“Người bán than ở Chí Linh”: Thăng trầm cuộc đời Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư14/9/2021

Truyện gắn “người bán than ở Chí Linh” viết về thời nhà Trần nhưng không đi sâu 3 lần chiến thắng vang dội của nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông mà đi vào đề tài giao thương của đất nước giai đoạn này. Nhân vật chính của câu chuyện là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một con người có tài có tâm nhưng cuộc đời long đong trắc trở. Vì tha cho Sái Minh, một tù binh quân địch mà Nhân Huệ Vương bị đuổi khỏi hoàng cung. Giấu đi thân phận quyền quý, ông trở thành một người bán than ở Chí Linh. Khi nhận được chỉ của Hoàng thượng, Nhân Huệ Vương quay về triều cầm quân ra biên ải chống giặc. Những thăng trầm của cuộc đời khiến ông hiểu hơn cuộc sống dân tình thế thái. Những hi sinh mất mát thầm lặng của hàng triệu người dân trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, những khó khăn trong đời sống sinh kế của nhân dân. Truyện ngắn được viết theo dòng hồi tưởng, tự sự của nhân vật với nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Là sự chua chát trước bất công nơi triều chính, là tình cảm ân nghĩa khi nghĩ về người mẹ nuôi, về những người cưu mang, hi sinh để mình được sống, là sự đồng cảm với cuộc sống khó khăn của người dân., Trong xã hội phong kiến, những người buôn bán bị coi rẻ nhất. Từng là người dân bình thường đi bán than Nhân Huệ Vương hiểu hơn vai trò, địa vị của người thương lái trong cuộc sống. Chính vì vậy ông không ngại điều tiếng, không ngại chê trách của triều đình, Nhân Huệ Vương trực tiếp tham gia công việc buôn bán của người dân, góp phần giúp người dân đỡ cơ cực. Truyện ngắn nhiều chi tiết xúc động giúp người đọc, người nghe hiểu hơn về một gia đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, hiểu hơn về một vị danh tướng lẫy lừng thời nhà Trần – Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Sương còn giăng trắng núi": Câu chuyện tình éo le, ngang trái 10/9/2021

Trong làng văn, Hoàng Lệ Thủy có lẽ còn là một cái tên khá mới mẻ. Thế nhưng qua truyện ngắn này, tác giả đã cho thấy một bút pháp vững vàng, cách kể chuyện đầy lôi cuốn với những trang văn giàu cảm xúc. Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của nhân vật “tôi”, là em gái của nhân vật nữ chính trong truyện. Cả hai nhân vật nữ - hai chị em ruột cùng các nhân vật phụ vây quanh đều không có một cái tên cụ thể, họ như bị hòa vào bầu không khí bảng lảng sương khói của một miền không gian sơn cước. Câu chuyện chúng ta vừa nghe là câu chuyện của những bi kịch chồng lên nhau. Cô chị đi lấy chồng trong tiếng gào khóc của em gái. Và rồi sau đó là những xót xa của cả gia đình khi thấy chị thường xuyên bị chồng đánh đập, bạo hành. Cuối cùng cuộc hôn nhân tan vỡ, người chị trở về nhà bố mẹ đẻ với đứa con địu trên lưng, có lẽ trong lòng cũng thầm xác định một cuộc sống an phận. Rồi cô em lại đến tuổi yêu đương. Trong tình yêu có ai học hết chữ Ngờ. Vào ngày hội xuân năm ấy, hai chị em đi hội và đều chạm phải tiếng sét ái tình với một chàng trai. Ngang trái bắt đầu nảy sinh ở chỗ chàng trai thích cô chị nhưng lại cưới cô em làm vợ, có lẽ bởi bước đầu anh ta chưa vượt qua được mặc cảm kết hôn với người con gái đã từng một lần đò. Hạnh phúc lấy được người con trai mình yêu của cô em không thể bù đắp cho nỗi buồn vì không sinh được con, cứ có thai ít lâu lại hỏng. Bi kịch của cô em nhân lên gấp đôi khi một ngày phát hiện chồng mình và chị gái ân ái ngay trong chính ngôi nhà mà hai chị em lớn lên từ thuở ấu thơ. Bắt đầu từ đây, những bi kịch chồng lên bi kịch. Bản thân cô chị cũng đau xót bẽ bàng, mang mặc cảm của người mắc lỗi, làm em gái đau khổ, phá đi hạnh phúc vợ chồng của em. Cô em thì vẫn rất yêu chồng và cũng không thể chà đạp lên người chị gái ruột thịt của mình. Éo le tiếp tục đẩy cao hơn nữa khi chị gái có bầu với người chồng chính thức của cô em. Vậy là một cuộc hoán đổi âm thầm diễn ra. Cô em lặng lẽ trở về nhà bố mẹ đẻ để thưa với bố mẹ mọi chuyện. Cô chị trở thành vợ chính thức của người chồng cô em, nhưng bước chân ra đi trong buồn bã. Những nỗi đau có lẽ rồi cũng nguôi ngoai, hạnh phúc của cô em dù dang dở nhưng sự hy sinh của cô biết đâu lại mang đến hạnh phúc thực sự cho người chị của mình, cũng là cho cả người cô từng chung chăn gối. Đi qua những xót xa, có lẽ mỗi người sẽ trân trọng và nâng niu nhiều hơn những gì mình đang có. Những éo le ngang trái của số phận như nói với chúng ta về sự bất toàn trong đời sống và tình yêu, luôn là điều không thể lường trước hết được. Đối diện với những bất toàn ấy, có lẽ luôn cần sự bình tĩnh và một lòng bao dung. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

