"Mùa hoa dã quỳ": Ngời sáng phẩm chất người chiến sỹ công an nhân dân12/11/2021

Truyện ngắn “Mùa hoa dã quỳ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến lấy bối cảnh từ những trận lũ lịch sử, gây nhiều thiệt hại lớn về người và của xảy ra ở các tỉnh miền Trung vào năm ngoái. Ở đây, tác giả đã dựng lên hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân về cắm bản, giúp dân xây dựng đời sống mới, giữ gìn trật tự trị an nơi vùng biên cương có đông đồng bào các dân tộc sinh sống. Ở đó, người công an trẻ phải đối diện với những khó khăn trong ứng xử, đòi hỏi phải khéo léo trong phương pháp công tác mới có thể thu phục được lòng tin của nhân dân. Thành là chiến sĩ công an ngay từ khi được điều chuyển về làm Trưởng công an xã, đã thể hiện phẩm chất cao quý của người chiến sĩ công an nhân dân, sống tình cảm, gần gũi, luôn sẵn lòng giúp đỡ nhân dân nơi địa bàn đóng quân. Trận lũ ống, lũ quét có một không hai bất thần ập đến, đã vùi lấp tất cả nhà cửa ở bản A Bưng. Trong trận lũ ấy, Thành đã bất chấp mọi hiểm nguy, lao ra giữa dòng nước chảy xiết để cứu sống vợ và ba đứa con của Hồ Mân, đang cận kề với cái chết, trong khi Hồ Mân vắng nhà. Sau đó, Thành bị dòng nước cuốn trôi khi tiếp tục ứng cứu những người dân trong bản bị mất tích. Sự hy sinh của Thành đã khiến mọi người dân trong bản xúc động, thức tỉnh và cảm hóa những người như Hồ Mân, nhắc nhở anh ta phải biết sống, làm ăn chân chính ngay chính trên quê hương mình. Qua truyện ngắn “Mùa hoa dã quỳ”, tác giả ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người công an, sống và làm việc hết lòng vì dân, khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tuổi xuân của mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Thành đã sống đúng như những gì anh đã nói: “Dã quỳ là loài hoa hoang dã, nhưng màu sắc của nó là màu của hạnh phúc, nó sẽ đem lại điều may mắn và tốt đẹp cho mọi người”. Thiết nghĩ, loài hoa tràn đầy sức sống mãnh liệt này còn là biểu tượng cho tình yêu chung thủy, tỏ ý kiêu hãnh, kiên cường không bao giờ chịu khuất phục./.

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức 8/11/2021

Thoạt nghe nhan đề và qua 2/3 chặng truyện ngắn “Báo thù”, người đọc, người nghe vẫn ngỡ rằng con đại bàng chồng – chúa tể của bầu trời sẽ dùng chính sức mạnh của nó để dạy cho người thợ săn một bài học – Một bài học đích đáng vì đã sát hại bạn đời của nó. Thế nhưng kết cục thực sự của câu chuyện thực sự không chỉ gây bất ngờ mà còn khiến chúng ta lặng người. Sau hành động quắp xác bạn đời lên mỏm núi cao, con đại bàng chồng dường như đã hóa đá, nói đúng hơn là nó đã chết trong tư thế vẫn đậu trên mỏm núi, đôi cánh phủ trùm lên xác con đại bàng cái – Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ sa mạc trở về với gia đình. Anh đã phải nếm trải cảm giác sợ hãi khi thức giấc giữa đêm và linh cảm về sự an nguy của vợ con. Hơn bao giờ hết, lúc này, người thợ săn mới thấm thía nỗi đau của con đại bàng chồng khi con đại bàng vợ bị nòng súng của anh sát hại một năm về trước. Anh đã kịp dừng lại tránh tiếp tục gây nên thảm cảnh, cũng là để sám hối, giải tỏa phần nào cảm giác tội lỗi dày vò. Thói đời vẫn vậy. Loài đại bàng đã chọn sải cánh ở sa mạc, núi cao những nơi vắng bóng loài người nhưng cuối cùng vẫn bị con người truy lùng, tận diệt. Nếu không phải trả giá, không chịu đựng những mất mát, nỗi đau thống thiết, không biết đến khi nào những ngón tay bóp cò súng săn mới chịu chùn lại. Cho tới trước khi bị tước đoạt mất những người thân yêu nhất, con người dường như vẫn chưa thấu hiểu được cảm giác chia lìa đồng loại của loài vật. Dịch giả đã chuyển tải được chiều sâu xót xa của câu chuyện “Báo thù” dưới ngòi bút của một nhà văn Xô Viết đắm mình trong thổn thức của thiên nhiên. (Lời bình của BTV Võ Hà)

