Ngày phát hành 11:13 | 25/9/2024
Lượt nghe: 1686
Quý vị và các bạn thân mến, truyện ngắn như lời ru buồn về ba người phụ nữ là A mí (danh xưng gọi mẹ của người dân tộc Tây Nguyên), chị Rêu và Đót. Trái ngược với chị Rêu là người con gái sôi nổi, hát hay và hướng ngoại thì Đót là cô gái có phần ít nói và chỉ muốn gắn bó với buôn làng của mình. Chị Rêu không phải con đẻ của A mí, Ama nối dây với A mí khi chị đã gần 10 tuổi. Ama mất sớm khiến A mí phải gồng gánh cả gia đình trên đôi vai nhỏ không có thời gian chăm sóc Đót. Từ bé Đót đã gắn bó với chị Rêu, chứng kiến chị trưởng thành xinh đẹp rồi rời buôn làng lên thành phố. Chị Rêu rất yêu mến Đót nhưng lại có phần xa cách với A mí. A mí chỉ biết dấu nỗi buồn vào lòng, nỗi buồn nhân đôi khi chị Rêu bỏ làng hướng theo ánh hào quang của thành phố. Ngày A mí mất chỉ có Đót lẻ loi lo cho đám tang của mẹ. Đót lên thành phố tìm chị Rêu để chị về dự lễ cải mả cho A mí, một tập tục quan trọng của nhiều dân tộc Tây Nguyên nhưng không gặp chị. Ngày làm lễ cải mả cho A mí, chị Rêu bất ngờ xuất hiện khiến Đót vô cùng bất ngờ, vui mừng. Truyện ngắn được viết với ngôn từ, hình ảnh đậm đà nét văn hóa các dân tộc Tây Nguyên như một câu chuyện đượm buồn mà các già làng thường kể bên bếp lửa cho con cháu nghe. Xuyên xuốt câu chuyện là hình ảnh cây Kơ nia, một loài cây linh thiêng ở Tây Nguyên. Cây kơ nia cao lớn, mạnh mẽ nhưng cũng rất cô độc đứng đó chứng kiến nỗi buồn của A mí phải lấy chồng khi có biết bao ước mơ dang dở, chứng kiến niềm thương mến của Ngong, chàng trai tài giỏi với chị Rêu, chứng kiến nỗi lòng của Đót. Tâm hồn Đót gắn bó với buôn làng và lúc nào cũng mong muốn người thân yêu thương nhau. Đót buồn khi chị Rêu ham mê cuộc sống hào hoa nơi thành phố nhưng cũng vui mừng khi chị đã vượt qua sự xa cách để trở về chịu lễ cải mả cho A mí. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn đời sống, phong tục, tập quán của những dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên tươi đẹp.