"Phòng khách": Phơi bày bộ mặt thật của những kẻ hợm hĩnh 6/9/2021

Ngay từ nhan đề của truyện ngắn, “Phòng khách” đã dẫn dụ người đọc, người nghe về một sự thú vị. Không gian là cái phòng khách của gia đình đã mở ra những câu chuyện cười ra nước mắt. “Phòng khách” lấy bối cảnh là phòng khách của một ông có vai vế nào đó, nơi tổ chức các cuộc tiếp tân, nơi giới trí thức nghệ sỹ quốc nội rất năng lui tới để gặp gỡ Tây, tìm kiếm cơ hội xuất ngoại. Chúng ta bắt đầu cảm nhận được giọng văn vừa tưng tửng, vừa giễu nhại của nhà văn trong cách quan sát, miêu tả thật chi tiết, tường tận đến mỗi nhân vật, sự việc. Cái không khí của đổi mới, mở cửa hội nhập như thổi vào xã hội Việt Nam một nhiệt lượng cực mạnh, làm tất cả phải cuốn theo những cách chưa từng có trước đó. Người ta trở nên năng động hơn, khôn ngoan hơn, nắm bắt cơ hội tốt hơn nhưng không giấu được những nhố nhăng nực cười. Vì thế mà các nhân vật xuất hiện với những gương mặt khác nhau, thoạt trông thật oai vệ, đường hoàng nào giáo sư sử học, võ sư nói toàn giọng điệu nghiêm ngắn, học thức mà không giấu nổi những tật xấu cố hữu. Chi tiết lần lượt bộ cốc pha lê sáu cái chỉ còn sót một, số ấy nằm trong túi áo của vị giáo sư sau mỗi lần đến nhà uống rượu đàm đạo khiến cho người đọc, người nghe được phen cười ngả cười nghiêng, cười thật dài để rồi phải nghĩ thật lâu. Nhân vật tôi – người kể chuyện cứ lặng lẽ quan sát, ghi nhận, cố ghìm mình để không bật lên tiếng cười trước những hoạt cảnh đời sống khắc tạc cái xấu xí của người Việt khi bước vào hội nhập. Người kể chuyện có thể giấu được tiếng cười ẩn ý nhưng giọng văn tưng tửng, cách kể độc đáo, tung tóe những lớp sóng ngôn từ bụi bặm vỉa hè pha lẫn ngoa dụ làm cho người đọc, người nghe được phen cười ra nước mắt. “Lại những bóng người cầm ly rượu di chuyển khắp phòng tìm đầu ra đối tác bạn đồng nghiệp. Rượu đổ chỗ này. Đĩa vỡ chỗ kia. Cả đống giấy ăn vò nhàu ném hết xuống gầm bàn gầm ghế, thói quen Giao Chỉ khó bỏ. Tất cả vì một nền văn học, sử học, khoa học nhân văn, khoa học com piu tơ… Tôi đi dạo trong rừng khoa học lòng hoang mang chưa từng thấy…”, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ hình dung về một góc xã hội nực cười, méo mó đến nhường nào. Đằng sau câu chuyện là một câu hỏi đầy hoài nghi của nhà văn trước sự đổi thay xô bồ và rệu rã ấy…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Âm thanh ký ức”: Vang mãi khúc quân hành

