chân lấm, tay bùn, đồng hành cùng người nông dân trên mảnh ruộng, vườn cây, ao cá thì tác giả Nguyễn Quang Trung mới viết được truyện ngắn chân thật đến như vậy. Tráng là anh thanh niên khỏe mạnh nhưng học chưa hết lớp 9 nên chỉ biết bán sức lao động của mình kiếm miếng cơm manh áo. Gia đình ít ruộng nên phải đi làm đụng, tức đụng việc gì ai mướn là làm việc đó. Tráng từng lên thành phố làm thuê nhưng không khí đô thị ngột ngạt khiên anh không quen nên lại trở về quê làm việc. Sau mấy năm xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Tráng trở lại quê nhà lập nghiệp. Với sự giúp đỡ của cô kỹ sư tên Kim, sau này là vợ của Tráng, anh đã xây dựng một trang trại khang trang. Để có được thành công như vậy có lẽ nhân vật Tráng cũng gặp không ít may mắn. May mắn khi mấy năm xuất khẩu lao động còn dành dụm được tiền tỉ mang về lập nghiệp, may mắn là gặp được cô kĩ sư Kim, người ngoài lạnh trong nóng. Thương anh chàng nông dân chất phác, thật thà, Kim lặn lội từ thành phố về quê để giúp Tráng thành lập trang trại. Trang trại gây dựng thành công cũng là lúc tình duyên của Tráng và Kim đơm hoa kết trái. Nhân vật Tĩnh là người kể câu chuyện đã chứng kiến những đổi thay cuộc đời Tráng và vui mừng cho bạn của mình. Quá trình gây dựng trang trại của nhân vật Tráng được tác giả miêu tả rất kĩ, cẩn thận, giàu hình ảnh. Người nông dân đẹp nhất chính là lúc họ chăm chỉ lao động trên mảnh ruộng, vườn cây của mình. Sức lực, sự chăm chỉ kết hợp với kĩ thuật tốt đã giúp người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Truyện ngắn cũng giúp người đọc, người nghe hiểu hơn nếp sống, phong tục, tập quán, tính cách con người một vùng quê trên đất nước Việt Nam. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Cô Sáu Cam”: Còn mãi tình yêu với mảnh vườn quê

“Cô Sáu Cam”: Còn mãi tình yêu với mảnh vườn quê 18/5/2021

Truyện ngắn được viết với giọng văn mộc mạc, chân chất đúng phong vị người nông dân Nam Bộ. Câu chuyện buồn vui nhiều cảm xúc của người phụ nữ tên Sáu Cam gắn bó với mảnh vườn của mình. Mở đầu truyện ngắn là câu hỏi “bán hay không bán”. Câu hỏi trong lòng nhân vật Sáu Cam có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của không ít người nông dân trước đổi thay của cuộc sống. Trong hoàn cảnh lao động vất vả chăm bón cả năm mà lại gặp điệp khúc “được mùa mất giá” thì không ít người đã đã bán mảnh vườn cha ông để lại hoặc nhiều năm gây dựng để thay đổi cuộc đời. Nhưng bà Sáu Cam đã không làm như vậy. Dù mọi người đều khuyên nên bán khu vườn đi, làm thuê, làm mướn, buôn bán cho đỡ cực nhưng bà vẫn giữ khu vườn của mình. Trải qua mấy năm cơ cực khi trái cây mất giá thì bà Sáu Cam cũng thu hoạch hoa thơm trái ngọt. Bà Sáu Cam không còn bán hoa quả cho thương lái mà thực hiện mô hình kinh doanh vườn cây ăn trái theo kiểu “bán bụng”. Việc thay đổi phương thức kinh doanh giúp vườn cây của bà mang lại lợi ích kinh thế gấp nhiều lần. Vườn cây của bà trở thành địa điểm dụ lịch, vui chơi nghỉ ngơi của rất đông khách. Ước mơ có một căn nhà mới của bà Sáu Cam đã trở thành hiện thực. Lồng ghép trong câu chuyện giữ đất, giữ vườn của nhân vật bà Sáu Cam, chúng ta thấy cuộc sống của người nông dân Nam Bộ trước tác động kinh tế thị trường. Nhiều người nông dân bán mảnh vườn, mảnh ruộng nhiều năm gắn bó thay đổi nghề, thanh niên cũng không làm ruộng, làm vườn mà làm công nhân trong các khu công nghiệp. Vườn cây ăn trái cũng thay đổi phương thức kinh doanh sao cho hiệu quả. Nhiều đổi thay đã diễn ra nhưng có lẽ tình người, tình đời của những con người chất phác thì luôn được lưu giữ. Tình cảm hàng xóm láng giềng giữa Bà Sáu Cam với ông Tư Bận hay tình cảm mẹ con của nhân vật Sáu Cam tuy được miêu tả giản dị nhưng ấm áp tình thân. Nhân vật tuy chỉ là người nông dân lam lũ nhưng tốt bụng, trọng tình trọng nghĩa thật đáng mến. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu được phần nào những đổi thay của làng quê Việt Nam thời hội nhập kinh tế thị trường. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Gà trên núi Cơi Pòn": Còn mãi vẻ đẹp của núi rừng 13/5/2021

