Từ khóa
Tìm kiếm trong
Chuyên mục
Tìm từ ngày Đến ngày
Hệ thống tìm thấy 22 kết quả

"Chuyến tàu đêm": Chuyên chở những phận người

Ngày phát hành 10:43 | 3/5/2024

Lượt nghe: 1595

Truyện ngắn chúng ta vừa nghe xoay quanh câu chuyện của cặp vợ chồng Thùy và Tiến, trong đó Thùy được tập trung miêu tả, khắc họa đậm nét. Thùy vốn là một ý tá xinh đẹp, sau khi kết hôn thì nghe lời chồng nghỉ việc để hỗ trợ công việc cho chồng. Là một tay môi giới bất động sản, Tiến thường kéo Thùy đi những cuộc gặp gỡ khách hàng của mình, tận dụng nhan sắc của Thùy trong việc ký kết các dự án, hợp đồng. Thế nhưng, chuyến đi đến Lũng Mây đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của Thùy. Tiến đã lộ rõ bộ mặt đê tiện, thấp hèn, sẵn sàng bán đứng vợ, biến vợ thành một món hàng thân xác với tay quan chức của địa phương. Thùy cũng đã có mối duyên kỳ lạ với cô gái liệt sĩ cùng tên hy sinh ở ga Yên Khê, khi cô hỗ trợ Thùy giúp sản phụ vượt cạn thành công ngay trên chuyến tàu đêm. Thùy cũng bất ngờ gặp được chị dâu của cô gái liệt sĩ cùng tên với mình. Truyện có một cái kết mở, gợi cho người nghe, người đọc nhiều suy nghĩ. Thùy đã quyết định dừng chân ở ga Yên Khê chứ không theo chồng về thành phố, điều ấy cũng có thể hiểu là Thùy sẽ không tiếp tục đồng hành cùng Tiến khi đã nhận rõ bản chất của một kẻ con buôn, coi đồng tiền là trên hết. Cũng qua câu chuyện của Thùy, mỗi chúng ta có thể chiêm nghiệm nhiều hơn về một đời sống tâm linh vẫn hàng ngày hàng giờ đồng hành cùng đời sống thực, nhắc nhở mỗi người phải biết sống sao cho tốt hơn, hướng đến sự tử tế và lương thiện.

"Con đường của Hạ": Lối đi cho những phận người

Ngày phát hành 16:20 | 2/7/2024

Lượt nghe: 1552

Thế mạnh, cũng là dư vị đọng lại của truyện ngắn “Con đường của Hạ” là ở những câu văn tả cảnh, hồi tưởng miên man cảm xúc tâm trạng. Nhà văn có tài kể chuyện thông qua các lát cắt mà ở lát cắt nào người đọc, người nghe cũng thấm thía sự lạnh lùng, sòng phẳng, cay đắng của dòng đời và những vất vả, gieo neo của kiếp người. Lần lượt hiện lên trên những trang văn bao tai nạn, bất trắc trong cuộc sống chắt chiu miếng cơm manh áo của người lao động nghèo, những hậu quả đau lòng của dịch bệnh, những thân phận vợ góa, con côi, bệnh tật, những tiếng thở dài ai oán về nghĩa vợ chồng, về nấc thang giàu – nghèo, về lẽ trả - vay, nhân quả cuộc đời. Móc xích của câu chuyện xoáy sâu ở tình tiết nhân vật chính nhặt được số vàng của người đàn bà hợm hĩnh và thiện ý trả lại nhưng không thành. Tác giả đã không cố gắng “lái” câu chuyện theo mô – típ cũ. Số tài sản ấy đã được nhân vật với tấm lòng thơm thảo chia sẻ, sử dụng vào những việc hữu ích hơn cho những người đồng cảnh nghèo ở xóm trọ. Đó thực sự là một cái kết đắt giá và đầy hiện đại, thể hiện quan điểm, cái nhìn, cách xử lý sáng rõ của tác giả như một ứng xử nhân văn trong cuộc sống ngày nay, vốn dĩ khái niệm công bằng đã ít nhiều bị xô lệch. Hình ảnh người cán bộ Công đoàn với tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp cũng là một điểm sáng của tác phẩm. Tất cả hội lại làm nên dư vị đọng lại khi kết thúc truyện ngắn “Con đường của Hạ” của nhà văn Phương Trà.

