Thân phận tình yêu trong truyện ngắn "Nối dây" của Chu Thị Minh Huệ5/4/2021

Có thể so với một số cây bút tiêu biểu về đề tài miền núi như Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân, truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ bớt ngồn ngộn chi tiết và tiết chế sự dữ dội hơn. Bù lại, tác giả rất biết cách để những trang văn của mình không trở thành minh họa thuần túy cho tập tục của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Những câu văn ngắn, dễ hiểu, vừa phải, cô đọng kể cho chúng ta về câu chuyện về thân phận người Mông ở Yên Minh, ở Đồng Văn thông qua những nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc từ nghìn xưa. Nhà văn có thói quen đặt ra các câu hỏi, các giả thiết rồi lại tự lý giải để làm sáng lên những thắc mắc, làm mạch nối cho các diễn biến tiếp theo. “Nối dây” ở đây không đi theo mô – típ thông thường là lên án một tập tục lâu đời đã thành lạc hậu. “Nối dây” là để nối lại đường đi của tình yêu, số phận con người tuân theo lẽ tự nhiên lúc ban đầu. Vì thế, dù câu chuyện kết thúc bằng cái chết của Vảng và Pà, hai người yêu nhau mà không cưới được nhau nhưng lại không hoàn toàn buồn thảm, bi kịch. Ở đó, ta vẫn thấy được ánh sáng của một đời sống mới, tiếp nối mới - Những người ở lại – Dua và Phủ, không còn phó mặc cho số phận mà biết đấu tranh và giữ lấy hạnh phúc. Thêm một điểm cộng cho nhà văn Chu Thị Minh Huệ khi chị viết về điều ấy với một ngòi bút khá tự nhiên và thấm đẫm tình người (Lời bình của BTV Võ Hà)

“Ghen”: Gia vị tình yêu của người lính

“Ghen”: Gia vị tình yêu của người lính 5/4/2021

Quý vị và các bạn thân mến, tác giả đưa người đọc, người nghe trở lại chiến trường Trường Sơn năm xưa biết bao cảm xúc vui buồn. Bom đạn của đế quốc Mỹ cũng không thể dập tắt được tinh thần yêu nước cũng như ý trí tuổi trẻ Việt Nam. Ngay bên chiến hào khói lửa, bên hố bom chưa kịp san lấp, mỗi lắng tiếng súng là người lính trẻ lại cất lời ca tiếng hát về tình yêu tuổi trẻ, tình yêu với quê hương, đất nước. Vui nhất là những dịp các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường được các đoàn văn công đến biểu diễn. Giọng ca, tiếng hát của người nghệ sĩ khiến biết bao người lính xúc động khi nhớ tới gia đình và người thân yêu ở hậu phương. Nhân vật Hà là nữ văn công của sư đoàn, giọng hát dân ca bài chòi của cô khiến bao người lính say mê, yêu mến. Trong đó có chàng lính trẻ tên Phong. Việc anh chàng Phong yêu say đắm nữ văn công Hà thì đã râm ran trong sư đoàn và được mọi người trêu đùa. Nhưng 2 người trong cuộc thì thực sự chưa từng thổ lộ cùng nhau. Ấy vậy mà Phong lại ghen khi thấy Hà biểu diễn có đôi, có cặp trên sân khấu. Đúng là có yêu người ta mới có ghen. Cuối cùng được mọi người vun vào, tình duyên hai bạn trẻ Phong -Hà mới thành công. Một câu chuyện vui tươi, hóm hỉnh đầy chất lính về tình yêu người lính trẻ trong chiến tranh. Truyện ngắn xảy ra trong thời gian, không gian chiến tranh nhưng người đọc, người nghe không hề thấy sự ác liệt, gian khổ của cuộc chiến. Mà đầy ắp trong đó là những tiếng hát, là cảm xúc của tình yêu. Nỗi hờn ghen vu vơ của anh lính Phong như một gia vị của tình yêu và chắc sau này khi nhớ lại không khỏi khiến người trong cuộc phải bật cười. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn tình yêu người lính giàu cảm xúc trong chiến tranh. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Khăn Njram huyền thoại”: Biểu tượng văn hóa của người Chăm 24/3/2021

