VOV6 - Nghe xong truyện ngắn này của nhà văn Nguyễn Phú, hẳn chúng ta còn nhớ đến câu ca dao xưa: “Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng”. Mối tình đẹp của Sỏa và Sình bị ngáng trở bởi những lề lối, luật tục và cả sự tham lam, ích kỷ của những người thân. Sự ngáng trở, chia rẽ đó đã trở thành vết thương lòng cho người trong cuộc, nhất là người phụ nữ. Dù có bị xa cách, bị thời gian bỏ lại trong cô quạnh nhưng lời hứa năm xưa và niềm tin mãnh liệt đã cho nhân vật bà Sỏa có động lực để vượt qua mọi bão gió, đớn đau để chờ đợi người yêu trở về. Bà Sỏa chờ người yêu từ khi tóc còn xanh cho đến khi tóc đã điểm bạc, từ một cô gái tay không đến khi thành một người phụ nữ có cả trăm con bò... Có những lúc lòng gợn sóng, tự đặt câu hỏi về sự biệt tăm của người yêu, rồi lại tự trấn an mình, người phụ nữ đáng thương ấy lúc nào cũng hướng về người yêu xưa với lời ước hẹn năm cũ. Rồi khi không thể ngồi yên được, bà Sỏa đã dắt những bò xuống các chợ quanh vùng để tìm kiếm người yêu. Qua rất nhiều năm như thế, rồi đến một mùa xuân kia, bà xuống chợ và số phận đã cho bà gặp lại người cũ. Nhưng đó là một cảnh huống trớ trêu và bẽ bàng: người yêu năm xưa của bà đã trở thành một lão già ốm yếu đớn hèn, mấy chục năm chấp nhận cuộc đời tầm gửi trên gấu váy một người đàn bà giàu có khác. Niềm tin, tình yêu trong người đàn bà đau khổ đã hoàn toàn sụp đổ. Mà niềm tin và tình yêu là lẽ sống của cuộc đời bà, giờ nó không còn nữa thì cuộc đời bà cũng chẳng có ý nghĩa gì. Cuối truyện người đàn bà biến mất như tình yêu, niềm tin biến mất trong bà. Nghệ thuật dựng truyện, miêu tả sâu tâm lý nhân vật kết hợp sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đặc trưng tâm lý đồng bào dân tộc Mông, giọng văn đầy thương cảm và nghệ thuật ẩn dụ (hình ảnh con bò) đã góp phần làm nên thành công của truyện ngắn này.