Gần đây, cây bút trẻ Kiều Duy Khánh thường sử dụng những yếu tố kỳ ảo trong các sáng tác của mình. Nào là hũ bạc, hạt vía thiêng, hồn piêu hay trái tim sói tuyết và ở truyện ngắn này là gà mái hoa mơ biết gáy. Nhưng cái lạ, cái khác biệt ấy không phải để gây tò mò mà là nguyên cớ để nhà văn xây dựng đường dây câu chuyện, như một thủ pháp tạo dựng không gian nghệ thuật. Bình thường gà mái đẻ trứng, ấp trứng và nuôi con, nhưng đằng này nó lại biết gáy. Nghĩ có điềm chẳng lành, bà Vùa liền tìm đến nhà lão Vạng làm nghề thầy cúng. Tin vào lời thầy cúng vừa háo danh vừa có cái tâm không trong sáng mà bà Vùa đã ngăn cản hạnh phúc riêng của con trai mình. Hình ảnh đàn gà mái hoa mơ chân con nào cũng cụt ngủn mê mải nhặt thóc, thỉnh thoảng lại vươn cổ gáy một tràng téc…te…te…ở phần cuối truyện thật có sức gợi. Lòng tham, sự ích kỷ, thói xấu xa của con người không thể bẻ cong, làm biến dạng, làm mất đi cái đẹp, sự lương thiện…Và chi tiết Thồng-con trai bà Vùa dứt tung cái túi bùa đựng chân gà mái rồi ném xuống đất thật dứt khoát, nó như lời khẳng định anh sẽ mạnh mẽ và quyết tâm gỡ bỏ những quan niệm, hủ tục lạc hậu đã đeo bám và làm khổ sở bao mảnh đời người dân thôn bản bấy lâu. Chính những người trẻ như Thồng, như Máy sẽ quyết định tương lai cuộc đời mình (Lời bình của BTV Vũ Hà)

"Hoa pằng nảng rơi rơi": Nỗi niềm thân phận người phụ nữ vùng cao 12/5/2021

Tác giả Nguyễn Phú đã từng có những chia sẻ về truyện ngắn Hoa pằng nảng rơi rơi của anh. Trong những năm tháng công tác ở vùng cao, gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người phụ nữ Mông, những câu chuyện về thân phận, niềm đau và tình yêu của những người phụ nữ Mông đã trở thành một âm hưởng ám gợi, trở đi trở lại trong các sáng tác của Nguyễn Phú. Pằng nảng chính là tên gọi của hoa gạo trong tiếng Mông. Những bông hoa gạo cháy đỏ trong trởi biên tái, rực rỡ rụng rơi ven đường bên bước chân của những người đàn bà Mông như hòa cùng bao nỗi xót xa trong lòng họ. Nhân vật chính trong câu chuyện chúng ta vừa nghe là Dúa, một người con gái bất hạnh trong tình yêu, thậm chí có thể coi là bị phụ bạc. Và nỗi bất hạnh của Dúa giống như một định mệnh, nó được truyển kiếp từ cụ ngoại tới bà ngoại, tới mẹ Dúa và bây giờ là Dúa. Tất cả những người đàn ông đều đã ra đi, bỏ lại những người phụ nữ cô đơn ngóng chờ như hóa đá qua bao năm tháng. Rồi những người phụ nữ ấy vò võ nuốt niềm đau vào lòng, một mình nuôi con…Cái trớ trêu trong mối tình dang dở của Dúa còn hiện lên ở cuối tác phẩm, khi Dúa phát hiện bức ảnh Phừ và Súa - em gái mình, đang ôm nhau trên ghế đá. Nếu em Súa được hạnh phúc, thì những đau khổ của Dúa có lẽ cũng bớt đi phần nào, nhưng không có gi là chắc chắn và tin tưởng tình yêu của một người đàn ông đã vừa phụ bạc Dúa như Phừ. Thân phận những người phụ nữ vùng cao nói chung, phụ nữ Mông nói riêng dường như không thể tự quyết định cho hạnh phúc của mình. Họ vẫn còn bị ràng buộc bởi quá nhiều tập tục, luât lệ như những thói quen truyền thống mỗi ngày đè nặng xuống đôi vai. Họ muốn thoát ra mà chưa thể. Những bông hoa gạo đỏ như máu rơi rơi mở đầu và kết thúc tác phẩm như nỗi xót thương chưa bao giờ dứt, không dễ nguôi ngoai trong lòng người…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