Không rực rỡ như những dân tộc vùng cao Tây Bắc, trang phục của người phụ nữ Chăm thể hiện nét duyên dáng độc đáo, vừa kín đáo lại quyến rũ lạ thường. Để tạo nét quyến rũ, người phụ nữ Chăm thường chọn khăn đội đầu để tô thêm sắc thái hài hòa của bộ trang phục. Những lúc trời nắng chói chang thì khăn có thể che mái tóc dài óng ả. Những khi trời lạnh thì khăn được quàng quanh cổ giữ ấm vừa tạo nên vẻ kín đáo cho người phụ nữ Chăm. Chiếc khăn trở thành vật không thể thiếu trong văn hóa cũng như cuộc sống của người dân tộc Chăm. Tác giả Kiều MaiLy cũng lấy chiếc khăn Niram, món quà cưới là hình ảnh xuyên suốt câu chuyện. Vì loạn lạc chiến tranh mà nhân vật tôi khi còn nhỏ đã làm thất lạc người em gái bé bỏng của mình. Từ ngày đó bà mẹ cũng như nhân vật luôn ân hận day dứt không biết cô gái nhỏ mới 2 tuổi còn sống hay không, đang ở đâu, có được khỏe mạnh hay không. Nỗi nhớ mong con mòn mỏi khiến bà mẹ đã ốm đau không qua khỏi. Nhân vật Tôi lớn lên một thân một mình với nỗi niềm thương nhớ. 18 năm sau, có hai mẹ con vị khách từ Camphuchia qua làng chơi. Từ dấu vết để lại trên chiếc khăn Njram của cô gái Siam mà hai anh em nhân vật đã đoàn tụ với nhau. Câu chuyện được viết giản dị nhưng xúc động nhất là những gia đình bị thất lạc người thân của mình. Hình ảnh chiếc khăn Njram, chiếc khăn truyền thống trong đám cưới người Chăm lúc nào cũng ẩn hiện như sợi dây gắn kết gia đình. Chiến tranh khiến biết bao gia đình ly tán, cha mẹ, anh chị em phải xa cách nhau. Và khi họ tìm lại được người thân của mình thì thật là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Qua truyện ngắn, người đọc, người nghe hiểu hơn những nét đẹp trong văn hóa người Chăm cũng như những giá trị của gia đình. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Luyến tiếc": Tuổi trẻ và tình yêu một đi không trở lại 22/3/2021

Câu chuyện chúng ta vừa nghe xoay quanh những cảm xúc và tâm trạng của nhân vật chính mang tên Savale– một người đàn ông đã 62 tuổi. Truyện mở đầu ngay bằng nỗi buồn bã cô đơn của Savale bởi ông không vợ không con, không còn ai thân thiết. Ngẫm lại về cuộc đời mình từ thời trẻ cho đến nay, chính Savale cũng phải thừa nhận đó là một cuộc đời “nhạt nhẽo và vô tích sự xiết bao”. Tất cả mọi chuyện diễn ra trong sự bình lặng, đều đặn, thụ động, ngày này lặp lại ngày khác. Và đến bây giờ ông mới thấy tiếc, tại sao mình không sống một cuộc đời sôi nổi hơn. Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất là, trong suốt cuộc đời của mình, ông chưa thực sự yêu ai. Có một tình yêu duy nhất thì lại là yêu thầm lặng, đơn phương, yêu mà không hề dám nói. Bây giờ, người phụ nữ ấy, ông phải gọi theo tên chồng của bà là bà Sandre, cũng đã 58 tuổi rồi. Và Savale mới thấy hối tiếc tại sao ông không thổ lộ tình cảm của mình khi hai người từng đi dạo riêng với nhau bên bở sông, bởi Sandre lúc đó đã tỏ ra rất mến ông. Một câu chuyện đã diễn ra cách đây mấy chục năm, bây giờ làm Savale khổ sở, vì ông muốn biết nếu lúc đó ông tỏ tình thì bà Sandre có đồng ý hay không. Vậy là ông quyết tâm tìm đến tận nhà Sandre để hỏi cho ra nhẽ. Than ôi, thời gian đã biến một nàng Sandre xinh đẹp thuở nào trở thành “một phụ nữ to béo sồ sề với hai má xệ xuống và tiếng cười oang oang, mấy giọt nước mứt lê chảy từ các ngón tay bà xuống đất”, còn đâu vẻ yêu kiều thanh nhã của cái ngày đi dạo bên bở sông. Và phũ phàng hơn nữa khi câu trả lời của bà Sandre càng khiến cho Savale hối tiếc đến đau xót, đúng như nhan đề truyện ngắn mà Guy đờ Mô pát xăng đã đặt tên. Truyện mở đầu bằng nỗi buồn vì sự cô đơn của Savale và kết thúc bằng những giọt nước mắt muộn màng khi ông ngồi xuống gốc cây liễu đã trụi lá. Âm hưởng câu chuyện gieo vào mỗi người đọc một chút buồn man mác, một chút ý vị hài hước nhẹ nhàng cùng không ít những suy tư. Phải chăng, thông điệp mà Mô Pát Xăng muốn gửi gắm qua thiên truyện, mỗi con người phải biết tận hưởng tuổi trẻ và tình yêu, phải dám sống là mình và hết mình, để sau này không phải ân hận vì những lỡ làng chẳng bao giờ sửa chữa được. Ai đó từng đúc kết: Có khi lỡ hẹn một giờ/ Lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm. Lỡ hẹn một lần cũng đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ còn trở lại cơ hội ấy. Và một thông điệp nữa mà chúng tôi cảm nhận được qua truyện ngắn này, đó là con người không thể sống mà không có một tình yêu, dù khi đang ở độ thanh xuân hay đã xế chiều ngả bóng về già. Tôi chợt nhớ lại lời tâm sự của NSND Kim Cương trong giây phút tiễn đưa thi sĩ Bùi Giáng về nơi an nghỉ cuối cùng, xin được dùng để khép lại lời bình truyện ngắn này: “Tôi cám ơn ông Bùi Giáng đã cho tôi một bài học rằng, dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người đều phải có một mối tình chân thật để sống hết cuộc đời” (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

