Hệ thống tìm thấy 37 kết quả
Ngày phát hành 15:39 | 17/7/2023
Lượt nghe: 914
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe lấy bối cảnh cuộc Nội chiến Nga giai đoạn 1917-1922. Trong cuộc chiến này, ngoài sự đối đầu giữa Hồng quân Nga và nhóm Bạch vệ, chính quyền Xô viết non trẻ còn phải đối phó với lực lượng quân phỉ Kadắc ở vùng sông Đông và Cuban. Nhân vật chính trong truyện là Nhicônca, một người lính trẻ mới 18 tuổi nhưng đã được giữ nhiệm vụ chỉ huy đội kỵ binh trong chiến dịch tiễu trừ quân phỉ. Mẹ mất sớm, bố của Nhicônca cũng vì chiến tranh mà bặt vô âm tín. Ưu thế của tuổi trẻ là dòng dũng cảm, nhiệt huyết và chiến đấu quên mình. Thế nên khi nhận thông tin của lão nông Lukich rằng bọn phỉ vừa đến nhà lão cướp phá, Nhicônca cùng đồng đội lập tức lên đường ngay. Diễn biến câu chuyện như chúng ta đã thấy, không phải tuổi trẻ lúc nào cũng dành được phần thắng, thủ lĩnh của nhóm phỉ với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn hơn đã bắn hạ Nhicônca. Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó, khi thủ lĩnh của nhóm phỉ tháo đôi ủng bốt can từ chân Nhicônca đã phát hiện cái bớt ở mắt cá chân và nhận ra đây chính là con trai của mình. Cái chết cũng đến với thủ lĩnh phỉ ngay sau đó bằng một phát súng tự sát bởi nỗi ân hận đau đớn. Chiến tranh đã gây nên bao oan nghiệt, thảm khốc và xót xa hơn khi những con người đối đầu với nhau vốn cùng chung một giống nòi, chung một gia đình. Vì thế, truyện ngắn Cái bớt có thể xem là một tiếng nói mạnh mẽ phản đối chiến tranh, lên án sự tàn nhẫn của chiến tranh. Thủ lĩnh phỉ mới đầu hiện lên như một nhân vật phản diện, giết người không ghê tay, sẵn sàng cướp bóc lương thực của dân lành, nhưng cho đến cuối truyện, hành động tự sát khi nhận ra mình vừa giết chính con trai lại cho thấy nhân vật này vẫn còn trong thẳm sâu con người gã một lương tri, một nghĩa tình. Một cốt truyện mang đầy tính bất ngờ và dữ dội đã khiến Cái bớt của Solokhop tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người nghe, người đọc. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Ngày phát hành 0:0 | 31/3/2019
Lượt nghe: 882
Chiến tranh cách mạng là đề tài tâm huyết của họa sỹ lão thành Dương Viên (Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012), tiêu biểu như “Xuất kích”, “Thư nhà”, “Trận địa trên cao”, “Gặp gỡ”, “Niềm tin”…(Câu chuyện nghệ thuật 29/3/2019)
Ngày phát hành 9:46 | 31/3/2022
Lượt nghe: 1076
Trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam thì ngày giỗ là lễ kỉ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, bố mẹ hoặc người thân. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, hàng vạn người lính đã hi sinh để mang lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Với những người lính còn sống thì ngày đồng đội hi sinh mãi mãi khắc ghi trong trái tim. Những dịp giỗ các anh là dịp người cựu chiến binh tưởng nhớ người đã khuất, gặp gỡ bạn bè đồng đội năm xưa. Truyện ngắn được kể lại qua lời của nhân vật tôi khi dự đám giỗ của một người đồng đội. Và bất ngờ khi chính người tưởng rằng đã mất làm giỗ cho mình. Điều tưởng rằng khó tin nhưng thực ra lại không hề hiếm ở nước ta thời kỳ hậu chiến. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ ác liệt, rất nhiều người lính mất tích rồi hoàn cảnh thông tin liên lạc còn hạn chế nên tổ chức, gia đình tưởng rằng đã hi sinh. Thế mới có cảnh giở khóc giở cười khi ngày gia đình làm đám giỗ thì người hi sinh bỗng trở về. Nhân vật anh lính tên Hùng trong câu chuyện chính là một trường hợp như vậy. Đầu năm 1975, Hùng bị thương nặng và thông tin anh hy sinh được thông báo về quê nhà. May mắn Hùng được giúp đỡ, chữa trị, sau khi lành vết thương anh trở về trong niềm hạnh phúc của gia đình. Điều đặc biệt nhất là Hùng được giúp đỡ, chữa trị bởi lực lượng phía bên kia chiến tuyến. Tấm lòng của ông Mến, người bác sĩ quân y Việt Nam Cộng Hòa hay sự cứu giúp của người lính vô danh khiến Hùng vô cùng cảm động. Truyện ngắn mang lại nhiều bất ngờ cho người đọc, người nghe và thể hiện góc nhìn khách quan về chiến tranh. Dù là ta hay địch thì đều có những con người mang phẩm chất tốt đẹp. May mắn Hùng đã gặp những người tốt như vậy để trở lại với gia đình. Sau gần nửa thế kỉ đất nước hòa bình, cần có nhiều sáng tác viết về chiến tranh với góc nhìn đa dạng, khách quan để công chúng hiểu hơn về quãng thời gian hào hùng của dân tộc.