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức

Truyện ngắn Roman Ivanytchouk: Khi thiên nhiên thổn thức 8/11/2021

Thoạt nghe nhan đề và qua 2/3 chặng truyện ngắn “Báo thù”, người đọc, người nghe vẫn ngỡ rằng con đại bàng chồng – chúa tể của bầu trời sẽ dùng chính sức mạnh của nó để dạy cho người thợ săn một bài học – Một bài học đích đáng vì đã sát hại bạn đời của nó. Thế nhưng kết cục thực sự của câu chuyện thực sự không chỉ gây bất ngờ mà còn khiến chúng ta lặng người. Sau hành động quắp xác bạn đời lên mỏm núi cao, con đại bàng chồng dường như đã hóa đá, nói đúng hơn là nó đã chết trong tư thế vẫn đậu trên mỏm núi, đôi cánh phủ trùm lên xác con đại bàng cái – Một sự tuẫn tiết vì nghĩa thủy chung trước nỗi đau khôn nguôi. Sự hoang mang của người thợ săn những ngày khi chưa nhận ra sự thật ấy vẫn chưa là gì so với nỗi ám ảnh dày vò sau quãng thời gian dài sau đó, khi đã từ sa mạc trở về với gia đình. Anh đã phải nếm trải cảm giác sợ hãi khi thức giấc giữa đêm và linh cảm về sự an nguy của vợ con. Hơn bao giờ hết, lúc này, người thợ săn mới thấm thía nỗi đau của con đại bàng chồng khi con đại bàng vợ bị nòng súng của anh sát hại một năm về trước. Anh đã kịp dừng lại tránh tiếp tục gây nên thảm cảnh, cũng là để sám hối, giải tỏa phần nào cảm giác tội lỗi dày vò. Thói đời vẫn vậy. Loài đại bàng đã chọn sải cánh ở sa mạc, núi cao những nơi vắng bóng loài người nhưng cuối cùng vẫn bị con người truy lùng, tận diệt. Nếu không phải trả giá, không chịu đựng những mất mát, nỗi đau thống thiết, không biết đến khi nào những ngón tay bóp cò súng săn mới chịu chùn lại. Cho tới trước khi bị tước đoạt mất những người thân yêu nhất, con người dường như vẫn chưa thấu hiểu được cảm giác chia lìa đồng loại của loài vật. Dịch giả đã chuyển tải được chiều sâu xót xa của câu chuyện “Báo thù” dưới ngòi bút của một nhà văn Xô Viết đắm mình trong thổn thức của thiên nhiên. (Lời bình của BTV Võ Hà)

"Dưới đáy hồ": Thế giới của những người đã khuất 4/11/2021

Truyện ngắn Dưới đáy hồ của Nguyễn Đức Hạnh dựa vào một sự kiện có thật, đó là vụ tai nạn năm 1986 trên hồ Núi Cốc làm 23 nghệ sĩ và người thân của Đoàn kịch Bắc Thái đã tử nạn khi ca nô bị lật. Mượn cái cớ này để từ đó nhà văn tạo ra một câu chuyện khác của riêng mình bằng bút pháp hiện thực huyền ảo. Truyện được kể qua ngôi thứ ba, nhân vật Hắn, vốn là một văn sĩ căm ghét đàn bà, đang trong một chuyến nghỉ dưỡng ở khu nhà sáng tác để tìm cảm hứng cho tác phẩm mới. Nhân vật quan trọng nhất tiếp theo mới xuất hiện. Đó là hồn ma của người phụ nữ bụng mang dạ chửa đã tử nạn mấy chục năm trước giờ hiện về để kể lại câu chuyện cho Hắn nghe. Câu chuyện cảm động, đầy ắp sự bao dung, lòng yêu thương của một người vợ - người mẹ luôn hết lòng vì chồng con đã làm gã văn sĩ rơi lệ và đồng ý giúp người phụ nữ chuyển thông điệp tới người chồng. Chi tiết hai người đàn ông mang theo mâm lễ và trở lại mặt hồ năm nào để viếng người xấu số cùng hình ảnh người vợ bay lên khỏi mặt nước làm ta liên tưởng tới phần cuối truyện ngắn Người con gái Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, khi Vũ Thị Thiết cũng bay lên khỏi mặt nước để chào Trương Sinh lần cuối khi được Trương Sinh lập đàn cầu siêu. Về mặt biểu hiện nghệ thuật, có thể nhiều độc giả còn chưa thỏa mãn với những dụng công của tác giả Dưới đáy hồ, nhưng về giá trị tinh thần và giá trị giáo dục của truyện, tôi cho rằng tác phẩm đã gửi gắm được những thông điệp quan trọng. Thứ nhất, thế giới của những người đã khuất và những câu chuyện đã qua của họ vẫn luôn có những tương tác, ảnh hưởng, chi phối đến những người đang sống, từ đó khiến những người đang sống phải suy nghĩ và sống làm sao cho tốt hơn. Thứ hai, giá trị tinh thần là những thứ sẽ còn lại mãi mãi, không bao giờ bị mât đi. Cụ thể trong câu chuyện này, sự hy sinh quên mình của người vợ là một chi tiêt có giá trị giáo dục sâu sắc. Người phụ nữ ấy đã cảm hóa được cả những nỗi sân hận đàn bà trong tâm trí nhân vật Hắn. Và sau cùng, truyện ngắn Dưới đáy hồ còn nói với chúng ta một câu chuyện của sáng tạo nghệ thuật. Đó là tác phẩm cần phải có cảm xúc chân thành, mạnh mẽ và dù ở bất kỳ thời nào, số phận con người cũng là thứ cần được quan tâm hàng đầu. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt

“Dừng lại bên sông”: Lẽ sống nhân văn của người Việt 1/11/2021

Truyện ngắn mà chúng ta vừa nghe được kết cấu theo lối truyện lồng trong truyện và tác giả sử dụng khá nhiều giọng kể khác nhau khiến chúng ta hơi khó theo dõ . Nhưng bù lại một đề tài không mới được kể với hình thức mới mẻ , nhiều lớp lang, lôi kéo sự dõi theo của mỗi chúng ta. Đầu tiên phải kể đến giọng kể của nhân vật tôi – người chủ ngôi nhà nơi có khu vườn với 2 ngôi mộ sau chiến tranh. Nhân vật tôi có bố là một giáo sư day triết nhưng cũng phải khoác tấm áo lính quân dịch Cộng Hòa. Tiếp đến câu chuyện của ông Năm Cân làm nghề sông nước, một cơ sở cách mạng nằm vùng có người con trai cũng đi theo cách mạng, hoạt động binh vận trong lòng địch , chết bởi bom đạn khi chưa kịp có những đóng góp gì. Và cuối cùng đáng chú ý là giọng kể của người lính Cộng hòa đã chết trên đường đào ngũ được chôn tại vườn nhà của nhân vật tôi. Vậy là gói gọn trong truyện ngắn cả một bức tranh đời với bao số phận trong và sau chiến tranh. Sống trong vùng tạm chiếm nhân thân của mỗi người khá phức tạp, ranh giới giữa ta và địch chỉ trong gang tấc, vì hoàn cảnh sống mà nhiều khi buộc người ta phải khoác áo lính. Sau chiến tranh người còn người mất cũng không có ai làm chứng cho thân phận, hay nhân cách của họ. Tình huống hai ngôi mộ của hai người lính giải phóng – và lính cộng hòa nằm cạnh nhau, rồi dẫn đến sự nhầm lẫn này nọ….xảy ra khá phổ biến trong việc đi tìm hài cốt sau chiến tranh. Nhưng điều đó còn ý nghĩa gì khi họ cùng là đồng bào mình, tóc đen da vàng, họ cùng một mẹ tổ quốc, khi mà nỗi đau về sự mất mát của người thân họ là giống nhau và không thể có gì bù đắp, khi mà sau mấy chục năm đã đến lúc hòa giải dân tộc, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. “Dừng lại bến sông” – một lần nữa khẳng định lẽ sống nhân văn của con người Việt Nam. (Lời bình của BTV Lê Tuyết Mai)

“Ánh trăng”: Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người miền Tây Nam Bộ

“Ánh trăng”: Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người miền Tây Nam Bộ 28/10/2021

Chàng trai người Cà Mau chia sẻ rằng anh luôn muốn làm mới mình qua nhiều “phép thử” với đề tài chiến tranh, thiếu nhi. Thế nhưng, thiên nhiên và con người miền Tây vẫn là điều anh tâm đắc và có một vị trí đặc biệt trong tâm hồn. Duy chia sẻ: “Tình yêu gia đình, quê hương đã khơi trong tôi nhiều xúc cảm vì dòng sông, cánh đồng, nhịp sống lao động ở đây đã khắc sâu vào ký ức tuổi thơ. Vùng đất tưởng chừng rất đỗi thân thuộc nhưng càng tìm hiểu thì “càng ngắm càng say”, viết bao nhiêu cũng chưa thể khai thác hết được vẻ đẹp của nó”. Cách kể chuyện của anh có nét hồn nhiên, sôi nổi của tuổi trẻ, nhưng nổi bật là giọng văn đằm thắm, điềm đạm như một người từng trải. Lý giải điều này, anh cho biết việc tích cực đọc sách, không ngại đi đây đó, dấn thân, lăn xả vào thực tế đã bồi đắp cho vốn sống thêm dày dặn, chững chạc. Anh còn bật mí thêm, sự lắng nghe để tiếp thu, sửa đổi theo những góp ý chân thành của những người xung quanh cũng đã giúp cho sản phẩm qua từng ngày được hoàn thiện, mượt mà. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Nhàn”: Gian truân đời người phụ nữ

