Ngày phát hành 14:10 | 28/12/2020
Lượt nghe: 1729
Tôi thực sự xúc động khi đọc truyện ngắn “Người trong mưa lũ” của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Và chắc chắn nhiều người đọc, người nghe câu chuyện này cũng có cảm nhận như tôi. Một câu chuyện gay cấn, hồi hộp khi kể lại quá trình đi đỡ đẻ của người bác sĩ quân y trong cơn lũ. Dù thời tiết khắc nghiệt, phương tiện thiếu thốn đủ bề nhưng nghe tin có người phụ nữ “vượt cạn” là anh lập tức lên đường. Trên đường đi nhân vật bác sĩ quân y gặp nạn khi chiếc mủng của anh bị thủng. Trong cảnh trời nước mênh mông, anh phải bám víu vào mấy cây tre để không bị nước lũ cuốn đi. Anh hy vọng rồi thất vọng khi người đàn ông bơi mủng ngang qua không cứu giúp. Nhưng rồi đồng đội của anh đến kịp thời đưa anh đi đỡ đẻ cho người phụ nữ. Một câu chuyện rất nhiều tình huống, chi tiết hồi hộp, căng thẳng và ẩn chứa nhiều cảm xúc con người. Trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ, con người phải đối mặt với sự sống và cái chết, giữa cái chung và cái riêng. Bình thường anh cu Nhắng có lẽ cùng là người tốt nhưng trong hoàn cảnh mưa lũ như thế anh từ chối cứu bác sĩ quân y để về với người vợ đang đau đẻ của mình. Chúng ta cũng khó trách được nhân vật anh cu Nhắng khi anh cũng vì gia đình của mình. Còn với người chiến sĩ lực lượng vũ trang thì các anh luôn có ý thức vượt khó, vượt gian khổ vì người dân. Dù cả đêm chịu mưa lũ đến tím tái cả người nhưng khi nghe thông tin có người dân gặp nạn là các anh lao xuồng đi cứu giúp ngay. Truyện ngắn có những chi tiết sẽ ám ảnh người đọc, người nghe như hình ảnh đàn vịt câm lặng đứng trên xác con trâu chết hay hình ảnh anh cu Nhắng vừa bơi mủng đi vừa vái lạy tạ lỗi. Hình ảnh bốn người cầm bốn góc ni-lông che chắn người phụ nữ sinh con trong cơn mưa lũ cũng rất đắt giá. Nó thể hiện sự đoàn kết, tình quân dân vượt qua khắc nghiệt của thiên tai. Cũng rất tình cờ và trớ trêu khi người phụ nữ được cứu giúp lại chính là vợ của anh cu Nhắng. Một truyện ngắn xúc động tô đẹp hình tượng của người chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như phản ánh được khó khăn của người dân đang khó khăn, khổ cực trong vùng lũ...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)