"Hoa pằng nảng rơi rơi": Nỗi niềm thân phận người phụ nữ vùng cao

Ngày phát hành 9:19 | 12/5/2021

Lượt nghe: 950

Tác giả Nguyễn Phú đã từng có những chia sẻ về truyện ngắn Hoa pằng nảng rơi rơi của anh. Trong những năm tháng công tác ở vùng cao, gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là những người phụ nữ Mông, những câu chuyện về thân phận, niềm đau và tình yêu của những người phụ nữ Mông đã trở thành một âm hưởng ám gợi, trở đi trở lại trong các sáng tác của Nguyễn Phú. Pằng nảng chính là tên gọi của hoa gạo trong tiếng Mông. Những bông hoa gạo cháy đỏ trong trởi biên tái, rực rỡ rụng rơi ven đường bên bước chân của những người đàn bà Mông như hòa cùng bao nỗi xót xa trong lòng họ. Nhân vật chính trong câu chuyện chúng ta vừa nghe là Dúa, một người con gái bất hạnh trong tình yêu, thậm chí có thể coi là bị phụ bạc. Và nỗi bất hạnh của Dúa giống như một định mệnh, nó được truyển kiếp từ cụ ngoại tới bà ngoại, tới mẹ Dúa và bây giờ là Dúa. Tất cả những người đàn ông đều đã ra đi, bỏ lại những người phụ nữ cô đơn ngóng chờ như hóa đá qua bao năm tháng. Rồi những người phụ nữ ấy vò võ nuốt niềm đau vào lòng, một mình nuôi con…Cái trớ trêu trong mối tình dang dở của Dúa còn hiện lên ở cuối tác phẩm, khi Dúa phát hiện bức ảnh Phừ và Súa - em gái mình, đang ôm nhau trên ghế đá. Nếu em Súa được hạnh phúc, thì những đau khổ của Dúa có lẽ cũng bớt đi phần nào, nhưng không có gi là chắc chắn và tin tưởng tình yêu của một người đàn ông đã vừa phụ bạc Dúa như Phừ. Thân phận những người phụ nữ vùng cao nói chung, phụ nữ Mông nói riêng dường như không thể tự quyết định cho hạnh phúc của mình. Họ vẫn còn bị ràng buộc bởi quá nhiều tập tục, luât lệ như những thói quen truyền thống mỗi ngày đè nặng xuống đôi vai. Họ muốn thoát ra mà chưa thể. Những bông hoa gạo đỏ như máu rơi rơi mở đầu và kết thúc tác phẩm như nỗi xót thương chưa bao giờ dứt, không dễ nguôi ngoai trong lòng người…(Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)

"Mảnh đạn": Ám ảnh phận người hậu chiến

Ngày phát hành 0:0 | 30/6/2020

Lượt nghe: 1003

Nhân vật chính trong chuyện bị gia đình, hàng xóm gọi là thằng điên. Nhưng thực ra trước đó anh vốn là một thanh niên khỏe mạnh bình thường, thậm chí còn có thể được xem là một người dũng cảm, có ý thức trách nhiệm công dân sâu sắc bởi đã lấy máu viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Chiến tranh trả anh về với một mảnh đạn trong đầu, mảnh đạn ấy gây nên bao cơn điên loạn, quậy phá, làm phiền lụy cho bao người. Chỉ mẹ anh là người còn thương anh nhiều nhất nhưng cũng không giúp gì cho anh được, chẳng thể làm dịu bớt cơn điên của anh...

"Mây giăng đỉnh trời": Xót xa phận người

Ngày phát hành 10:23 | 2/12/2022

Lượt nghe: 236

Truyện “Mây giăng đỉnh trời” của tác giả Dương Giao Linh xoay quanh nhân vật Vy, một cô bé đang tuổi đi học thì bị bắt về làm vợ. Nhớ trường, nhớ lớp, nhưng bị hủ tục trói buộc, Vy gạt nước mắt bước vào một cuộc hôn nhân không tình yêu. Đáng buồn hơn, em cũng chưa có kiến thức gì về việc làm vợ, làm mẹ. Điều đó dẫn tới một cái kết đau lòng khi Vy không giữ được cái thai trong bụng… Nhìn chung, “Mây giăng đỉnh trời” là một truyện ngắn viết chắc tay. Tác giả chọn kể chuyện từ điểm nhìn của Vy, giúp độc giả hình dung được sự khốn khổ, nỗi ấm ức, tức tưởi của một cô bé bị bứt ra khỏi gia đình, nhà trường. Ở Vy chưa có sự mạnh mẽ để vượt lên số phận khắc nghiệt. Em chỉ biết “hờn giận cái buổi chơi xuân, cái thằng trai bất chấp tất cả để bắt Vy về làm dâu nhà nó, đêm ngủ với nó, bóp chân, xoa đầu cho nó”. Nhưng chính vì thế, “Mây giăng đỉnh trời” khắc họa được một cách chân thật tâm tình của một cô bé tuổi còn thơ ngây. Chuyện đời Vy là một góc tối của nhiều bé gái, mà khi soi vào, người ta không khỏi cảm thấy xót xa. Kết truyện ám ảnh, có sức cảnh tỉnh cao với hủ tục bắt vợ và tảo hôn.