“Mùi rừng”: Khát vọng của người phụ nữ vùng cao

“Mùi rừng”: Khát vọng của người phụ nữ vùng cao 17/3/2021

Bản Lướt cũng như nhiều vùng sâu, vùng xa khác ở nước ta vẫn còn những nếp nghĩ, quan niệm lạc hậu. Đó là suy nghĩ cho rằng phụ nữ không cần học cao làm gì, chỉ đủ con chữ rồi lấy chồng, sinh con, lo lắng việc gia đình. Vì vậy không ít cô gái trẻ mới đang dang dở học lớp 9, lớp 10 đã phải vội lấy chồng. Biết bao ước mơ, hoài bão, kế hoạch của tuổi trẻ trở nên dang dở bởi việc làm vợ, làm mẹ từ rất sớm. May mắn cho cô gái trẻ tên là Xanh trong câu chuyện không phải chịu cảnh lấy chồng sớm như vậy. Cô lấy cái chết để đe dọa cha mẹ cho mình học hết đại học. Thấy con gái quyết liệt như vậy, ông Quản cha cô đánh chịu nhưng lúc nào cũng canh cánh việc gả chồng cho con. Ông cảm thấy con gái như bom nổ chậm không cẩn thận là làm mất mặt gia đình. Chính vì vậy, tuy Xanh đã ngoài 30 nhưng ông lúc nào cũng để mắt xem cô đi đâu, làm gì, quan hệ cùng ai. Sự quan tâm có phần quá mức của cha khiến Xanh cảm thấy mất tự nhiên trong cuộc sống. Những đồn thổi vu vơ về mối quan hệ giữa cô và anh Dưỡng rồi thái độ sốt ruột của cha khiến tình cảm mới nảy sinh trong lòng Xanh bỗng trở nên rụt rè. May mắn là người yêu cô chủ động tìm đến nói chuyện với ông Quản và tình duyên của họ trở nên trọn vẹn. Truyện ngắn được viết mộc mạc, giản dị về chuyện tình của đôi trai gái nơi vùng cao. Qua câu chuyện tình yêu của cô gái Xanh, người đọc, người nghe hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp sống của các dân tộc thiểu số nước ta. Tuy vậy, mối tình của Xanh với Dưỡng được tác giả miêu tả có phần hơi đơn giản và đưa đẩy quá nhanh. Nếu khai thác thêm cuộc sống nội tâm của Xanh khi đã lớn tuổi vừa thực hiện hoài bão của mình vừa chịu sức ép phải lập gia đình từ cha, mẹ. Thêm thắt những va chạm, hiểu lầm nho nhỏ của đôi trai gái rồi mới nên duyên chồng vợ thì có lẽ truyện ngắn sẽ hấp dẫn hơn với người đọc, người nghe...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Đảo trong đêm": Sự cô độc của con người 15/3/2021

Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã gợi sự tò mò, kích thích cho người đọc, người nghe, “Đảo trong đêm” gợi sự huyền bí, bí ẩn và quả thực khi nghe những trang văn ấy, chúng ta cảm nhận rõ không gian đa chiều mà tác phẩm phản ánh. Đó là hai thế giới thực và ảo, là sự đối lập, mâu thuẫn mà nhân vật Du đang trải qua. Cô là bác sĩ tâm lý, chữa bệnh cho bao người nhưng chính cô lại gặp phải những sang chấn tâm lý mà không thể nào dứt được. Cô ám ảnh từng đêm về hòn đảo hoang vu, ám ảnh với hình ảnh cô sinh viên nằm sõng soài trong khuôn viên thư viện trường cô, người mà trước đó nửa tiếng muốn được nói chuyện với cô nhưng cô hẹn sau vì đến giờ họp. Một sự muộn màng. Cô ân hận và đau xót, từ đó Du sống trong nỗi ám ảnh từng đêm, chập chờn trong những cơn mê sảng, sợ hãi nhìn vào bóng đêm và bị bủa vây bởi hòn đảo vắng người và hoang lạnh. Nỗi sợ hãi khiến cho Du trở nên u uất và chán nản. Sống bên cạnh người chồng vô cảm, Du càng cô độc, không có ai chia sẻ cô. Không ai tin cô bị bệnh về tâm lý bởi cô là bác sĩ. Du rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản và ám ảnh. Cuối thiên truyện, Du lặng lẽ bước xuống dòng nước xiết và lạnh buốt, văng vẳng bên tai những lời nói đầy mâu thuẫn của chính mình. Chúng ta chắc sẽ đoán được kết cục của số phận Du, một nỗi xót xa về phận người cô độc trong thế giới đầy biến động này…

“Sóng trên đỉnh núi”: Tình yêu của người lính đảo

“Sóng trên đỉnh núi”: Tình yêu của người lính đảo 8/3/2021

Truyện ngắn “Sóng trên đỉnh núi” của tác giả Lê Mạnh Thường gợi nỗi xúc động cho người đọc, người nghe bởi sự giản dị, chân chất của các nhân vật. Sín là nhân vật trung tâm của truyện, một chàng trai dân tộc miền núi chưa bao giờ biết về biển đã lên đường nhập ngũ, để rồi từ đó gắn bó với biển đảo như chính quê hương của mình. Những nhân vật khác cũng bộc lộ cá tính, phẩm chất rất đáng yêu của người lính. Họ luôn sát cánh bên nhau, dũng cảm, kiên cường trong mọi tình huống. Bên cạnh đó là sự hóm hỉnh, tếu táo, dí dỏm, gần gũi như anh em một nhà của người lính đảo. Đó chính là sức mạnh giúp họ vượt qua những ngày tháng gian khổ mà cũng rất đỗi vinh quang, tự hào. Câu chuyện tình yêu của người lính cũng được tác giả viết bằng những tràng văn đẹp, ấm nồng, đó là nguồn sức mạnh tinh thần giúp người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời được chia sẻ, cảm thông và yêu thương. Sự hy sinh của Sín là một nốt lặng của thiên truyện ngắn, thể hiện nỗi đau xót, tiếc thương. Câu chuyện gợi cho chúng ta nhiều nghĩ suy, để có được cuộc sống tự do, bình yên thì sự hy sinh âm thầm, anh dũng của người lính càng được trân trọng hơn bao giờ hết...(Lời bình của BTV Văn Khánh)

