Ngày phát hành 12:38 | 6/3/2023
Lượt nghe: 611
Các nhân vật Tư seo, Tám, Đô, Trung...được khắc họa khá rõ nét. Họ thực sự là những kẻ tứ cố vô thân, nghèo dưới đáy. Vì miếng cơm manh áo, bần cùng, họ phải mưu sinh một nghề vô cùng cực nhọc, nguy hiểm. Sự cực nhọc được miêu tả: vào rừng sâu, lén lút trong đêm tối, có thể gặp rắn độc, đốt lò than mặt mũi tối thui vì hít hơi than. Nguy hiểm bởi đó là hành vi ăn trộm, chặt phá rừng nên bất kỳ lúc nào cũng có thể mất trắng nếu gặp cướp, hoặc bị lực lượng công an biên phòng bắt. Mỗi nhân vật đều ấp ủ những ước mơ bình dị, những dự định cuộc sống đời thường chính đáng sau khi có chút tiền dắt lưng: Trung về học sửa máy, Đô có tiền cưới vợ, Tư về nuôi má già, con nhỏ ăn học, Pholi vô chùa tu báo hiếu...Tác giả viết về những kẻ lâm tặc bằng một ngòi bút đầy thương cảm, chính điều này khiến mỗi chúng ta cảm thấy day dứt. Thẳm sâu họ hiểu việc làm tội lỗi của mình nhưng vì mưu sinh, đường cùng. Chi tiết Tư luôn bị ám ảnh về sự hiện diện của người đàn bà Chúa của rừng đước – đỏ lòm hiện ra trong mỗi nhát dao chặt phá của mình. Sự ám ảnh ngày một lớn cộng với sự căng thẳng, mệt mỏi tột cùng bởi những đêm thức trắng đã đưa đến tai nạn cho Tư. Đó là sự trả giá tất yếu cho những kẻ làm liều như Tư và đồng bọn. Truyện được kể với nhiều tình tiết, cảm xúc, lớp lang, các chi tiết được đẩy lên thành cao trào tạo những ám ảnh và day dứt. Thông điệp được gửi đi thể hiện góc nhìn đầy khách quan và bản lĩnh của người viết. Đâu chỉ là vấn đề tàn phá rừng, tàn phá môi sinh mà còn là vấn đề tạo kế sinh nhai, giải quyết công ăn việc làm cho người nghèo người thất nghiệp. Chỉ khi giải quyết triệt để cả vấn đề đó mới mong bảo vệ được rừng. (Lời bình của BTV Tuyết Mai)