“Âm thanh ký ức”: Vang mãi khúc quân hành 31/8/2021

Truyện ngắn là sự đan xen giữa không gian và thời gian trong tâm tưởng của những người lính. Khi xem vở kịch của thượng úy Hải quân là Phúc thì hai người lính già nhớ lại những kỉ niệm xưa cùng đồng đội. Đó là trận đánh khốc liệt với quân địch trên chiến trường biên giới. Tổ 3 người gồm đội trưởng Toại, hai chiến sĩ Dũng và Hanh đã chiến đấu anh dũng tới viên đạn cuối cùng để bảo vệ chốt của mình. Truyện ngắn không chỉ có hi sinh, mất mát trên chiến trường mà còn cả tâm tư, tình cảm, khó khăn của người lính nơi hậu phương. Vì Toại cứ biền biệt bao năm công tác ngoài mặt trận nên người vợ trẻ không chịu nổi nỗi cô đơn, vất vả mà bỏ rơi hai bố con. Toại phải mang cậu con trai là Phúc mới 3 tuổi về đơn vị. Nhưng rồi đơn vị nhận nhiệm vụ đột xuất, Toại không kịp thu xếp cho Phúc về quê mà phải nhờ một người lính đồng hương. Trong chiến tranh người lính phải hi sinh cuộc sống riêng tư vì nhiệm vụ cao cả của đất nước. Có những chi tiết truyền cảm với người đọc, người nghe như hình ảnh cậu bé Phúc khóc nấc nhìn theo bóng cha xa dần đầy xúc động. Hay hình ảnh Toại chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng, trong hộp đạn chỉ còn mỗi chiếc áo trẻ con. Đan xen giữa giọng văn khốc liệt, hào hùng là khoảng lặng trầm buồn về cuộc sống đời thường của người lính. Truyện ngắn đã dẫn dắt cảm xúc người đọc, người nghe theo nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Đất nước đã hòa bình mấy chục năm nhưng hồi ức chiến tranh vẫn ghi dấu trong tâm trí nhiều người. Chỉ một bài thơ, truyện ngắn, nét nhạc cũng có thể gợi nhớ biết bao kỉ niệm xưa cũ trong lòng người cựu chiến binh. Truyện ngắn không chỉ tô đẹp sự hi sinh, mất mát của người lính và còn thể hiện truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam. Cậu bé Phúc năm nào giờ trở thành người lính hải quân tiếp bước cha bảo vệ biển đảo quê hương (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Đứa con của núi": Tình mẫu tử thiêng liêng 30/8/2021

Truyện ngắn có một cốt truyện khá giản dị, dễ theo dõi. Một gia đình vùng sơn cước nhận được khoản tiền đền bù lớn cho việc giải phóng mặt bằng, nhưng rồi bà mẹ nghe lời ngon ngọt dụ dỗ đã nhận lời cho vay tín dụng với lãi suất cao. Kết quả là tiền của gia đình không những mất hết mà bản thân còn rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Khi biết rõ cơ sự, ông bố lên cơn đau tim đột ngột qua đời. Bà mẹ vào tù, bỏ lại hai chị em Mận và Khánh phải về ở với dì Bảy là người em kết nghĩa của bố. Câu chuyện được kể xoay quanh việc miêu tả các hoạt động và trạng thái cảm xúc của nhân vât chính – Mận. Gia đình rơi vào cảnh ly tán, Mận không thoát khỏi cảm xúc oán hận mẹ, ghét mẹ dù vẫn có những lúc thương mẹ, lo lắng cho cuộc sống của mẹ trong trại giam. Mận lại đem lòng yêu thương Phú, con trai của dì Bảy, mặc dù dì Bảy còn chưa ủng hộ việc hai đứa yêu nhau bởi theo dì chúng vẫn còn trẻ, chưa đủ sự ổn định để bước vào cuộc sống gia đình. Khi chú Hai Bườn đến báo tin mẹ Mận đã được ra tù, cảm xúc đầu tiên của Mận vẫn là sự chối từ, chưa thể tha lỗi cho mẹ, không muốn nhận mẹ. Nhưng đến khi dì Bảy nhắc Mận cứ đọc thư của mẹ đi xem mẹ nói gì thì trong Mận mới vỡ òa cảm xúc như giọt nước làm tràn ly nước. Tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng được khơi dậy mãnh liệt, không gì có thể thay thế. Câu chuyện giản dị được Hương Văn kể bằng giọng điệu chân mộc, thân tình, ấm áp của những người nông dân thật thà, chất phác, đậm chất Nam Bộ. Trong cơn khó khăn hoạn nạn, họ sẵn sàng giúp nhau hết mình, không hề tính toán cân đo. Dì Bảy không phải máu mủ họ hàng ruột thịt, vậy mà đã đứng ra lo liệu tang ma cho bố Mận, kêu gọi mọi người cùng ủng hộ tiền bạc để lo liệu công việc. Sau đó lại đưa chị em Mận về nhà mình để cưu mang, nuôi nấng. Sự sum họp của ba mẹ con Mận vì thế là một tất yếu khi những con người lao động chất phác ấy đều mang trong mình một cái gốc của lòng yêu thương và chia sẻ. Ai trong đời cũng có lúc mắc sai lầm, điều quan trọng là dám thừa nhận sai lầm ấy, vượt qua nó và sẵn sàng làm lại từ đầu. Cái kết của Đứa con của núi vì thế có thể xem là một kết thúc có hậu để mở ra nhưng hy vọng mới cho cuộc sống của ba mẹ con Mận, cũng có thể là cho cả đại gia đình khi Mận và Phú trong tương lai sẽ thành vợ thành chồng (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

