VOV6 - Truyện ngắn chúng ta vừa nghe kể về hai người họa sĩ làm nghề vẽ ảnh truyền thần. Đó là chú Thuận và người học trò mà chú hết lòng truyền dạy, cũng là nhân vật xưng Tôi và kể lại câu chuyện này: Tý. Như lời tự bạch của Tý, anh là người duy nhất của thị trấn còn theo nghề này, ngỡ như không thể cạnh tranh nổi với các hiệu ảnh kỹ thuật số đang đầy dẫy trên thị trường. Thế nhưng Tý vẫn sống được với nghề và vẫn có khách, đặc biệt là các khách Tây. Từ bức vẽ truyền thần chính người thày của mình, chú Thuận, có thể nói Tý đã bước sang một giai đoạn khác của cuộc đời, tự sống và vươn lên với nghề. Qua câu chuyện mà tác giả kể lại, ta có thể cảm nhận được một điều quan trọng, đó là cho dù làm bất cứ nghề gì, muốn thành công được chắc chắn phải có một tình yêu tha thiết, bền bỉ, sâu nặng. Người không phụ nghề thì nghề mới không phụ người. Với nghề vẽ truyền thần này, vẽ giống thôi chưa đủ mà phải vẽ ra được thần thái nhân vật và làm cho người thân của nhân vật xúc động. Tý đã hơn một lần làm được điều ấy, đặc biệt là trong tình huống bà cụ mẹ liệt sĩ nhờ anh vẽ con trai mình mà không hề có một tấm ảnh nào, tất cả chỉ dựa trên lời kể. Hoàn thành bức tranh này có thể nói là thử thách lớn nhất đối với anh Tý từ trước đến nay, một điều tưởng như không thể làm nổi. Thế nhưng anh đã vẽ bằng tất cả tình yêu thương, sự chia sẻ với bà mẹ và lòng kính trọng về một người lính đã ngã xuống vì tổ quốc. Cao trào của truyện, dư âm của truyện để lại cũng nằm ở tình huống – sự kiện độc đáo này. Người thợ vẽ ảnh truyền thần ấy có trái tim của một nghệ sĩ đích thực. Truyện ngắn Ký ức hiện hình của nhà văn Trần Quốc Cưỡng vì thế cũng mang ý nghĩa giáo dục to lớn cho mỗi con người trong cuộc sống và lao động mỗi ngày.