Ngày phát hành 9:24 | 23/8/2024
Lượt nghe: 1535
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng ba việc lớn nhất của đời người bao gồm sự nghiệp, xây nhà và cưới vợ. Chính vì vậy, cưới xin là việc đại sự của mỗi người. Khi nhà trai đến xin cưới ở lễ dạm ngõ, nếu nhà gái đồng ý hôn sự thì sẽ trả lời đồng thuận và kèm theo việc “thách cưới”. Thách cưới nghĩa là nhà gái sẽ yêu cầu nhà trai chuẩn bị các món sính lễ, bao gồm: tiền mặt, trầu cau, trà rượu, bánh trái, heo gà, trang phục và trang sức cho cô dâu. Những lễ vật này mang ý nghĩa là sự xác nhận đồng thuận hôn nhân giữa hai họ nhà trai và nhà gái. Bên cạnh đó, sính lễ cũng mang ý nghĩa là lễ vật “mua dâu”. Bởi vì, sau khi lấy chồng, người phụ nữ sẽ chuyển đến sống chung với chồng và toàn tâm toàn ý chăm sóc gia đình nhà chồng, không còn thời gian quan tâm đến nhà mẹ đẻ như trước. Vậy nhưng, có ai mà lại đi thách cưới con gái bằng một tờ giấy không nhỉ? Đặt tình huống người cha là một người giàu có nhất vùng thách cưới con gái xinh đẹp bằng một tờ giấy, truyện ngắn Sính lễ của nhà văn Nguyễn Phú thể hiện khát vọng học tập, vươn xa của các chàng trai cô gái người Mông. Hóa ra tờ giấy kia không phải là một tờ giấy bình thường, mà là bằng tốt nghiệp Đại học-Cao đẳng-Trung cấp, tờ giấy không dễ gì kiếm được nếu không có sự kiên trì, ham học hỏi, chí tiến thủ.
Số phận từng nhân vật như Hùng Lệnh Của, Vừ Sá Cho, Vàng Hoa Lanh, Giàng Hoa Ban trong truyện ngắn Sính lễ, cùng những tên gọi, ngôi làng, miền đất…đều ăm ắp giá trị văn hóa vùng đất, con người miền núi. Trong cách nói, cách diễn từ hay cả cách yêu, đều tạo nên sự khác biệt.