VOV6.VOV.VN

Một thế giới rung cảm


Cập nhật : 15:49 17/7/2023
Truyện ngắn chúng ta vừa nghe lấy bối cảnh cuộc Nội chiến Nga giai đoạn 1917-1922. Trong cuộc chiến này, ngoài sự đối đầu giữa Hồng quân Nga và nhóm Bạch vệ, chính quyền Xô viết non trẻ còn phải đối phó với lực lượng quân phỉ Kadắc ở vùng sông Đông và Cuban. Nhân vật chính trong truyện là Nhicônca, một người lính trẻ mới 18 tuổi nhưng đã được giữ nhiệm vụ chỉ huy đội kỵ binh trong chiến dịch tiễu trừ quân phỉ. Mẹ mất sớm, bố của Nhicônca cũng vì chiến tranh mà bặt vô âm tín. Ưu thế của tuổi trẻ là dòng dũng cảm, nhiệt huyết và chiến đấu quên mình. Thế nên khi nhận thông tin của lão nông Lukich rằng bọn phỉ vừa đến nhà lão cướp phá, Nhicônca cùng đồng đội lập tức lên đường ngay. Diễn biến câu chuyện như chúng ta đã thấy, không phải tuổi trẻ lúc nào cũng dành được phần thắng, thủ lĩnh của nhóm phỉ với kinh nghiệm chiến đấu dày dạn hơn đã bắn hạ Nhicônca. Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó, khi thủ lĩnh của nhóm phỉ tháo đôi ủng bốt can từ chân Nhicônca đã phát hiện cái bớt ở mắt cá chân và nhận ra đây chính là con trai của mình. Cái chết cũng đến với thủ lĩnh phỉ ngay sau đó bằng một phát súng tự sát bởi nỗi ân hận đau đớn. Chiến tranh đã gây nên bao oan nghiệt, thảm khốc và xót xa hơn khi những con người đối đầu với nhau vốn cùng chung một giống nòi, chung một gia đình. Vì thế, truyện ngắn Cái bớt có thể xem là một tiếng nói mạnh mẽ phản đối chiến tranh, lên án sự tàn nhẫn của chiến tranh. Thủ lĩnh phỉ mới đầu hiện lên như một nhân vật phản diện, giết người không ghê tay, sẵn sàng cướp bóc lương thực của dân lành, nhưng cho đến cuối truyện, hành động tự sát khi nhận ra mình vừa giết chính con trai lại cho thấy nhân vật này vẫn còn trong thẳm sâu con người gã một lương tri, một nghĩa tình. Một cốt truyện mang đầy tính bất ngờ và dữ dội đã khiến Cái bớt của Solokhop tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người nghe, người đọc. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Mã Nhúng:

Gửi bình luận
Chưa có bình luận nào

Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

(*)
(*)


Bài liên quan