“Nhàn”: Gian truân đời người phụ nữ 20/10/2021

Nhiều vấn đề của nông thôn như đất đai, thói đời, sự tham lam ích kỷ... được đề cập trong truyện ngắn này nhưng nổi lên vẫn là thân phận người phụ nữ. Dường như đã ăn vào máu, người phụ nữ nông thôn bao đời nay vẫn luôn cam chịu. Với người phụ nữ ít học, nhà nghèo và hình thức xấu xí, sự mặc cảm cam chịu còn lớn hơn . Họ nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi, tự cho mình không được hưởng một đặc ân gì. Và ở mỗi làng quê dường như vẫn luôn tồn tại vài ba số phận kiểu như nhân vật Nhàn trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe. Có người đến cưới hỏi mình , Nhàn cho đó như một đặc ân vậy, mừng lắm rồi, còn đâu dám đòi hỏi, hay thắc mắc gì . Nghiễm nhiên Nhàn trở thành người hầu gái, người làm không công, trông nom bố mẹ già cho chồng hờ. Nỗi niềm nội tâm nhân vật Nhàn được tác giả tập trung thể hiện qua giọng điệu tự sự. Nhân vật Nhàn hiểu xấu xí là một sự yếm thế. Và nhan sắc với phụ nữ là một tài sản, một ưu thế . Song cái nết đánh chết cái đẹp. Ngoài vẻ hình thức không được bằng người, Nhàn là một phụ nữ phúc hậu nhân ái . Có thể thấy điều đó ở chi tiết bấy lâu biết chồng hờ hững lợi dụng nhưng Nhàn vẫn chăm sóc tử tế bố mẹ chồng , thời gian rảnh chạy sang nhà mẫu giáo phụ giúp, chơi với lũ trẻ. Già nửa đầu, truyện được kể một cách từ tốn theo dòng tự sự của nhân vật, bình lặng có phần buồn tẻ, kém gây ấn tượng nếu không có những biến cố ở cuối truyện. Đó là chi tiết chồng Nhàn cùng cô vợ bên trời Tây trở về giải quyết tài sản đất đai khi bố mẹ họ mất. Tới đây thói đời được phơi bày, bản chất xấu xa vô liêm xỉ của con người mới lộ diện. Chỉ có Nhàn – như bông sen giữa bùn lầy là ngờ nghệch, lạc lõng đứng ngoài. Dẫu sao chi tiết cuối với sự hiện diện của người chị chồng và việc làm ít nhiều còn mang tình người đã lấy lại công bằng cho Nhàn . Chi tiết này cũng làm truyện sáng hơn và mang tính “vấn đề của một nông thôn thời hiện đại”. Đó là việc tranh chấp đất đai, và nhân vật Nhàn đã không cam chịu. Sau những thua thiệt, cuối cùng Nhàn cũng biết hành động có ý nghĩa, nhận phần đất xứng đáng được hưởng để xây trường mẫu giáo cho trẻ em trong làng. Chi tiết này cũng nâng truyện lên. Tạo một cái kết giúp truyện đứng được (Lời bình của Lê Tuyết Mai)

“Chuông gió lanh canh”: Ngân rung những giai điệu tình yêu

“Chuông gió lanh canh”: Ngân rung những giai điệu tình yêu 7/10/2021

Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật kể chuyện xưng “tôi”, một cô bé tật nguyền-nhân viên lễ tân của khu nghỉ dưỡng. Tuy thiệt thòi về hình thể, nhưng Tôi lại được trời phú cho khả năng có thể nhìn thấy hết mọi thứ trong bóng đêm, bất chấp mọi vách ngăn, cánh cửa. Tôi có thể nhìn thấu tâm can, “đọc” được mọi suy nghĩ của người khác. Khả năng ấy và là người ngoài cuộc nên sự nhìn nhận, đánh giá về nhân vật “Chị” và mối quan hệ với hai người đàn ông vẻ như sẽ rõ ràng hơn, khách quan hơn. Đây là sự sáng tạo rất riêng của tác giả. Một câu chuyện tình éo le, nhưng tác giả không đi sâu khai thác khía cạnh mâu thuẫn, kịch tính, với những ghen tuông, trả thù mà chỉ đồng hành cùng người kể chuyện đồng cảm với tâm trạng của người phụ nữ. Người đọc người nghe cũng như nhân vật Tôi có thể đã thở phào nhẹ nhõm khi cái thai trong bụng của Chị-kết quả mối tình vụng trộm với Khanh bị hỏng. Rồi đây chị có thể trở lại cuộc sống vui vẻ bên chồng cùng ba đứa con và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng, cái hay của truyện nằm ở chỗ, Chị đã thú nhận với chồng tất cả. Chị làm điều đó vì lương tâm không cho phép hay vì mặc cảm tội lỗi, vì xấu hổ? Thật khó có câu trả lời rạch ròi. Nhưng hẳn bạn đọc cũng cùng chung suy nghĩ với người biên tập rằng, Chị đáng thương hơn là đáng giận? Bởi, suy cho cùng cho dù như thế nào thì cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ. Chuông gió chỉ lanh canh khi có gió. Chim sẻ chỉ bay về khi tiết trời nồng ấm… Chuông gió là chi tiết và cũng là cái tứ của truyện ngắn này. Chuông gió là một đồ vật trang trí, tạo âm thanh vui tai. Trong quan niệm của đạo Phật thì tĩnh là chết, động là sống. Do đó khi chuông gió phát ra những âm thanh sẽ giúp cho không gian mênh mang, sống động tạo cảm giác “sống” cho ngôi nhà. Tiếng chuông gió lanh canh, mỏng manh mà sắc nét. Tiếng chuông ấy sẽ ngân rung trong tâm hồn mẫn cảm của Chị những âm thanh và giai điệu của gió trời, của ước mơ, của hy vọng… Đi qua những xót xa, có lẽ mỗi người sẽ trân trọng và nâng niu nhiều hơn những gì mình đang có. Những éo le ngang trái của số phận như nói với chúng ta về sự bất toàn trong đời sống và tình yêu, luôn là điều không thể lường trước hết được. Đối diện với những bất toàn ấy, có lẽ luôn cần sự bình tĩnh và tấm lòng bao dung. (Lời bình của BTV Vũ Hà)

