Ngày phát hành 9:52 | 19/4/2022
Lượt nghe: 1067
Ngôn ngữ truyện ngắn “Tiếng hát lau sậy” của tác giả Bảo Thương đẹp, giàu chất thơ, giàu chất liên tưởng so sánh, chuyển tải được vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật và vẻ đẹp của con người. Nghe xong truyện, thính giả nhắm mắt lại và mường tượng ra bức tranh đẹp, nhưng buồn phác họa nỗi niềm của người phụ nữ, khi họ ý thức được tiếng gọi của bản ngã, sống hết mình với bản ngã. Chị, một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, mang “vẻ đặm đặm của gái một con một thời xinh đẹp” và có một giọng hát hay “Tiếng hát trong và tròn, lời ca sáng và rõ, vành vạnh như vầng trăng thu, soi đến cả lớp li ti của từng chiếc lông trên mắt lá lau vào những độ rằm”. Song, Tiếng hát lau sậy là tiếng hát buồn của người đàn bà đẹp, tài hoa, khao khát tự do và tình yêu; khao khát được cống hiến giá trị nghệ thuật. Đó còn là tiếng lòng của con người nói chung luôn mong muốn vươn tới thứ tuyệt đích nhất của đời sống: là tự do, là tình yêu, là quyền được thể hiện mình, quyền được cống hiến tài năng, được sáng tạo. Cái đẹp phải được ươm mầm. Cái đẹp phải có môi trường cho nó phát triển. Cái đẹp phải được trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Cái đẹp có quyền được hưởng hạnh phúc. Song, ở đây, cái đẹp bị vùi dập. Tiếng hát chỉ dám cất lên ở bờ lau, bãi sậy, cánh đồng, khúc sông, bến nước …Chị thỏa thuê hát khi vắng người chồng, còn khi anh ta về thì im bặt. Hát giữa kiếp cỏ cây thì dễ, hát giữa kiếp người mới khó làm sao? Làm sao để bảo vệ quyền được sống, được ca hát, được cống hiến tài năng? Hay nói cách khác, làm sao, để cái đẹp được khẳng định, đề cao, trân trọng. Và cái đẹp rồi sẽ trôi dạt về đâu? Kết truyện nhân vật kể chuyện xưng “Tôi” hỏi mẹ: “Làm sao biết được chỗ nào có bông tốt mẹ ơi?”. Đó là câu hỏi mở, làm day dứt lòng người.
Ngày phát hành 0:0 | 7/6/2017
Lượt nghe: 5927
Các nhân vật trong truyện ngắn này của nhà văn Tống Ngọc Hân khao khát kiếm tìm hạnh phúc nhưng để có được đều nếm trải mùi vị cay đắng, nhọc nhằn. Diu phải che đậy nguồn gốc tên tuổi người cha của đứa con mình. Sán phải giấu đi bi kịch bị cưỡng bức mới có được một đứa con cho nhà chồng và Mùi cay đắng nhận ra hôn nhân không tình yêu của mình. Nhà văn dễ dàng nhận ra góc khuất trong cuộc đời họ, dành mối cảm thông sâu sắc trên mỗi trang viết với mong muốn một ngày nào đó cuộc sống của họ được cải thiện, sáng sủa hơn. (Đọc truyện đêm khuya 05/6/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 13/10/2017
Lượt nghe: 4822
Nghi lễ đón dâu, cướp dâu diễn ra vô cùng thô lỗ như một sự bạo hành. Đêm tân hôn chỉ là ngang nhiên dùng bạo lực tướt đoạt trinh tiết của một bé gái mà thôi và “chung qui chỉ là đứa bé mười tuổi” nhưng đã phải lo đến việc uống thuốc để không phải có con. Bên cạnh nhân vật chính Kukha, chúng ta còn thấy thấp thoáng nhân vật “tôi” - người kể chuyện. Nhà văn đã không ngại ngùng bày tỏ thái độ yêu ghét, sững sờ, phẫn nộ cũng như sự khát khao tự do, tình yêu thương, bênh vực kẻ yếu, với tấm chân tình, đồng cảm. (Đọc truyện đêm khuya 12/10/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 17/6/2016
Lượt nghe: 5664
Vào một ngày đẹp trời, tình yêu thời tuổi trẻ của ông Thông Xanh chợt được khơi lại với câu chuyện chàng trai trẻ đi tìm người cha ruột bao năm bị mất tin tức. Những danh hiệu, giấy khen, thi đua có thể bị mất và buổi họp kiểm điểm về đạo đức con người đang chờ đợi ông. Vậy mà nỗi khát khao tìm lại người thân yêu của chàng trai đã chạm đến trái tim những con người nhân tình mà đầy trách nhiệm. Ủng hộ đạo lý "Con người có tổ có tông. Như cây có cội như sông có nguồn", những người trong cuộc đã chắp nối tình cảm, hạnh phúc cho một gia đình. (Đọc truyện đêm khuya 13/6/2016)