Ngày phát hành 8:53 | 31/10/2023
Lượt nghe: 1903
Sau chiến tranh, những người lính trở về quê hương. Họ hòa vào cuộc sống hòa bình, xây dựng lại đất nước với biết bao ngành nghề khác nhau. Cuộc sống gia đình, công việc bận rộn khiến những người đồng đội xưa kề vai sống chết bên nhau nay chỉ còn liên lạc qua thư từ hoặc điện thoại. Mỗi người một phương trời, cuộc sống, số phận khác nhau nên đôi khi vài chục năm sau chiến tranh đồng đội mới có dịp gặp mặt. Cuộc điện thoại bất ngờ của người đồng đội cũ tên là Hà khiến biết bao sự kiện năm xưa bỗng ùa về trong tâm trí của nhân vật tôi. Qua lời kể của ông, người đọc người nghe trở lại chiến trường Miền Trung cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cuộc chiến vô cùng gian khổ, mưa bom bão đạn được nhân vật miêu tả chi tiết, sinh động. 7 người lính trên chốt ở chân núi Mỏ Tàu, thành phố Huế chiến đấu anh dũng trước cuộc tấn công của ba trung đoàn lính ngụy được yểm hộ bởi máy bay và pháo binh. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, tuy nhiều chiến sĩ bị thương nhưng cuối cùng họ đã đẩy lùi kẻ địch. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt đó, điều nhân vật ấn tượng nhất chính là tên lính Ngụy phụ trách gọi điện đàm báo vị trí cho pháo binh có gương mặt rất giống người bạn học tên là Sơn của ông. Chi tiết này cũng thoáng qua trong cuộc chiến biết bao sự kiện của ông. Chỉ đến khi người đồng đội cũ gọi điện mời cưới con mà ông thông gia lại chính là người lính ngụy năm xưa thì nhân vật mới thực hiện ý định của mình. Ông cũng phỏng đoán mối quan hệ giữa ngưới lính ngụy tên là Đông và người bạn học. Và linh tính của ông đã đúng, Đông và Sơn là hai anh em cùng cha khác mẹ. Do chiến tranh mà đến bây giờ hai anh em mới có dịp đoàn tụ với nhau. Những người lính năm xưa hai bên chiến tuyến giờ đây hân hoan hạnh phúc gắn kết trong một gia đình. Truyện ngắn viết về người lính nhưng ít phần mất mát đau thương nên tác giả cũng không đi nhiều vào tâm tư, nội tâm người lính mà chú trọng phẩn miêu tả sự kiện, chi tiết. Ân tượng nhất của câu chuyện đó là sự ngẫu nhiên của số phận khi Đông và Sơn là anh em, khi Hà lại kết thông gia với Đông, nhân vật tôi lại là bạn học của Sơn. Rất nhiều sự ngẫu nhiên trở thành sợi dây dẫn dắt số phận họ đoàn tụ với nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào. Mỗi người lính dù là ở chiến tuyến nào thì đều có số phận, gia đình riêng của mình. Truyện ngắn là khoảng lùi thời gian để chúng ta có góc nhìn nhiều chiều về giá trị cuộc sống trước và sau chiến tranh.
Ngày phát hành 9:38 | 26/5/2023
Lượt nghe: 830
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì có hàng vạn người lính đã hi sinh cho nền độc lập của đất nước. Sau khi đất nước hòa bình thì vẫn còn nhiều người lính mất tích, thất lạc thông tin. Người cựu chiến binh Lê Chí Hữu trong câu chuyện cũng một trong rất nhiều trường hợp thất lạc giấy tờ trong chiến tranh. Cuộc chiến khốc liệt, đồng đội người còn người mất, đơn vị chuyển đổi liên tục … rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến Lê Chí Hữu không chứng minh được mình đã từng là một người lính chiến đấu, cống hiến cho đất nước. Không có giấy tờ tùy thân, người cựu chiến binh sống gần như bên lề xã hội. Anh không được hưởng những chính sách đền ơn đáp nghĩa, bị mọi người coi thường. Phần đầu câu chuyện tác giả sử dụng danh xưng “gã” khi nói tới nhân vật chính thể hiện sự vô danh, không tên tuổi, không địa vị của anh trong xã hội. Tuy cuộc sống của Lê Chí Hữu cũng không quá đói khổ nhưng điều làm anh day dứt nhất đó chính là tư cách của một người lính, là sự tôn trọng của mọi người. May mắn nhờ có người đồng đội cũ là Bùi Văn Vệ thì thân phận người lính của Lê Chí Hữu mới được sáng tỏ. Tâm nguyên của người cựu chiến binh đã được thực hiện. Khi chiến tranh đã kết thúc mấy chục năm, khi tuổi không còn trẻ thì sự ghi nhận của xã hội, của cộng đồng với tư cách một người lính Cách mạng là niềm tự hào nhất với Lê Chí Hữu. Truyện ngắn khai thác đề tài người cựu chiến binh sau khi đất nước hòa bình. Có không ít gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh vì lý do khác nhau mà không được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của đất nước. Truyện ngắn được tác giả viết có nội dung, mạch truyện rõ ràng, ý tưởng nhân văn khi đề cao tình đồng đội đồng chí cũng như hình tượng cao đẹp của người lính, nhấn mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa với những người hy sinh, cống hiến cho đất nước. Tuy vậy, câu chuyện thiếu những điểm nhấn, tình tiết đáng nhớ. Phần đầu truyện giọng văn gai góc, có phần tự châm biếm, đến phần cuối truyện niềm xúc động của nhân vật chưa được đẩy lên mãnh liệt. Nếu tác giả khai thác thêm một vài chi tiết kỉ niệm gian khổ, chia sẻ ngọt bùi, chia sẻ sự sống cái chết của Lê Chí Hữu và Bùi Văn Vệ trên chiến trường năm xưa hoặc thêm vài tình tiết về khó khăn, thiệt thòi của gia đình, con cái người cựu chiến binh trong cuộc sống thì truyện ngắn sẽ để lại nhiều điều đáng nhớ hơn với người đọc, người nghe. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)