"Hậu duệ của Da Gama": Du ký nhịp sống ở Bồ Đào Nha 8/3/2021

Truyện tiếp nối nguồn cảm hứng “Vợ Đông chồng Tây” trong hầu hết sáng tác những năm gần đây của Kiều Bích Hương. Ta gặp trong đó những câu chuyện của thời đại hôm nay – Chuyện trải nghiệm mới trong cuộc sống khi lấy chồng ngoại quốc, chuyện các gia đình có điều kiện đưa con ra nước ngoài gửi gắm người thân, chuyện làm du lịch, làm kinh tế ở Tây, ở ta. Nhà văn Kiều Bích Hương gửi vào câu chữ hiểu biết về thế giới, đất nước Bồ Đào Nha, về lối sống ưa chuyển dịch với một văn phong thông suốt, liền mạch. Trong những dữ liệu có vẻ toàn cầu và to tát ấy, ta bắt gặp những chi tiết rất đời thường về tình thân, tình chồng vợ, về tính cách con người, về hoài bão, mục đích sống không ai giống ai. Nhân vật xưng “tôi”, người dì trong truyện ngắn này, trong tâm thế là công dân toàn cầu, một phụ nữ hiện đại với lối suy nghĩ đầy tư tưởng giải phóng cá nhân. Thế nhưng trong sâu thẳm vẫn là những nét tính cách và bản chất truyền thống Việt Nam: dịu dàng và nữ tính, coi trọng gia đình, các giá trị làm nên con người tử tế. Những đứa trẻ dẫu có cách hành xử ra sao cuối cùng vẫn mong sống trọn trong tình yêu thương của bố mẹ. Và ta cũng bắt gặp hình mẫu phụ nữ làm kinh tế liều lĩnh, táo bạo, vươn tầm nhìn ra thế giới qua nhân vật “Chị Nhung” với mô hình đầu tư khách sạn trong nước. Mỗi người một lựa chọn, một nhu cầu, một đam mê sống. Tác giả không quy kết cách sống nào là đúng, là sai. Đọng lại trong câu chuyện nuôi nấng hai đứa con chị gái của cặp vợ Đông chồng Tây là những phát hiện, mách bảo về tình yêu thương, về sự trao quyền, trao tự do, khích lệ hòa nhập. Quả thật, khi cuộc sống đặt ta vào sự đã rồi, ngay trong những hoàn cảnh chính bản thân cũng không mong muốn, một số niềm vui và hứng khởi lại đến thật bất ngờ khi trưởng thành trong hoàn cảnh ấy…(Lời bình của BTV Võ Hà)

"Đất hoa": Nơi hạnh phúc nở hoa 5/3/2021

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà không còn xa lạ với nhiều bạn đọc qua các tập truyện ngắn như: “Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào”, “Bầy hươu nhảy múa”, “Cổ tích cho tuổi học trò”, “Kẻ đối đầu”, “Giá nhang đèn và những truyện khác”, “Màu vàng thần tiên”, “Chuyện của con gái người hát rong”, “Đàn sẻ ri bay ngang rừng”, “Tiếng gà gáy trong rừng hoa A-rui”, “Cà phê yêu dấu”, “Những bông điệp cuối mùa”, “Cành phong hương”, “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, “Hoàng mộc hương”…Văn của Võ Thị Xuân Hà có phong cách rất riêng, nội lực dồi dào, sâu sắc, trữ tình. Từng thử sức ở lĩnh vực biên kịch điện ảnh nên trong không ít tác phẩm, có nhiều đoạn nhà văn viết như kịch bản. Mỗi câu văn ngắn gọn là hình ảnh sinh động, cuốn hút tạo nên một mảng hiện thực vời vợi, dạt dào cảm xúc cho độc giả. Trong chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay, giọng đọc…sẽ chuyển tới các bạn một sáng tác như thế của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, truyện ngắn mang tên "Đất hoa" (Chương trình Đọc truyện đêm khuya phát 4/3/2021)

Thông điệp của mùa xuân trong hai truyện ngắn “Tướng bà” và

Thông điệp của mùa xuân trong hai truyện ngắn “Tướng bà” và "Rừng thiêng" 3/3/2021

Mùa xuân đâu chỉ là mùa của lễ hội mà còn là mùa của cây cối đâm chồi nẩy lộc, là mùa trồng cây gây rừng “Để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Nếu như truyện ngắn “Tướng bà” của nhà văn Đỗ Hàn đậm hương vị văn hóa đồng bằng Bắc Bộ thì truyện ngắn “Rừng thiêng “của tác giả Đinh Su Giang đượm phong vị của núi rừng Tây Nguyên. Không gian trong trẻo nhuốm màu sắc huyền bí. Con người Tây Nguyên khảng khái bộc trực, đầy khát vọng và khí chất. Nếu “Tướng bà” gọi ta về với văn hóa dân gian thì “Rừng thiêng” gọi ta về với nơi khởi nguồn, để biết gần gũi giao hòa và trân trọng thiên nhiên. Bút pháp của truyện vừa độc thoại nội tâm vừa nhuốm màu huyền ảo, diễn tả thế giới của những con người sống gần với thiên nhiên, đôi khi nghe được tiếng nói của rừng, trò chuyện tâm sự với rừng và trăn trở đau đáu về việc gìn giữ những cánh rừng. Vậy là mùa xuân luôn mang đến những thông điệp tích cực, gần gũi để mỗi người sống ý nghĩa hơn trong những ngày tiếp theo (Lời bình của BTV Tuyết Mai)

