Ngày phát hành 7:54 | 15/3/2021
Lượt nghe: 1449
Ngay từ nhan đề của tác phẩm đã gợi sự tò mò, kích thích cho người đọc, người nghe, “Đảo trong đêm” gợi sự huyền bí, bí ẩn và quả thực khi nghe những trang văn ấy, chúng ta cảm nhận rõ không gian đa chiều mà tác phẩm phản ánh. Đó là hai thế giới thực và ảo, là sự đối lập, mâu thuẫn mà nhân vật Du đang trải qua. Cô là bác sĩ tâm lý, chữa bệnh cho bao người nhưng chính cô lại gặp phải những sang chấn tâm lý mà không thể nào dứt được. Cô ám ảnh từng đêm về hòn đảo hoang vu, ám ảnh với hình ảnh cô sinh viên nằm sõng soài trong khuôn viên thư viện trường cô, người mà trước đó nửa tiếng muốn được nói chuyện với cô nhưng cô hẹn sau vì đến giờ họp. Một sự muộn màng. Cô ân hận và đau xót, từ đó Du sống trong nỗi ám ảnh từng đêm, chập chờn trong những cơn mê sảng, sợ hãi nhìn vào bóng đêm và bị bủa vây bởi hòn đảo vắng người và hoang lạnh. Nỗi sợ hãi khiến cho Du trở nên u uất và chán nản. Sống bên cạnh người chồng vô cảm, Du càng cô độc, không có ai chia sẻ cô. Không ai tin cô bị bệnh về tâm lý bởi cô là bác sĩ. Du rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản và ám ảnh. Cuối thiên truyện, Du lặng lẽ bước xuống dòng nước xiết và lạnh buốt, văng vẳng bên tai những lời nói đầy mâu thuẫn của chính mình. Chúng ta chắc sẽ đoán được kết cục của số phận Du, một nỗi xót xa về phận người cô độc trong thế giới đầy biến động này…
Ngày phát hành 14:24 | 20/9/2021
Lượt nghe: 911
Với văn chương, ngay từ đầu, nhà văn Trần Nhã Thụy đã xác định lối đi không chiều lòng số đông, khi anh hướng đến những truyện không có chuyện, hay là chuyện đấy, nhưng không theo lối thông thường với rõ ràng mở đầu - kết thúc. Sẽ là khó cho ai đó muốn đọc rồi kể lại cho người khác nghe. Song, đọc văn của Trần Nhã Thụy rất thích. Đó là giọng văn được dụng công trong việc xây dựng không khí truyện. Truyện ngắn “Ký ức vui vẻ” mà các bạn vừa nghe cũng vậy. Không mâu thuẫn, xung đột. Truyện kể tự nhiên, cảm giác như mọi chuyện diễn ra như những gì vốn có ở mỗi buổi tụ tập, bù khú, nhậu nhẹt, tán gẫu. Cũng có món ăn ngon, rượu quý, cũng có những câu chuyện nổ như ngô rang. Nhưng giữa không khí ồn ã đó có một người vẻ như lạc lõng. Đó chính là nhân vật kể chuyện xưng Tôi-nhà văn (cũng có thể hiểu chính là tác giả). Không phải là nhà văn không có chuyện để kể mà anh ta thấy những chuyện bạn bè đã kể đều tầm phào, nhạt nhẽo. Hẳn là trong thâm tâm anh muốn kể những câu chuyện khác ý nghĩa hơn. Đó là ánh mắt ngây thơ, nụ cười của những em học trò miền núi; là niềm vui của người nông dân khi được tặng bò giống…Truyện ngắn này ra đời, theo như lời chia sẻ của tác giả là xuất phát từ những câu thơ trong bài “Có những lúc” của nhà thơ Lưu Quang Vũ: Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/ Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng/ Thành phố đầy bụi bặm/ Những mặt người lì nhẵn chen nhau/ Có những lúc/ Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới/ Tôi bỏ ra đi, họ ngồi ở lại…
Ký ức vui vẻ, thực ra chẳng có gì vui vẻ, những chuyện tẻ nhạt, hay là nỗi cô độc của một nhà văn được mô tả bằng phong cách hài hước, giễu nhại. Tuy nhiên, như lời nhân vật Toàn nói: “Thực tế thì đời sống cũng ít chuyện vui, nói đúng hơn là ít chuyện thực sự vui. Chúng ta không có những niềm vui lớn. Chúng ta có rất nhiều nỗi buồn nhỏ. Buồn thì… các kiểu”. Vì thế, cũng phải cười, phải vui lên để mà sống phải không các bạn?! (Lời bình của BTV Nguyễn Vũ Hà)