Ngày phát hành 8:34 | 5/9/2023
Lượt nghe: 1696
“Vọng khúc tương tư” là một truyện ngắn của Tống Phước Bảo có dáng dấp “bi kịch lạc quan” như thế. Bối cảnh câu chuyện là một miền quê sông nước Tây Nam Bộ. Nhân vật không nhiều, gói gọn trong bốn nhân vật chính với hai câu chuyện tình: một trẻ trung chớm nở và một lỡ làng, muộn màng nhưng đều giống nhau ở một điều: đã thương thì thương hết mình, hết lòng hết dạ, thương mà không cần nói, chỉ mong ngóng cho người mình thương được những điều tốt lành. Và vì nỗi niềm thương ấy mà những nhân vật đã gắn bó cuộc đời với nhau, sống vì nhau. Trong tiếng miền Nam ngày trước và cho đến tận bây giờ, thương tức là yêu. Mà thậm chí thương còn có nghĩa rộng hơn cả yêu với nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau. Nghe chữ thương thấy có cả nghĩa, cả tình đằm thắm trong đó. Còn yêu thì… chưa chắc. Miền Bắc thì phân biệt thương và yêu rất rõ ràng. Tình thương khác với tình yêu. Nhưng miền Nam thì không phải thế. Người miền Nam không sử dụng từ “yêu”, mà sử dụng từ “thương”, bởi vì thương là thương nhớ miên man, là lo toan chăm bẵm, là yêu thương từ trong sâu thẳm mà không cần nói ra. Thương ở đây là vượt lên trên tình yêu nam nữ thông thường. Vì thương đứa trẻ bị bỏ rơi nên tía của Song Lang mới “thương phận mà đem về dung dưỡng. Nghèo khổ giăng tứ bề với cái nghề xướng ca rày đây mai đó của tía, vẫn nguyện lòng bảo bọc nó đến tận bây giờ.” Và cũng vì thương tía nên Song Lang giấu đi giấy báo trúng tuyển đại học.Vì thương tía nên Song Lang nhìn cô bạn thanh mai trúc mã Út Thà vào đại học với niềm mong ngóng.
Như tiếng đờn của tía Song Lang vọng xuống một nhịp buồn, đánh rớt trái tim con người, sự âm thầm hy sinh cho nhau của những phận người khiến cho người đọc cũng khắc khoải theo từng con chữ của nhà văn. Cô Tư Lành thiếu phụ xế bóng vẫn âm thầm mang trọn chữ thương với tía của Song Lang mà chẳng dám mong chờ ngày duyên phận thôi dang dở, bởi ngày xưa thì đã quá xa. Nhưng “nếu đã là thương, thì trọn cuộc đời cũng cứ thương. Giờ xế bóng heo may chạm tuổi đời, hổng lẽ để tiếng đờn mãi thắt thẻo bên kia sông. Còn bên này sông, lại thêm một người dằn vặt những xa xót. Ai cũng chỉ có duy nhất một cuộc đời này, để sống và để thương.” Vậy nên những phận đời buồn trong truyện ngắn “Vọng khúc tương tư” đã vì thương mà âm thầm hy sinh, lo lắng cho đời nhau, nhưng cũng vì thương mà đã bước qua những ngập ngừng e ngại, những băn khoăn tình cảm, khúc mắc ngại ngần để đến được với nhau. Một truyện ngắn mở đầu bằng một quyết định buồn của nhân vật, tưởng sẽ là bi kịch nhưng cuối cùng lại là “bi kịch lạc quan” và người đọc khi xem xong những dòng chữ cuối cùng, sẽ thở phào nhẹ nhõm, sẽ thấy rằng cuộc đời tuy buồn, nhưng không buồn nhiều đến thế, rằng cuộc đời vẫn còn có những điều đáng sống, những hy sinh rồi sẽ được đáp đền, tình thương sẽ gặp gỡ tình thương.
Bằng giọng văn đặc sệt những phương ngữ đặc thù của miền Tây Nam Bộ, bằng câu chữ được kể theo một cách chậm rãi, rề rà rất miền Tây, bằng những chi tiết đặc thù của miền sông nước như tiếng đờn cò, dề lục bình trôi dạt trên sông, mớ bông điên điển vàng hươm, mớ tép đồng, rặng bần… “Vọng khúc tương tư” của nhà văn Tống Phước Bảo là một truyện ngắn đầy ắp niềm thương, khiến cho độc giả cũng nao lòng, chơi vơi theo tâm trạng của nhân vật, để rồi gật gù tán thưởng với cách kết thúc truyện đậm chất tình của người miền Tây. Một truyện ngắn thành công là một truyện ngắn gợi được cảm xúc và “Vọng khúc tương tư” đã thật sự trở thành “Vọng khúc thương” trong lòng độc giả. (Lời bình của BTV Vân Khánh)