Hệ thống tìm thấy 30 kết quả
Ngày phát hành 13:5 | 14/1/2022
Lượt nghe: 1051
Nhà văn Nông Quang Khiêm từng tâm sự: “Tôi sinh ra ở miền núi, trong một bản nhỏ ven hồ Thác Bà thơ mộng, thấm đẫm không gian văn hóa Tày. Cuộc sống mới tràn về, cái bản nhỏ ấy đang cựa quậy theo nhịp sống hiện đại. Những con người, những mảnh đời, những thân phận nơi tôi sống, tôi chứng kiến, chỉ cần kể lại thôi cũng thành một truyện ngắn rồi…”. Truyện ngắn Bản Hảu xa xôi mà các bạn vừa nghe dường như cũng ra đời trong một tâm thế như thế; tác giả không cần dụng công nhiều, chỉ kể lại một cách dung dị, mộc mạc và chân thành về số phận những con người miền núi, quanh quẩn với mưu sinh, có lúc rối bời trong những mối quan hệ chằng chịt hay phải đối mặt với tình huống éo le, song truyện có sức ám ảnh và khơi gợi được sự đồng cảm nơi người nghe. Có thể nói, Bản Hảu xa xôi là hành trình của những cuộc tìm kiếm. Mặc cảm vì mắc bệnh phong, ông Kẹn bỏ nhà ra đi. Không nỡ để ông cô đơn chống chọi với bệnh tật, bà Kẹn đã để con gái ở nhà một mình rồi lên đường tìm chồng. Không lâu sau, Son cũng đi tìm bố mẹ. Lình lại đi tìm Son. Song nếu như vợ tìm chồng, con tìm cha mẹ xuất phát từ tình cảm gia đình máu mủ ruột rà thì việc Lình tìm Son lại đến từ tình yêu, sự sẻ chia. Thiết nghĩ, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cảm động, vì Lình đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân, sự kỳ thị của bà con dân bản, sự ngăn cản của cha mẹ để đến với Son. Nhưng cảm động hơn, lớn lao hơn chính là việc Lình tình nguyện ở lại bản Hảu để cùng sống, cùng làm việc, giúp đỡ bà con nơi đây và đặc biệt là dạy cái chữ cho trẻ em.
Bản Hảu xa xôi, nhưng thật ra không xa xôi, nó thật gần trong tâm tưởng, trong ý nghĩ, trong tình cảm của những con người có trái tim nồng ấm, biết hy sinh, cống hiến vì người khác. Vì thế, đọng lại trong người nghe là một câu chuyện ấm áp, toát lên khát vọng sống, tình yêu và lòng vị tha của con người./.
Ngày phát hành 11:24 | 20/5/2022
Lượt nghe: 1404
Các thiên truyện ngắn nổi tiếng của Paustovsy thường thống nhất trong một phong cách lãng mạn cao thượng với bút pháp phóng khoáng và luôn tràn đầy lòng cảm thương, trân trọng những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người. Câu chuyện chúng ta vừa nghe là một tác phẩm tiêu biểu theo phong cách đó. Anh lính Chamette sau khi giải ngũ đã trở thành người thợ quét rác tại thành Paris, chuyên quét dọn các xưởng thủ công. Anh sống nghèo nàn, thiếu thốn trong một căn phòng chật chội mà anh gọi là một “cái hang nhẵn như chùi”. Nhưng trong anh không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp đẽ với Suzanne, cô bé mà anh đã có những tháng ngày chăm sóc lênh đênh trên biển trong chuyến đi từ Mexico về Pháp. Và rồi bất ngờ sao, khi rất nhiều năm sau, anh gặp lại Susie (tên thân mật của Suzanne) trong bối cảnh chẳng lấy gì làm vui, cô đứng trên thành cầu sông Seine như muốn chuẩn bị quyên sinh. Anh đưa cô về căn phòng chật hẹp nghèo nàn của mình 5 ngày, sắp xếp mọi chuyện để cô làm lành với người yêu. Trước khi chia tay, Suzanne nhắc lại kỷ niệm ngày xưa, muốn được ai đó tặng bông hồng vàng để mang về hạnh phúc mãi mãi cho cô. Bắt đầu từ đây, Chamette bắt tay vào một cuộc trường kỳ gian khổ, đãi bụi ở những hiệu kim hoàn để lấy vàng, anh muốn đánh thành một bông hồng vàng nho nhò tặng cho Suzanne. Không biết bao năm tháng đã trôi qua, khi bông hồng vàng được thành hình thì Chamette chẳng còn biết Suzanne ở đâu nữa và rồi anh lặng lẽ qua đời. Câu chuyện xúc động về một hạnh phúc không trọn vẹn nhưng lại thắp lên trong lòng mỗi chúng ta một khát vọng khôn nguôi về hạnh phúc. Paustovsky qua thiên truyện này còn muốn ngầm ví công việc sáng tạo của mỗi nhà văn giống như quá trình chế tác một bông hồng vàng, phải lọc đi biết bao nhiêu cát bụi mới thành được một chút gì đẹp đẽ dâng tặng cho đời. Cách viết nhuốm màu cổ tích của Paustovsky đã khiến nhà văn Nguyễn Khải có những lời bình thật xác đáng: “Hình như Paustovsky thích thả sương mù vào truyện của ông. Cái đó làm người đọc nhiều lúc tưởng những điều ông nói giống như những giấc mơ, để rồi sau khi suy nghĩ kỹ, mới tin chúng là có thật, lúc đó họ mới phát hiện rằng mình đã lớn thêm một chút trong tâm hồn”.