“Nước mắt sông Cầm”: Khi huyền sử đi vào trang viết

“Nước mắt sông Cầm”: Khi huyền sử đi vào trang viết 24/8/2021

Được coi là một cây bút giàu nội lực, ham đọc, ham nghĩ và say sưa viết, nhà văn Uông Triều có khả năng đem đến sự bất ngờ cho người đọc khi thử sức với nhiều thể loại từ tản văn, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết đến phê bình. Ở lình vực nào, anh cũng cho thấy mình là “một cây bút giàu nội lực, ham đọc, ham nghĩ và say sưa viết”. Những năm gần đây, anh ít viết truyện ngắn. Nhưng với những ai đã biết tới nhà văn đất Quảng Ninh từ những ngày đầu thì đây vẫn là một địa hạt mà Uông Triều để lại dấu ấn đậm nét về tài năng cũng như bút lực của mình. Trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” hôm nay, mời quý vị và các bạn thưởng thức một trong những tác phẩm của “những ngày đầu lưu luyến ấy” – truyện ngắn “Nước mắt sông Cầm” của nhà văn Uông Triều.

“Gương cầu”: Buồn thương thân phận người phụ nữ vùng cao

“Gương cầu”: Buồn thương thân phận người phụ nữ vùng cao 19/8/2021

Truyện ngắn “Gương cầu” cho chúng ta cảm nhận về số phận của người phụ nữ vùng cao, nỗi dày vò, ám ảnh, tận cùng nỗi đau đã được tác giả khắc họa bằng nhiều chi tiết chân thực.Trong cái mạch cảm xúc về phụ nữ vùng cao, tác giả thể hiện đậm nét số phận nhân vật, nó như lời một bài hát buồn thương rót trong tâm khảm tác giả và người đọc, người nghe. Đó là những người phụ nữ mà tác giả gặp cùng đồng đội ở đồn biên phòng tiếp nhận từ lực lượng công an nước bạn, sau những tháng ngày các cô gái ấy tủi nhục, ê chề, trôi lạc trên đất người. Truyện kể về nhân vật Vì, cô gái dân tộc Mông, vì muốn đổi thay số phận mà lầm lạc, không thể nào thoát khỏi vòng xoáy của sự ê chề. Mối tình dang dở với người yêu cô là Lùng khiến cho chúng ta càng xót thương hơn, họ đã không thể nào có được hạnh phúc, Lùng không thể giữ dược người mình yêu. Chi tiết anh đi tìm cô và bị đánh đập, chứng kiến cuộc sống hiện tại của Vì, Lùng càng cay đắng. Cuối cùng, anh tìm đến cái chết để quên hết nỗi đau khổ ấy. Một kết cục buồn thương về kiếp người nhưng đôi khi đó là sự thực ở đời. Tác giả từng chia sẻ rằng, khi viết về nỗi đau của nhân vật, tôi không thể viết khác được, đành rằng muốn số phận họ phải khác đi, tươi sáng hơn nhưng sự thực bao giờ cũng đau khổ như thế. Cảm nhận diễn biến tâm lý nhân vật qua những lát cắt khi Vì nhớ về quãng thời gian đã quan, đi qua bảy tấm gương cầu ở những khúc quanh từ nhà đến chợ, những nơi Vì và Lùng từng hẹn hò, Vì càng thấy chua xót cho đời mình và người mình yêu. Người đọc, người nghe càng thấy thương hơn số phận người đàn bà vùng cao, họ không thể có được cuộc sống hạnh phúc khi những hủ tục khắc nghiệt vẫn còn. Vì thế mà Vì tự thoát ra cuộc sống nghèo khổ ấy thì vướng vào vòng đời dơ bẩn. Làm sao để quên, để thanh tẩy những nhơ nhớp, ê chề? Cái kết trong truyện quá đớn đau, nhưng đôi khi nó là sự thật ở đời, đầy ám ảnh…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Triệu phú người mẫu”: Cổ tích giữa đời thường

