Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII với chủ đề “Điện ảnh Sáng tạo - Cất cánh” diễn ra từ ngày 7 - 11/11 tại Hà Nội. Liên hoan phim mở ra nhiều cơ hội để điện ảnh Việt Nam tiếp cận với điện ảnh quốc tế. Là ngành nghệ thuật có sự hội nhập mạnh mẽ nhưng làm sao để trên con đường định danh điện ảnh Việt xây dựng nền tảng vững chắc từ yếu tố truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Và “Bản sắc Việt trên hành trình hội nhập điện ảnh” cũng là chủ đề được chúng tôi bàn luận trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật với khách mời là nhà văn, nhà báo Thiên Sơn. (Đối thoại mở 06/11/2024)
Lịch sử luôn là một đề tài lớn, nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, cũng là “lò bát quái” thử cái “dũng”, “nhẫn”, “tài” của người cầm bút. Bởi lẽ viết về đề tài này quả thật chưa bao giờ là dễ với các nhà văn dù ở bất kì độ tuổi nào. Văn học Việt Nam đương đại ghi nhận sự hồi sinh mạnh mẽ của thể tài lịch sử với nhiều tác giả và tác phẩm giá trị. Đáng mừng hơn nữa là có sự tiếp nối thế hệ ở đề tài này, đó là sự hiện diện của các tác giả trẻ với sự khởi đầu hết sức mới mẻ. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 cùng với nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam trao đổi về chủ đề này. (Đối thoại mở 23/10/2024)
Đặt trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, điện ảnh – trong đó có phim truyện điện ảnh – là lĩnh vực có khả năng tạo các giá trị thương mại cao, thu lợi nhuận lớn cho nhà sản xuất. Phim truyện điện ảnh Việt cũng đang nỗ lực thay đổi, hướng tới thị trường, thu được những thành tích rất khả quan song cũng gặp không ít thất bại. Cùng Đối thoại mở Ban Văn học Nghệ thuật VOV6 trò chuyện với nhà báo Hoàng Anh Tuấn - Quyền Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh về câu chuyện Phim truyện điện ảnh Việt: Bình mới, rượu có mới? (Đối thoại mở 25/9/2024)
Không ít tác phẩm, tác giả văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng đa phần bạn đọc nước ngoài quan tâm đến văn học Việt đều là ở các quốc gia đã ít nhiều có mối quan hệ với chúng ta trong quá khứ, và họ đọc với tâm thế để tìm hiểu nhiều hơn là thưởng thức giá trị của văn chương. Vậy nền văn học của chúng ta đang yếu và thiếu ở khâu nào trong việc quảng bá? Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay, phóng viên VOV6 cùng với nhà văn Đỗ Bích Thúy bàn về chủ đề này. (Đối thoại mở 18/9/2024)
Chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam lần này mời quý thính giả cùng nghe một cuộc trò chuyện xoay quanh một chủ đề mà có lẽ tất cả những người yêu văn chương đều quan tâm, đặc biệt là những người có ý định bước chân vào việc sáng tác văn học. Thực tế cho thấy, có nhiều người không qua trường lớp học viết văn làm thơ nhưng vẫn có thể sáng tác tốt, vẫn có nhiều tác phẩm được xuất bản. Ngược lại, có người được học nhưng vẫn không thể sáng tác được. Vậy có cần thiết để có trường lớp đào tạo việc dạy viết văn làm thơ hay không? (Đối thoại mở 28/8/2024)
Với địa hình đa dạng, nước ta có rất nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người.
Cảnh đẹp ấy khi đi vào phim ảnh với những góc quay nghệ thuật, đặc tả, lại càng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn. Song không chỉ có cảnh quan thiên nhiên. Câu chuyện lồng ghép quảng bá du lịch trong điện ảnh còn nhiều hơn thế, sâu sắc hơn thế. Chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) trò chuyện cùng đạo diễn Lương Đình Dũng về nội dung này. (Đối thoại mở 3/7/2024)
Song song với quá trình sáng tạo văn chương là nỗi lo cơm áo gạo tiền, đảm bảo các điều kiện cuộc sống hàng ngày. Các nhà văn hiện tại đang sống và viết trong điều kiện ra sao? Đối thoại Mở “Nhà văn và câu chuyện sống bằng nghề viết” hướng góc nhìn vào thực cảnh ấy. (Đối thoại mở 12/6/2024)
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc là nguồn cảm hứng lớn cho những sáng tác văn học nghệ thuật. Đối với văn học dân tộc thiểu số, những tác phẩm đã có tuy chưa thực sự tạo thành một dòng chảy mãnh liệt như văn học người Kinh nhưng cũng đã có những dấu ấn quan trọng, cả thơ, truyện ngắn, trường ca, tiểu thuyết… Các tác giả nữ người dân tộc thiểu số viết về chiến tranh và hậu chiến nhằm tri ân quá khứ, bởi đó là một món nợ, là trách nhiệm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, qua đó nhằm nhận thức lại hiện thực một thời với những khai thác chưa đầy đủ, cả mặt xấu và mặt tốt. Quan trọng hơn hết là viết về những con người trong chiến tranh với những số phận cụ thể, đời thường, không phải chỉ anh hùng với ý chí quật cường, dũng cảm mà ở đó còn có những đấu tranh giằng xé, những mất mát và cả những khát vọng hóa giải hận thù sau cuộc chiến. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay, phóng viên VOV6 cùng với khách mời là tiến sĩ Đỗ Thu Huyền - Viện Văn học bàn về chủ đề này. (Đối thoại mở 15/5/2024)
Có quá nhiều chất liệu để xây dựng những tác phẩm bề thế về Điện Biên Phủ, về những nhân vật đặc biệt gắn với sứ mệnh thiêng liêng mà dân tộc đã giao phó. Lịch sử luôn lặng im bởi còn nhiều vấn đề lớn chưa thể giải quyết, chưa thể thấu đáo. Nhưng khán giả đòi hỏi. Đòi hỏi một tác phẩm xứng với tầm vóc Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chương trình Đối thoại mở trò chuyện cùng Tiến sỹ, nhà phê bình điện ảnh Mai Anh Tuấn - Giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội. (Đối thoại mở 8/5/2024)
Văn học nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thì An Giang nổi lên là mảnh đất ươm mầm nhiều cây bút văn học trẻ. Bên cạnh yếu tố khách quan thuận lợi thì địa phương này cũng đã và đang có cách làm sáng tạo nhằm khuyến khích, động viên đội ngũ người viết trẻ. Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật hôm nay, phóng viên VOV6 cùng khách mời là nhà văn Lê Quang Trạng - Phân hội Trưởng Văn học trẻ An Giang, Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam bàn về chủ đề này. (Đối thoại mở 01/5/2024)
Sẽ ra sao nếu đến Phú Quốc (Kiên Giang) hay Mũi Né (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa)... hay bất cứ nơi nào trên đất nước ta, lại không thể bắt gặp những công trình kiến trúc Việt, thay vào đó chỉ toàn những "lâu đài", nguy nga, tráng lệ, không theo một chuẩn mực của phong cách kiến trúc nào? Liệu có thể thay thế một kiến trúc đặc trưng cho nơi đó bằng những kiến trúc không của nơi nào cả? Câu trả lời sẽ có trong chương trình với khách mời là PGS.TS.KTS Trần Minh Tùng, Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Đối thoại mở 10/4/2024)
Vẫn đang tồn tại và tiếp nối và có thể sẽ có thêm những phát hiện tác giả người dân tộc thiểu số, viết về vùng đất và con người ở những vùng rẻo cao. Căn cước văn hóa, gốc gác vùng miền còn được trân trọng không và có giúp ích gì cho người viết vùng cao hôm nay? Thơ dân tộc thiểu số hôm nay có "kén" độc giả? Đó là chủ đề Đối thoại mở giữa BTV Võ Hà với Lý Hữu Lương - Nhà thơ người Dao - Biên tập viên Ban thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội - Giải thưởng Tác giả trẻ lần đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2021). (Đối thoại mở 20/3/2024)
Những năm gần đây, sự bùng nổ của internet đã mang đến diện mạo mới cho thơ. Mạng xã hội đã giúp các tác giả trẻ tự do sáng tạo, lan tỏa tác phẩm đến với hàng triệu bạn đọc, từ đó cũng mở ra những cơ hội xuất bản, ăn khách, tái bản liên tục. “Thơ trẻ thời công nghệ số” đang khoác lên mình diện mạo ra sao? Hứa hẹn sự phát triển như thế nào? Trong chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học Nghệ thuật, phóng viên VOV6 cùng trao đổi với chị Đỗ Thảo Ly, Giám đốc thương hiệu Skybooks Việt Nam - Một “bà đỡ” cực mát tay của nhiều gương mặt thơ trẻ, bước ra từ mạng xã hội về chủ đề này. (Đối thoại mở 28/02/2024)
Tính từ buổi đầu mở cửa, đến nay dù đã trải qua gần 40 năm nhưng chúng ta chưa có thị trường nghệ thuật đúng nghĩa. Tất cả đều manh mún, tự phát, chưa nói đến sự thiếu minh bạch, vàng thau lẫn lộn. Nhiều trào lưu nghệ thuật du nhập. Bản thân các nghệ sĩ cũng thực hành nghệ thuật theo nhiều hướng. Song công tác phê bình và thẩm định nghệ thuật gần như bỏ ngỏ. Những giám tuyển có tài năng, học vấn, kinh nghiệm và tầm nhìn sẽ đóng góp nhiều cho sự phát triển của nghệ thuật nói chung, thị trường nghệ thuật nói riêng. Cùng chương trình Đối thoại mở của Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) trò chuyện với giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật Heritage Space. (Đối thoại mở 21/02/2024)