Ngày phát hành 0:0 | 22/3/2019
Lượt nghe: 1090
Với truyện ngắn này nhà văn Đức Hậu đã tái hiện hai khung đời trong một cuộc đời . Gianh giới là cuộc tái ngộ giữa hai con người. Khung đời trước của nhân vật Hải: một người đàn ông phong trần cô đơn, có đứa con du học ở xa, sau khi từ chức, từ bỏ danh vọng để tránh xa những cuộc đấu đá thì người vợ cũng bỏ ra đi bởi cuộc sống của họ là đồng sàng dị mộng. Khung đời sau của Hải là cuộc hội ngộ giữa hai con người có những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, hứa hẹn một tình yêu mới và niềm yêu đời trở lại...(đọc truyện đêm khuya phát 21/03/2019)
Ngày phát hành 0:0 | 1/3/2019
Lượt nghe: 1074
Là người viết say mê với đề tài vùng cao, nhà văn Tống Ngọc Hân luôn muốn kể cho độc giả những câu chuyện đẹp nhất mà ý tưởng chợt đến có khi chỉ bắt đầu từ những bông hoa nhỏ bé hay những nụ cười bẽn lẽn của những cô cậu mới lớn mà nhà văn tình cờ gặp trong đời và đưa vào trang viết. "Kiều mạch trắng” là một câu chuyện mà nhà văn gửi gắm nhiều thông điệp. Nhưng cốt lõi vẫn là thông điệp về tình huynh đệ (Đọc truyện đêm khuya phát 28/2/2019)
Ngày phát hành 15:3 | 25/11/2021
Lượt nghe: 887
Câu chuyện chúng ta vừa nghe xoay quanh đời sống của một gia đình gồm 3 người (bố, mẹ và con gái) ở một vùng thung lũng khá khép kín. Từ nhiều đời qua, các thế hệ ông cha của gia đình ấy sống bằng nghề canh tác sài thục, coi cây sài thục là một điều thiêng liêng, gắn với niềm tôn kính tổ tiên. Cả gia tộc quanh năm suốt tháng trọn đời chỉ ăn những món làm từ sài thục. Nhưng cho đến thế hệ hiện tại, thì bà mẹ là người đầu tiên bày tỏ sự phản đối về việc độc canh sài thục, bất chấp sự giận dữ của ông chồng. Bà chấp nhận bị chồng đánh đập nhiều lần, nhưng dứt khoát không động vào món sài thục nữa, mà tự mình chế biến các món ăn rau dưa khác, dù rất sơ sài. Khi sự độc đoán vũ phu của người chồng lên đến đỉnh điểm thì bà đành phải bỏ nhà mà đi, nhưng không quên nhắn lại với con gái về nương rau mà bà đã trồng trong khe núi, là nguồn thực phẩm đề phòng trong trường hợp mấy mùa sài thục. Quả nhiên năm đó sài thục không thu hoạch được gì, và hai bố con chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là nương rau và lúa mì của mẹ để lại, nếu không muốn bị chết đói. Phạm Duy Nghĩa viết: “Lần đầu tiên trong đời, bố tôi buộc phải đưa vào máu mình những chất dinh dưỡng mà ông coi là thù địch. Buổi đầu tập ăn thứ lạ, ông thấy ghê sợ và nôn ọe, rồi cũng quen và thích thú dần (…) Điều húy kị ghê gớm của gia đình tôi đã được xóa bỏ, trong một ngày như vạn ngày thường”. Điều thú vị còn ở chỗ, củ sài thục hoàn toàn là một sự vật hư cấu, nó không hề có trong đời thực, cũng tương tự như Lá diêu bông trong thơ Hoàng Cầm. Mượn một câu chuyện về sinh hoạt đời thường của một gia đình, theo chúng tôi, tác phẩm còn nhằm gửi tới những thông điệp sâu sắc khác. Đó là tất cả những sự độc đoán, độc tài rồi đến một ngày sẽ cáo chung, phải nhường chỗ cho sự dân chủ. Mỗi con người đều có quyền lên tiếng về sự tự do và quyền sống chính đáng của mình. Những cái cũ, cái lạc hậu dứt khoát phải được thay thế bằng cái mới, cái tiến bộ, nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống của con người. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Ngày phát hành 9:24 | 23/8/2024
Lượt nghe: 1537
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng ba việc lớn nhất của đời người bao gồm sự nghiệp, xây nhà và cưới vợ. Chính vì vậy, cưới xin là việc đại sự của mỗi người. Khi nhà trai đến xin cưới ở lễ dạm ngõ, nếu nhà gái đồng ý hôn sự thì sẽ trả lời đồng thuận và kèm theo việc “thách cưới”. Thách cưới nghĩa là nhà gái sẽ yêu cầu nhà trai chuẩn bị các món sính lễ, bao gồm: tiền mặt, trầu cau, trà rượu, bánh trái, heo gà, trang phục và trang sức cho cô dâu. Những lễ vật này mang ý nghĩa là sự xác nhận đồng thuận hôn nhân giữa hai họ nhà trai và nhà gái. Bên cạnh đó, sính lễ cũng mang ý nghĩa là lễ vật “mua dâu”. Bởi vì, sau khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ chuyển đến sống chung với chồng và toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình nhà chồng, không còn thời gian quan tâm đến nhà mẹ đẻ như trước. Vậy nhưng, có ai mà lại đi thách cưới con gái bằng một tờ giấy không nhỉ? Đặt tình huống người cha là một người giàu có nhất vùng thách cưới con gái xinh đẹp bằng một tờ giấy, truyện ngắn Sính lễ của nhà văn Nguyễn Phú thể hiện khát vọng học tập, vươn xa của các chàng trai cô gái người Mông. Hóa ra tờ giấy kia không phải là một tờ giấy bình thường, mà là bằng tốt nghiệp Đại học-Cao đẳng-Trung cấp, tờ giấy không dễ gì kiếm được nếu không có sự kiên trì, ham học hỏi, chí tiến thủ.