“Triệu phú người mẫu”: Cổ tích giữa đời thường 16/8/2021

Người mẫu triệu phú là câu truyện rất ngắn nhưng lại tỏ bày những triết lý sâu sắc của Oscar Wilde. Kết cấu truyện đơn giản, theo lối kể của một câu chuyện cổ tích thuần túy cổ điển. Một nhân vật nghèo khổ, tốt bụng đã được đền đáp bằng một hạnh phúc viên mãn là điều hoàn toàn không xa lạ trong các tác phẩm văn chương. Dù vậy, với lối viết thông minh, có nét trầm lắng, dịu dàng và đượm màu cổ tích, “Người mẫu triệu phú” đã cuốn hút người đọc người nghe từ đầu tới cuối, gửi đến chúng ta thông điệp: Lòng trắc ẩn là hạt giống luôn nảy mầm và cho ta trái ngọt. Song, ngẫm nghĩ kỹ ta lại thấy "Người mẫu triệu phú" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng giữa những ảo mộng và thực tế đời sống, giữa nghệ thuật và cuộc đời thực. Anh chàng Hughie muốn ông già người mẫu ăn vận tươm tất thì họa sỹ Trevor lại cho rằng, quần áo sờn rách mới chính là sự lãng mạn. Cái mà dường như với Hughie là nghèo khổ thì đối với họa sĩ Trevor lại gây ấn tượng mạnh. Hughie cho rằng, cánh họa sĩ không có tim thì Trevor đáp: “Trái tim của một họa sĩ chính là cái đầu của anh ta”. Sao vậy? Nghệ sỹ là lãng mạn, là cảm xúc lẽ nào nhân vật Trevor lại lý trí và quá thực tế như vậy. Oscar Wilde, ngoài là nhà văn còn là nhà mỹ học. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện quan điểm nghệ thuật duy mỹ, hướng đến nét đẹp độc đáo trong tâm hồn mỗi con người. Đặt vẻ đẹp trong sáng, vô tư của nhân vật Hughie bên cạnh sự thực tế, có phần tính toán của nhân vật họa sỹ để thấy rằng, những nghệ sỹ như thế sẽ không bao giờ có tác phẩm lớn (Lời bình của BTV Vũ Hà)

“Chuyện Cò Cung”: Nóng lạnh tình người

“Chuyện Cò Cung”: Nóng lạnh tình người 16/8/2021

Truyện ngắn viết về cuộc đời của anh lính Quyết Thắng với cái tên thân mật là Cò Cung. Dù là con liệt sĩ, là cháu độc định của họ Lại nhưng Cò Cung vẫn viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Người thanh niên trẻ tuổi đầy sức sống lên đường ra trận trong nỗi bịn dịn của người thân yêu và cả dân làng. Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại mấy năm rồi mà Cò Cung vẫn chưa trở về. Người mẹ già sau mấy năm mong chờ mòn mỏi đã mất vì đau khổ còn người thương là cô Vân cũng đi lấy chồng. Nhiều năm trôi qua bỗng một ngày Cò Cung bất ngờ trở về làng. Người lính trở về với vết thương chiến tranh trên cơ thể và cả tinh thần. Dân làng ai cũng nhận ra người đàn ông tâm thần đó là anh lính Quyết Thắng nhưng vì không có giấy tờ nên anh không được hưởng những chính sách giành cho thương bệnh binh. Người thương binh đã hi sinh , mất mát trong cuộc chiến giờ đây đối diên với sự nóng lạnh của tình người. Trong khi bà con làng xóm, ông Trúc yêu thương đùm bọc anh thì chồng của cô Vân là Tình cùng các em gái cô Vân lại ghẻ lạnh với anh. Sự xuất hiện của ông Thông, người đồng đội của Cò Cung mang đến hy vọng chứng minh thân phận cho người lính. Thế nhưng đến khi mất, Cò Cung vẫn không được đền đáp xứng đáng cho sự hi sinh của anh. Truyện ngắn có đề tài hậu chiến xúc động về số phận người thương bệnh binh khi trở về quê nhà của mình. Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng những đau thương, thiệt thòi vẫn đè nặng lên cuộc sống của không ít thương bệnh binh và gia đình của họ. Nhân vật Cò Cung trong truyện ngắn là một người như vậy. Chiến tranh loạn lạc khiến không ít người lính không đủ điều kiện chứng minh thân phận của mình, những người lính hoạt động bí mật, những bất cập trong cơ chế, quy trình xác nhận để hương chế độ đền ơn đáp nghĩa khiến không ít người lính chịu thiệt thòi. Với giọng văn giàu cảm xúc, những chi tiết xúc động như sự chiến đấu anh dũng của Cò Cung, tình cảm đùm bọc của dân làng, hình ảnh hai đứa trẻ đặt viên đá trên mộ Cò Cung mang đến nhiều thương cảm cho người đọc, người nghe...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Vệt nắng cuối rẻo đồi": Khát vọng hạnh phúc 10/8/2021

