Ngày phát hành 10:8 | 17/5/2022
Lượt nghe: 1125
Nhà văn Nguyễn Dậu tên thật là Trương Mẫn Song, sinh ngày 25/10/1930 tại thành phố cảng Hải Phòng. Các bút danh khác: Dã Nhị, Tiêu Giản, Thu, Song Yên. Năm 1946, ông nhập ngũ làm liên lạc, sau đó theo học Trường thiếu sinh quân, rồi Trường sĩ quan lục quân (Trung Quốc). Hòa bình lặp lại (năm 1954), ông làm việc tại Tổng cục Chính trị, rồi BTV báo Văn nghệ, cán bộ Sở Văn hóa Hà Nội. Ông mất ngày 24/7/2002 tại Hải Phòng. Các tác phẩm tiêu phiểu của nhà văn Nguyễn Dậu, về tiểu thuyết có: Nữ du kích Cam Lộ, Đôi bờ, Mở hầm, Nhọc nhằn sông Luộc, Nàng Kiều Như, Xanh vàng trắng đỏ đen, Vòm trời Tĩnh Túc; về truyện ngắn có: Ánh đèn trong lò, Huệ Nga, Rùa Hồ Gươm, Hương khói lòng ai. Ngoài ra ông còn viết kịch Tổ quốc tiến ra biển cả và dịch nhiều tác phẩm: Truyện người da đen nước Mỹ, Quyển sách thấy ở Thuận Xuyên, Người bí thư xã, Dòng máu đầu tiên…Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay xin được giới thiệu với các bạn phần đầu truyện ngắn đặc sắc "Con thú bị ruồng bỏ" của nhà văn Nguyễn Dậu.
Ngày phát hành 10:18 | 17/5/2022
Lượt nghe: 972
Với cốt truyện đơn giản nhưng nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, chi tiết nghệ thuật đắt giá khiến nhân vật được khắc họa rõ nét, ám ảnh người đọc. Ông Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quyền với những thói quen binh nghiệp hằn sâu, vô tình trở thành tính cách gia trưởng, cố chấp, thích giải quyết xung đột bằng vũ lực. Ông sở hữu hai con chó săn: Tuýt và Múc. Cả hai con cùng một mẹ sinh ra, đều vạm vỡ, cao lớn, giỏi săn đuổi. Song, Tuýt được ông chủ yêu quý hơn vì nó biết phán đoán, ứng xử hầu hết ý của ông chủ. Nó luôn quấn quít và làm vui lòng ông chủ. Nếu cần sai làm việc gì nó đều vui vẻ và làm rất khéo, tuyệt nhiên nó không bao giờ làm ông chủ phật ý. Còn Múc thì ngược lại. Nó chỉ biết làm đúng phận sự của mình, dửng dưng với những việc mà con Tuýt say mê. Nó không quẩn quanh bên ông chủ, không biết chào đón, không chịu hiểu ý ông chủ, không biết cách lấy lòng ông chủ. Nó thờ ơ như vậy đương nhiên dần dà bị ông chủ ghẻ lạnh. Thậm chí khi Múc lập công, ông chủ vẫn không xoá bỏ được mối ác cảm đối với "tên đầy tớ" ương bướng này. Ông chăm sóc chu đáo vết thương con Tuýt, nhưng việc cần thiết phải làm là ban thưởng cho con Múc thì ông không làm. Nhân vật “Tôi”-bạn thân của ông Quyền hiểu biết mọi chuyện, thấu tình đạt lý nhưng cũng phải bất lực trước ông Thiếu tướng này. Sự công bằng ở đâu? Nó đã bị thành kiến lấn át hay
còn những lý do lẩn khuất nào nữa? Truyện nói về loài vật song cũng để nói về con người; về lẽ công bằng, sự ứng xử; về người tốt lòng tốt có thể làm gì trong cuộc đấu tranh với bất công và sự bảo thủ, trì trệ...
Sự am hiểu sâu sắc về loài vật, khả năng miêu tả tinh tế diễn biến tâm lý của con Múc và con Tuýt gắn với thủ pháp nhân hóa đã đem lại những trang văn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc người nghe./.