Số phận từng nhân vật như Hùng Lệnh Của, Vừ Sá Cho, Vàng Hoa Lanh, Giàng Hoa Ban trong truyện ngắn Sính lễ, cùng những tên gọi, ngôi làng, miền đất…đều ăm ắp giá trị văn hóa vùng đất, con người miền núi. Trong cách nói, cách diễn từ hay cả cách yêu, đều tạo nên sự khác biệt.
Ngày phát hành 9:51 | 4/1/2022
Lượt nghe: 1042
Truyện lấy bối cảnh ở một khu phố ven sông Hồng. Ở đó, có sự giao thoa giữa phố và làng, giữa đô thị và nông thôn. Nhà cửa mọc san sát, che kín những khoảng trời, người xe tấp nập qua lại. Men theo lối mòn đi xuống sông sẽ gặp bãi ngô, vườn cải và con sông bốn mùa đỏ nước. Về không gian, tác giả đã tạo được độ thoáng cần thiết cho tác phẩm, xuyên suốt bài viết là sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên. Sống trong căn nhà nhỏ, bị những tòa nhà cao tầng che khuất tầm nhìn nhưng Vân vẫn tìm thấy một khoảng trời nhỏ để hít thở và giao hoà với thiên nhiên. Tác giả làm hẹp không gian sống của Vân đồng thời mở ra một không gian khác thoáng đãng, thi vị hơn. Khi đi vào đặc tả, lựa chọn tình tiết... bằng vốn ngôn ngữ riêng tác giả đã viết rất cuốn hút và khác lạ. Tác giả dùng hình ảnh dân dã, mộc mạc, xưa cũ để tạo hiệu ứng cảm xúc cho câu văn. Hoa cải, con gà trống, ông lái đò, dòng sông, màn sương... được nhắc tới nhiều lần nhưng không nhàm hay trùng lặp. Mỗi lần hiện lên, các hình ảnh sẽ có dáng vẻ mới, ngôn từ mới, khía cạnh mới, cảm xúc mới. Truyện có hai chi tiết đột phá tạo nên cao trào, gây xúc động mạnh với người đọc. Sản phụ bị nhiễm cô vít được chỉ định mổ gấp và Vân, vợ của Hùng phải mổ đẻ vì kiệt sức. Hùng là bác sĩ trực tiếp mổ bắt con cho sản phụ bị “cô vít”. Anh dùng chính bức ảnh siêu âm 4D của con gái để cầu xin sản phụ giúp đỡ mình. Cả hai đều bị ranh giới của sự sống và cái chết dồn đuổi. Nếu anh trễ một giây hoặc người mẹ bỏ cuộc sớm một giây, tất cả sẽ là dấu chấm hết cho một hành trình gian khổ. Người mẹ đã giúp Hùng tìm thấy ánh sáng cho đứa trẻ. Một cuộc vượt cạn cân não và ngoạn mục. Người mẹ đã trao lại sự sống, đặt trọn tình yêu và tâm sức vào đứa con bé bỏng. Người mẹ đã trút thở nhưng em bé sẽ tiếp tục khát vọng sống của mẹ. Khi Hùng phải thở máy vì “cô vít”, Vân vào viện vượt cạn một mình. “Chửa đẻ là cửa mả”, lần đầu tiên làm mẹ với Vân không dễ dàng gì. Hai người đàn bà cùng lên bàn đẻ, cuộc vượt cạn nào cũng phải trải qua khổ ải, sống trong những giây phút kịch tính, nghẹt thở. Ở thời khắc, sự sống chỉ được tính bằng giây con người không còn màng tới điều gì ngoài máu mủ và tình thân. Thời khắc đó họ tự sản sinh kháng thể cho mình; bằng khao khát sống, tình yêu, giấc mơ đoàn tụ họ đã vượt qua cái chết. Trong tuyến nhân vật được xây dựng có hình ảnh ông lái đò. Không lời thoại, không sự tương tác nào xảy ra nhưng sự xuất hiện của ông lái đò, con gà trống đã tạo ra một khoảng lặng khiến chúng ta phải suy ngẫm. Nơi ông lão sống, từ làng lên phố chỉ cách mấy bước chân, nhịp sống vẫn chậm rãi tiếp diễn. Ở đâu đó, sự sống vẫn âm thầm nảy sinh, bình thản đi qua đại dịch. Kết truyện… mùa xuân về bên bờ bãi, một không khí Tết trầm ấm tràn ra phố, len lỏi vào lòng người. Màn sương ẩm mịn bị xé tan bởi “tiếng gõ cửa” nhiệm