16 tác phẩm đoạt giải

16 tác phẩm đoạt giải "Làng Việt thời hội nhập" 7/5/2021

Cuộc thi viết truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” do Báo Nông thôn Ngày nay, Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam đồng tổ chức đã đi trọn vẹn một hành trình hai năm. Sau thời gian đãi cát tìm vàng, cuộc thi đã đi đến chung kết với kết quả đáng mừng gồm 16 tác phẩm được xét giải. Phóng viên Vân Khánh tham dự sự kiện có một vài ghi nhận.

“Đá cuội đỏ”: Khát vọng sống

“Đá cuội đỏ”: Khát vọng sống 4/5/2021

Tác phẩm của Đỗ Bích Thúy luôn luôn đề cập những đề tài hết sức gần gũi đời thường, nhưng bao giờ cũng để lại một dư vị lãng mạn, buồn mà không chút cay đắng ở người đọc, người nghe. Với truyện ngắn “Đá cuội đỏ” nhà văn thể hiện nỗi trăn trở về cuộc sống nghèo nàn của những con người trên núi cao. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của anh em nhà Sính, Dìn gắn bó với những tập tục lâu đời của bản làng. Họ thuộc từng con suối, rừng sâu, dòng Phạ Lấu, đỉnh núi Sán Khâu…luôn hiện hữu trong cuộc sống của dân bản. Dưới ngòi bút mượt mà, những trang văn mang đậm vẻ chân thật, hồn nhiên, mộc mạc của tâm hồn con người dân tộc và dịu dàng, man mác chất thơ, một không gian đầy hoa lá rừng, có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác tẩu xuống chợ; những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy mầu sắc; những đêm trăng sóng sánh, huyền ảo; những bụi mần tang mọc trong thung lũng, những ngày chợ phiên sóng sánh say tình…tất cả làm nên bức tranh thật nên thơ. Tuy vậy, điều đọng lại sau cùng chính là nỗi buồn thương về kiếp người nơi đây, họ không thoát khỏi cái nghèo khó truyền từ đời này sang kiếp khác, và những ước mơ đổi thay là điều thật xa vời. Khát vọng về hạnh phúc, những tâm sự cháy bỏng về lẽ sống, ý thức về những ngày hiện tại ở một vùng đất độc đáo, đầy kỉ niệm đã tạo ra trong ngòi bút của Đỗ Bích Thúy niềm xúc động chân thành, chảy dào dạt trên trang viết…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Ngày cuối cùng của chiến tranh": Khắc khoải nỗi lòng 29/4/2021