"Ăn ký ức": Tan vỡ một tình yêu 4/10/2021

Truyện “Giọt đắng” của tác giả Đức Hậu và truyện “Ăn ký ức” của tác giả Nguyễn Hồng đều viết về đề tài tình yêu đôi lứa với những trắc trở đắng cay. Nếu “Giọt đắng” phơi bày hiện thực nghiệt ngã của cuộc sống với những tình tiết có thể khiến độc giả bị sốc thì “Ăn ký ức” lại có chút bảng lảng, mơ hồ sau một cuộc tình đột ngột đứt đoạn. Trong đó, xét về phương diện kĩ thuật viết, truyện “Ăn ký ức” có phần ấn tượng hơn. Nhân vật “tôi” và “gã” xuất hiện trong những mảnh kí ức rời rạc. Trong khi “tôi” “can đảm nhấn nút dừng lại” thì “gã” gần như gục ngã sau khi người tình biến mất. Tác giả Nguyễn Hồng không sa đà vào việc kể lể chi tiết về một tình yêu đã cũ. Tất cả những gì người viết trải ra trên mặt giấy là những mảnh vụn kí ức, không đầu không cuối. Ở đó, người ta thấy một cuộc gặp gỡ rồi chia ly. Có điều sau cuộc chia ly ấy có người tiếp tục nhịp sống bình thường, kẻ lại chết dần chết mòn trong nỗi cô độc. Truyện viết sắc sảo, bày ra một thế giới nội tâm có phần tan nát – như nó vốn thế, sau một cuộc tình chẳng biết vì lẽ gì mà chấm dứt. Những chi tiết về cái chết được nhắc đi nhắc lại trong toàn bộ truyện ngắn. Có thể đó là một cái chết có thật, cũng có thể là cái chết của con tim khi “người đi một nửa hồn tôi mất – một nửa hồn tôi hóa dại khờ”. Cái chết lâm sàng ấy có lẽ chúng ta đều đã trải qua trong đời…

"Chiếc khăn xanh trên cửa sổ": Câu chuyện tình đẹp dở dang 30/9/2021

Câu chuyện chúng ta vừa nghe được kể lại bằng một giọng điệu chân thực với nhiều xúc cảm qua lời của Đức - nhân vật chính và tác giả là người chứng kiến. Đức xưng tôi và tác giả cũng xưng tôi. Hai chữ “tôi” như cùng hòa vào nhau trong một nỗi niềm quan tâm, đồng cảm và hơn thế nữa là xa xót, giữa một không gian tĩnh lặng, vừa dữ dội vừa đẹp huyền ảo. Khi câu chuyện của Đức kết thúc cũng là lúc gà gáy đủ sáu lần và trời vừa sáng. Câu chuyện tình đẹp mà dở dang buồn bã ám ảnh tất cả mỗi chúng ta, chạm vào tim độc giả một niềm trắc ẩn khôn nguôi. Vì chiến tranh, loạn lạc, vì những biến động thời cuộc mà trên đất nước này đã có biết bao nhiêu mối tình lỡ dở như thế. Không đến được với nhau để thành đôi thành lứa, hai người yêu nhau có khi còn mãi mãi chia lìa, cả đời không được gặp lại nhau. Trong truyện ngắn chúng ta vừa nghe, khi Đức có cơ hội quay về thăm cố hương thì người yêu thuở nào của anh sau 30 năm đằng đẵng chờ đợi cũng đã không còn trên đời. Chiếc khăn xanh trên cửa sổ là một chi tiết ám ảnh, đồng thời cũng là cái tứ đặc sắc cho thiên truyện. Màu xanh ấy tự nó mang một biểu tượng về hy vọng và đợi chờ, nhưng những đợi chờ ấy cứ mòn mỏi nhạt nhòa dần theo tháng năm. Nhưng dù người con gái có không còn nữa thì sự chờ đợi ấy vẫn kéo dài thêm mãi, cho tới ngày Đức quay về. Tình yêu và lòng chung thủy vì thế, theo một nghĩa nào đó, mãi thiêng liêng và không bao giờ chết. Khép lại câu chuyện, ta thấy cả Đức cũng như tác giả đều không cho người đọc biết người con gái đã đằng đẵng đợi chờ ấy có tên là gì. Có lẽ, đó cũng là một chủ ý của người viết chăng. Lòng chung thủy sắt son ấy có nhiều lắm trong muôn vàn những người phụ nữ ở xứ sở này và trên cõi đời này. Và việc không nhắc về một cái tên cụ thể có khi cũng làm nỗi đau nguôi ngoai hơn. Việc hàng trăm chiếc khăn xanh được treo trên cửa số, qua bao mùa nắng mưa, cứ bạc màu lại thay chiếc khác; rồi việc Đức lần tìm trên khắp những tuyến đường sắt ô cửa nào có treo chiếc khăn xanh là những chi tiết còn neo lại mãi trong lòng người đọc. Nghe và đọc truyện ngắn này xong, tôi nghĩ, mỗi người đàn ông sẽ biết thương yêu hơn người phụ nữ ở bên mình (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