màu. Tất cả cùng vào một khung hình đẹp. Sự hội tụ của những khát vọng sống bình dị đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông, nỗi buồn của chia ly, dấy lên những hi vọng mới trong ngày mới. Một câu chuyện đẹp với bức thông điệp nhân văn. “Ai cũng một lần được sinh ra, nếu còn thở sao chúng ta không nghĩ về sự sống, đấu tranh để được tái sinh. Sự sống thật kỳ diệu, không ai được từ bỏ dù có lúc thấy kiệt sức muốn ngủ một giấc dài. Còn sống là còn làm lại, còn bắt đầu, còn tiếp tục đổi đời và hi vọng”. Phải chăng, chúng ta vốn dĩ là những chiếc lá? “Sau tất cả… còn nhìn thấy ánh sáng là còn tin vào cuộc sống, còn sống là còn hấp thu ánh sáng để quang hợp và xanh (Lời bình của BTV Vân Khánh)
Ngày phát hành 12:2 | 10/8/2021
Lượt nghe: 2070
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe có cốt truyện không hẳn là mới, nhưng cách viết, cách diễn đạt của tác giả mang đến nhiều ấn tượng. Bối cảnh của truyện là một vùng miền núi, nơi có “xóm góa” – xóm của những người phụ nữ lẻ bóng, không chồng. Vũ là nhân vật nữ chính của truyện, sống với hai đứa con nhỏ. Du là người đàn ông chưa từng lập gia đình, đem lòng yêu thương Vũ, muốn cưới Vũ, mặc sự ngăn cản của bà cụ thân sinh, cho rằng nếu Du không lấy được gái còn xoan mà cứ cố tình lấy Vũ là “hắt vôi vào mặt bà”. Truyện có bước ngoặt quan trọng khi Riễn, chồng chính thức của Vũ, người đã từng phụ bạc Vũ bỗng từ xa trở về. Trong lòng Vũ cũng có ý định nối lại với Riễn. Nhưng Riễn tính tình hung hãn cục cằn, vẫn chứng nào tật ấy, lại tiếp tục giở thói đánh đập Vũ rất tàn nhẫn. Truyện kết thúc với cảnh Vũ dắt con bỏ chạy ra khỏi nhà, khi cuối rẻo đồi “có vệt nắng đầu tiên vắt qua ngọn rừng thưa thắt lá”. Cách kết mở ấy gieo cho người đọc một hy vọng và mong ước, Vũ sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một gia đình êm ấm hơn khi Vũ toàn tâm toàn ý đón nhận tình yêu của Du. Vệt nắng cuối rẻo đồi là một truyện ngắn với dung lượng rất gọn gàng, chưa đầy ba ngàn chữ, nhưng đã gửi tới chúng ta những thông điệp rất nhân văn và gây nhiều xúc động. Đó là dù ở trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt như thế nào, mỗi người đều cần biết nuôi dưỡng trong mình một khát vọng và dám vượt qua những rào cản, những định kiến, thậm chí sẵn sàng tranh đấu để giành lấy hạnh phúc cho mình...(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)
Ngày phát hành 8:40 | 4/5/2021
Lượt nghe: 861
Tác phẩm của Đỗ Bích Thúy luôn luôn đề cập những đề tài hết sức gần gũi đời thường, nhưng bao giờ cũng để lại một dư vị lãng mạn, buồn mà không chút cay đắng ở người đọc, người nghe. Với truyện ngắn “Đá cuội đỏ” nhà văn thể hiện nỗi trăn trở về cuộc sống nghèo nàn của những con người trên núi cao. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của anh em nhà Sính, Dìn gắn bó với những tập tục lâu đời của bản làng. Họ thuộc từng con suối, rừng sâu, dòng Phạ Lấu, đỉnh núi Sán Khâu…luôn hiện hữu trong cuộc sống của dân bản. Dưới ngòi bút mượt mà, những trang văn mang đậm vẻ chân thật, hồn nhiên, mộc mạc của tâm hồn con người dân tộc và dịu dàng, man mác chất thơ, một không gian đầy hoa lá rừng, có tiếng gà gáy tách te trong bụi rậm, có những dòng suối trong suốt với những viên cuội đỏ, có những chàng trai thổi sáo theo sau các cô gái khoác tẩu xuống chợ; những nồi thắng cố nghi ngút khói trong phiên chợ vùng cao đầy mầu sắc; những đêm trăng sóng sánh, huyền ảo; những bụi mần tang mọc trong thung lũng, những ngày chợ phiên sóng sánh say tình…tất cả làm nên bức tranh thật nên thơ. Tuy vậy, điều đọng lại sau cùng chính là nỗi buồn thương về kiếp người nơi đây, họ không thoát khỏi cái nghèo khó truyền từ đời này sang kiếp khác, và những ước mơ đổi thay là điều thật xa vời. Khát vọng về hạnh phúc, những tâm sự cháy bỏng về lẽ sống, ý thức về những ngày hiện tại ở một vùng đất độc đáo, đầy kỉ niệm đã tạo ra trong ngòi bút của Đỗ Bích Thúy niềm xúc động chân thành, chảy dào dạt trên trang viết…(Lời bình của BTV Vân Khánh)
Ngày phát hành 12:48 | 21/3/2023
Lượt nghe: 474
Tác giả Tạ Thị Thanh Hải mang đến không khí thật buồn thương và đầy cảm thông trong truyện ngắn “Lỡ chuyến nhân gian”, một câu chuyện ám ảnh về tình người, tình đời. May - nhân vật chính của truyện kể về gia đình cô, về những tháng ngày nghèo khó của mẹ cha, về cái chết tội nghiệp của mẹ, cả về dì Hin – người đàn bà tứ chiêng về làm vợ bố. Những thân phận người ấy sao mà đáng thương, đáng được cảm thông và che chở - nhưng cũng bởi cái nghèo khó làm cho họ rời xa nhau. Khi May nhận ra tình cảm yêu thương của dì Hin dành cho mình, dành cho gia đình cô là khi cô đã trải qua những đắng chát của cuộc đời, sự bội bạc của người chồng, sự vô tâm của người đời. Quá khứ và thực tại đồng hiện, hoài niệm và mơ tưởng đan xen. Cứ ngỡ rằng ở đời ai biết tranh thủ lúc mưa thuận gió hoà thì sẽ có tương lai đủ đầy hạnh phúc. Cô ấy cũng đã tranh thủ đánh đổi tuổi thanh xuân và nhan sắc của mình nhưng rồi lại chỉ chuốc về những cay đắng muộn phiền. Tác giả hoá thân vào nhân vật chính, tự soi chiếu vào cảnh ngộ của mình để thấu cảm nỗi lòng của dì Hin. Bấy lâu cô cứ mải miết chạy theo hư vinh, cứ vô tình coi nhà là nơi thoả mãn tính ngạo mạn ích kỉ. Đến khi rạc lòng với những trái ngang mới nhận ra nhà chính là chốn bình yên ôm ấp vỗ về để lòng mình dịu lại. Sau tất cả những giận hờn xa xót cả những suy nghĩ nông nổi hẹp hòi, lắng đọng lại là nỗi niềm cảm thông, chia sẻ, yêu thương chân thành. Hình ảnh cuối truyện là ánh mắt dì Hin nhìn May qua liếp cửa, ánh nhìn rưng rưng trìu mến, ấm áp như một vòng ôm là chi tiết cảm động. Sự nghèo khó có thể khiến cho con người ta buồn khổ nhưng nhất định phải biết nuôi dưỡng niềm tin và tình thương, sự sẻ chia. Thông qua nhân vật chính, tác giả muốn gửi gắm thông điệp về khát vọng hạnh phúc và những giá trị sống nhân văn. Dòng đời như những chuyến phà qua sông. Có những người gặp thời may mắn kịp chuyến, lại có những người chỉ chậm một bước chân mà lỡ cả chuyến nhân duyên. Song đôi khi trễ muộn một lần lại như cơ hội hiếm hoi được sống chậm để có dịp thanh lọc tâm hồn và thấm thía rằng: hạnh phúc chẳng phải điều gì quá xa lạ cao siêu, mà gần gũi và giản dị như một cái nắm tay ấm áp, một ánh mắt bao dung chở che, một sự đồng cảm tha thiết chân thành, xoa dịu những nỗi buồn thương xót xa trong cuộc đời.