“Tính cách Nga”: Lòng nhân ái, thủy chung của con người

“Tính cách Nga”: Lòng nhân ái, thủy chung của con người 23/2/2021

Truyện ngắn “Tính cách Nga” là một tác phẩm với dung lượng vừa phải. Tuy nhiên, chính trong tác phẩm không lớn này, A-lếch-xây Tôn-xtôi đã làm nổi bật những nét chính yếu trong tính cách của dân tộc Nga thông qua câu chuyện không quá nhiều tình tiết. Thực sự, con người ta thường chỉ bộc lộ đúng bản chất của mình trong những tình huống éo le đau đớn nhất. Và những con người trong truyện ngắn “Tính cách Nga” cũng đã hành xử đúng với mình nhất, xứng đáng với đạo lý và tình nghĩa nhất khi phải đối mặt với hiện thực đầy mất mát và bi thảm. Tác phẩm kể về người lính xe tăng Ê gô Đrê-mốp. Anh vốn là một thanh niên đẹp trai, tuấn tú, rất yêu thương cha mẹ mình. Anh cũng có cô người yêu Katya xinh đẹp ở làng mà anh coi như báu vật. Trên chiến trường, anh lập được nhiều chiến công nhưng vốn là người khiêm nhường nên không hay kể lể về thành tích của mình. Trong một trận đánh, xe tăng bị bắn cháy và Drê -mốp đã bị thương nặng. Anh phải trải qua nhiều ca phẫu thuật mới thoát được cái chết mười mươi. Rốt cục gương mặt anh bị biến dạng, có nguy cơ bị loại ngũ. Tuy nhiên, anh vẫn kiên quyết đề nghị cấp trên cho anh trở lại trung đoàn cũ. Cấp trên cho anh nghỉ phép hai mươi ngày về thăm nhà trước khi lại ra chiến trường. Về quê cũ, không muốn làm cha mẹ phải đau đớn vì khuôn mặt đã bị biến dạng của mình, Đrê -mốp xưng là bạn của con trai họ. Và anh đã được gia đình tiếp đón rất tình cảm. Sáng hôm sau, Ca-chi-a cũng tới thăm anh và hỏi chuyện về người yêu của mình… Đrê - mốp đã kể về các chiến tích của người lính và quyết định sẽ vĩnh viễn ra khỏi cuộc đời Ca-chi-a để không làm cô đau đớn…Trở lại chiến trường, Đrê -mốp đã nhận được thư của người mẹ: bằng sự linh cảm của hiền mẫu, bà muốn hỏi anh: có phải đó là chính anh đã trở về thăm nhà hay không? Vì bà luôn có cảm giác anh thực sự là con trai bà… Bà nói rằng, bà tự hào về con trai mình và muốn gặp lại anh để biết sự thật… Rồi Đrê-mốp có cơ hội gặp lại mẹ, gặp lại người yêu. Ca-chi-a nói rằng cô chỉ muốn suốt đời sống với anh thôi dù gương mặt anh bây giờ không như xưa nữa…Đó là nét tính cách Nga mà A-lếch-xây Tôn-xtôi muốn nói tới, sự nhân ái thủy chung không gì có thể thay đổi, càng trong bi thương càng ngời sáng và bền vững…(Lời bình của nhà thơ Hồng Thanh Quang)

Những sắc thái tình yêu trong hai truyện ngắn

Những sắc thái tình yêu trong hai truyện ngắn "Mùa xuân yêu thương" và "Thư tình mùa xuân” 17/2/2021

