Ngày phát hành 9:27 | 25/1/2022
Lượt nghe: 1329
Là một cây bút chuyên viết về đề tài người phụ nữ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang thường đi sâu khai thác đời sống nội tâm nhân vật với nhiều cung bậc phức tạp, rối ren. Truyện của chị thường có nét u buồn: buồn thương thân, buồn thiệt phận, buồn vì kiếp đàn bà “trót sinh ra thế biết là tại đâu”. Chính vì vậy, với những ai đã quen biết Vũ Thị Huyền Trang qua trang viết, “Cưới nhau vào mùa xuân” và “Vùng xanh” là những tác phẩm hiếm hoi của chị có màu sắc tươi sắc với cái kết có hậu. Trong đó, “Vùng xanh” gây ấn tượng với BTV hơn cả. Nhân vật chính tên Sâm cũng là người “yêu rồi cưới” nhưng điều đó cũng phải là tấm vé đảm bảo cho hạnh phúc gia đình. Có những điều khi yêu đương người ta không nhận ra sự xô lệch nhưng hôn nhân lại như một chiếc kính hiển vi, soi rõ và thậm chí khuếch đại khuyết điểm của từng người. Giống như một câu nói vui: “Tình yêu là đi từ lúc chứa chan đến lúc chán chưa”, hôn nhân khiến người ta ngỡ ngàng với cảnh đồng sàng dị mộng, nhìn mãi, ngắm mãi mà không thấy nét nào của người đã từng làm mình đắm say. Sâm cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, cô may mắn hơn khi trong khoảng thời gian xa chồng vì dịch bệnh Covid 19, cô mới chợt nhận ra chính mình cũng có lúc vô tâm, ích kỉ trong gia đình này. Khép lại bằng một cái kết có hậu, “Vùng xanh” hẳn sẽ khiến nhiều người thấy ấm áp. Tác phẩm cũng nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về sự sẻ chia trong đời sống vợ chồng, điều mà nếu thiếu đi, ta chỉ còn là những người lạ chung nhà mà thôi. (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)
Ngày phát hành 9:15 | 14/3/2024
Lượt nghe: 1518
Quý vị và các bạn thân mến, có một gia đình hạnh phúc là điều mà ai cũng mong muốn. Như thế nào là gia đình hạnh phúc cũng có nhiều quan niệm khác nhau. Có người trọng vật chất nghĩ cứ giàu có dư dả là hạnh phúc, có người trọng tinh thần nghĩ sống yêu thương nhau là hạnh phúc. Với người phụ nữ khi lựa chọn cho mình được một tấm chồng tốt, yêu thương, biết chăm lo cho vợ con thì đó là điều hạnh phúc nhất. Thế nhưng ở nhiều vùng sâu, vùng xa đất nước ta, với phong tục tập quán từ xa xưa thì nhiều người phụ nữ trước khi lấy chồng còn không biết mặt chồng mình ra sao, tình tính anh ta thế nào. Việc hai người có hòa hợp hay không, chồng có yêu thương mình hay không thì họ đành gửi hy vọng vào may rủi. Cô gái người Dao tên Phụng trong truyện ngắn cũng là như vậy. Giống nhiều cô gái vùng cao khác, Phụng cũng được mai mối để lấy lập gia đình. Dù rất bất ngờ nhưng vì phong tục tập quán bao đời của tổ tiên, vì chiều lòng cha mẹ mà Phụng cũng đồng ý. Hai gia đình cũng gặp mặt nhau để thống nhất lễ cưới, cỗ bàn cũng được chuẩn bị chu đáo. Nhưng rồi gia đình Phụng biết việc chú rể Thịnh bị tật ở chân. Bố mẹ Phụng nổi giận muốn hủy đám cưới còn anh trai Đoàn cùng chị dâu có phần lý bênh họ nhà trai. Là người trong cuộc nhưng từ đầu đến cuối Phụng luôn bị động. Tâm trạng cô luôn lo lắng, phân vân, bất an không biết tương lai của mình và Thịnh sẽ ra sao. Nhưng khi biết anh bị tật ở chân, Phụng bỗng thấy trong lòng trào lên nỗi niềm thương cảm. Được sự vun vén, ủng hộ của anh trai và chị dâu, Phụng đã quyết định lên duyên chồng vợ với Thịnh. Câu chuyện nhiều cảm xúc của cô gái người Dao khi đứng trước sự kiện quan trọng của đời mình. Do chưa từng quen biết chú rể nên việc lấy chồng khiến Phụng quá bất ngờ, bối rối. Nghe theo lời khuyên của anh chị, hai người đã có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và cảm xúc trái tim mà Phụng đã hy vọng Thịnh sẽ là người chồng tốt của mình. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn những nét văn hóa độc đáo trong hôn nhân cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao đất nước. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ngày phát hành 11:5 | 26/6/2024
Lượt nghe: 2249
Một mái ấm, một người bạn đời cùng chia sẻ buồn vui, đó là khát vọng, là mục đích hướng tới trong cuộc sống của người Việt ta nhiều đời nay. Mái ấm gia đình là giá trị tinh thần của con người ở tuổi trưởng thành. Trong ca dao về hôn nhân và tình cảm vợ chồng đã đề cập một cách kỹ lưỡng điều này, cho thấy đó là đặc trưng văn hoá của con người, dân tộc ta.