Ngày phát hành 14:51 | 17/3/2021
Lượt nghe: 1211
Bản Lướt cũng như nhiều vùng sâu, vùng xa khác ở nước ta vẫn còn những nếp nghĩ, quan niệm lạc hậu. Đó là suy nghĩ cho rằng phụ nữ không cần học cao làm gì, chỉ đủ con chữ rồi lấy chồng, sinh con, lo lắng việc gia đình. Vì vậy không ít cô gái trẻ mới đang dang dở học lớp 9, lớp 10 đã phải vội lấy chồng. Biết bao ước mơ, hoài bão, kế hoạch của tuổi trẻ trở nên dang dở bởi việc làm vợ, làm mẹ từ rất sớm. May mắn cho cô gái trẻ tên là Xanh trong câu chuyện không phải chịu cảnh lấy chồng sớm như vậy. Cô lấy cái chết để đe dọa cha mẹ cho mình học hết đại học. Thấy con gái quyết liệt như vậy, ông Quản cha cô đánh chịu nhưng lúc nào cũng canh cánh việc gả chồng cho con. Ông cảm thấy con gái như bom nổ chậm không cẩn thận là làm mất mặt gia đình. Chính vì vậy, tuy Xanh đã ngoài 30 nhưng ông lúc nào cũng để mắt xem cô đi đâu, làm gì, quan hệ cùng ai. Sự quan tâm có phần quá mức của cha khiến Xanh cảm thấy mất tự nhiên trong cuộc sống. Những đồn thổi vu vơ về mối quan hệ giữa cô và anh Dưỡng rồi thái độ sốt ruột của cha khiến tình cảm mới nảy sinh trong lòng Xanh bỗng trở nên rụt rè. May mắn là người yêu cô chủ động tìm đến nói chuyện với ông Quản và tình duyên của họ trở nên trọn vẹn. Truyện ngắn được viết mộc mạc, giản dị về chuyện tình của đôi trai gái nơi vùng cao. Qua câu chuyện tình yêu của cô gái Xanh, người đọc, người nghe hiểu hơn về phong tục, tập quán, nếp sống của các dân tộc thiểu số nước ta. Tuy vậy, mối tình của Xanh với Dưỡng được tác giả miêu tả có phần hơi đơn giản và đưa đẩy quá nhanh. Nếu khai thác thêm cuộc sống nội tâm của Xanh khi đã lớn tuổi vừa thực hiện hoài bão của mình vừa chịu sức ép phải lập gia đình từ cha, mẹ. Thêm thắt những va chạm, hiểu lầm nho nhỏ của đôi trai gái rồi mới nên duyên chồng vợ thì có lẽ truyện ngắn sẽ hấp dẫn hơn với người đọc, người nghe...(Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ngày phát hành 14:20 | 16/8/2022
Lượt nghe: 825
Thương trường như chiến trường. Để một công ty, xí nghiệp tồn tại thì họ không chỉ vượt qua chính mình mà còn vượt qua cả các đối thủ canh tranh. Lợi nhuận chính là mục tiêu cao nhất để một doanh nghiệp duy trì sự phát triển. Nhân vật tôi vào làm việc tại công ty tư nhân do chị Phượng làm quản lý. Là người tràn trề sức trẻ, chị Phượng thúc giục các nhân viên công ty làm việc hiệu quả. Biết bao cố gắng của cả ê kịp làm việc từ quản lý, nhân viên ma ket tinh, nhân viên bán hàng… vượt qua các đối thủ cạnh tranh để giành được hợp đồng bán hàng. Thế nhưng trong cuộc sống không phải lúc nào mọi việc đều thuận lợi như mong muốn. Những yếu tố chủ quan có tác động không nhỏ tới thành bại của một công ty. Nhân vật tôi được giao nhiệm vụ thuyết trình với đối tác để có một dự án lớn, nhãn hàng sữa trẻ em. Sao 3 lần thuyết trình căng thẳng, có lúc tưởng đổ vỡ thì cuối cùng công ty cũng giành được hợp đồng. Thế nhưng đó mới là thành công đầu tiên mà thôi. Khi bắt tay vào thực hiện thì mới nảy sinh những nan giải về nguồn tài chính, các khoản phạt … Những cuộc họp để tháo gỡ khó khăn diễn ra liên miên, hai bên đối tác bằng mặt mà không bằng lòng với nhau, họ không còn hồ hởi như cái ngày đầu mới kí kết với nhau. Rồi dịch bệnh diễn ra, thành phố bị phong tỏa vì dịch Covid 19 khiến dự án sữa trẻ em thất bại. Sau thời gian dãn cách thì nhân vật tôi cũng không quay trở lại công ty của chị Phượng nữa. Truyện ngắn giúp người đọc, người nghe hiểu hơn môi trường làm việc tại công sở. Đằng sau vẻ hào nhoáng bên ngoài, đằng sau những dự án nhiều tỷ là áp lực công việc rất nặng nề. Có nhiều khó khăn, thử thách, những mối quan hệ, cách giải quyết công việc không hề được giảng dạy tại nhà trường. Phải đi làm thì những sinh viên tốt nghiêp mới hiểu được điều này. Có người vượt qua thử thách nhưng cũng có người không chịu nổi áp lực công việc. Bước khởi nghiệp của nhân vật tôi đã thất bại. Nhưng có lẽ đó cũng là bài học kinh nghiệm quý giá để thành công trong tương lai. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)
Ngày phát hành 0:0 | 19/3/2019
Lượt nghe: 654
Là bài thơ viết về tình yêu đôi lứa nhưng “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh luôn được học trò đón nhận và yêu mến, bởi trước hết bài thơ đã chạm đến tiếng lòng đầy thổn thức của người thiếu nữ khi bước vào tình yêu đầu đời “Sóng bắt đầu từ gió/ gió bắt đầu từ đâu/ em cũng không biết nữa/ khi nào ta yêu nhau”. Cùng nghe bài viết “ Sóng – và khát vọng tình yêu – cuộc sống” của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn nhé... (Văn nghệ thiếu nhi - Trang Văn học nhà trường 18/03/219)
Ngày phát hành 0:0 | 17/10/2020
Lượt nghe: 875
Bao trùm bài thơ “Sóng” là khát vọng tình yêu, khát vọng của chính nữ sĩ Xuân Quỳnh. “Ôi con sóng ngày xưa/ và ngày sau vẫn thế/ nỗi khát vọng tình yêu/ bồi hồi trong ngực trẻ” - những câu thơ ấy có lẽ mãi mãi ngân vang trong mỗi trái tim khi nghĩ về tình yêu và khát vọng, để biết nâng niu những giá trị tốt đẹp của cuộc đời, của tuổi trẻ, của tình người đẹp đẽ... (Văn nghệ thiếu nhi 12/10/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 19/2/2019
Lượt nghe: 2424
Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-2019), Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Chiều dài biên giới” (08h30 ngày 21/02/2019 tại 58 Quán Sứ, Hà Nội). PV VOV6 phỏng vấn ông Nguyễn Thế Kỷ (Ủy viên Trung ương Đảng; Tổng giám đốc Đài TNVN) về sự kiện nghệ thuật đặc biệt này.
