"Tạm biệt hoa gạo": Long lanh vẻ đẹp từ tâm 30/6/2022

Qua hình ảnh những bông hoa gạo đỏ và tuổi thơ của hai chị em cùng cha khác mẹ, tác giả đã kể một câu chuyện với âm điệu bảng lảng buồn thương. Quê nghèo, gánh nặng cơm áo và những cay nghiệt ngăn trở tình người - Cuộc đời nhân vật Thương là một chuỗi những bất hạnh khi mẹ mất sớm, lớn lên với những ký ức đòn roi của người mẹ kế cạn tình và sớm phải bước vào cuộc mưu sinh nơi phố thị. Tác giả đã xây dựng một mẫu nhân vật với hoàn cảnh rất dễ sa ngã nhưng cũng đồng thời có tâm hồn đầy nghị lực cũng những ký ức đẹp nâng đỡ vượt lên bao cám dỗ của cuộc sống nơi phồn hoa đô hội. Chúng ta đã thấy được trái tim đầy nhân hậu của nhân vật Thương khi tha thứ và dang rộng vòng tay với những người thân lẽ ra đáng trách như người cha, đứa em gái khác mẹ hay người mẹ kế cay nghiệt. Ngòi bút chất phác, giàu cảm xúc của tác giả Nguyễn Hồng, trong bối cảnh câu chuyện, gây ấn tượng với những người đọc, người nghe không quá câu nệ vào lý trí. Tạm biệt hoa gạo, tạm biệt một thời ấu thơ đầy khó nhọc và cay đắng, giã biệt một quá khứ lắm đau buồn nhưng ký ức vẫn mãi là điểm tựa để nhân vật của chúng ta bước tiếp, bước tới với niềm tin, dẫu cuộc đời vẫn còn đó những bội bạc nhân tâm. (Lời bình của BTV Võ Hà)

“Mầm cây”: Mầm của sự sống và niềm tin của con người

“Mầm cây”: Mầm của sự sống và niềm tin của con người 28/6/2022

Các bạn thân mến, cây cũng như con người có cuộc đời của nó. Từ một hạt giống nhỏ bé cây phát triển thành cây con, cây trưởng thành, cây đại thụ. Một cây dại ven đường, một cây hoa trong nhà, một cây cổ thụ trong rừng già đều có thể trở thành một câu chuyện gắn với con người. Cái chết của một cái cây đã mang đến nhiều nỗi niềm cảm xúc cho nhân vật tôi. Cái cây được trồng để tưởng nhớ cô Nụ, người phụ nữ đã bị giặc Pháp giết hại. Dường như hình bóng của cô Nụ đã hóa thân vào cái cây, trở thành một phần không thể thiếu của xóm làng. Cái cây trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến đổi thay của đất nước qua chiến tranh, trở thành nơi đặt niềm tin của con gái cô Nụ, nơi tâm tình của cháu gái cô Nụ. Ba người phụ nữ, ba thế hệ trong một gia đình gắn kết với nhau xung quanh cái cây. Với nhân vật tôi, cây không chỉ là vật vô tri vô giác mà cũng đầy cảm xúc, biết lắng nghe, an ủi nỗi đau như một con người. Cũng như mẹ cô trước đó từng cầu nguyện trước cái cây để mong cho chồng an bình trong chiến tranh thì giờ đây nhân vật tôi mỗi khi buồn vui cũng ra tâm sự với cây. Đời người và đời cây như hòa quện với nhau bao nỗi tâm tình cuộc sống. Trải qua thời gian cây đã chứng kiến hạnh phúc và cả nỗi buồn, sự sống và cái chết của người thân. Và rồi chính cái cây cũng không chống lại được sự khắc nghiệt của thời gian. Một mầm non xuất hiện từ gốc cây khô minh sức cho sức sống mãnh liệt. Truyện ngắn viết về cuộc đời của cây thể hiện những quy luật tự nhiên. Mầm cây là mầm của sự sống, là niềm tin của con người vào tương lai phía trước. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Hương dẻ": Tình yêu bền lâu ngọt ngào, đằm thắm, nồng nàn 21/6/2022

