Dường như là câu chuyện kể bên bếp lửa đêm lạnh, nhiều uẩn khúc mà vẫn mời gọi. Có lẽ từ trong sâu thẳm, không gian thôn quê đã tạo nên tính cách, lòng vị tha của con người. Mọi người tha thứ cho nhau và không hề oán trách, kể cả Gừng-người chịu nhiều khổ đau, uất ức nhất. Một câu chuyện buồn, nhưng không bi lụy mà ấm áp bởi ngọn lửa của tình người, của sự lương thiện...(Đọc truyện đêm khuya phát 30/03/2020)
Câu chuyện về cuộc thi tài giữa hai người thợ đã gửi tới mỗi chúng ta thông điệp về tình yêu lao động, yêu cuộc sống, và điều quan trọng hơn, là cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải thực hiện bằng tất cả đam mê của mình...(Đọc truyện đêm khuya phát 26/03/2020)
Lữ khách” là một tứ truyện đẹp, được khai triển bằng lối viết tự nhiên, lôi cuốn, đầy chất thơ. Dường như người viết không chủ đích xây dựng nhân vật, cốt truyện, mà chính là nhân vật cuốn người viết đi với những câu chuyện đời thường. Đằng sau trang viết, thấp thoáng nụ cười bằng an, hạnh phúc, một niềm khao khát tri âm tri kỷ vốn hiếm hoi. Suy cho cùng, ai trong chúng ta cũng là lữ khách, ghé qua cuộc đời này thì hãy sống trọn vẹn và ân nghĩa với nó, đến từng hơi thở! (Đọc truyện đêm khuya 23/03/2020)
Nguyễn Hương Duyên-cây bút trẻ ở mảnh đất Quảng Bình chang chang nắng cát ghi dấu ấn ở các truyện ngắn viết về người phụ nữ. Từ tập truyện ngắn “Bến đợi nhọc nhằn” cho đến “Ở giữa những người đàn ông” cùng nhiều truyện ngắn khác, chị đề cập rất nhiều đến thân phận người phụ nữ. Chương trình Đọc truyện đêm khuya 19/03, xin giới thiệu cùng các bạn hai sáng tác như thế của nữ nhà văn Nguyễn Hương Duyên
Tác giả Vũ Thanh Lịch là cái tên khá quen thuộc với đông đảo người yêu văn chương trong khoảng 10 năm trở lại đây, chị xuất hiện nhiều ở các cuộc thi truyện ngắn từ trung ương đến địa phương, được các nhà văn đánh giá là cây bút có nhiều triển vọng. Với giải nhất cuộc thi truyện ngắn do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức năm 2019, truyện ngắn “ Nhà thánh” của tác giả Vũ Thah Lịch đã gây ấn tượng sâu đậm bởi tác phẩm đã thể hiện đậm nét không khí phương Đông, mang tính dân tộc cao và sự độc đáo ở nghệ thuật xây dựng biểu tượng, chủ đề mang tính thời sự nóng hổi và có sức ám ảnh, lay động tâm thức người Việt...(Đọc truyện đêm khuya phát 16/03/2020)
Tình yêu mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau: Có tình yêu lãng mạn, đắm say; có tình yêu trái ngang đầy trắc trở; có tình yêu mang đến nỗi buồn khổ bất hạnh; lại có tình yêu đồng giới; tình yêu chênh lệch lớn về tuổi tác. Mỗi người có những trải nghiệm riêng về tình yêu, có những câu chuyện tưởng lạ nhưng rồi cũng là bình thường trong cuộc sống này vốn muôn màu muôn vẻ. Mọi thứ đều có thể xảy ra và chỉ có người trong cuộc mới có thể tường tận, thấu cảm...(Đọc truyện đêm khuya phát 12/03/2020)
Truyện ngắn Ngôi đền sống xoay quanh hai nhân vật chính là Cường và Khánh. Cái chết của Khánh đã đẩy cao trào, kịch tính của truyện lên tới đỉnh điểm. Cường mãi mãi không còn cơ hội để chuộc lỗi của mình nữa, và nói như lời của người kể chuyện, từ đó chẳng còn ai nhìn thấy Cường cười, dù đó là nụ cười của một thiên thần. Cuộc hôn nhân giữa Cường và Hà khép lại tác phẩm thực chất chỉ làm cho mỗi chúng ta thấm thía hơn những nỗi đau, tổn thương và mất mát trong tình yêu mà Cường phải ăn năn suốt cuộc đời mình...(Đọc truyện đêm khuya phát 2/3/2020)
Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng, cứ liên tưởng tới các câu nói của các cụ: Câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” Hay câu “Học ăn học nói học gói học mở”. Cũng bối cảnh ấy, nguồn cơn câu chuyện ấy, từng ấy nhân vật, vào tay người viết khác có khi gỡ mãi cũng chẳng ra mối, có khi càng thêm loanh quanh, rối rắm. Chiếu vào các tình huống oái oăm trong truyện “Mùa xuân trên đồng làng”, nếu người viết không phải là Nguyễn Thu Hằng, dễ có nhân vật đã bị “trảm”. Thế nhưng kết cục, chẳng ai phải chết. Dù có nước mắt, ngậm ngùi, cay đắng và nhân vật gặp tai nạn phải cưa mất một chân, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là tình quê, tình cảm gia đình ấm áp. Tác giả không cần phải cố gắng để tạo dựng không khí ấy. Chị chậm rãi gỡ từng nút thắt, bằng sự nhẫn nại của một người viết biết để chi tiết cất lời...(Đọc truyện đêm khuya phát 09/03/2020)
Những nhân vật của truyện ngắn được tác giả xây dựng với tính cách khác nhau khá rõ nét. Tính cách các nhân vật đan cài với nhau khiến câu chuyện đơn giản bỗng trở nên phức tạp. Chính những chiêu trò của hai đứa trẻ lớn mà chưa khôn là Diễm và Hùng chút nữa khiến tình cảm của ông Chiến và bà Lệ tan vỡ. May mắn cuối cùng thủ phạm đã bị phát hiện và ông Chiến lấy lại sự trong sạch của mình. Trải qua bao chắc trở, gian nan cuối cùng ông giáo Hai Chiến và bà Lệ đã đến được với nhau. Truyện ngắn được tác giả viết đậm chất Nam Bộ thể hiện đặc tính người dân quê và không gian văn hóa làng xã...(Đọc truyện đêm khuya phát 6/3/2020)
Cuộc sống như bức tranh muôn màu với biết bao cung bậc cảm xúc và những con người tính cách khác nhau. Đơn giản như trong mối quan hệ gia đình, mở rộng hơn là cộng đồng làng xóm, cái tốt đẹp va đạp với sự xấu xa, người tốt đan xen với kẻ xấu tạo nên cuộc sống đa dạng. Trong chương trình Đọc truyện đêm khuya phát 5/3/2020, các bạn cùng nghe phần đầu truyện ngắn “Quê mình bây giờ vui thiệt” của tác giả Hồ Thúy An-tác phẩm tham dự cuộc thi Làng việt thời hội nhập
Ngày nay, đọc lại Bút máu sau hơn 60 năm kể từ khi ra đời, tác phẩm vẫn nguyên vẹn những giá trị đạo đức, giá trị thời sự. Cho dù sống và viết ở bất kỳ thời đại nào, thể chế nào thì những người cầm bút như Lương Sinh, đại diện cho tầng lớp tri thức vẫn cần phải giữ trọn sự lương thiện trong tâm hồn và ngòi bút của mình, không bao giờ được phép vì danh lợi, vinh hoa mà bẻ cong ngòi bút, phản ánh sai lạc sự thật. Và còn một điều quan trọng nữa, đó là mỗi người tri thức, người cầm bút luôn phải đứng về phía nhân dân lao động, biết lắng nghe tất cả những nỗi lòng của người dân.
"Nhân gian một cõi" nằm trong những tác phẩm viết về đề tài cải cách ruộng đất, chuyển tải thông điệp về sự hàn gắn, tái sinh và thấu hiểu giữa các thế hệ. Tác giả tiếp cận kỹ càng từng góc nhỏ đời sống và soi chiếu, phân tích những góc khuất ấy bằng ánh sáng nhân hậu, vị tha. Nhân vật bà cụ Thao là một nhân vật thuộc về lịch sử, mang hồn cốt làng quê Việt bao đời. Những con người kiên trung như thế chính là một điểm tựa văn hóa cho hôm nay...(Đọc truyện đêm khuya 24/02/2020)
Uông Triều là nhà văn trẻ ghi dấu ấn ở các tác phẩm viết về lịch sử với một phong cách riêng. Anh biết “nhìn lịch sử bằng con mắt khác” và thổi vào đó dòng cảm xúc tươi mới, trẻ trung khiến những câu chuyện cũ gần hơn với đời sống hôm nay. Trước khi sáng tác truyện ngắn, nhà văn Uông Triều đã viết các bài khảo cứu về phong tục tập quán, truyền thống lịch sử của vùng đất Đông Bắc-quê hương anh nên có vốn văn hóa về vùng đất này. Chương trình Đọc truyện đêm khuya phát 20/02 chuyển tới các bạn một sáng tác của nhà văn Uông Triều có bối cảnh ở vùng đất Đông Bắc: Truyện ngắn "Đôi mắt Đông Hoàng"
Truyện ngắn không có nhiều biến động lớn mà chỉ là câu chuyện bình dị về chặng cuối cuộc đời của một ông già. Câu chuyện lôi cuốn người đọc, người nghe bởi những chi tiết hàng ngày, những tình cảm vui buồn, hạnh phúc, khổ đau của đời người. Truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng khiến chúng ta phải suy ngẫm về tình yêu thủy chung, sự bao dung và tình cảm gia đình...(Đọc truyện đêm khuya phát 17/2/2020)