Ngày phát hành 0:0 | 30/1/2019
Lượt nghe: 2380
Với niềm đam mê và dành chọn tình yêu cho điện ảnh, đạo diễn Lương Đình Dũng đã gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế. Với anh, điện ảnh là nhịp cầu đưa nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. (Chân dung nghệ sỹ 28/01/2019)
Ngày phát hành 10:24 | 23/11/2021
Lượt nghe: 549
Anh Ba bàn bạc kế hoạch lên tàu ra nước ngoài với người bạn thân thiết là anh Tư Lê nhưng anh Tư Lê ngần ngại, bởi anh chưa thể hình dung cuộc sống ở nước ngoài sẽ ra sao, làm gì để sống. Trước sự do dự của bạn, anh Ba im lặng. Trong lòng anh, tiếng gọi lên đường thôi thúc... (Văn nghệ thiếu nhi 19/11/2021)
Ngày phát hành 15:34 | 2/5/2024
Lượt nghe: 1349
Qua cuộc trò chuyện với thầy giáo trực văn phòng, Trung biết được số lượng người khiêm thị học hòa nhập cũng như thầy cô giáo có khả năng dạy chữ nổi không nhiều. Tuy vậy cậu vẫn không từ bỏ nguyện vọng học tập của mình. Sau một tuần chờ đợi, thầy Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục trả lời rằng Trung tâm sẽ không mở lớp học hòa nhập cộng đồng nữa, cậu phải liên lạc với trường THCS Bắc Sơn... (Văn nghệ thiếu nhi 26/04/2024)
Ngày phát hành 0:0 | 19/11/2018
Lượt nghe: 2188
Với tinh thần ham học hỏi, kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh đã sáng tạo nên nhiều công trình mang dấu ấn độc đáo, mới lạ. (Chân dung nghệ sỹ 19/11/2018)
Ngày phát hành 0:0 | 19/9/2020
Lượt nghe: 2346
Hơn 15 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiếp ảnh gia Võ An Khánh đã có hàng nghìn bức ảnh, nhiều nhất là đề tài chiến đấu và phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007. (Câu chuyện nghệ thuật 11/9/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 23/4/2015
Lượt nghe: 1828
Trong hành trình nghệ thuật của mình, tên tuổi NSND Đàm Liên gắn với nhiều nhân vật, vở diễn kinh điển của nghệ thuật Tuồng. Có thể kể tới các vở diễn Sơn Hậu, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Ông già cõng vợ đi xem hội, Bà chúa học đàn, Trưng Trắc.v.v. Đặc biệt vai Trưng Trắc trong vở tuồng lịch sử cùng tên đã đánh dấu sự bừng sáng của một tài năng diễn xuất ở vào độ chín tuổi nghề. Vở diễn được dàn dựng và ra mắt ở thời điểm 1974, 1975 - thời khắc đánh dấu mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.