Giữa không gian, hoàn cảnh và công việc, quý vị thính giả dường như đều ủng hộ cho mối tình đẹp của đôi bạn trẻ trong truyện ngắn “Hương dẻ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến mà chúng ta vừa nghe. Bảo là bộ đội và Quế là cô giáo. Tình yêu giữa hai người nảy nở khi Bảo ra quân đi tìm việc làm. Và, cái kết quả “một đêm” đã xảy ra, trước lúc hai người chia tay khi Bảo bất ngờ nhận được tin mẹ ốm nặng, đang hấp hối, anh phải gấp gáp trở về quê hương, cũng là chuyện đương nhiên. Rồi đứa con trai “có hiếu”, muốn làm vui lòng mẹ trước lúc bà lâm chung, bằng việc cưới một cô gái không hề quen biết, không hề yêu thương, cũng là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm sau đó, Bảo phải sống bên người vợ “không yêu”, dư dả tiền của, nhưng tính tình quá quắt, chua ngoa. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Vợ chồng Bảo chia tay sau bao năm chung sống không hạnh phúc. Như chim sổ lồng, Bảo quyết định quay trở lại chốn xưa tìm người yêu cũ. Về phía Quế, quả là người phụ nữ tuyệt vời. Cô bất chấp dư luận để nuôi con, dù chưa một ngày làm vợ. Sỡ dĩ Quế không nhận lời yêu ai, vì cô hiểu mình hơn ai hết. Cô không thể sống hạnh phúc bên bất cứ người đàn ông nào, khi trong lòng không thể quên được Bảo. Bởi trái tim tươi xanh thiếu nữ đã khắc sâu một bóng hình đầu đời đậm nét. Quế đã chờ đợi để nuôi hoài một hình ảnh đẹp của quá khứ, chứ không phải nuôi một hy vọng sẽ có ngày Bảo trở lại. Dù rằng tác giả không trực tiếp miêu tả cuộc hội ngộ của hai người sau bao năm cách xa, nhưng người nghe tin là Quế sẽ chấp nhận sự trở lại của Bảo. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chi tiết Bảo phải lấy một cô gái theo sự sắp đặt của gia đình hơi đơn giản, chưa thực sự thuyết phục. Dẫu vậy, tình yêu của Quế và Bảo như hương thơm hoa dẻ, ngọt ngào, đằm thắm, lúc nồng nàn, khi phảng phất, cứ quấn quyện lấy hai người. Hoa dẻ là loài hoa dân dã, nhưng hương thơm của loài hoa này rất bền lâu, thơm cho đến lúc khô rồi vẫn còn thơm. Tình yêu của Quế và Bảo cũng vậy. Gian nan, thử thách rồi sẽ qua. Mất mát, chia ly rồi có ngày tái hợp. Quế và Bảo sẽ có những năm tháng chung sống hạnh phúc bên nhau. Chúng ta tin như vậy!

"Mộng thám hoa": Ứng xử với người tài 13/6/2022

Theo Bách khoa toàn thư Wikipedia, Đặng Ma La là nhân vật lịch sử hiển hách đã tỏa sáng tài trí khi mới 13 tuổi trong Khoa thi Đình năm Đinh Mùi (1247), thời vua Trần Thái Tông. Sau khi đỗ Thám Hoa, ông ra làm quan trải qua hai đời vua, được phong tước Vinh lộc đại phu. Nhà văn đã viết về danh nhân đất Việt bằng bút pháp hiện thực huyền ảo, để người đọc người nghe hiểu hơn về cuộc đời của Đặng Ma La, qua đó trả lời những câu hỏi nóng bỏng hôm nay. Nhà văn sử dụng bút pháp hiện thực huyền ảo để xây dựng cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa nhân vật Thuân và hồn thiêng của Thám hoa Đặng Ma La. Qua đó không chỉ tái hiện, lý giải xuất thân của vị Thám hoa này với con đường lập nghiệp đầy gian khó của ông, mà còn kín đáo mỉa mai, phê phán một thói xấu cố hữu của người Việt: Đó là ghen ghét, đố kỵ, dốt nát, lười biếng nhưng vẫn muốn chiếm lấy danh lợi bằng thủ đoạn, hiềm khích người tài năng hơn…Nhưng trên tất cả, theo chúng tôi, qua nhân vật Đặng Ma La nhà văn còn mong muốn điều lớn lao hơn, đó là việc trọng dụng người tài. Đặng Ma La vì sinh ra không có tên trong sổ Điền bạ, nên khi đỗ Thám hoa vinh quy bái tổ, chức sắc làng không thèm đón, dân làng ghẻ lạnh, bạn đồng môn thì xa lánh. Rồi thư tố cáo nặc danh về thân phận của ông đã tới tay Hoàng Đế đương triều. Đặng Ma La rất lo sợ, rồi đây ông sẽ bị trừng phạt. Nhưng trái với sự lo lắng của ông, nhà vua đã cho điều tra và hiểu rõ tường tận mọi việc nên đã trọng dụng Đặng Ma La. Bầy tôi giỏi may mắn gặp vua sáng suốt. Trung thần gặp minh quân…Ôn cố tri tân, mượn xưa nói nay. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy đã thành công trong việc chuyển tải những thông điệp nhân văn và mang tính thời sự...

