Cập nhật :10:34 12/11/2024
Bên sông giặt áo: Nâng cánh ước mơ

VOV6 - Khi gửi truyện ngắn Bên sông giặt áo tới chương trình, Bảo Thương có chia sẻ rằng: “Tôi viết truyện ngắn này bởi thương những con người có tài hoa, có phẩm cách, giàu khát vọng, ý thức sâu sắc về cuộc sống, mà vì hoàn cảnh phải chôn vùi tuổi trẻ nơi thâm sơn, sống một cuộc đời nhạt nhẽo, vô vị…”. Truyện được kể dưới góc nhìn của nhân vật kể chuyện xưng Tôi-một cô gái trẻ tên Phương. Ông nội cô bỏ nhà ra đi, bố cô cũng vậy. Họ ra đi theo tiếng gọi của một bóng hồng nào đó, đặng giúp họ tìm một công việc mới, thỏa mãn ước mơ, lý tưởng đời trai. Đến Lăng-cậu bạn thân cũng bỏ Phương ra đi. Rồi Thông và bao người bạn khác trong bản cũng bỏ đi mất tăm mất tích…Còn bao nhiêu số phận như thế? Đời người ai cũng muốn lộng lẫy nhất, ngọn nến của mỗi người, ai cũng muốn thắp lên rực rỡ nhất. Xuân Diệu có lý khi cho rằng: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhân vật người Bà, khi chạy loạn từ Hà Nội lên miền núi cao, dù những dấu hiệu của hào hoa đã phai tàn, nhưng đâu đó vẫn còn sót lại vết tích của tài hoa, phong lưu, nên nhiều khi bà vẫn tủi thân, tủi phận. Số phận, khiến bà đã ghim vào vùng đất nơi này, khiến bà trở nên cay nghiệt hơn, sắc sảo hơn, như là để thích ứng với đời sống. Còn Phương, phải chăng lớn lên từ vùng đất khắc nghiệt đó, bên một người bà truân chuyên, bên một gia đình có nhiều bi kịch sót thiếu, mà cô trở nên cá tính hơn, mạnh mẽ hơn, và đôi khi cũng bản năng và hoang dại hơn chăng? Phương tự nhận: “Tôi là con ngựa hoang, tôi rong chơi trả thù bà tôi không yêu tôi, rong chơi trả thù bố tôi bỏ bê tôi…”. Song, chỉ có Phương là chọn con đường về lại quê hương. Phương nói với chú Lương: “Đi mãi rồi đến lúc cũng phải về, con chim bay mãi thì cũng cần có tổ, con chồn chạy mãi thì cũng cần có hang. Cháu đã đi nhiều quá, cháu đã cống hiến cho bên ngoài nhiều quá, còn quê nhà thì sao?”. Phương về và đem theo một dự án về cho quê nhà. Nhà máy mọc lên từ ước mơ của ông, của bố, của Phương và bao người dân thôn quê. Ông nội, bà nội, bố, chú Lương, Phương…họ như những cây dại, bằng cách này hay cách khác, cố vươn mình tìm ánh sáng, may sao, ánh sáng cuối cùng cũng đã đến, câu chuyện cuối cùng cũng có lối ra. Đừng hủy hoại tài hoa của con người, hãy tạo đà cho con người phát triển, đó là điều mà tác giả Bảo Thương muốn nhắn gửi qua truyện ngắn này chăng?!.

Bài liên quan

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