“Công tử”: Đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống

“Công tử”: Đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống 29/9/2021

Với giọng văn hóm hỉnh, châm biếm tác giả đã xây dựng lên một vị công tử có tính cách khá đặc biệt. Phúc là con một trong gia đình giàu có, ăn học tử tế, tốt nghiệp đại học và được vào làm trong một ngân hàng. Đó là điều kiện sống trong mơ của biết bao con người và đáng lẽ cuộc đời công tử Phúc phải đặc sắc lắm. Thế nhưng Phúc lại thấy đời thật tẻ nhạt vô vị. Nhân vật Phúc mà tác giả châm biếm đặt danh xưng là Y không buồn, không vui, không ham muốn gì, không phấn đấu mà cũng chả ăn chơi hư hỏng. Nói một câu xanh rờn là ở đời công tử nhạt hơn nước ốc. Với tâm lý, suy nghĩ sống thế nào cũng được khi mà mọi việc đã quá đủ đầy, cái gì cũng không phải lo nên Phúc nhìn mọi sự việc nhạt nhòa, thiếu cảm xúc. Để đời đỡ vô vị, Phúc nghỉ việc ở ngân hàng đi làm xe ôm. Được mấy năm làm xe ôm có chút sắc màu thì Phúc nhận được cú vấp đầu đời khi cô gái mình thích ở khu trọ cưới một chàng công tử. Từ đó Phúc quay trở lại cuộc sống ăn chơi khét tiếng của một công tử đất Hà Thành. Nhưng thực ra công tử Phúc vẫn đứng ngoài lề cuộc đời, không có gì khiến Y phải bận tâm. Từ việc người yêu là Miên không chiu nổi sự tẻ nhạt mà bỏ đi hay tin ông bố tự sát để trốn tội thì Phúc đón nhận với tâm thái dửng dưng, bình thản. Ngay cả việc từ một công tử giầu có trở thành kẻ trắng tay cũng không khiến Phúc bận tâm. Chỉ đến khi không một xu trong túi, ba ngày đói ăn thì bản năng xúc cảm của con người mới trỗi dậy. Đó là sự cay đắng, chua chát, xấu hổ khi nhân vật phải ăn xin sống qua ngày. Nhìn thấy chiếc vòng trên tay người phụ nữ tốt bụng, Phúc tưởng gặp lại người yêu cũ là Miến nên xấu hổ bỏ chạy. Cuộc đời, số phận công tử Phúc sẽ ra sao là một ẩn số với người đọc, người nghe nhưng dù sao nó không còn tẻ nhạt như xưa nữa. Đây là một truyện ngắn mang đến cho người đọc, người nghe nhiều suy ngẫm về hạnh phúc, về cảm xúc vui buồn, khát vọng, ý chí phấn đấu của con người...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

Nhân dạng người Ấn nhập cư trong truyện ngắn

Nhân dạng người Ấn nhập cư trong truyện ngắn "Người gác cổng chân chính" 23/9/2021