"Dòng nhớ": Chảy trôi một tình yêu lặng lẽ 6/6/2022

Truyện ngắn “Dòng nhớ” mở ra một không gian sông nước mênh mang, là bến sông có mấy cây tra bông vàng như mật, có hàng mắm già, có đám dừa nước, bụi lức dại và cả những hoa nắng đậu trên mái tóc của một ông già – người giấu trong lòng một mối tình da diết như dòng nước ngày ngày trôi ra biển rồi lặng lẽ quay về vì không nỡ rời xa… Câu chuyện gợi nỗi thương cảm dành cho các nhân vật, không có người xấu, không có người ác, ai cũng tốt cả, mọi người thương quý, yêu mến nhau, vì nhau đến cạn cuộc đời, vậy mà họ lại làm khổ nhau…Cũng vì yêu nhau mà họ đã làm khổ những người xung quanh bằng chính tình yêu của mình. Bởi tình yêu và nỗi đau thì không biết lấy gì mà đong đếm. Đó là người mẹ đến cuối đời vẫn không nguôi câu hỏi: “Vậy ra má đã làm sai cái gì?”. Đó là người vợ, cứ tần ngần, ngẩn ngơ dưới những bến sông để tìm kiếm một cách vô vọng “tình địch” của mình, cuộc tìm kiếm diễn ra hơn mười mấy năm và cứ thế, vẫn tiếp tục như dòng sông vậy, không ngừng trôi chảy. Tìm để làm gì? Chỉ để thực hiện nỗ lực cuối cùng cho ấm lòng người quá cố, cho chấm dứt cái cảnh ông nằm bên bà mà lòng cứ hướng về sông, để nói một câu “Nếu sống mà không gần được, chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi”. Đó là người chồng cứ chong mắt theo ngọn đèn đỏ ối, buồn hiu và tiếng gàu tát nước cọ vô xuồng xao xác với đốm lửa đỏ trên đầu điếu thuốc vào những đêm gió lớn. Hay đó là người đàn bà mang tên dòng sông “Giang” có cuộc đời như dòng sông “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, một cuộc đời mà sự thiếu thốn về vật chất luôn hiện hữu “chiếc áo bà ba mỏng te, nhiều mụn vá”,“ tóc đã bạc nhiều, lơ thơ”, “khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo”, “đồ đạc món nào cũng nhỏ nhắn, tuềnh toàng”. Cuộc đời người đàn bà ấy đau buồn hơn là tận cùng cô đơn, cô độc khi người đàn ông đã lặng lẽ rời khỏi cuộc đời bà, một đứa con gái nhỏ đã trôi theo dòng nước và những tháng ngày còn nguyên một gia đình đã thoảng qua như sương... Hãy nghe những câu văn “Không - người đàn bà cười, nét mặt thốt nhiên buồn bã - tôi thêu cho hết đêm, xong rồi lại tháo chỉ ra thôi, tôi sợ, nếu không làm gì, tôi... tôi sẽ nhớ chồng con tôi rồi mắc... khóc, cầm lòng không được. Mà, đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm, chị à". Thế đấy, nỗi đau trong câu chuyện thật nhẹ nhàng không làm xé lòng ai cả nhưng nó lặn vào trong, như một vật gì bén lắm cứa khẽ vào tim, chưa kịp nghe đau thì rỉ máu. Trong thế giới của “Dòng nhớ”, hình như tình yêu không kết thúc cùng đời người, nó chỉ biến đổi về hình thái, con người mất đi nhưng tình yêu thì vẫn tồn tại, vẫn tái sinh …

