Ngày phát hành 15:51 | 5/4/2021
Lượt nghe: 978
Có thể so với một số cây bút tiêu biểu về đề tài miền núi như Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân, truyện ngắn của Chu Thị Minh Huệ bớt ngồn ngộn chi tiết và tiết chế sự dữ dội hơn. Bù lại, tác giả rất biết cách để những trang văn của mình không trở thành minh họa thuần túy cho tập tục của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Những câu văn ngắn, dễ hiểu, vừa phải, cô đọng kể cho chúng ta về câu chuyện về thân phận người Mông ở Yên Minh, ở Đồng Văn thông qua những nét sinh hoạt, văn hóa đặc sắc từ nghìn xưa. Nhà văn có thói quen đặt ra các câu hỏi, các giả thiết rồi lại tự lý giải để làm sáng lên những thắc mắc, làm mạch nối cho các diễn biến tiếp theo. “Nối dây” ở đây không đi theo mô – típ thông thường là lên án một tập tục lâu đời đã thành lạc hậu. “Nối dây” là để nối lại đường đi của tình yêu, số phận con người tuân theo lẽ tự nhiên lúc ban đầu. Vì thế, dù câu chuyện kết thúc bằng cái chết của Vảng và Pà, hai người yêu nhau mà không cưới được nhau nhưng lại không hoàn toàn buồn thảm, bi kịch. Ở đó, ta vẫn thấy được ánh sáng của một đời sống mới, tiếp nối mới - Những người ở lại – Dua và Phủ, không còn phó mặc cho số phận mà biết đấu tranh và giữ lấy hạnh phúc. Thêm một điểm cộng cho nhà văn Chu Thị Minh Huệ khi chị viết về điều ấy với một ngòi bút khá tự nhiên và thấm đẫm tình người (Lời bình của BTV Võ Hà)