VOV6 - Hai truyện ngắn của Giả Bình Ao chúng ta vừa nghe có dung lượng khá cô đọng, mang màu sắc của những câu chuyện ngụ ngôn, gửi gắm trong đó những triết lý về cuộc đời. Nhân vật chính trong hai truyện ngắn đều thuộc tầng lớp lao động bình dân, đó là người đào sâm và người thợ săn. Ở truyện Người đào sâm, yếu tố kỳ ảo đóng vai trò quan trọng qua việc dựng lên chi tiết chiếc gương treo trên cổng, mỗi lần người vợ nhìn vào lại hiện lên những diễn biến gay cấn, nguy hiểm theo mức độ ngày càng tăng dần. Cuối cùng, người chồng bủn xỉn chẳng bị ai tấn công mà lại chết trong nhà trọ. Thông điệp tác giả gửi gắm qua câu chuyện này phải chăng là sự vô thường của đời sống, những ai keo kiệt bủn xỉn, khi chết đi rồi tiền dù muôn vạn cũng chẳng mang theo được nữa. Vậy sự lựa chọn tốt hơn cả là hãy tận hưởng cuộc sống mỗi ngày như một người bình thường, cái gì thái quá cũng đều dẫn đến các hệ lụy chuốc hại vào thân. Còn với truyện ngắn Thợ săn, việc tàn sát loài sói trong khu rừng cũng là một sự thái quá, điều ấy dẫn đến một tai họa cho thợ săn sau này, là khi gặp phải một con sói dữ tợn tấn công lại, cả người và sói cùng vật lộn rồi rơi xuống vực. Yếu tố kỳ ảo nhất, đặc biệt nhất và cũng ám ảnh nhất nằm ở câu kết của truyện, khi người thợ săn sực tỉnh lại dưới đáy vực, nhìn thấy bên cạnh mình là một người đàn ông chừng ngoài bốn chục tuổi đã chết chứ chẳng thấy sói đâu. Cái kết này có thể mang đến hơn một cách hiểu. Thứ nhất, sinh mệnh của sói cũng đáng được coi trọng như bất cứ một sự sống nào, không nên tàn sát bừa bãi. Thứ hai, có thể con sói ấy chỉ là ảo ảnh, người thợ săn đã chết và linh hồn nhìn thấy thân xác của chính mình. Thông điệp mà nhà văn gửi gắm mà chúng tôi cảm nhận là con người cần lựa chọn một cách sống hài hòa với tự nhiên, với thế giới quanh mình để tránh đi những bi kịch do chính dục vọng của mình gây nên.