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe có cốt truyện không hẳn là mới, nhưng cách viết, cách diễn đạt của tác giả mang đến nhiều ấn tượng. Bối cảnh của truyện là một vùng miền núi, nơi có “xóm góa” – xóm của những người phụ nữ lẻ bóng, không chồng. Vũ là nhân vật nữ chính của truyện, sống với hai đứa con nhỏ. Du là người đàn ông chưa từng lập gia đình, đem lòng yêu thương Vũ, muốn cưới Vũ, mặc sự ngăn cản của bà cụ thân sinh, cho rằng nếu Du không lấy được gái còn xoan mà cứ cố tình lấy Vũ là “hắt vôi vào mặt bà”. Truyện có bước ngoặt quan trọng khi Riễn, chồng chính thức của Vũ, người đã từng phụ bạc Vũ bỗng từ xa trở về. Trong lòng Vũ cũng có ý định nối lại với Riễn. Nhưng Riễn tính tình hung hãn cục cằn, vẫn chứng nào tật ấy, lại tiếp tục giở thói đánh đập Vũ rất tàn nhẫn. Truyện kết thúc với cảnh Vũ dắt con bỏ chạy ra khỏi nhà, khi cuối rẻo đồi “có vệt nắng đầu tiên vắt qua ngọn rừng thưa thắt lá”. Cách kết mở ấy gieo cho người đọc một hy vọng và mong ước, Vũ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một gia đình êm ấm hơn khi Vũ toàn tâm toàn ý đón nhận tình yêu của Du. Vệt nắng cuối rẻo đồi là một truyện ngắn với dung lượng rất gọn gàng, chưa đầy ba ngàn chữ, nhưng đã gửi tới chúng ta những thông điệp rất nhân văn và gây nhiều xúc động. Đó là dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt như thế nào, mỗi người đều cần biết nuôi dưỡng trong mình một khát vọng và dám vượt qua những rào cản, những định kiến, thậm chí sẵn sàng tranh đấu để giành lấy hạnh phúc cho mình...(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

"Vết sẹo": Tình yêu đâu phải trò đùa 6/8/2021

Nhân vật trong truyện ngắn “Vết sẹo” rõ là một phụ nữ vô cùng xinh đẹp quyến rũ. Cô ta rất biết vũ khí lợi hại của mình với đàn ông. Quen được yêu chiều, được si mê, được cánh đàn ông tôn thờ, qui phục cô ta dường như không có khái niệm trân quí tình cảm mà thậm chí còn trở nên ngông cuồng, chớt nhả, đùa cợt tình cảm của những kẻ si mê mình : ví dụ muốn bọn họ chứng tỏ tình cảm bằng cách thách đố nhảy xuống biển, hay ăn cắp một vật gì….Hơn thế nữa cô là tipe phụ nữ buông thả. Thay người yêu như thay áo. Một con người luôn muốn “hôm qua không giống hôm nay, hôm nay phải khác ngày mai’’. Điều này cũng không đặc biệt gì lắm với lối sống phóng túng kiểu phương Tây. Cho đến một ngày biến cố xảy ra. Chi tiết vết sẹo ở đuôi mắt của Natasa dẫn đến câu chuyện về trò chơi Cúc cu do cô ta nghĩ ra, ba người đàn ông tham gia trong một cuộc trốn tìm có súng. Kết cục hai người chết một người bị thương. Có thể nói sự việc đó giống như giọt nước làm tràn ly cho thấy sự trả giá, hệ quả ghê gớm của thói ngông cuồng, rồ dại của cô ả. Nó đi quá giới hạn cho phép chở thành tội ác, dằn vặt con người suốt đời. Natasa trở nên nghiện rượu. Với truyện ngắn này đặc biệt qua nhân vật chính Natasa và nhân vật “tôi” – người kể chuyện, tác giả cho thấy tài phân tích tâm lý nhân vật, quá trình vận động, biến chuyển nội tâm, lý giải tại sao nhân vật Natasa lại có hành động, thú chơi ngông cuồng, cực đoan như vậy . Vì những người đàn ông đã nuông chiều, đã dung túng làm hư cô. Tác giả phân tích phải chăng những người yêu nàng cũng có lỗi. Cuối truyện nhà văn còn mổ xẻ cả nội tâm nhân vật tôi. Sự tự vấn của nhân vật “tôi” “Muốn trừng phạt việc nàng bỏ rơi, Muốn chờ một tai họa xảy đến với nàng”. Truyện cho các bạn trẻ bài học về tình yêu- thứ tình cảm rất cần được trân quí.