"Bóng lửa": Giữ ngọn lửa nghề 6/6/2022

Trên đất nước ta có rất nhiều làng nghề truyền thống lâu năm để phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Trong chiến tranh cũng như cuộc sống hòa bình thì nghề rèn luôn là ngành nghề quan trọng. Nghề rèn là một nghề nặng nhọc, vất vả, công phu và trải qua nhiều công đoạn mới sản xuất ra những sản phẩm hữu ích. Chính vì vất vả như vậy nên nghề rèn thường được những người đàn ông khỏe mạnh thực hiện, truyền dạy cho con cháu. Nhưng người giữ gìn lò rèn nổi tiếng của làng Chợ Dừa lại là một người phụ nữ. Từ những vui buồn trong cuộc đời bà, tác giả dẫn dắt người đọc, người nghe đến với thăng trầm của một làng nghề truyền thống bên dòng sông Trầu. Làng rèn đã bao năm nhộn nhịp tiếng búa, tiếng bễ lò rèn, tiếng cười nói rộn ràng của người thợ hăng say làm ra dụng cụ lao động, sản xuất trên cánh đồng. Thế nhưng cuộc sống phát triển, những máy móc hiện đại thay thế dụng cụ truyền thống khiến làng nghề chết dần. Để lưu giữ nghề xưa, người con dâu ông Tám Lìn phải phiêu bạt tứ xứ rèn dao kiếm sống. Ông Tám Lìn, một người thợ rèn tài ba cũng trở thành người lái đò. Thế nhưng trong lòng ông Tám Lìn cũng như con, cháu vẫn âm ỉ một ngọn lửa nghề. Hình ảnh đứa bé 10 tuổi con trai của Tình tập quai búa bên bễ than cuối câu truyện thắp lên sức sống của nghề rèn. Từ câu chuyện vui buồn của một nghề rèn, chúng ta thấy được những khó khăn và thách thức của làng nghề truyền thống hôm nay. Đó là việc khó khăn trong đào tạo, gắn bó người trẻ với nghề của cha ông, khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, vấn đề ô nhiễm làng nghề… Chính vì vậy, những ai vấn gắn bó với nghề truyền thống đều có một ngọn lửa trong lòng. Ngọn lửa nghề đã sáng biết bao năm, bao đời và duy trì đến tận ngày nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Mật gấu”: Một câu chuyện đắng lòng về kẻ đối xử tàn ác với động vật

“Mật gấu”: Một câu chuyện đắng lòng về kẻ đối xử tàn ác với động vật 31/5/2022

Nhân vật chính của câu chuyện không có tên mà chỉ danh xưng là Lão. Nhà lão sống gần biên giới Việt- Lào, vùng đất ngày càng đổi thay nhờ sự phát triển kinh tế, buôn bán giữa hai nước. Ngày mừng nghỉ hưu non, lão mừng lắm khi được ông bạn kết nghĩa bên Lào tặng cho con gấu ngựa. Con gấu to như con bò không phải để nuôi làm cảnh mà để lấy mật. Con gấu giúp lão thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi lần lấy mật. Nhưng rồi chính con gấu đã khiến lão chết thật ghê sợ. Một cái kết thê thảm cho kẻ gây tội ác cho động vật. Để phục vụ nhu cầu của con người thì biết bao loài vật quý hiếm bị giết, bị đối xử tàn ác. Chú gấu ngựa trong truyện chính là nạn nhân lòng tham của lão. Bị nhốt trong lồng sắt chật hẹp, trên bụng con gấu bị chọc một lỗ thủng vĩnh viễn để lấy mật. Một hình ảnh thật man rợ. Thế nhưng lòng tham vô đáy, ham muốn tiền bạc khiến người ta bất chấp tất cả. Truyện ngắn phản ánh sự thật đau lòng đó là công nghiệp hút mật đã và vẫn đang tồn tại đâu đó trong cuộc sống hôm nay. Cái chết của nhân vật khi bị con gấu trả thù là lời cảnh tỉnh với những ai vẫn thực hiện hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật. Sâu xa hơn là mối quan hệ và thái độ của con người với thiên nhiên, với muôn loài trên trái đất. Những hình ảnh trong truyện như ánh mắt giận dữ của con gấu, hình ảnh chiếc ống tiêm cắm vào bụng gấu lấy mật ấn tượng và gây ám ảnh cho người đọc, người nghe. Truyện ngắn giúp chúng ta hiểu hơn về thói quen và hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật qua đó góp phần chấm dứt tội ác này. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