Chuyện kể về một người phụ nữ lớn tuổi tự nguyện quét dọn khu nhà ở tồi tàn của người nhập cư để đổi lấy một chỗ ngủ ngay dưới chân cầu thang. Điểm mấu chốt làm nên sức ám gợi của truyện ngắn này có lẽ là ở việc nhà văn đã chọn được những chi tiết rất đắt. Đó là hình ảnh chiếc chăn không thể tả tơi hơn của bà Boori Ma, là chiếc bồn rửa mới ở gầm cầu thang của khu nhà, là chùm chìa khóa và số tiền tiết kiệm giấu trong chiếc sari cũ kỹ, những hồi tưởng về một quá khứ lẫn lộn của người phụ nữ khốn khổ và cả lời hứa về một tấm chăn mới cho bà Boori Ma của cặp vợ chồng khá giả. Lối viết lạnh nhưng tinh tế, sắc bén, thiên về quan sát, ít biểu lộ cảm xúc, những trang văn của Jhumpa Lahiri tái tạo hiện thực cuộc sống của người Ấn nhập cư trong cộng đồng Mỹ. Đó là kết quả của phương pháp cấu trúc chặt chẽ, biểu hiện của trí tuệ tác giả trong sáng tác. Nhà văn không gieo rắc tình thương cho độc giả bằng cái nhìn chủ quan hay tô đậm điểm tích cực, một chiều của nhân vật mà để cảm xúc của độc giả nảy nở qua từng tình tiết. Nhờ đó, bà trao quyền cho độc giả được tự do tưởng tượng và khám phá về đặc tính và những uẩn khúc trong suy nghĩ, cuộc đời nhân vật. Chỉ là chuyện quẩn quanh tưởng không có gì đáng kể trong một khu nhà tồi tàn mà đọng lại những dư vị. Đó là chưa kể đến một cái kết thực sự nhói lòng. Diễn biến câu chuyện người phụ nữ cô độc, khốn khó tự nguyện gác cổng không công rồi vẫn bị đám người vô ơn xua đuổi, âm thầm gieo vào lòng mỗi chúng ta niềm xót thương. Mới hay trong cuộc sống bất trắc, khi con người dễ nuốt lời, vùi dập và phản trắc, lòng tốt, lòng hào hiệp phải song hành cùng với tình thương, niềm tin, niềm cảm thông, thậm chí còn cần đi cùng với cả lời hứa, lời cam kết. (Lời bình của BTV Võ Hà)

"Ký ức vui vẻ": Nỗi cô độc của nhà văn 20/9/2021

Với văn chương, ngay từ đầu, nhà văn Trần Nhã Thụy đã xác định lối đi không chiều lòng số đông, khi anh hướng đến những truyện không có chuyện, hay là chuyện đấy, nhưng không theo lối thông thường với rõ ràng mở đầu - kết thúc. Sẽ là khó cho ai đó muốn đọc rồi kể lại cho người khác nghe. Song, đọc văn của Trần Nhã Thụy rất thích. Đó là giọng văn được dụng công trong việc xây dựng không khí truyện. Truyện ngắn “Ký ức vui vẻ” mà các bạn vừa nghe cũng vậy. Không mâu thuẫn, xung đột. Truyện kể tự nhiên, cảm giác như mọi chuyện diễn ra như những gì vốn có ở mỗi buổi tụ tập, bù khú, nhậu nhẹt, tán gẫu. Cũng có món ăn ngon, rượu quý, cũng có những câu chuyện nổ như ngô rang. Nhưng giữa không khí ồn ã đó có một người vẻ như lạc lõng. Đó chính là nhân vật kể chuyện xưng Tôi-nhà văn (cũng có thể hiểu chính là tác giả). Không phải là nhà văn không có chuyện để kể mà anh ta thấy những chuyện bạn bè đã kể đều tầm phào, nhạt nhẽo. Hẳn là trong thâm tâm anh muốn kể những câu chuyện khác ý nghĩa hơn. Đó là ánh mắt ngây thơ, nụ cười của những em học trò miền núi; là niềm vui của người nông dân khi được tặng bò giống…Truyện ngắn này ra đời, theo như lời chia sẻ của tác giả là xuất phát từ những câu thơ trong bài “Có những lúc” của nhà thơ Lưu Quang Vũ: Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/ Thành phố đầy bụi bặm/ Những mặt người lì nhẵn chen nhau/ Có những lúc/ Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại… Ký ức vui vẻ, thực ra chẳng có gì vui vẻ, những chuyện tẻ nhạt, hay là nỗi cô độc của một nhà văn được mô tả bằng phong cách hài hước, giễu nhại. Tuy nhiên, như lời nhân vật Toàn nói: “Thực tế thì đời sống cũng ít chuyện vui, nói đúng hơn là ít chuyện thực sự vui. Chúng ta không có những niềm vui lớn. Chúng ta có rất nhiều nỗi buồn nhỏ. Buồn thì… các kiểu”. Vì thế, cũng phải cười, phải vui lên để mà sống phải không các bạn?! (Lời bình của BTV Nguyễn Vũ Hà)

“Người bán than ở Chí Linh”: Thăng trầm cuộc đời Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư

“Người bán than ở Chí Linh”: Thăng trầm cuộc đời Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư 14/9/2021