Ngày phát hành 15:7 | 29/4/2021
Lượt nghe: 681
Bí mật các nữ tu cất giấu trong ngôi Thánh đường, nơi cư ngụ của một Cô nhi viện từ miền Trung di tản vào vùng ven Sài Gòn thực sự khiến người đọc, người nghe ngỡ ngàng. Bởi điều đó ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nhưng cũng nhờ cái kết bất ngờ ấy, truyện ngắn “Ngày cuối cùng của chiến tranh” của nhà văn Vũ Cao Phan đã đọng lại dư vị nhói lòng, ám ảnh. Với logic thường tình, chúng ta đã tưởng rằng trong căn nhà nguyện khả nghi lúc nào cũng đóng cửa kia đang dung dưỡng những kẻ ẩn náu – Và cũng như những người lính giải phóng, người đọc, người nghe hồi hộp dõi theo kết cục phía bên kia, những tàn quân buông súng đầu hàng Cách mạng. Ngòi bút nhà văn Vũ Cao Phan thật sự cao tay khi không để lộ chút sơ hở nào hòng đánh lạc hướng độc giả dự đoán về kết cục kia. Và ông đã thành công trong việc bình tĩnh dẫn dụ cho diễn biến câu chuyện đến chỗ cần thiết – Cuối cùng từ từ ánh sáng tình người đầy xúc động hắt ra từ uẩn khúc của cuộc chiến. Cuộc tiếp quản của một đơn vị quân giải phóng trong ngày 30 tháng 4 năm ấy đã mở ra một cảnh tượng khiến người kể chuyện, người chỉ huy dày dặn rơi nước mắt. Và những giọt nước mắt, câu chuyện đong đầy tình người ấy như một soi chiếu giá trị sâu sắc về góc khuất của cuộc chiến mà tới tận ngày hôm nay, nhân loại, chúng ta hãy còn nhắc nhớ (Lời bình của BTV Võ Hà)
Ngày phát hành 8:40 | 3/4/2024
Lượt nghe: 987
Sơn lặng người nghe thượng sĩ Lê Lý kể chuyện Nguyễn Đó dẫn theo toán lính Việt Nam Cộng Hòa tấn công một hầm trú ẩn của Việt Cộng ở nhà bà Tư Mía. Ông Xí rất đau lòng khi thằng con trai trở thành kẻ chiêu hồi giết hại bà con, hàng xóm của mình. Nhìn ông Xí khóc nức nở, ông Ruộng thấy tủi thân vì mấy đứa con trai của mình cũng bắn giết nhau. Sau trận càn đẫm máu, Nguyễn Đó được đưa về Đà Nẵng sống ở làng chiêu hồi và không dám quay trở về quê hương. Nghe cuộc trò chuyện của Lê Lý và Sơn, mấy người lính thương binh ngồi bàn bên cạnh cũng thấy thương cảm cho số phận người dân trong chiến tranh. Chiến tranh khiến bao gia đình, cha con phải ly tán, anh em, bạn bè giết hại nhau. Bây giờ qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tác phẩm vừa dành giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.
Ngày phát hành 9:38 | 1/4/2024
Lượt nghe: 853
Tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” ngược về thời điểm mấy năm trước 1975, không gian trải dài từ một tỉnh miền Trung - nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến tới một địa phương miền Đông Nam Bộ, cửa ngõ Sài Gòn. Diễn biến chính của tác phẩm xoay quanh số phận những người nông dân miền Trung trong mối quan hệ với những người dân ở địa danh Thủ Biên, nơi đang chứng kiến không khí nóng bỏng của chiến tranh. Nhân vật chính của tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là Sơn – Một chàng trai từ nông thôn rời quê hương lên thành phố trọ học trong gia đình ông Trần Văn Duy vốn có gốc gác đồng hương và có ân tình với gia đình anh. Tại đây đã nhen nhóm mối tình giữa Sơn và Diễm, con gái ông Duy. Nhưng những hệ lụy của chiến tranh đã khiến tình yêu vừa chớm nở giữa đôi trẻ không có một kết cục viên thành. Với bút pháp hiện thực xen lẫn hiện thực, tác phẩm cũng khắc họa nhiều số phận hai bờ chiến tuyến với những băn khoăn, lựa chọn về tình yêu, tình thân, lý tưởng. Tác phẩm có kết thúc với chi tiết nhân nghĩa lay động lòng người. Từ đây, nhà văn Nguyễn Một nhắn gửi tới bạn đọc thông điệp về tình người, tiếng gọi lương tri cho một cuộc sống hòa bình. Như đã hẹn, kể từ hôm nay, chương trình “Đọc chuyện dài kỳ” của Ban VHNT (VOV6) gửi tới Quý thính giả nội dung tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Nhà văn Tạ Duy Anh, người viết lời tựa cho tác phẩm đã đánh giá: “Đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, người viết đã kỳ công đưa lại cho độc giả thấu hiểu hơn những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến tranh đã đi qua”
Ngày phát hành 13:43 | 11/8/2021
Lượt nghe: 611
Cuốn sách của tác giả Vũ Công Chiến đong đầy cảm xúc và niềm tự hào về tình đồng chí, đồng đội ấm áp trong chiến tranh và thời bình. (Làn sóng nghệ thuật 30/07/2021)
Ngày phát hành 9:48 | 14/4/2022
Lượt nghe: 1182
Truyện ngắn đưa chúng ta trở về đất nước Việt Nam đầu thế kỉ XVI khi triều đình nhà Lê rối ren, các vua Lê ăn chơi xa đọa, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Nhân vật tôi của câu chuyện, người nông dân tên Nguyên Hải vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của thời đại. Cuộc sống gia đình ông quá khổ cực. Hàng ngày được ăn để còn sống đã là hạnh phúc của gia đình Nguyễn Hải. Và cũng như hàng trăm, hàng ngàn người nông dân khác đang bế tắc, Nguyễn Hải bị đưa đẩy tham gia cuộc khởi nghĩa do Trần Cảo phát động. Với những người nông dân như Nguyễn Hải việc tham gia khởi nghĩa đơn giản là được ăn và hy vọng có điều gì đó thay đổi. Cuộc khởi nghĩa do những người nông dân nghèo khổ cả đời chỉ biết cầm cái cày, cái liềm nhanh chóng thất bại và Nguyễn Hải quay trở về nhà của mình. Truyện ngắn trên sự kiện có thật trong lịch sư để thể hiện số phận của người nông dân trong chiến tranh loạn lạc. Chúng ta cảm nhận được không khí ảm đạm bao trùm lên câu chuyện với cái đói, cái khát, nỗi buồn. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi trong gia đoạn suy tàn của một triều đại thì làm gì có ai lo cho cuộc sống của người dân. Số phận con người nhất là người nông dân nghèo bấp bênh như chiếc lá vô định trong cơn cuồng phong của lịch sử. Là một cây bút mới hơn 30 tuổi, nhà văn Đinh Phượng đi vào đề tài dã sử khi hóa thân vào một nhân vật không có gì trong tay, nhiều ước vọng nhưng dễ thay đổi trước bất chắc, khó khăn. Truyện của anh không đi vào những đấu đá trong hoàng cung, những thay đổi lớn lao của thời đại mà khai thác số phận nhỏ bé của một người nông dân để thể hiện ý nghĩa cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Hiện nay khi thế giới vẫn có những nơi người dân khổ cực vì chiến tranh loạn lạc thì chúng ta càng trân quý cuộc sống hòa bình trên đất nước Việt Nam. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ngày phát hành 16:2 | 29/6/2023
Lượt nghe: 963
Các bạn thân mến, thời điểm những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thời điểm chiến tranh gian khổ ác liệt nhất nhưng cũng hào hùng nhất. Để chi viện cho chiến trường Miền Nam, biết bao thanh niên ưu tú đã nô nức nhập ngũ lên đường chiến đấu. Đó là những bác sĩ, kĩ sư, thầy giáo, những người công nhân, nông dân lao động và cả những thanh niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Tất cả thể hiện lòng yêu nước, sự quyết tâm chiến đầu vì Miền Nam yêu thương, vì sự nghiệp cao cả của đất nước. Nhiều người lao vào chiến trường mà chưa kịp nói lời yêu thương, lời tâm sự và cả những khúc mắc đáng tiếc. Qua lời kể của nhân vật tôi, cuộc đời của Ngoan được tái hiện lại từ khi anh còn ngồi trên ghế nhà trường, chiến đấu trên chiến trường rồi đất nước hòa bình, Ngoan trở thành bác sĩ, giám đốc bệnh viện. Trước khi nhập ngũ, Ngoan bị kỉ luật vì tội lấy trộm đồ của bạn. Trời đất đưa đẩy thế nào, ở chiến trường Quảng Trị Ngoan gặp lại thầy Lư, người thầy đã nghiêm khắc đuổi học mình. Nhưng điều hiểu lầm, những khúc mắc được hai thầy trò chia sẻ trước lúc thầy Lư hi sinh. Nếu ngày đó thầy Lư bớt nghiêm khắc hơn cho Ngoan có một lời giải thích thì có lẽ cuộc đời anh đã theo một ngã rẽ khác. Anh có thể trở thành một sinh viên đại học, sẽ không gặp được cô gái người Mường khi bươn trải kiếm sống hay là Ngoan bước vào cuộc chiến đấu với một tâm thái khác hơn. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Ngoan và thầy Lư để rồi chia ly mãi mãi. Kỉ vật của người thầy là chiếc bút máy đã theo Ngoan cùng vượt qua chiến tranh khốc liệt, qua quãng thời gian đại học và trưởng thành. Chiếc bút máy là tình cảm, là sự gắn kết của hai thầy trò, hai người lính. Giọt thời gian vô tình và lặng lẽ có thể xóa nhòa nhiều thứ nhưng tình cảm chân thành thì luôn luôn khắc ghi trong trái tim mỗi người. Truyện ngắn xúc động về người lính trong chiến tranh với nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Đó là tình cảm đồng đội, đồng chí và tình thầy trò trước hoàn cảnh sinh ly tử biệt. Những mất mát của người lính cũng như người dân trong chiến tranh thể hiện giàu cảm xúc khiến người đọc, người nghe càng trân quý cuộc sống hòa bình hôm nay. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp
Ngày phát hành 9:49 | 21/2/2023
Lượt nghe: 451
Nhà văn Hồ Ngọc Quang đã có lần chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn này, đây là câu chuyện có thật của gia đình bên nội của nhà văn, tuy ít nhiều hư cấu và thêm thắt. Truyện với sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, gợi mở dần về một bí mật được giấu kín của nhân vật Thảo – người phụ nữ cả cuộc đời bị mang tiếng phản bội chồng, có con với người khác. Hoàn cảnh chiến tranh khiến cho Thảo phải xa chồng. Kiềm – chồng cô lên đường vào mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa, cô ở quê nhà đi học y sỹ rồi làm trạm trưởng y tế xã, chờ đợi chồng trong mỏi mòn. Tình huống truyện tạo sự xung đột là khi Kiềm – chồng cô đột ngột trở về làng trong đêm, trong tình thế phải giữ bí mật quân ngũ, hai vợ chồng gặp nhau mừng tủi trong chốc lát, rồi chồng cô lại vội vã đi. Chi tiết Kiềm chạy ào ra cửa, băng qua cánh đồng bị người làng trông thấy trở thành câu chuyện bàn tán xì xào về Thảo, họ đồn thổi cô ngoại tình. Búa rìu dư luận càng tăng lên khi cô có thai. Không một ai tin cô, ngoài chồng và bố mẹ đẻ. Để bảo toàn bí mật cho chồng, Thảo đành cắn răng chịu tiếng oan, cô sinh con trai trong sự ghẻ lạnh, dè bỉu của bà con nội tộc, họ hàng, xóm giềng. Càng tủi phận hơn khi chính chồng cô cũng nghi ngờ về đứa con, liệu Thảo có con với Kiềm không khi hai người chỉ gặp nhau trong chốc lát? Nỗi oan trái và tủi hờn khiến cho Thảo chán chường, cô độc, cô quyết định mang đứa con bỏ đi biệt xứ. Tình tiết tiếp theo mở ra trang mới cho cuộc đời của hai mẹ con Thảo, số phận của họ đổi thay nhờ sự cưu mang, đùm bọc của bà con dân tộc Tày. Câu chuyện dẫn dắt người đọc, người nghe đi hết chặng đường oan trái của Thảo và cuối cùng, chính người cháu họ bên chồng đã tìm được mẹ con cô và những bí mật mà cả đời cô giấu kín đã được hé lộ. Nỗi thương cảm, day dứt của nhà văn dành cho nhân vật đó chính là, chỉ khi Thảo không còn nữa, nỗi oan ức của cô mới được minh oan, sáng tỏ. Con trai cô đã biết được nguồn cội gia đình, hiểu được nỗi khổ mà mẹ đã chịu đựng suốt đời. Câu chuyện xảy ra trong chiến tranh, hạnh phúc lứa đôi đôi khi phải trả giá quá đắt, có khi phải mất cả cuộc đời mới được minh oan. Chuyện gợi niềm cảm thông, chia sẻ và thấu hiểu, chỉ có tình yêu mới có thể vượt qua mọi rào cản, búa rìu dư luận và trên hết đó là sự hy sinh của người phụ nữ, thời nào cũng đáng được trân trọng và biết ơn. (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Ngày phát hành 10:9 | 12/5/2022
Lượt nghe: 1642
Chiến tranh vẫn luôn là một nỗi ám ảnh đối với nhiều người cầm bút trên thế giới. Câu chuyện thế chiến vẫn được nhiều tác giả khai thác từ nhiều góc nhìn khác nhau. Có khi là từ góc nhìn trào phúng giễu nhại. Có khi là từ những sự thật đau đớn, những nỗi đau mà cho tới giờ, vẫn còn âm ỉ. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn một tác phẩm nổi tiếng của văn học Séc viết về đề tài này – cuốn tiểu thuyết “Tiền từ Hitler” của nhà văn Radka Denamarková (Rát-ka Đê-na-mác-cô-va). Cuốn sách đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng và giành được nhiều giải thưởng danh giá. Gần đây, tác phẩm này đã đến tay độc giả Việt qua bản dịch của dịch giả Hậu Phamova. Sách do NXB Phụ nữ ấn hành.