"Yêu sống": Khuyển mã chi tình 27/5/2022

Văn học thế giới và Việt Nam đã từng có nhiều tiểu thuyết rất hay về chó, loài động vật nghĩa tình, nhiều gắn bó thủy chung với đời sống con người. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như Tiếng gọi nơi hoang dã của Jacl London, Con Bim trắng tai đen của Troyepolsky, Ca dăng của James Oliver Curwood, Chó Bi đời lưu lạc của Ma Văn Kháng. Tuần báo New York Times bình chọn bài diễn văn hay nhất thế kỷ cũng là bài viết về con chó do luật sư George Graham Vest thực hiện để bênh vực cho thân chủ của mình. Truyện ngắn Yêu sống của Nguyễn Văn Thọ một lần nữa mang đến cho người đọc nhiều xúc động về tình cảm của con người với loài vật trung thành. Ông Thiều, một người lính từng vào sinh ra tử, nay trở về thời bình đã cùng con chó Luca trông nom nhà vườn cho con trai ông, bắt đầu từ khi khu nhà vườn chỉ là mảnh đất vài nghìn mét hoang sơ bên sông. Đến khi nhà vườn quy hoạch khang trang thì cũng là lúc Luca già đi sau bao chiến công nó lập được, hai chân sau của Luca bị liệt và đôi mắt trở nên mù lòa. Thủy, con trai ông Thiều đã có ý định kết thúc cuộc sống Luca bằng một viên đạn và nhờ ông Thiều thực hiện. Điều ấy đã khiến người cha nổi giận bởi ông trước sau như một, là người sống trọng nghĩa tình. Bước ngoặt của truyện xuất hiện khi Luca gặp Vàng, một con chó cái xinh đẹp lạc từ đâu đến khu vườn. Và điều kỳ lạ xảy ra, Luca hồi phục sức khỏe từng ngày, tuy chân vẫn liệt, mắt vẫn lòa nhưng nó đã ăn uống trở lại, vui cùng người bạn mới. Chỉ đến khi con Vàng trúng dịch và không qua khỏi thì Luca mới thực sự suy sụp hoàn toàn. Nhưng trong những giây phút tàn lụi cuối cùng ấy, Luca vẫn cố lết ra bằng được để chết bên ngôi mộ của Vàng tơ. Câu chuyện mà nhà văn gửi tới chúng ta không chỉ là lời nhắc nhở về lẽ sống thủy chung tình nghĩa mà còn là bản ngợi ca lộng lẫy về khát vọng sống, khát vọng được yêu thương. Người xưa có câu: Khuyển mã chi tình; loài chó còn có tình cảm như vậy, lẽ nào con người không trao cho nhau nhiều hơn nữa những thương yêu? (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

"Bên dòng Nậm Nà": Những trang văn đong đầy tài năng và tấm lòng 23/5/2022

Trong lời giới thiệu Tuyển tập sáng tác của Nhà giáo Vũ Dương Quỹ, Nhà báo, Đạo diễn điện ảnh Mai An - Nguyễn Anh Tuấn đã gọi đó là những trang văn giàu chất thơ và chất điện ảnh của một “Người thầy đầu tiên”. Và truyện ngắn “Bên dòng Nậm Nà” được xem là sáng tác nổi trội trong cuộc đời cầm bút của tác giả thuộc thế hệ Nhà giáo “khai sơn phá thạch” của nền Giáo dục mới, được cử lên công tác tại các vùng núi Việt Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc vào năm 1959, cách đây đã hơn 60 năm. Có thể nói truyện ngắn này đã phát huy đầy đủ những thế mạnh trong ngòi bút của tác giả, với nhiều năm tháng đằm mình trong nhịp sống, nhịp lao động và cuộc chiến đấu giữ đất, giữ làng ở một bản làng vùng cao Tây Bắc. Câu chuyện về ba thế hệ trong một gia đình theo Cách mạng, về tình đất, tình người Mường Hạ đã được kể bằng những trang văn thấm đẫm hiểu biết, niềm gắn bó và lòng mến yêu với con người, phong thổ nơi đây. “Bên dòng Nậm Nà” đã đủ đầy dáng dấp của một tác phẩm văn học hoàn chỉnh cả về nội dung và nghệ thuật, vừa tràn trề tư liệu một vùng đất Cách mạng vừa chuyển tải một cách xúc động câu chuyện thân phận con người với những đoạn tả cảnh, đặc tả tâm lý kỳ công, rung động. Đó thực sự là những trang văn đong đầy tài năng và cả tấm lòng.