"Thu của ngàn năm trước": Cổ tích tình người 2/8/2021

Có những điều khi đã thành dĩ vãng, thật xa xôi, không thể trở lại, ta mới thấy nhớ tiếc. Ai bảo người giàu, người thành đạt không có nỗi lo, không có nỗi buồn, không khi nào có thời giờ để trống vắng, lạc lõng. Nhìn bề ngoài, cuộc sống của nhân vật Long quá đủ đầy, gia đình, danh vọng, tưởng chẳng có gì đáng để phiền muộn. Thế nhưng, đi vào thẳm sâu, ngóc ngách tâm hồn mới thấy những khoảng trống khó lấp đầy. Những dòng tin nhắn của một người phụ nữ bí ẩn gửi đến mỗi ngày trong suốt nửa năm trời đã giúp Long trấn tĩnh, dịu lại những cảm xúc đời thường khô khan, đổi trao, sòng phẳng. Một hành động giản dị nhưng mấy ai đủ tấm lòng, đủ kiên nhẫn. Thì ra giữa cuộc đời quay cuồng xuôi ngược vẫn hiếm hoi còn những người như vậy. Long đã đón nhận niềm vui, động lực ấy như lẽ thường cho đến lúc nhận ra người phụ nữ nhắn tin cho mình mỗi ngày chính là người nữ tạp vụ tận tụy như một hắt bóng khiêm nhường, nhỏ bé. Chị đã soạn thảo những tin nhắn để nhờ con gái đều đặn gửi đi hàng ngày dù không còn trên cõi đời. Một phụ nữ đơn thân, bất hạnh, nhỏ nhoi mang trái tim vị tha đã an ủi, vỗ về người đàn ông cô độc dẫu giàu sang, danh vọng. Hẳn khi nghĩ về chị, về những điều chị đã làm, dù chị không còn nữa, với niềm trân quý, nhân vật Long sẽ có động lực sống tiếp, sống ý nghĩa hơn những ngày mới. Câu chuyện như cổ tích ấy dưới ngòi bút vừa đời thường vừa sâu lắng của nhà văn Thu Trân đã tìm được lối đi vào tâm hồn người đọc, người nghe – Trong cảm giác bồi hồi, xao động đọng lại sau những dòng kết của thiên truyện...(Lời bình của BTV Võ Hà)

“Hương của một đời

“Hương của một đời": Buồn vui kiếp người 30/7/2021

“Hương của một đời” viết về cuộc đời của một người bình thường. Một người như chị Điền ai cũng có thể gặp và ai cũng có thể quên. Chị là một bông hoa không hương sắc cũng chẳng phải người khéo léo giỏi giang, miệng lưỡi sắc sảo để người ta chú ý, lưu tâm. Và cũng bởi vì thế, trước bi kịch của đời mình, chị nhẫn nại và cam chịu. Gặp phải bất hạnh trong hôn nhân, chị trách mình trước tiên vì đã chọn Hải mà không tìm hiểu gì nhiều. Biết con trộm đồ của bạn, chị trách mình không cho con một gia đình hoàn chỉnh. Cả đời chị Điền là cả một đời tự trách, không muốn phiền lụy ai, chỉ lo sống cho gia đình mà quên mất bản thân mình. “Hương của một đời” có cách viết dung dị, không hề lên gân. Có cảm giác tác giả đang kể lại câu chuyện của một người bạn hơn là viết một truyện ngắn có lớp lang. Từ điểm nhìn khách quan của nhân vật “tôi” là cô bạn tên Hoài, nhà văn Phan Mai Hương dường như đã tô đậm thêm sự bình thường đến mức vô danh, sự lặng lẽ đến mức cam chịu của chị Điền. Truyện kết buồn nhưng phải chăng đấy cũng có thể là sự giải thoát cho nhân vật chính khỏi một kiếp người buồn tủi nhiều hơn hạnh phúc chăng?