Ngày phát hành 13:58 | 31/7/2023
Lượt nghe: 2155
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở đâu đó dưới cánh rừng, ngọn đồi hay dưới thung sâu, khe suối, hốc đá trên đất nước ta hay đất nước bạn vẫn còn đó những hình hài của các anh hùng liệt sĩ nằm lại. Họ không lẻ loi bởi luôn có đồng đội ở bên, luôn có thế hệ sau tưởng nhớ, biết ơn, nâng niu sự hy sinh xương máu ấy. Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân trong cả nước vẫn miệt mài hành trình đi tìm và đón các anh trở về, trong đó có Đội quy tập 192 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế. Những người lính thời bình làm công việc ấy bằng quyết tâm, ý thức trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc. Nhà văn Đinh Phương đã trìu mến gọi họ là “Những người gắn vết chiến tranh”:
Ngày phát hành 0:0 | 1/8/2018
Lượt nghe: 1463
Tổn thất của chiến tranh không phải chỉ hao của mất người, đằng sau đó còn là những câu chuyện đầy nước mắt của những người vợ ở hậu phương. Chồng đi chiến đấu, ở nhà gánh vác công việc gia đình và rồi vì một chuyện không may xảy đến họ bị mang tiếng cả đời với dân làng. Điều đau khổ hơn nữa là sự ghẻ lạnh, lảng tránh của người thân, bè bạn...Đúng như ai đó đã từng nói: Sau chiến tranh đau khổ nhất, đáng thương nhất vẫn là người phụ nữ. Điều mà họ cần nhất khi đó vẫn là sự cảm thông chia sẻ của người chồng nếu như người lính ấy may mắn trở về....
Ngày phát hành 18:53 | 3/5/2021
Lượt nghe: 1908
Sinh năm 1943, Phạm Lực thuộc thế hệ họa sĩ đầu tiên theo học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã có mặt ở các chiến trường, như Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Nguyên, Nam Bộ. (Câu chuyện nghệ thuật 30/4/2021)
Ngày phát hành 18:39 | 1/1/2021
Lượt nghe: 1675
Trong buổi ra mắt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã nhận được đánh giá cao từ Hội đồng chuyên môn và khán giả. (Câu chuyện nghệ thuật 27/11/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 21/7/2019
Lượt nghe: 752
Họa sĩ Phạm Lực vẽ nhiều thể loại, đề tài đa dạng, gần gũi với đời sống nhưng hai mảng nội dung xuyên suốt tạo nên “thương hiệu” cho tranh của ông là phụ nữ và chiến tranh. Ông cũng là một trong số ít họa sĩ có riêng một Câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình. (Câu chuyện nghệ thuật 19/7/2019)
Ngày phát hành 0:0 | 21/1/2020
Lượt nghe: 786
Mới 30 tuổi làm phim về chiến tranh nhưng đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã đem lại sự tươi mới cho một đề tài vốn được xem là khô khan, khốc liệt. (Hành trình Sáng tạo 19/01/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 27/8/2020
Lượt nghe: 722
Thời gian qua, đề tài chiến tranh cách mạng nhìn từ góc độ sáng tạo nghệ thuật được giới làm nghề xác định rất cần thiết và vô cùng quan trọng trong đời sống đương đại. Nhiều tác phẩm sân khấu về đề tài chiến tranh khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng vẫn hiện diện và đồng hành trong đời sống tinh thần của người Việt. PV VOV6 trao đổi với Nhà viết kịch Chu Thơm xung quanh chủ đề này. (Đối thoại mở 26/8/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 12/4/2016
Lượt nghe: 2656
