Một truyện ngắn sở dĩ “đứng” được là nhờ vào việc tạo dựng tình huống. Tình huống của truyện ngắn “Nhà có hai đào” có cái khó mà chủ ý người viết muốn gắn vào là Cây đào – Tết – Mùa xuân - Tình yêu. Và người viết đã tạo dựng được tình huống (bốn trong một) đó một cách tự nhiên. Tình yêu của đôi trai gái Thắng – Đào bị cấm cản có mối quan hệ mật thiết với căn bệnh của cây đào nhà ông Hạng cần được chữa chạy. Một cốt truyện dung dị, không mấy phức tạp, gay cấn nhưng cũng đủ những thắt nút, mở nút. Xoay quanh việc chữa trị căn bệnh cho một cây đào mà bậc làm cha làm mẹ phải thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về giá trị một con người. Nếu như ở truyện “Nhà có hai đào” tác giả giỏi ở việc tạo tình huống truyện thì có lẽ với truyện ngắn thứ hai “Ra giêng thì cưới” sự hấp dẫn nằm ở chính cái không khí trẻ trung toát lên từ câu chuyện: từ cách kể, ngôn ngữ kể , tốc độ truyện. Qua đó chân dung người trẻ được phác họa khá rõ nét: người trẻ tự tin trong công việc, chủ động trong cuộc sống, khát vọng thành công trong sự nghiệp. Tình yêu nằm trong qui luật sống, là nhu cầu tất yếu của tuổi trẻ , là khát khao, ngọn lửa trong trái tim mỗi người trẻ. Đôi khi vì mải công việc họ cũng lúng túng, vụng về trong bày tỏ cảm xúc, song với bản tính hiện đại, họ đã khá là mạnh mẽ , quyết đoán. Và mùa xuân dường như là chất xúc tác để mầm yêu đâm chồi kết trái. Kết thúc của hai truyện đều chung âm hưởng. Tết đồng nghĩa với mùa cưới, mùa của đôi lứa uyên ương, mùa của an lành hạnh phúc. Đó là khát vọng và cũng là lời chúc phúc dành cho mỗi chúng ta khi Tết đến Xuân về. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)