“Một khúc sông sâu”: Vết thương lòng chẳng bao giờ lành

“Một khúc sông sâu”: Vết thương lòng chẳng bao giờ lành 26/7/2021

Câu chuyện kể về tình yêu ngang trái của người lính qua lời kể của người em trai cho con trai thật ám ảnh và day dứt. Còn gì đau đớn hơn khi người đàn ông đang ôm súng ngoài chiến trường thì biết vợ mình ở nhà tằng tịu với người đàn ông khác. Đau đớn hơn nữa là người phụ nữ ấy kiên quyết chạy theo những mê lầm dục vọng một cách công khai trắng trợn. Vì lý do gì mà người đàn ông ấy lại tha thứ cho vợ hết lần này đến lần khác. Để giữ một gia đình cho con? Hay vì hoàn cảnh xuất thân không thể có hai chữ ly hôn trong lý lịch. Hay vì yêu, vì sự nhẫn nhịn bao dung của một người lính? Câu trả lời lại nằm cả ở sự im lặng triền miên của người đàn ông này. Một sự im lặng đau đớn để các con trưởng thành. Bây giờ người lính ấy đã già. Chỉ còn lại những tiếng thở dài hắt ra tội nghiệp từ hai phía. Người lính ấy đau nỗi đau của riêng ông. Người phụ nữ đi qua bao sai lầm cũng đã biết ân hận. Nhưng nỗi ân hận muộn màng quá. Khi nỗi đau kia đã thành sẹo mất rồi. Câu chuyện khoan xoáy vào quá khứ, vào sự bội bạc mà rốt cuộc, phải nhờ đến sức tàn rữa của thời gian thì người ta mới có thể đi qua khúc sông sâu của đời mình, nguôi ngoai, không còn oán hận, đau buồn, bằng lòng với tuổi già và chờ đợi cái điều ắt rồi sẽ tới: cái chết.“Đến một lúc nào đó, ngay cả sự rõ ràng người ta cũng không để tâm nữa thì còn sá gì đau đớn. Và nỗi niềm kia đã hóa thạch mất rồi”. Câu cảm thán của người lính cứ ám ảnh, day dứt mãi, một vết thương lòng chẳng bao giờ lành…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

"Chuyện tình làng Sầu nghe ở Budapest": Câu chuyện tình trái ngang 19/7/2021

Câu chuyện chúng ta vừa nghe có khoảng thời gian trải dài qua 20 năm. Cách dẫn truyện tạo được không khí tự nhiên, lôi cuốn, xen lẫn những hồi hộp thú vị qua lời kể của nhân vật Hảo, xưng tôi. Hảo kể lại câu chuyện của mình với người bạn cùng phòng và đồng thời câu chuyện ấy được gửi tới tất cả những người nghe, người đọc. Đúng như tên của tác phẩm đã bộc lộ, hạt nhân chính của truyện ngắn này là câu chuyện tình giữa Hảo và Mận, một chuyện tình sinh ra vừa như một bất ngờ, vừa như một tất yếu, vừa như một run rủi trong cái đêm ở làng Sầu thời chiến. Cái đêm ngủ với Mận đã qua đối với Hảo như một giấc mơ, một tưởng tượng, một cái gì mờ ảo, không rõ ràng, khó nắm bắt. Và rồi những bộc lộ của Mận sau đó với Hảo có lẽ đã xác tín hơn trong anh về một mối tình có thật, một đêm yêu đương có thật. Nhưng bất ngờ hơn cả là giọt máu Hảo đã để lại cho Mận, để rồi 20 năm sau , khi Mùi, con gái Mận đỗ đại học ở Hà Nội thì Mận mới có một đêm hạnh phúc thứ hai được bên người mình yêu. Chiến tranh đã tạo nên quá nhiều những éo le và trớ trêu. Chúng ta có nên trách Hảo, dù biết Mận có chồng đang đi bộ đội mà vẫn không kiềm chế được cảm xúc của bản thân, khiến Mận có thể phải mang tiếng xấu với gia đình, làng xóm? Chúng ta có cảm thấy nỗi đau của Kỳ, người chồng chính thức của Mận, trở về từ chiến trường với mảnh đạn trong đầu rồi sau đó lao xuống giếng kết thúc cuộc đời? Có những điều mãi mãi không thể nói ra, chỉ mỗi người tự biết với lòng mình và cố gắng sống sao cho tốt hơn mỗi ngày, sống có trách nhiệm hơn với những người xung quanh, những người mình đã từng yêu và cũng yêu thương mình. Sự thành đạt của Mùi, con gái Mận và Hảo có lẽ là một điểm sáng quan trọng trong phần kết thúc của truyện, gieo vào mỗi chúng ta những ấm áp và tin yêu. Câu chuyện tình dù trái ngang nhưng cũng đem đến những hạnh phúc không nhỏ cho mỗi người trong cuộc và biết đâu nó còn tiếp thêm không ít sức mạnh để một người phụ nữ có thể vượt qua bao năm tháng đằng đẵng, mòn mỏi chờ người chồng từ chiến trường trở về. Cái đúng và cái sai trong mỗi hành trình của cuộc đời nhiều khi chỉ mang ý nghĩa tương đối mà thôi. Chính sự bất toàn và không định trước mới làm nên một thứ mà chúng ta vẫn quen gọi là Số Phận. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