Ngày phát hành 11:31 | 7/12/2022
Lượt nghe: 396
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng chia sẻ về truyện ngắn "Muối của rừng" như thế này: “Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời…Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người…”. Tác phẩm đậm tính nhân văn xoay quanh nhân vật Diểu-người đàn ông chuyên đi săn thú rừng. Tác giả đã thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lý phức tạp của ông Diểu từ khi nhìn thấy con mồi cho tới lúc chứng kiến tình cảm giữa cặp khỉ hoang cùng ánh mắt cầu xin của chúng. Đó là một cuộc chiến âm thầm nhưng không kém phần dữ dội, quyết liệt giữa con người với thiên nhiên và quan trọng hơn là trong chính nội tâm con người. Với bản tính kiêu hãnh, thống soái, đầy danh vọng, đố kị, khi đối mặt với thiên nhiên loài vật hồn nhiên, trong trẻo, đầy tính nhân bản, con người đã hoàn toàn bị đẩy vào một tình thế thảm bại, bi hài khó tránh khỏi. Thông qua tác phẩm này, nhà văn đề cao sự vị tha, hướng thiện của con người cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa. Ngẫm nghĩ kỹ hơn, ta còn nhận thấy cái triết lí nhân sinh mà nhà văn gửi gắm, đó là: con người chỉ chiến thắng, chỉ nắm giữ được cái thiện – thứ mà con người luôn phấn đấu để kiếm tìm, khi biết tự thức tỉnh và buông bỏ theo triết lí đạo Phật.
Hình ảnh hoa tử huyền (một loài hoa có thể do tác giả tưởng tượng) ở cuối truyện, loài hoa ba mươi năm mới nở một lần, sự kết muối của rừng, điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng bội thu là hình ảnh mang tính biểu tượng gợi nhắc niềm tin vào bản chất thuần phác, đẹp đẽ của thiên nhiên và con người.
Lối kể chuyện trong "Muối của rừng" là lối kể tuyến tính truyền thống-ngôn ngữ phong phú, chỗ thì đậm chất trữ tình, chỗ thì thô sơ, mộc mạc, nhưng đó là đều là ngôn ngữ và cảm nhận của nhân vật chứ không có sự thể hiện tình cảm chủ quan của tác giả. Cốt truyện mạch lạc, với những chi tiết lạ, nửa thực, nửa ảo. Những độc thoại nội tâm ngắn, sắc sảo, khơi gợi đồng sáng tạo của độc giả.