"Bụi quý": Khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc 20/5/2022

Các thiên truyện ngắn nổi tiếng của Paustovsy thường thống nhất trong một phong cách lãng mạn cao thượng với bút pháp phóng khoáng và luôn tràn đầy lòng cảm thương, trân trọng những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người. Câu chuyện chúng ta vừa nghe là một tác phẩm tiêu biểu theo phong cách đó. Anh lính Chamette sau khi giải ngũ đã trở thành người thợ quét rác tại thành Paris, chuyên quét dọn các xưởng thủ công. Anh sống nghèo nàn, thiếu thốn trong một căn phòng chật chội mà anh gọi là một “cái hang nhẵn như chùi”. Nhưng trong anh không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp đẽ với Suzanne, cô bé mà anh đã có những tháng ngày chăm sóc lênh đênh trên biển trong chuyến đi từ Mexico về Pháp. Và rồi bất ngờ sao, khi rất nhiều năm sau, anh gặp lại Susie (tên thân mật của Suzanne) trong bối cảnh chẳng lấy gì làm vui, cô đứng trên thành cầu sông Seine như muốn chuẩn bị quyên sinh. Anh đưa cô về căn phòng chật hẹp nghèo nàn của mình 5 ngày, sắp xếp mọi chuyện để cô làm lành với người yêu. Trước khi chia tay, Suzanne nhắc lại kỷ niệm ngày xưa, muốn được ai đó tặng bông hồng vàng để mang về hạnh phúc mãi mãi cho cô. Bắt đầu từ đây, Chamette bắt tay vào một cuộc trường kỳ gian khổ, đãi bụi ở những hiệu kim hoàn để lấy vàng, anh muốn đánh thành một bông hồng vàng nho nhò tặng cho Suzanne. Không biết bao năm tháng đã trôi qua, khi bông hồng vàng được thành hình thì Chamette chẳng còn biết Suzanne ở đâu nữa và rồi anh lặng lẽ qua đời. Câu chuyện xúc động về một hạnh phúc không trọn vẹn nhưng lại thắp lên trong lòng mỗi chúng ta một khát vọng khôn nguôi về hạnh phúc. Paustovsky qua thiên truyện này còn muốn ngầm ví công việc sáng tạo của mỗi nhà văn giống như quá trình chế tác một bông hồng vàng, phải lọc đi biết bao nhiêu cát bụi mới thành được một chút gì đẹp đẽ dâng tặng cho đời. Cách viết nhuốm màu cổ tích của Paustovsky đã khiến nhà văn Nguyễn Khải có những lời bình thật xác đáng: “Hình như Paustovsky thích thả sương mù vào truyện của ông. Cái đó làm người đọc nhiều lúc tưởng những điều ông nói giống như những giấc mơ, để rồi sau khi suy nghĩ kỹ, mới tin chúng là có thật, lúc đó họ mới phát hiện rằng mình đã lớn thêm một chút trong tâm hồn”.

"Con thú bị ruồng bỏ" (P.2): Đi tìm sự công bằng cho Múc 17/5/2022

Với cốt truyện đơn giản nhưng nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, chi tiết nghệ thuật đắt giá khiến nhân vật được khắc họa rõ nét, ám ảnh người đọc. Ông Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quyền với những thói quen binh nghiệp hằn sâu, vô tình trở thành tính cách gia trưởng, cố chấp, thích giải quyết xung đột bằng vũ lực. Ông sở hữu hai con chó săn: Tuýt và Múc. Cả hai con cùng một mẹ sinh ra, đều vạm vỡ, cao lớn, giỏi săn đuổi. Song, Tuýt được ông chủ yêu quý hơn vì nó biết phán đoán, ứng xử hầu hết ý của ông chủ. Nó luôn quấn quít và làm vui lòng ông chủ. Nếu cần sai làm việc gì nó đều vui vẻ và làm rất khéo, tuyệt nhiên nó không bao giờ làm ông chủ phật ý. Còn Múc thì ngược lại. Nó chỉ biết làm đúng phận sự của mình, dửng dưng với những việc mà con Tuýt say mê. Nó không quẩn quanh bên ông chủ, không biết chào đón, không chịu hiểu ý ông chủ, không biết cách lấy lòng ông chủ. Nó thờ ơ như vậy đương nhiên dần dà bị ông chủ ghẻ lạnh. Thậm chí khi Múc lập công, ông chủ vẫn không xoá bỏ được mối ác cảm đối với "tên đầy tớ" ương bướng này. Ông chăm sóc chu đáo vết thương con Tuýt, nhưng việc cần thiết phải làm là ban thưởng cho con Múc thì ông không làm. Nhân vật “Tôi”-bạn thân của ông Quyền hiểu biết mọi chuyện, thấu tình đạt lý nhưng cũng phải bất lực trước ông Thiếu tướng này. Sự công bằng ở đâu? Nó đã bị thành kiến lấn át hay còn những lý do lẩn khuất nào nữa? Truyện nói về loài vật song cũng để nói về con người; về lẽ công bằng, sự ứng xử; về người tốt lòng tốt có thể làm gì trong cuộc đấu tranh với bất công và sự bảo thủ, trì trệ... Sự am hiểu sâu sắc về loài vật, khả năng miêu tả tinh tế diễn biến tâm lý của con Múc và con Tuýt gắn với thủ pháp nhân hóa đã đem lại những trang văn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc người nghe./.