Ngày phát hành 0:0 | 5/11/2018
Lượt nghe: 2410
Với gương mặt sáng, hiền lành và thiện cảm, NSƯT Lâm Tùng được “đóng đinh” với những vai diễn chính diện nhưng với anh, mỗi vai diễn có số phận, tính cách riêng, không lặp lại, luôn sống động và hấp dẫn khán giả đến lạ kỳ. (Hành trình Sáng tạo 04/11/2018)
Ngày phát hành 0:0 | 18/3/2020
Lượt nghe: 666
Với gần 200 tác phẩm nhiếp ảnh được chọn lọc, những thước phim tư liệu quý cùng nhiều hiện vật giá trị, triển lãm “Hà Nội niềm tin và khát vọng vươn cao” là hành trình nhìn lại những dấu son lịch sử trên chặng đường 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân thủ đô. (Làn sóng nghệ thuật 17/3/2020)
Ngày phát hành 0:0 | 17/1/2018
Lượt nghe: 1972
Các bé có biết những đám mây trên bầu trời kia nói gì không? Đám mây có biết buồn không? Vì sao đám mây lại buồn? Bởi vì đám mây muốn bay đi những miền đất mới và trở về đất mẹ. Đám mây sẽ hóa thành những cơn mưa mát lành đấy các bé ạ! Đấy là sự dâng hiến cho sự sống. Các bé cùng nghe những đám mây kể chuyện nhé! (VOV6 Kể chuyện và hát ru 18/01/2018)
Ngày phát hành 0:0 | 16/10/2017
Lượt nghe: 5772
Sức hấp dẫn lôi cuốn của những đối thoại vừa tình tứ vừa rất đời. Cũng qua những đối thoại chúng ta hình dung chân dung tính cách hai nhân vật. Nicolai tha thiết , nồng nhiệt, cháy bỏng mang đậm tính cách Nga. Anna thì khá chân thành và sắc sảo. Văn phong nhẹ nhàng, khung cảnh lãng mạn tình tứ truyền đến trong mỗi chúng ta khát vọng sống, khát vọng được yêu thương. (Đọc truyện đêm khuya 13/10/2017)
Ngày phát hành 0:0 | 11/5/2018
Lượt nghe: 1624
Một câu chuyện giàu cảm xúc của đôi trai gái vùng cao. Chúng ta tiếc cho một mối duyên tình không thành giữa hai nhân vật Nhảng và Mỏn. Hai con người lỡ dở trong cuộc sống hôn nhân, có tình cảm nhưng rồi lại không đến được với nhau. Mỏn đẹp là thế, đàn ông cả bản phải mê thì làm sao Nhảng không mê được. Nhất là khi Nhảng lại sống cô đơn sau khi vợ là Mến chết. Người đàn ông thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ như ngôi nhà không có vách. Còn Mỏn cũng cần một bờ vai đàn ông như Nhảng để nương tựa, để có giấc ngủ bình yên. Đáng lẽ ra hai con người cần nhau, mến thương nhau như Nhảng và Mỏn phải đến được với nhau. Thế nhưng sự rụt rè thậm chí là hèn yếu đã khiến Nhảng đánh mất hạnh phúc của đời mình. (VOV6 Đọc truyện đêm khuya 07/5/2018)
Ngày phát hành 0:0 | 22/10/2018
Lượt nghe: 910
Trong trang văn của Phan Đức Lộc, không gian, cảnh sắc của thung lũng Mưa hiện lên thật đậm nét, sinh động, để lại nhiều dư vị khó quên trong lòng người đọc, người nghe, vừa phơi bày hiện thực, vừa lột tả tâm lý con người chứa đựng bao xúc cảm… (Đọc truyện đêm khuya 23/10)
Ngày phát hành 0:0 | 21/11/2019
Lượt nghe: 1589
"Tiếng rừng" là một tiếng vọng sâu thẳm và bền bỉ, xuyên chảy mãi trong cuộc đời của nhân vật Hiền. Rừng vừa là khát vọng trở về với thiên nhiên, vừa là tất cả những rung động nguyên sơ nhất của tình yêu, tuổi trẻ mà ai cũng muốn gìn giữ. Khi thấy rừng xanh tươi ngút ngàn, Hiền hạnh phúc. Khi thấy rừng bị tàn phá, Hiền đau đớn xót xa. Truyện ngắn, vì thế còn là một thông điệp gửi đến tất cả chúng ta về tình yêu với rừng, về trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi con người. Và thông điệp ấy ở ngày hôm nay cũng như muôn ngày sau, hẳn chưa bao giờ là cũ…(Đọc truyện đêm khuya phát 21/11/2019)
Ngày phát hành 0:0 | 4/8/2017
Lượt nghe: 6348
Trần - nhân vật chính trong tác phẩm là một trí thức trẻ. Không muốn đi theo lối mòn thông thường, anh đã quyết chí dấn thân thử sức, dẫu tự biết phía trước còn không ít khó khăn đang chờ đợi mình. Nhưng điều vô cùng may mắn đối Trần là bên cạnh anh luôn có Lành, cô gái trẻ đang làm công nhân ở trang trại của Trần. Dẫu con đường lập thân, lập nghiệp còn không ít gian nan, thử thách nhưng trước mắt họ là cả tương lai tươi sáng. (Đọc truyện đêm khuya 03/8/2017)
Ngày phát hành 17:6 | 10/12/2021
Lượt nghe: 2352
Tròn 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24/11/2021, chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hội trường Diên Hồng - tòa nhà Quốc hội. Tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát biểu chia sẻ mong muốn công tác văn hóa sẽ có những bước chuyển biến mới, tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Văn hóa khơi dậy khát vọng dân tộc đó là mệnh lệnh của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là ý chí mong muốn của toàn dân. Sứ mệnh của những người làm văn hóa nghệ thuật là phải tìm giải pháp cụ thể hóa điều đó. Trong chương trình Đối thoại mở trực tiếp của Ban Văn học - Nghệ thuật tuần này, phóng viên VOV6 trao đổi với NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam để cùng chia sẻ, góp thêm tiếng nói về vấn đề này. (Đối thoại mở 08/12/2021)