Cả hai truyện ngắn thể hiện những sắc thái khác nhau của tình yêu khi về xuân về. Nếu truyện ngắn đầu viết về tình yêu đầy sức sống của tuổi đôi mươi thì truyện ngắn “Thư tình mùa xuân” là tình yêu ở tuổi xế chiều của nhân vật người đàn ông đã ngoài 50 tuổi. Với truyện ngắn “Mùa xuân yêu thương”, con người như hòa cùng không khí hân hoan, rạo rực của ngày hội. Nhân vật chàng thanh niên nói như là duyên định ấy. Nhưng thực ra không khí mùa xuân cũng góp phần nảy nở mối duyên tình của đôi trai gái. Qua lời kể của nhân vật, chúng ta cảm nhận được không khí vui tươi của đất trời và con người trong này hội làng mừng xuân. Con người như say trong chất mật ngọt của ngày xuân và tình yêu nảy nở trong lòng hai bạn trẻ cũng là điều tất nhiên. Truyện ngắn được viết với ngôn từ đẹp, hình ảnh giàu màu sắc ngày xuân khiến người đọc, người nghe đồng cảm và vui lấy với tình yêu của nhân vật. Nếu tình yêu của đôi bạn trai gái trong truyện “Mùa xuân yêu thương” gặp rất nhiều thuận lợi khi nảy nở trong thời điểm vạn vật sinh sôi, đất trời giao hòa thì mối tình của nhân vật trong truyện ngắn “Lá thư mùa xuân” có phần trắc trở hơn. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi nhân vật không còn ở tuổi trai trẻ lại đã từng lập gia đình. Khi người ta đã qua cái tuổi thanh xuân hồn nhiên, mơ mộng mà phải viết thư tình thì thật không dễ chút nào. Nhưng vì kiếm sống anh đành làm công việc viết thuê thư tình cho các đôi trai gái. Đến lúc anh viết thư tình cho mình thì lại lúng túng thức trắng đêm bỏ đi cả trăm bức thư nháp. Tuổi đã ngoài 50 nhưng khi nhận lá thư gửi lại thì anh cũng háo hức, hồi hộp không khác gì chàng trai trẻ với mối tình đầu. Truyện ngắn hóm hỉnh từ cách lựa chọn đề tài đến ngôn ngữ thể hiện. Truyện được viết với giọng văn tự châm biếm và có chút chua chát cho số phận của mình. Nét hài hước trong tình yêu khiến người đọc, người nghe phải bật cười khi đọc lá thư gửi lại của cô giáo dạy văn ở cuối truyện ngắn. Hai câu chuyện với những cung bậc tình cảm khác nhau trong tình yêu nhưng chúng ta đều thấy hiện lên sự tươi mới, ấm áp vui tươi trong tâm hồn con người khi mùa xuân về. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Khu độc thân" vui vẻ 9/2/2021

Truyện ngắn “Khu độc thân” của nhà văn Nguyễn Thế Hùng mà chúng ta vừa nghe kể về câu chuyện những người lính sỹ quan độc thân xa nhà hết sức giản dị, chân chất, đời thường nhưng cảm động. Nhân vật tôi, ông Tuỳnh, Len… có hoàn cảnh gần giống nhau, ông Tuỳnh và Len xa gia đình, người xa vợ, người xa chồng và nhân vật tôi thì có người yêu ở quê. Họ chia sẻ với nhau trong cuộc sống hàng ngày, thấu cảm nỗi cô đơn, thiếu thốn. Sự bông đùa, trêu ghẹo nhau khi vắng chồng, xa người yêu cũng chỉ là cái cách giải tỏa nỗi buồn, nỗi cô đơn mà thôi. Chúng ta thấy thẳm sâu trong câu chuyện là nỗi mong nhớ cồn cào, sự khao khát của tôi, của Len, kể cả ông Tuỳnh… họ biết nén lại, biết chờ đợi và hi sinh để bảo toàn hạnh phúc của riêng mình. Sự ấm áp của câu chuyện chính là tình yêu lứa đôi của các nhân vật được đặt trong trạng huống khá trớ trêu nhưng ai cũng tự tìm cho mình con đường đi đến hạnh phúc đích thực. Ông Tuỳnh vui với hạnh phúc tuổi già với cô Thương cùng đứa con trai kháu khỉnh. Len đoàn tụ với chồng sau mấy năm xa cách và sinh con đầu lòng xinh xắn. Cuộc sống của họ đơn giản, khiêm tốn nhưng hạnh phúc đủ đầy, ấm áp. Câu chuyện về những người độc thân mà chúng ta lại có cảm giác ấm cúng, tin cậy, yêu đời… Đó là thông điệp nhân văn mà tác giả đã khéo léo gửi gắm trong truyện ngắn này… (Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Lấy vợ vùng cao": Gian nan làm giàu 9/2/2021