"Con thú bị ruồng bỏ" (P.1): Tình cảnh trái ngược của hai anh em chó săn 17/5/2022

Nhà văn Nguyễn Dậu tên thật là Trương Mẫn Song, sinh ngày 25/10/1930 tại thành phố cảng Hải Phòng. Các bút danh khác: Dã Nhị, Tiêu Giản, Thu, Song Yên. Năm 1946, ông nhập ngũ làm liên lạc, sau đó theo học Trường thiếu sinh quân, rồi Trường sĩ quan lục quân (Trung Quốc). Hòa bình lặp lại (năm 1954), ông làm việc tại Tổng cục Chính trị, rồi BTV báo Văn nghệ, cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội. Ông mất ngày 24/7/2002 tại Hải Phòng. Các tác phẩm tiêu phiểu của nhà văn Nguyễn Dậu, về tiểu thuyết có: Nữ du kích Cam Lộ, Đôi bờ, Mở hầm, Nhọc nhằn sông Luộc, Nàng Kiều Như, Xanh vàng trắng đỏ đen, Vòm trời Tĩnh Túc; về truyện ngắn có: Ánh đèn trong lò, Huệ Nga, Rùa Hồ Gươm, Hương khói lòng ai. Ngoài ra ông còn viết kịch Tổ quốc tiến ra biển cả và dịch nhiều tác phẩm: Truyện người da đen nước Mỹ, Quyển sách thấy ở Thuận Xuyên, Người bí thư xã, Dòng máu đầu tiên…Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn phần đầu truyện ngắn đặc sắc "Con thú bị ruồng bỏ" của nhà văn Nguyễn Dậu.

“Tiếng gọi đò khuya khoắt”: Lặng thầm một tình yêu

“Tiếng gọi đò khuya khoắt”: Lặng thầm một tình yêu 13/5/2022

Lịch sử một vùng đất , sự hình thành một cây cầu, thân phận con người , cụ thể là số phận hai bà cháu, phận người gắn với vùng đất với những biến thiên lịch sử . Nhà văn chọn góc kể là nhân vật nó – thế hệ thứ ba gồm bà – mẹ - cháu. Nhà văn day dứt về lịch sử quá khứ, lịch sử đó gắn với nhân vật Mệ - con gái của viên quan nhỏ dòng dõi Hoàng gia mưu đồ sự nghiệp cứu nước. Chính vì thế ký ức về người mẹ người cha là hai chữ “Cần vương”, “Vong thân”- là hình ảnh của “hòn vọng phu” thờ chồng nuôi con. Mệ là pho sử sống của bến Chềm, vùng đất hai huyện . Quá khứ hiện tại đan xen không chỉ ở câu chuyện mà còn qua sự hiện diện của Mệ và cháu. Hai nhân vật cách xa về thế hệ, mối quan hệ Mệ, sống bằng hồi ức, bằng câu chuyện Cần vương , cháu thì quan tâm tới lasptop, tới công nghệ. Thông điệp nhà văn muốn gửi gắm đó là sự trân trọng những kiếp người , những phụ nữ, những người vợ người mẹ. Câu chuyện về Mệ - con quan yêu nước, vợ của một liệt sĩ kháng Pháp – bản thân làm nghề chèo đò chở bao chiến si bộ đội qua sông suốt hai thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - một người mẹ Việt Nam anh hùng nhưng không hề được ghi công, sống lặng lẽ, nghèo khổ như hạt cát giữa biển khơi . Lịch sử biến thiên của một vùng đất trải dài từ thời Cần Vương, qua đánh Pháp đánh Mỹ . Cuộc đời người phụ nữ Mệ - nhân vật chính cũng trải dài từ một đứa bé- một phụ nữ làm mẹ, làm bà. Cuộc đời của Mệ thật buồn , thật cô đơn , chịu nhiều thiệt thòi gắn với dòng sông, con đò , với những biến thiên một vùng đất . Những đóng góp của mệ, những đau khổ của mệ, nỗi cô đơn, cũng như sự ra đi của mệ lặng thầm như một dòng sông. Truyện buồn nhưng gợi một vẻ đẹp ngời sáng lung linh như vẻ đẹp của ánh trăng. Tinh khiết và lãng mạn (Lời bình của BTV Lê Tuyết Mai)

