Cập nhật :11:15 23/11/2022
VOV6 - Vùng đất Nghi Tàm, Thăng Long xưa vốn là nơi hội tụ nhiều văn nhân tài tử vang danh. Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Hinh là một trong số đó. Những giai thoại xoay quanh cuộc đời bà đều cho thấy chân dung một tài nữ hiếm có trong lịch sử văn học dân tộc ta. Truyện ngắn này của nhà thơ Ngô Văn Phú điểm lại những chi tiết, câu chuyện soi tỏ tấm lòng, đức độ, tài năng của Bà Huyện Thanh Quan, trong đó đi sâu vào công lao của bà trong việc giúp dân làng Nghi Tàm thoát khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm cho triều đình và các phủ, huyện. Truyện ngắn danh nhân, lịch sử nếu không cao tay rất dễ bị lệ thuộc vào các tư liệu, thiếu chất văn, chất đời. Với truyện ngắn này, nhà văn Ngô Văn Phú cho thấy sự kỳ công trong việc tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của một “phép vua”. Những câu văn giàu hình ảnh, kết cấu câu chuyện liền mạch cho thấy tác giả đã thực sự đi sâu vào tâm tư, tình cảm của các nhân vật cũng như nỗ lực lột tả giai thoại từ góc nhìn ngưỡng vọng tới tiền nhân của một một bậc hậu sinh hiểu sử và hiểu đời. Từ tích truyện gắn với tục tiến cống sâm cầm, truyện ngắn của nhà thơ Ngô Văn Phú tô đậm tấm lòng với đất và người Thăng Long xưa của Bà Huyện Thanh Quan, điều mà bà đã thể hiện trong nhiều áng thơ nổi tiếng. Ở kinh đô Huế nhưng trái tim bà luôn hướng về cố hương. Nữ học quan Cung Trung giáo tập đã làm được một việc có ý nghĩa lưu vào ngọc phả làng Nghi Tàm. Nhờ đó, tên tuổi của bà không chỉ sáng ngời trong văn học mà còn để lại tiếng thơm giữa đời thường. Giai thoại dân gian qua ngòi bút của nhà thơ Ngô Văn Phú cũng là một phép ẩn dụ về thân phận con người trong biến động thời cuộc. Viết truyện danh nhân mà gợi lên được những cảm xúc đời thường, nói lên được những điều chưa thể hiển hiện một cách sinh động qua tư liệu lịch sử, nhà thơ Ngô Văn Phú đã cho thấy phong cách sáng tác đặc sắc, cá tính với một đề tài văn xuôi chung thủy. (Lời bình của BTV Võ Hà)