Truyện gắn “người bán than ở Chí Linh” viết về thời nhà Trần nhưng không đi sâu 3 lần chiến thắng vang dội của nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông mà đi vào đề tài giao thương của đất nước giai đoạn này. Nhân vật chính của câu chuyện là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một con người có tài có tâm nhưng cuộc đời long đong trắc trở. Vì tha cho Sái Minh, một tù binh quân địch mà Nhân Huệ Vương bị đuổi khỏi hoàng cung. Giấu đi thân phận quyền quý, ông trở thành một người bán than ở Chí Linh. Khi nhận được chỉ của Hoàng thượng, Nhân Huệ Vương quay về triều cầm quân ra biên ải chống giặc. Những thăng trầm của cuộc đời khiến ông hiểu hơn cuộc sống dân tình thế thái. Những hi sinh mất mát thầm lặng của hàng triệu người dân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, những khó khăn trong đời sống sinh kế của nhân dân. Truyện ngắn được viết theo dòng hồi tưởng, tự sự của nhân vật với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Là sự chua chát trước bất công nơi triều chính, là tình cảm ân nghĩa khi nghĩ về người mẹ nuôi, về những người cưu mang, hi sinh để mình được sống, là sự đồng cảm với cuộc sống khó khăn của người dân., Trong xã hội phong kiến, những người buôn bán bị coi rẻ nhất. Từng là người dân bình thường đi bán than Nhân Huệ Vương hiểu hơn vai trò, địa vị của người thương lái trong cuộc sống. Chính vì vậy ông không ngại điều tiếng, không ngại chê trách của triều đình, Nhân Huệ Vương trực tiếp tham gia công việc buôn bán của người dân, góp phần giúp người dân đỡ cơ cực. Truyện ngắn nhiều chi tiết xúc động giúp người đọc, người nghe hiểu hơn về một gia đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, hiểu hơn về một vị danh tướng lẫy lừng thời nhà Trần – Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Sương còn giăng trắng núi": Câu chuyện tình éo le, ngang trái 10/9/2021

Trong làng văn, Hoàng Lệ Thủy có lẽ còn là một cái tên khá mới mẻ. Thế nhưng qua truyện ngắn này, tác giả đã cho thấy một bút pháp vững vàng, cách kể chuyện đầy lôi cuốn với những trang văn giàu cảm xúc. Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật “tôi”, là em gái của nhân vật nữ chính trong truyện. Cả hai nhân vật nữ - hai chị em ruột cùng các nhân vật phụ vây quanh đều không có một cái tên cụ thể, họ như bị hòa vào bầu không khí bảng lảng sương khói của một miền không gian sơn cước. Câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu chuyện của những bi kịch chồng lên nhau. Cô chị đi lấy chồng trong tiếng gào khóc của em gái. Và rồi sau đó là những xót xa của cả gia đình khi thấy chị thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành. Cuối cùng cuộc hôn nhân tan vỡ, người chị trở về nhà bố mẹ đẻ với đứa con địu trên lưng, có lẽ trong lòng cũng thầm xác định một cuộc sống an phận. Rồi cô em lại đến tuổi yêu đương. Trong tình yêu có ai học hết chữ Ngờ. Vào ngày hội xuân năm ấy, hai chị em đi hội và đều chạm phải tiếng sét ái tình với một chàng trai. Ngang trái bắt đầu nảy sinh ở chỗ chàng trai thích cô chị nhưng lại cưới cô em làm vợ, có lẽ bởi bước đầu anh ta chưa vượt qua được mặc cảm kết hôn với người con gái đã từng một lần đò. Hạnh phúc lấy được người con trai mình yêu của cô em không thể bù đắp cho nỗi buồn vì không sinh được con, cứ có thai ít lâu lại hỏng. Bi kịch của cô em nhân lên gấp đôi khi một ngày phát hiện chồng mình và chị gái ân ái ngay trong chính ngôi nhà mà hai chị em lớn lên từ thuở ấu thơ. Bắt đầu từ đây, những bi kịch chồng lên bi kịch. Bản thân cô chị cũng đau xót bẽ bàng, mang mặc cảm của người mắc lỗi, làm em gái đau khổ, phá đi hạnh phúc vợ chồng của em. Cô em thì vẫn rất yêu chồng và cũng không thể chà đạp lên người chị gái ruột thịt của mình. Éo le tiếp tục đẩy cao hơn nữa khi chị gái có bầu với người chồng chính thức của cô em. Vậy là một cuộc hoán đổi âm thầm diễn ra. Cô em lặng lẽ trở về nhà bố mẹ đẻ để thưa với bố mẹ mọi chuyện. Cô chị trở thành vợ chính thức của người chồng cô em, nhưng bước chân ra đi trong buồn bã. Những nỗi đau có lẽ rồi cũng nguôi ngoai, hạnh phúc của cô em dù dang dở nhưng sự hy sinh của cô biết đâu lại mang đến hạnh phúc thực sự cho người chị của mình, cũng là cho cả người cô từng chung chăn gối. Đi qua những xót xa, có lẽ mỗi người sẽ trân trọng và nâng niu nhiều hơn những gì mình đang có. Những éo le ngang trái của số phận như nói với chúng ta về sự bất toàn trong đời sống và tình yêu, luôn là điều không thể lường trước hết được. Đối diện với những bất toàn ấy, có lẽ luôn cần sự bình tĩnh và một lòng bao dung. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng Nghệ thuật
08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya