Cập nhật :15:30 27/11/2023
Nhau của núi: Vẻ đẹp văn hóa Tày

VOV6 - Để có được một truyện ngắn hay về đề tài miền núi, không gì bằng việc tác giả phải có một đời sống thực tế gắn bó với mảnh đất và con người nơi ấy. Tác giả Nguyễn Văn Toan quê Hà Giang và là người con của dân tộc Tày. Anh viết truyện ngắn này khi đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội. Như tác giả tự bạch, truyện ngắn này được viết trong cảm xúc xa nhà và đây cũng là một lời tri ân với núi rừng, với huyết mạch của dân tộc Tày. Truyện được viết từ ngôi thứ nhất, nhân vật xưng Tôi, có tên là Thánh, là con trai thứ hai trong một gia đình có hai anh em trai. Anh trai Thánh là Thử, có tính cách khác hẳn với Thánh. Toàn bộ các nhân vật trong truyện này đều hiện lên với sự bất thường và đều đi qua những biến cố đặc biệt trong cuộc đời. Những biến cố ấy góp phần dẫn dắt mạch truyện, đưa cốt truyện đến những cao trào dữ dội, mang đến những bi kịch cho các nhân vật. Thử thì có tính cách ngang ngạnh, ngỗ ngược, lầm lì. Thánh thì hiền hơn anh nhưng năm 17 tuổi cũng quyết định bỏ nhà ra đi. Các nhân vật nữ trong truyện đều có cuộc đời long đong, lỡ dỡ, nhất là chuyện tình duyên. Đó là mẹ của Mẫn rồi sau này là Mẫn, đó là bà Mải và chị Tơ. Người đọc có cảm giác nỗi khổ của người phụ nữ giống như một cái gì truyền kiếp, muốn dứt ra mà không được. Khi Mẫn thành vợ của Thử một cách bất đắc dĩ, cả Mẫn và Thánh đều rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực. Cho đến khi Thử bị tai nạn lao động rồi qua đời, thì bi kịch mới lại nảy sinh. Đó là nỗi đau buồn của gia đình khi mất đi một người con, một người anh trai, đứa trẻ vừa được Mẫn sinh ra mất đi người bố. Những tháng ngày sắp tới, Thánh và Mẫn sẽ đối mặt như thế nào, họ có thể vượt qua được những thử thách hay không. Một cái kết mở, đầy nhức nhối nhưng cũng không ít hy vọng được tác giả đặt ra cho nhân vật và cho chính mỗi người đọc khi câu chuyện khép lại. Truyện được mở ra và kết thúc đều bằng những hình ảnh/chi tiết mang đậm nét văn hóa Tày. Đó là tục lệ treo dây rốn và nhau thai lên cây cổ thụ khi một đứa trẻ ra đời và tục cắt tóc của những người thân trong gia đình cùng tóc người đã mất cũng treo vào đúng gốc cây ấy. Ẩn chứa đằng sau những phong tục ngàn đời như vậy chính là lối sống trọng tình nghĩa và cũng thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của mỗi con người. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

Bài liên quan

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
06h00 - 06h30 Hành trình sáng tạo
08h00 - 08h30 Trang Văn nghệ Chủ nhật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h00 - 14h30 Hành trình sáng tạo
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Trang Văn nghệ Chủ nhật
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Đối thoại mở
21h30 - 22h00 Tiếng thơ