Bí mật các nữ tu cất giấu trong ngôi Thánh đường, nơi cư ngụ của một Cô nhi viện từ miền Trung di tản vào vùng ven Sài Gòn thực sự khiến người đọc, người nghe ngỡ ngàng. Bởi điều đó ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nhưng cũng nhờ cái kết bất ngờ ấy, truyện ngắn “Ngày cuối cùng của chiến tranh” của nhà văn Vũ Cao Phan đã đọng lại dư vị nhói lòng, ám ảnh. Với logic thường tình, chúng ta đã tưởng rằng trong căn nhà nguyện khả nghi lúc nào cũng đóng cửa kia đang dung dưỡng những kẻ ẩn náu – Và cũng như những người lính giải phóng, người đọc, người nghe hồi hộp dõi theo kết cục phía bên kia, những tàn quân buông súng đầu hàng Cách mạng. Ngòi bút nhà văn Vũ Cao Phan thật sự cao tay khi không để lộ chút sơ hở nào hòng đánh lạc hướng độc giả dự đoán về kết cục kia. Và ông đã thành công trong việc bình tĩnh dẫn dụ cho diễn biến câu chuyện đến chỗ cần thiết – Cuối cùng từ từ ánh sáng tình người đầy xúc động hắt ra từ uẩn khúc của cuộc chiến. Cuộc tiếp quản của một đơn vị quân giải phóng trong ngày 30 tháng 4 năm ấy đã mở ra một cảnh tượng khiến người kể chuyện, người chỉ huy dày dặn rơi nước mắt. Và những giọt nước mắt, câu chuyện đong đầy tình người ấy như một soi chiếu giá trị sâu sắc về góc khuất của cuộc chiến mà tới tận ngày hôm nay, nhân loại, chúng ta hãy còn nhắc nhớ (Lời bình của BTV Võ Hà)

Ấm áp tình người trong “Mặt hồ lóng lánh hoa đào

Ấm áp tình người trong “Mặt hồ lóng lánh hoa đào" và “Quà đi xa về” 27/4/2021

Chúng ta vừa nghe hai câu chuyện ấm áp tình người của nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà văn Nguyên Hương. Với những ai đã quen với văn chương của Võ Thị Xuân Hà, chắc sẽ có phần ngạc nhiên khi đọc “Mặt hồ lóng lánh hoa đào”. Văn chương của chị, với những biểu hiện đa dạng, thường khiến người ta chập chờn giữa cõi thực và cõi mộng, thậm chí có những lúc như lạc vào miền hư ảo xa xăm nào đấy. Với nhan đề đầy chất thơ, “Mặt hồ lóng lánh hoa đào” làm người đọc tưởng rằng sẽ bước vào miền hư ảo của nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Nhưng không. Chị lại kể một câu chuyện đời thường có phần dữ dội về những mảnh đời trôi dạt trai trộm cắp, gái giang hồ. Khánh – nhân vật chính trong truyện, vốn là một tay buôn hàng trắng những đã biết quay đầu là bờ, cùng vợ buôn bán nhỏ ven hồ. Việc trồng đào là một sự ngẫu nhiên, thoạt đầu là làm cho vui nhưng sau lại thấy hứng thú. Đào nở trên khu đất đang chờ giải tỏa hóa ra lại trở thành niềm vui cho bao mảnh đời sa cơ lỡ vận như mặt mụn, mặt choắt, như cô gái bán hoa tên Huyền. “Mặt hồ lóng lánh hoa đào” thu hút từ nhan đề tới cách kể. Truyện được viết vắn gọn, súc tích. Hình ảnh hoa đào hoặc cây đào được nhắc đi nhắc lại xuyên suốt câu chuyện cũng mang tính ẩn dụ, gửi gắm thông điệp về tình người, rằng dẫu trên mảnh đất tạm bợ toàn những mảnh đời trôi dạt, vẫn còn đó sự ấm áp của tình thương, cũng như niềm tin về sự đoàn tụ sum vầy. Cũng dung dị ấm áp như vậy, “Quà đi xa về” của nhà văn Nguyên Hương để lại nhiều ấn tượng với người đọc. Câu chuyện về người đàn ông đi chăm con gái nằm ổ vốn dĩ đã lạ lùng và gây lập tức thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện ấy còn có nhiều điều cảm động hơn thế: một người đàn ông từ quê lên phố, lặng lẽ trồng cây làm đẹp cho cầu thang bộ ở chung cư, rồi khi từ phố về quê lại háo hức nhờ mấy bà hàng xóm mua cho cái khăn sặc sỡ tặng cho bà vợ tai biến. Vẫn với phong cách quen thuộc, nhà văn Nguyên Hương luôn tìm được những cốt truyện giản dị, những con người chân quê, và những điều tưởng chừng như không có gì nhưng lại khiến người đọc cay mắt. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

"Giữa cơn mưa trắng xóa": Níu giữ văn hóa buôn làng 23/4/2021

Truyện ngắn "Giữa cơn mưa trắng xóa" viết về cô gái có tên H’Linh rời buôn làng ra thành phố tìm cuộc sống mới. Niê Thanh Mai khéo lồng vào truyện một câu chuyện dân gian về ché đực đã hóa đá bên suối. Một trận lũ lớn đã đẩy ché cái vào nhà tù trưởng, và ché cái đang ở bên ché đực men sứ nào đó mà quên đi ché đực gốm sành. Ché đấy mà người đấy. Hồn ché, tình ché cũng là hồn người, tình người. H’Linh ra thành phố hay cái ché kia? Mẹ và chị gái bị chết vì lũ. H’Linh cũng không về, người thương là Y Woan chết vì nhớ mình cô cũng không về. Mặc cho cha với nỗi sầu muộn trong lòng, mặc cho anh rể luôn rộng mở vòng tay, vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân H’Linh nhất quyết chạy theo cuộc sống hào nhoáng. Truyện được đẩy lên cực điểm khi H’Linh đánh cắp tượng nhà mồ mang ra thành phố. Đây không phải là bức tượng đơn thuần mà là văn hóa. Kinh tế thị trường kéo theo lối sống vị kỷ đã để cho cô gái đánh cắp văn hóa của chính dân tộc mình. Đó là lời cảnh báo cũng là lời kêu cứu giữ lấy văn hóa. Thế mạnh của Niê Thanh Mai là hiểu văn hóa của vùng đất. Văn có hồn, nhiều đoạn độc thoại để tâm lý nhân vật bộc lộ đến mức tối đa nên truyện cuốn hút người đọc người nghe...

"Cây đại học": Viết tiếp những ước mơ 19/4/2021

Câu chuyện chúng ta vừa nghe nằm trong bối cảnh Trường Sơn năm 1971, những tháng ngày ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật chính của truyện là trung đội trưởng Nguyễn Kháng, người nhận nhiệm vụ quản lý một trạm xăng dầu giữa rừng Trường Sơn và đặt các đường ống dẫn xăng dầu ẩn mình dưới rừng già. Hai nhân vật nữ xuất hiện sau nhân vật chính là Phượng và Dịu, hai cô gái được bổ sung từ hậu phương vào, giữ nhiệm vụ lắp đặt và sửa chữa cơ khí. Chính hai cô gái đã tạo ra một bầu không khí sinh động, tươi tắn, mới mẻ cho cả trạm xăng dầu, cũng là tạo nên vẻ đẹp cho truyện ngắn này. Giọng điệu trần thuật của tác giả cũng thay đổi kể từ khi xuất hiện hai nhân vật nữ. Người đọc sẽ còn nhớ thật nhiều những đoạn tâm sự giữa hai cô gái, những câu nói đùa, những phút thẫn thờ, và cả những tình huống dở khóc dở cười của Phượng và Dịu. Trong sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, những cô gái vẫn không nguôi ước mơ sau này được tiếp tục đi học, tâm hồn họ vẫn trong trẻo như suối rừng, vẫn lãng mạn và đẹp như những đóa phong lan treo đầy quanh trạm. Trở lại với nhan đề của truyện ngắn, đây thực sự là một cách gọi tên gây nhiều bất ngờ và ấn tượng. Cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, rồi để lại những ký ức, những nỗi nhớ và cả bao mơ ước của mình khắc lên vỏ cây giữa rừng già. Biết bao người trong số đó đã ngã xuống, để lại phần khắc tên như những dòng chữ cuối cùng trong cuộc đời. Phần kết của truyện gây nhiều xúc động khi Phượng trúng bom hy sinh, tay vẫn ôm mảnh gỗ từ thân “cây đại học” để kê vào đường ống dẫn dầu. Chi tiết những sợi tóc của Phượng mắc vào vỏ gỗ mà không ai nỡ gỡ ra là một chi tiết đầy ảm ảnh. Cái kết của truyện tuy buồn thương nhưng nó không làm người ta yếu lòng, trái lại, sự hy sinh ấy như tiếp thêm sức mạnh cho những người đang sống để tiếp tục chiến đấu kiên cường. Chính họ sẽ viết tiếp những ước mơ cho bao đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

“Vệt nắng trong vườn”: Nơi lưu giữ ký ức con người

“Vệt nắng trong vườn”: Nơi lưu giữ ký ức con người 19/4/2021

Quý vị và các bạn thân mến, quá trình hiện đại hóa tác động tới nhiêu mặt của đời sống xã hội từ đô thị tới nông thôn. Dường như nhịp sống của con người cũng gấp gáp hơn, sự thay đổi diễn ra cũng nhanh hơn. Đặc biệt là việc xây dựng những công trình hiện đại để phục vụ đời sống mới. Những mảnh vườn trước chỉ trồng vài luống rau, nuôi mấy con gà nay trở thành khu phố sầm uất đông người buôn bán. Hay khu nhà lụp xụp khi mở con đường mới bỗng biến thành khu cao ốc hiện đại. Nhân vật tôi trong câu chuyện cũng không tránh khỏi những đổi thay như vậy. Mảnh vườn nhỏ của ông từ khi mở con đường mới thì trở thành một gia tài đáng kể. Và để thay đổi cuộc sống nghèo khó, vợ chồng ông quyết định bán mảnh vườn đi. Cuộc sống của gia đình ông giàu có hơn nhưng chưa chắc hạnh phúc. Tình cảm hai vợ chồng bỗng trở nên rạn nứt vì chuyện tiền bạc. Thất vọng vì cuộc sống hôn nhân, ông gửi gắm tình cảm vào mảnh vườn xưa mình dày công chăm sóc gây dựng. Khu vườn với cây trái xanh tươi làm dịu mát tâm hồn nhân vật và khiến ông như sống lại thời hạnh phúc xa xưa. Và cũng chính tại khu vườn, nhân vật gặp được cô gái trẻ, ông vẽ cô nhưng chưa kịp tặng cô bức ảnh thì nàng đã ra đi mãi mãi. Hình ảnh của cô luôn ẩn hiện trong tâm trí ông mỗi khi đắm mình trong không gian khu vườn. Phần đầu câu chuyện là hiện thực của cuộc sống con người trước những tác động của đời sống hiện đại thì phần sau tác giả đưa vào nhiều yếu tố hư ảo về hình ảnh cô gái trẻ. Truyện ngắn được tác giả khắc họa bởi những đường nét, màu sắc, hình khối khá sắc nét thể hiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện tại và quá khứ. Vệt nắng của ngày hôm nay cũng giống như hôm qua hay ngày mai. Nhưng nó sẽ trở nên khác biệt nếu ẩn chứa trong đó nỗi niềm của xúc của con người...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Nỗi lòng hai người cha trong truyện ngắn “Cháo đời”

Nỗi lòng hai người cha trong truyện ngắn “Cháo đời” 7/4/2021

Góc nhìn của người viết không mới, truyện ngắn cùng không có gì đột phá về cách viết. Nhưng bằng một giọng văn mộc mạc người viết đã cho người đọc, người nghe cảm nhận về một nông thôn thời đổi mới sự thật đôi khi nghiệt ngã nhưng luôn có những lối thoát trong cuộc đời. Truyện ngắn “Cháo đời” là câu chuyện của 2 người bạn, lão An và lão Tuấn. Họ là 2 người của thế hệ cũ và cuộc đời của những đứa con của họ đã rơi vào vòng cuốn của xã hội hiện tại. Mỗi đứa con đều có một cách phát triển khác nhau theo xu thế của xã hội. Đứa thì trượt vào tệ nạn để đến mức chính người cha của mình vì danh dự vì trách nhiệm của bản thân không còn lối thoát nào khác phải giết con mình rồi tự tử. Một bị kịch chúng ta gặp đâu đó ở cuộc sống không ít. Còn đứa con ông An được học hành có lí tưởng và ý thức trách nhiệm với cuộc sống với truyền thống gia đình đã dám cãi lời bố mẹ để đi trên con đường riêng của mình. “Cháo đời” là một câu chuyện bi kịch, bất hạnh nhưng có một kết cục chấp nhận được. Người viết chưa thật cao tay về thủ pháp văn chương nhưng đã vẽ lại một bức tranh đồng bằng Bắc bộ đang thời kỳ đô thị hoá với bộn bề mâu thuẫn. Tuy vậy, truyện ngắn vẫn gửi một thông điệp, rằng vẫn có niềm tin vào sự tốt đẹp vào lớp trẻ đang có một tư duy mới, nếp sống mới để xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại và văn minh. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng Nghệ thuật
08h45 - 09h00

Câu chuyện nghệ thuật (đang phát)

10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya