Ngày phát hành 16:9 | 4/6/2024
Lượt nghe: 1913
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam cuối thập niên 70 thế kỷ trước, khi chúng ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chưa lâu. Nền kinh tế đang vận hành theo lối bao cấp, phát triển hợp tác xã ở nông thôn, mọi hoạt động nông nghiệp đều vận hành dưới sự chỉ đạo của chính quyền. Vậy nên mới sinh ra những câu chuyện dở khóc dở cười mà lão Khổ là nhân vật đại diện, được nhà văn tập trung khắc họa. Bi kịch lần đầu xảy ra với lão Khổ và nông dân cả làng Cổ do bệnh sính hình thức của lãnh đạo. Lúa chín vàng những chưa cho gặt bởi còn chờ lãnh đạo huyện về thăm quan. Rốt cuộc lúa bị trận mưa đá phá hỏng, gần như mất trắng. Bi kịch lần hai xảy đến khi lão Khổ chuyển hướng làm kinh tế sang chăn vịt thì bị đánh thuế quá đắt, tận 7 đồng 1 con. Lão Khổ cũng như những nông dân chăn vịt khác nghĩ ra mẹo cho vịt đi ăn đêm để trốn thuế, không ngờ lại bị chính quyền rình bắt, phạt mỗi con 2 đồng và chủ vịt 20kg thóc. Truyện kết thúc bằng cảnh ông Khổ mua đôi vịt và nghe anh hàng vịt nói mỉa mai về việc muốn rẻ chỉ có mua vịt giời. Chỉ có vịt giời xuống ăn lúa thi không bị chính quyền xã phạt mà thôi. Chọn tên truyện là Lũ vịt giời, nhà văn đã dùng thủ pháp phản khách vi chủ, biến cái phụ thành cái chính để làm nổi bật cái giễu nhại, chua chát về sự ấu trĩ một thời trong quản lý kinh tế ở nông thôn. Truyện được viết cách đây đã 35 năm nhưng vẫn còn giá trị nguyên vẹn, đáng để cho mỗi người nghe người đọc suy ngẫm về việc thực thi các chính sách, điều hành xã hội cũng như phải biết lắng nghe và quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người nông dân.
Ngày phát hành 9:48 | 14/4/2022
Lượt nghe: 1182
Truyện ngắn đưa chúng ta trở về đất nước Việt Nam đầu thế kỉ XVI khi triều đình nhà Lê rối ren, các vua Lê ăn chơi xa đọa, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Nhân vật tôi của câu chuyện, người nông dân tên Nguyên Hải vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của thời đại. Cuộc sống gia đình ông quá khổ cực. Hàng ngày được ăn để còn sống đã là hạnh phúc của gia đình Nguyễn Hải. Và cũng như hàng trăm, hàng ngàn người nông dân khác đang bế tắc, Nguyễn Hải bị đưa đẩy tham gia cuộc khởi nghĩa do Trần Cảo phát động. Với những người nông dân như Nguyễn Hải việc tham gia khởi nghĩa đơn giản là được ăn và hy vọng có điều gì đó thay đổi. Cuộc khởi nghĩa do những người nông dân nghèo khổ cả đời chỉ biết cầm cái cày, cái liềm nhanh chóng thất bại và Nguyễn Hải quay trở về nhà của mình. Truyện ngắn trên sự kiện có thật trong lịch sư để thể hiện số phận của người nông dân trong chiến tranh loạn lạc. Chúng ta cảm nhận được không khí ảm đạm bao trùm lên câu chuyện với cái đói, cái khát, nỗi buồn. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi trong gia đoạn suy tàn của một triều đại thì làm gì có ai lo cho cuộc sống của người dân. Số phận con người nhất là người nông dân nghèo bấp bênh như chiếc lá vô định trong cơn cuồng phong của lịch sử. Là một cây bút mới hơn 30 tuổi, nhà văn Đinh Phượng đi vào đề tài dã sử khi hóa thân vào một nhân vật không có gì trong tay, nhiều ước vọng nhưng dễ thay đổi trước bất chắc, khó khăn. Truyện của anh không đi vào những đấu đá trong hoàng cung, những thay đổi lớn lao của thời đại mà khai thác số phận nhỏ bé của một người nông dân để thể hiện ý nghĩa cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Hiện nay khi thế giới vẫn có những nơi người dân khổ cực vì chiến tranh loạn lạc thì chúng ta càng trân quý cuộc sống hòa bình trên đất nước Việt Nam. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ngày phát hành 0:0 | 13/6/2018
Lượt nghe: 3882
Làng xóm và đồng ruộng đã bao đời gắn bó với nông dân. Thế nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều người trong số đó phải rời quê đi làm ăn xa. Có biết bao câu chuyện đắng chát xảy đến với họ khi mưu sinh chốn thị thành. Sức hút của đồng tiền và vật chất phải chăng đã đưa họ đi quá xa hạnh phúc của mình. Sau tất cả, ước muốn tìm về với những gì thân quen, yên ả nơi quê nhà vẫn là điều mà họ ước ao nhất!
Ngày phát hành 0:0 | 20/11/2019
Lượt nghe: 769
Không có cái vẻ êm đềm, thơ mộng, trong lành, buồn lặng như nông thôn trong văn Thạch Lam, cũng không mang hơi hướng bản sắc nệ cổ như văn Ngô Tất Tố, nông thôn, trong mỗi sáng tác của Nam Cao nói như Giáo sư Phong Lê: “không chỉ là một lát cắt tươi rói của cuộc sống mà còn là những chạm khắc rất ấn tượng về những chân dung người làm nên gương mặt dân tộc một thời” (Tìm trong kho báu phát 21/11/2019)
Ngày phát hành 0:0 | 13/10/2017
Lượt nghe: 1732
Nước Nga tuy xa mà gần, lạ mà quen – Đó là cảm nhận của nhiều người ít nhất có một lần đặt chân đến đất nước thân thiện này, hoặc chỉ biết về xứ sở bạch dương qua tiểu thuyết Lep Tonxtoi, thơ Puskin, Exênhin… Thiên nhiên Nga, văn học Nga, thơ ca Nga thực sự là một miền nhớ, một không gian văn hóa tinh thần vô cùng ý nghĩa. (Tiếng thơ 11/10/2017)