Cải lương - loại hình ca kịch non trẻ nhất của sân khấu truyền thông vốn gắn liền với mảng đề tài xã hội, phản ánh những mối quan hệ gia đình bi lụy... Nhưng, sau năm 1954, khi những người nghệ sĩ tiên phong của sân khấu Cải lương Bắc "đứng trong đội hình" sân khấu cách mạng đã thổi vào những làn điệu "vọng cổ" ngọt ngào nguồn sinh khí mới. Câu chuyện giữa PV Trần Hiếu và đạo diễn - NSND Hoàng Quỳnh Mai - Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam xoay quanh chủ đề: Nghệ thuật Cải lương với đề tài chiến tranh cách mạng
Ngày phát hành 0:0 | 22/7/2016
Lượt nghe: 5900
Truyện ngắn "Tiếng sáo người lính" là câu chuyện về những tâm tư, tình cảm của người lính trẻ tại chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước. Sự trẻ trung, yêu đời, lạc quan của người lính đã vượt qua những khó khăn, gian khổ của chiến tranh. Truyện ngắn "Anh không có lỗi" là đấu tranh nội tâm của người phụ nữ có chồng bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Để anh không đau khổ, chị giấu việc cậu con trai hai người đang nuôi không phải là con đẻ. Một câu chuyện xúc động về nỗi đau thời hậu chiến của người phụ nữ. (Đọc truyện đêm khuya 21/7/2016)
Ngày phát hành 0:0 | 23/3/2015
Lượt nghe: 1464
Trong chiến tranh, bao chàng trai, cô gái đã chấp nhân hy sinh vì độc lập, tư do của dân tộc. Sự tàn khốc của chiến trường thử thách phẩm chất kiên trung, tinh thần đồng đội của người chiến sĩ. Vở kịch “Chiến tranh không có huyền thoại” của Nguyễn Hiếu là những lát cắt chiến tranh với những thân phận, hoàn cảnh lặng thầm góp phần cho ngày toàn thắng
Ngày phát hành 0:0 | 23/3/2015
Lượt nghe: 1454
Trong chiến tranh, bao chàng trai, cô gái đã chấp nhân hy sinh vì độc lập, tư do của dân tộc. Sự tàn khốc của chiến trường thử thách phẩm chất kiên trung, tinh thần đồng đội của người chiến sĩ. Vở kịch “Chiến tranh không có huyền thoại” của Nguyễn Hiếu là những lát cắt chiến tranh với những thân phận, hoàn cảnh lặng thầm góp phần cho ngày toàn thắng
Ngày phát hành 0:0 | 16/2/2017
Lượt nghe: 2226
Giải thưởng cao nhất của cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016 dành cho nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm ở Thanh Hóa. Chùm ba sáng tác của anh “Xin về nhận lại”, “Đối thoại ở rừng” và “Nhận hoa” thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với lịch sử với quá khứ đồng thời không quên nhắc nhở chính mình về lẽ sống sao cho xứng đáng với hy sinh của bao người đã ngã xuống, đã mất một phần xương máu cho quê hương đất nước. Thông điệp trong tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm không mới nhưng chân thành và day dứt. (Tiếng thơ 22/02/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 24/9/2015
Lượt nghe: 2181
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức là người gắn bó và gặt hái nhiều thành công với các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng. Đây là mảng đề tài lớn của văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, sân khấu Việt Nam nói riêng. Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập niên, nhưng dư âm của nó với đầy đủ sự khốc liệt dường như vẫn còn mãi trong nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Viết về cuộc chiến, đối với nhiều người là trách nhiệm, là món nợ tinh thần…
Ngày phát hành 0:0 | 16/12/2020
Lượt nghe: 1010