“Lấy vợ vùng cao” của tác giả Trần Nguyên Mỹ trước hết là một câu chuyện tình giữa trai phố và gái bản, mà thoạt đầu, rất dễ khiến người ta nghĩa đến những điều lãng mạn. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Mỉ và Cường lại không hề nên thơ. Chàng công tử nhà giàu lúc đó đã sa cơ lỡ vận. Còn gia đỉnh Mỉ bao đời sống dựa vào nương thuốc phiện. Tương lai của cô sơn nữ cũng từng mịt mù như khói bàn đèn… Nhờ vận rủi mà nên duyên, nhưng điều đáng mừng và đáng khen của hai vợ chồng là quyết tâm làm lại cuộc đời. Từ việc mua đất, trồng mận, mở công ty, rồi làm đường để tiện vận chuyện buôn bán, cả Mỉ lẫn Cường đều phải đối diện với những thách thức khác nhau, phần từ nếp nghĩ cũ, phần vì thiếu tiền. Nhưng ở họ, nhất là nhân vật Cường, vẫn vững vàng một ý chí làm giàu bằng con đường chính đáng. Bằng giọng văn dung dị, nhưng với cách nói hay ví von, giàu hình ảnh, tác giả Trần Nguyên Mỹ đã khắc họa thành công bối cảnh của bản Mông “chon von trên núi cao, cả mùa đông ướp cóng trong sương lạnh”. Thế giới nội tâm của Mỹ và Cường cũng được chú ý khắc họa, cùng với sự sinh động của ngôn ngữ đối thoại khiến câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Ngoài ra, đây cũng là một truyện ngắn có nhiều lớp lang. Trong câu chuyện của hai vợ chồng Mỉ - Cường có câu chuyện riêng của từng người, thậm chí thấp thoáng trong đó còn là hành trình cai nghiện đầy gian khổ của bố Mỉ hay cuộc đời thăng trầm của mẹ Cường. Mỗi một phận đời ấy đều có thể gợi lên trong chúng ta những suy nghĩ về cuộc đời…(Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

"Đồi ngựa trắng": Một truyện ngắn hay của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 6/2/2021

Các truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều thường đẩy nhân vật vào những hoàn cảnh éo le, trớ trêu, thậm chí là đẩy nhân vật vào đỉnh điểm của sức chịu đựng, để sau đó là sự vỡ òa của cảm xúc, lắng đọng mãi nơi tâm hồn mỗi độc giả những thông điệp của lòng yêu thương, tình yêu cuộc sống, số phận con người. Đồi ngựa trắng theo tôi là một truyện ngắn điển hình cho phong cách đó. Huy đã quay lại ngọn đồi lần thứ ba và định rằng đây sẽ là lần trở lại cuối cùng bởi thời gian của anh không còn nhiều nữa, khi chất độc da cam của những năm tháng chiến tranh đang ngày càng phát tác. Thời gian của câu chuyện trải dài trong nhiều năm, từ khi chiến tranh chưa kết thúc đến thời kỳ sau hòa bình. Con ngựa trắng vừa là chứng nhân, vừa là cảm hứng để nảy nở tình yêu giữa Huy và Mị. Một tình yêu trong trẻo, đẹp đẽ của thời chiến vừa mới nhóm lên thì hai người đã phải cách xa nhau, kéo theo một khát vọng dang dở về việc hoàn thành bức tranh về con ngựa trắng của Huy. Chiến tranh và sự khốc liệt của nó đã cuốn đi nhiều thứ, lấy đi nhiều thứ của con người, trong đó có tuổi trẻ và hạnh phúc của nhiều đôi lứa. Nhưng bi kịch của Đồi ngựa trắng ít nhiều nguôi vơi khi tác giả để cho Huy và Mị được gặp lại nhau trong những ngày tháng cuối cùng của Huy, khi mà cả Mỵ nữa, cũng đã đi sang nửa dốc bên kia của đời người. Chi tiết cuối cùng của truyện, khi con ngựa hí vang, rùng mình và tung vó giống như một phép màu, một điều kỳ diệu. Tuổi trẻ cùng tình yêu của Huy và Mị cũng như được tái sinh, và họ đã chạm tới một niềm hạnh phúc khác biệt, không phải ai cũng dễ dàng có được trong đời (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45

Làn sóng Nghệ thuật (đang phát)

08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya