VOV6 - Truyện ngắn “Bão lốc” có hai nhân vật chính và hai bối cảnh chính, được đặt trong sự tương phản rõ ràng. Một bên là ông Rao, có tiền bạc, có địa vị, một bên là một người phụ nữ ăn mày hèn mọn đói rách; một bên là toa tàu ấm áp, một bên là nhà ga tồi tàn, xiêu vẹo trong cơn bão lốc. Hai con người, dẫu có trò chuyện đôi câu, vẫn là hai thế giới khác biệt, không hề có điểm chung. Giữa họ không chỉ sự ngăn cách giàu nghèo mà còn là sự khác biệt về tầng lớp xã hội với nhiều nghi kị và định kiến. Một sự tình cờ, chính xác hơn là một cơn bão, đã cuốn hai con người xa lạ lại với nhau, cho họ cơ hội để hiểu và thông cảm cho nhau. Ông Rao đã bớt đi vẻ dửng dưng, còn người phụ nữ, dù thật lòng hay không, cũng đã giúp ông Rao vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu…Truyện được xây dựng chủ yếu thông qua ngôn ngữ đối thoại và cách tạo tình huống. Tác giả đẩy nhân vật vào hiểm cảnh để họ buộc phải bộc lộ con người thật của mình. Bên cạnh đó, nhà văn không có ý định nhào nặn ông Rao hay người phụ nữ ăn mày theo kiểu chính diện – phản diện. Họ đơn giản là những con người, có thói hư tật xấu, và dĩ nhiên, có cả sự thiện lương. Kết truyện bất ngờ, có phần nghiệt ngã cho người ăn mày nhưng lại là bước ngoặt của nhân vật ông Rao. Một điều gì đó trong ông đã thay đổi, và chắc hẳn sẽ theo ông suốt cả cuộc đời…