Phim truyện đề tài chiến tranh cách mạng là một phần quan trọng làm nên diện mạo của điện ảnh nước nhà. Khoảng mười năm trở lại đây, số lượng phim về đề tài này giảm sút về số lượng, gần như vắng bóng ở các rạp chiếu thương mại, và nếu có lịch chiếu thương mại thì cũng không hút được khán giả. Một đề tài có ý nghĩa lịch sử và xã hội cùng giá trị nhân văn sâu sắc, từng ghi dấn ấn với những bộ phim đại diện cho điện ảnh Việt Nam, bây giờ đề tài ấy có còn được quan tâm? Làm thế nào để sáng tạo những bộ phim về chiến tranh cách mạng vừa hấp dẫn khán giả, vừa có giá trị nghệ thuật đặc sắc? PV VOV6 đối thoại với nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc xung quanh chủ đề này. (Đối thoại mở 16/12/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 15/5/2019
Lượt nghe: 628
Vừa qua Nhà Xuất bản Kim Đồng đã ra mắt hai ấn phẩm “Max- Bi kịch của Chủng tộc thượng đẳng” của nhà văn Pháp Sarah Cohen-Scali và “Cây vĩ cầm Ave Maria” của nhà văn Nhật Bản Kagawa Yoshiko. Hai tác phẩm đều hướng tới thông điệp thế giới không có chiến tranh. Để mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn được sống trong nền hòa bình thịnh vượng. Phóng viên chương trình đã tới dự buổi ra mắt sách và có bài cảm nhận “Số phận của những đứa trẻ trong thế chiến II”... (Trang văn học tuổi mới lớn 14/05/2019)
Ngày phát hành 0:0 | 19/6/2019
Lượt nghe: 785
Bình chọn kịch bản văn học kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức. (Làn sóng nghệ thuật 18/6/2019)
Ngày phát hành 0:0 | 2/1/2018
Lượt nghe: 4074
Truyện mang âm hưởng trầm buồn thể hiện cuộc sống buồn tẻ, không tương lai của Tuân, một nữ thanh niên xung phong. Như hàng vạn nữ thanh niên xung phong khác, Tuân đã gửi tuổi xuân tươi đẹp của mình trong những năm tháng chiến đấu tại Trường Sơn. Giờ đây khi trở về cuộc sống đời thường, Tuân lạc lõng với mọi thứ bình thường xung quanh. Những chấn thương về mặt tâm lý khiến nhân vật trong câu chuyện sống nửa tỉnh nửa mê. Qua một nhân vật, một mảnh đời nhưng tác giả đã phản ánh được phần nào hi sinh mất mát và cả thiệt thòi của nữ thanh niên xung phong trong và sau cuộc chiến. (Đọc truyện đêm khuya 07/12/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 24/12/2015
Lượt nghe: 3557
Tình yêu tuổi trẻ không thể tránh khỏi sai lầm, đổ vỡ."Chỉ một lần trót dại. Thế mà thành chia ly".Nỗi ân hận của chàng trai Đmi-tơ-rô không dễ nguôi ngoai khi mà vì chút ghen tuông hiểu lầm đã đánh mất tình yêu chân thành của cô gái trẻ tên là Nhi-na. Kẻ còn, người mất nhưng tình yêu đầu đời lãng mạn vẫn lưu lại bao ký ức đẹp.Tình đồng đội giữa những người trẻ tuổi Đmi-tơ-rô, Nhi-na, Va-xi-li làm nên câu chuyện tình yêu sâu đậm giữa chiến trường năm xưa vẫn còn vương vấn người đọc hôm nay.(Đọc truyện đêm khuya 23/12/2015)
Ngày phát hành 0:0 | 21/10/2016
Lượt nghe: 1707
Cô bé Năm Thúy bị mẹ bỏ rơi tại phi trường quân sự từ nhỏ. Số phận đưa đẩy khiến Năm Thúy trở thành gái nhảy tại quán bar Ánh Sao. Cô bị ép trở thành tình nhân của viên thiếu tá ngụy. Năm Thúy chịu nhiều tủi nhục khi bị những người đàn ông tệ bạc coi là một món quà mua vui. Lúc nào Năm Thúy cũng mong muốn có vòng tay che chở, bảo vệ, là nơi nương tựa cho cuộc đời mình. Năm Thúy may mắn gặp được người lính Mỹ tên là Philip tốt bụng yêu thương hai mẹ con cô. Khi được Philip đề nghị đón hai mẹ con sang Mỹ, trong lòng cô vẫn băn khoăn, day dứt vì mình chưa tìm được gia đình. Một câu chuyện xúc động về nỗi đau chiến tranh. (Đọc truyện đêm khuya 20/10/2016)
Ngày phát hành 0:0 | 20/2/2015
Lượt nghe: 6813
“Giang” là một truyện ngắn không có những tình tiết ly kỳ, dữ dội nhưng vẫn khiến bạn đọc, bạn nghe rung động và đồng cảm bởi tình người thấm đẫm trong từng câu chữ, đoạn văn.