“Hoa sưa đỏ”: Ngời sáng hình ảnh người chiến sĩ công an

“Hoa sưa đỏ”: Ngời sáng hình ảnh người chiến sĩ công an 10/5/2022

Thưởng thức truyện ngắn “Hoa sưa đỏ” người đọc, người nghe như đang đi vào không gian rừng núi thăm thẳm với những sắc màu thanh âm, mùi vị độc đáo. Đó là một “ngoại cảnh” đặc sắc thường ít xuất hiện trong văn xuôi đương đại.Thiên nhiên ban tặng cho núi rừng Việt Bắc vẻ đẹp kỳ vĩ, quyến rũ, thơ mộng, linh thiêng và huyền bí. Nơi đây, có những dãy núi đá trầm mặc quanh năm ăm ắp sương bay, biết bao cánh rừng đại ngàn tầng tầng lớp lớp phô diễn cảnh sắc bốn mùa và những dòng sông rì rầm khúc ca muôn đời dưới thung sâu... Cùng với thiên nhiên hùng vĩ thì lịch sử, văn hóa, đời sống, phong tục, tập quán… từ bao đời đã tạc khắc, ngấm vào máu thịt đồng bào các dân tộc trên non cao, trở thành nguồn năng lượng tự nhiên phong phú, dồi dào để Nhà văn Bùi Thị Như Lan, người con của dân tộc Tày, sinh ra, lớn lên trong cảnh sắc nên thơ của núi rừng, đã thắp sáng những trang văn bằng chính thiên nhiên và nền văn hóa đậm đà bản sắc. Truyện ngắn được viết bằng ngôn ngữ tinh túy, chắt lọc, văn phong giàu xúc cảm, lối viết tự sự, thấm đẫm nhân văn, nhà văn đã dẫn chúng ta đến vùng núi Phja Kháo, nơi có gia đình người chiến sĩ công an Lý Thàng. Qua từng trang viết nhẹ nhàng mà sâu sắc, nhà văn đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an hy sinh dũng cảm, giữ gìn cánh rừng gỗ sưa quý hiếm, giữ lại văn hóa của dân tộc, bởi vì: “Gỗ sưa đỏ trên núi Phja Kháo là cây mang hồn thiêng của núi rừng và là linh hồn của mỗi người dân trong vùng. Thế nên cây sưa đỏ quí lắm, được thế hệ ông bà, con cháu nhiều đời gìn giữ cẩn trọng.”. Truyện ngắn “Hoa sưa đỏ” để lại xúc cảm sâu sắc trong lòng độc giả về một lối viết rất riêng, không trộn lẫn của nhà văn, mà ở đó hình tượng người chiến sĩ công an “ Vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ” được khắc họa đậm nét, thông qua xúc cảm tự sự người vợ của đồng chí công an Lý Thàng, người đọc, người nghe như nghe rõ tiếng thở dài buốt nhói, lời đau xót… của những bà mẹ, người vợ có chồng là công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh lặng thầm của người chiến sĩ công an Lý Thàng trong truyện “Hoa sưa đỏ” đã phản ánh thực tế những cống hiến, hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sĩ công an trong công cuộc đấu tranh với tội phạm, giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Sinh ra từ mưa”: Mênh mông kiếp người

“Sinh ra từ mưa”: Mênh mông kiếp người 10/5/2022

Truyện ngắn “Sinh ra từ mưa” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang viết về Hoàng Cao Khải, một nhân vật có thật trong lịch sử. Vẫn với văn phong thường thấy, tác giả khiến người đọc bước vào thế giới của những mơ hồ mộng mị của nhân vật chính. Hoàng Cao Khải lớn lên trong nỗi hoài nghi về người cha ruột của mình. Sau cùng, nhân vật chính cũng có được câu trả lời nhưng lại không muốn tin đó là sự thật, nhất khi cha ruột của ông là một kẻ chống lại triều đình. Xuyên suốt tác phẩm có thể nhặt ra một vài sự kiện chính như thăm miếu Mai Thánh, thành lập đội Tuần Cảnh, trở thành Phó vương Bắc Kỳ… nhưng về cơ bản, “Sinh ra từ mưa” vẫn là những dòng suy nghĩ miên man của nhân vật Hoàng Cao Khải: giữa chối từ và chấp nhận, giữa khao khát muốn khẳng định một điều gì đó và sự côi cút, lạc loài… Giống như nhan đề của truyện ngắn, “Sinh ra từ mưa” cũng đem đến cho độc giả cảm giác về sự mịt mờ, một điều còn bị che lấp, thậm chí phong kín, một bí mật mà người trong cuộc hẳn sẽ đào sâu chôn chặt. Những đoạn đứt – nối trong mạch kí ức rời rạc của nhân vật “tôi” cũng giống như những hạt mưa giọt dài giọt ngắn rơi xuống những mênh mông buồn của kiếp người.

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