Ngày phát hành 0:0 | 7/11/2017
Lượt nghe: 4696
Bạn đọc hiện nay nhất là những người trẻ quan tâm tới đề tài chiến tranh không phải là những chiến dịch, trận đánh mà là số phận người lính, tâm tư tình cảm của người lính cả hai bên trong cuộc chiến như thế nào. Tác phẩm là cái nhìn khách quan và nhân văn về người lính bên kia chiến tuyến. Bác sĩ Long là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị lạc đường tại chiến trường Trường Sơn. Khi Long sắp chết vì kiệt sực thì gặp được An Nhàn và được cô cứu giúp. Từ lòng biết ơn, Long yêu An Nhàn nhưng vì nhiều lý do Long phải ra đi. Chiến tranh kết thúc mấy chục năm, bác sĩ Long vẫn đi tìm người con gái năm xưa. (Đọc truyện đêm khuya 02/11/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 26/6/2018
Lượt nghe: 1546
Hai câu chuyện trong hai truyện ngắn của nhà văn Vĩnh Quyền đều nói về nỗi đau chiến tranh. Truyện ngắn "Mùa khô" kể với chúng ta về những người vợ đi tìm hài cốt chồng, về người cựu chiến binh Mỹ tìm thân nhân trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ cùng chung nỗi đau mất người thân, không thể nguôi ngoai dẫu chiến tranh đã đi qua máy chục năm rồi. Truyện ngắn "Còn thương" lại nói về nhân vật Ba Hoành, một chiến sĩ biệt động dũng cảm và tài giỏi nhưng ông phải chịu nỗi đau li tán gia đình. Về già Ba Hoành bị bệnh ung thu, đau đớn về thể xác và mỏi mệt về tinh thần. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của người lính vẫn còn day dứt, ám ảnh. (V0V6 Đọc truyện đêm khuya 21/6/2018)
Ngày phát hành 8:57 | 25/10/2017
Lượt nghe: 3017
Câu chuyện về gia đình nhiều biến động của người thương bình tên là Trọng. Chiến tranh kết thúc, ông Trọng trở về từ chiến trường với những di chứng chiến tranh. Đó là di chứng chất độc da cam có thể nhìn thấy qua hình hài, số phận những người con. Nhưng có cả những chấn thương về tâm lý khó bày tỏ cùng ai. Gia đình người cựu chiến binh luôn sống trong những cơn bão. Đó không phải cơn bão thiên nhiên mà là
cơn bão tâm lý khi họ lo lắng cho số phận những người con, người em không biết có lành lặn hay không. Chiến tranh đã rời xa mấy chục năm nhưng nỗi đau không gì xóa nhòa. Chính điều này khiến chúng ta càng quý trọng những ngày hòa bình hôm nay. (Đọc truyện đêm khuya 23/10/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 14/7/2017
Lượt nghe: 3838
Súa và Dín là con gái một người lính bị nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Súa đau đớn khi cả ba người con sinh ra đều bị chết. Trong nỗi thất vọng, lo sợ hai người con gái thay tên, đổi họ trốn lên đảo vắng. Dín đi theo Súa để chia xẻ nỗi đau với chị nhưng trong lòng cô vẫn luôn khát khao làm vợ, làm mẹ. Hai người phụ nữ luôn sống trong những mâu thuẫn nội tâm giữa nỗi đau và khát vọng hạnh phúc. Câu chuyện xúc động về những mất mát, đau thương của hai người phụ nữ gánh chịu di chứng chiến tranh.(Đọc truyện đêm khuya 13/7/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 5/1/2017
Lượt nghe: 5177
Tác phẩm là câu chuyện về những bi kịch của một gia đình trong chiến tranh. Nhân vật chính là cậu bé Nghiệp được sinh ra khi mẹ cậu bị tên trưởng đồn Tám Lửa làm nhục. Người mẹ chịu nhiều cú sốc về tinh thần khi con gái lớn mất vì bệnh, người chồng từ chiến trường trở về thấy vợ có thai với kẻ ác nên đã dẫn người con trai út bỏ đi. Người mẹ nửa điên nửa tỉnh thường đánh mắng Nghiệp vì nghĩ cậu bé là nguyên nhân khiến gia đình mình ly tán. Dù bị mẹ đối xử tàn tệ, Nghiệp vẫn yêu thương mẹ, hơn 10 tuổi đã kiếm sống để nuôi mẹ. Sau nhiều năm xa cách, hai mẹ con Nghiệp cũng tìm được ba nuôi và anh trai trong hoàn cảnh bất ngờ. (Đọc truyện đêm khuya 29/12/2016)
Ngày phát hành 11:55 | 4/11/2021
Lượt nghe: 1059
Đề tài chiến tranh không chỉ thu hút người sáng tác văn chương mà còn hấp dẫn giới phê bình. Với “siêu đề tài” này, chúng ta đã có rất nhiều bài nghiên cứu, khảo sát, chuyên luận. Trong đó, người viết mong muốn góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn để khái quát diện mạo của các sáng tác viết về đề tài chiến tranh. Gần đây, TS. Nguyễn Anh Vũ vừa ra mắt chuyên luận “Tự sự về một cuộc chiến tranh qua Dấu chân người lính, Đất trắng và Nỗi buồn chiến tranh”. Sách do NXB Văn học ấn hành. Bằng cách tiếp cận ba tác phẩm tiêu biểu viết về chiến tranh trong nền văn học nước nhà, chuyên luận đã có những hướng đi như thế nào để lí giải về cái mới và cái khác trong hành trình sáng tạo của nhà văn khi cày xới cùng một đề tài? BTV Nguyễn Hà có một vài chia sẻ về tác phẩm. Mời quý vị và các bạn cùng nghe