"Nơi bão đi qua": Xót xa phận người phụ nữ làng chài

Ngày phát hành 8:50 | 24/2/2023

Lượt nghe: 516

Ngắn gọn, kịch tính như một màn kịch đến đoạn cao trào, truyện ngắn Nơi bão đi qua của nhà văn Bích Ngân hấp dẫn người đọc người nghe từ đầu tới cuối. Ngay những dòng đầu tiên khi tác giả miêu tả không khí vui vẻ lúc mấy chị em xóm chài tụ tập với nhau trong lúc mấy ông chồng đi biển thì người đọc người nghe đã có cảm giác bất an. Nghề biển có khá nhiều gian lao, nguy hiểm. Biển cả thì bao la và rộng lớn, còn con người thì nhỏ bé, vì vậy những người sống bằng nghề biển, sinh mạng của họ luôn bị đe dọa hơn so với những nghề khác. Mỗi lần họ ra khơi thì không biết trước được những điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Và không chỉ riêng họ, những người vợ ở nhà trong lòng bao giờ cũng sống trong tâm trạng lo sợ và cảm thấy bất an. Dù biết sinh mạng của người chồng lúc nào cũng bị đe dọa bởi thiên nhiên nhưng tình yêu của những người phụ nữ không vì thế mà thay đổi. Họ ở nhà chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái, chăm lo làm lụng không kể ngày đêm và luôn sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ nhau. Không ai nói ra nhưng tất cả đều chung suy nghĩ bất cứ lúc nào cơn bão cũng có thể ập xuống. Và rồi nó tới rất nhanh. Bão biển thật kinh khủng: “Những luồng gió va đập nhau, giằng xé nhau và cuốn theo những gì gặp trên đường đi của nó”. “Nó giao chiến dữ dội với những gì gắn chặt vào lòng đất”. “Hai ổ gà con bị cánh tay lực lưỡng vô hình nhấc lên cao rồi đột ngột hất mạnh xuống”. Cuối cùng thì “Ổ gà con không còn sót lại một tiếng kêu”. Người đọc người nghe không khỏi lo lắng cho Hạnh khi cô cũng sắp đến ngày sinh nở. Thế rồi cơn bão đi qua trong cuộc vui chưa tàn của những người chờ đợi, trong hy vọng chứa chan của người vợ sắp làm mẹ; giờ đây chiếc ghe cào-tài sản có được sau nhiều năm ki cóp của vợ chồng cô đã bị vỡ tan tành, Hạnh chỉ còn kịp nhìn ngôi nhà thành đống đổ nát trước khi xé ruột trong tiếng gọi chồng “vút lên tận trời xanh”, cho ra đời một mầm sống mới. Sự sống đã sinh sôi ngay trong đống đổ nát và gieo vào lòng ta bao hy vọng…(Lời bình của BTV Vũ Hà)

"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" (buổi 11): Số phận người dân trong chiến tranh

Ngày phát hành 8:40 | 3/4/2024

Lượt nghe: 987

Sơn lặng người nghe thượng sĩ Lê Lý kể chuyện Nguyễn Đó dẫn theo toán lính Việt Nam Cộng Hòa tấn công một hầm trú ẩn của Việt Cộng ở nhà bà Tư Mía. Ông Xí rất đau lòng khi thằng con trai trở thành kẻ chiêu hồi giết hại bà con, hàng xóm của mình. Nhìn ông Xí khóc nức nở, ông Ruộng thấy tủi thân vì mấy đứa con trai của mình cũng bắn giết nhau. Sau trận càn đẫm máu, Nguyễn Đó được đưa về Đà Nẵng sống ở làng chiêu hồi và không dám quay trở về quê hương. Nghe cuộc trò chuyện của Lê Lý và Sơn, mấy người lính thương binh ngồi bàn bên cạnh cũng thấy thương cảm cho số phận người dân trong chiến tranh. Chiến tranh khiến bao gia đình, cha con phải ly tán, anh em, bạn bè giết hại nhau. Bây giờ qua giọng đọc NSUT Việt Hùng, mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” của nhà văn Nguyễn Một. Tác phẩm vừa dành giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023.

"Vệt sáng của bụi": Thương những phận người lam lũ

Ngày phát hành 16:4 | 16/8/2022

Lượt nghe: 848

Giải thưởng Văn học tuổi 20 luôn đem đến nhiều cá tính cho văn chương. Ở lần thứ bảy được tổ chức, trước khi tạm dừng, cuộc thi đã thu hút 511 tác phẩm dự thi và 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo. Chúng ta đã có dịp tìm hiểu tác phẩm “Chopin biến mất” của tác giả Hiền Trang, một mảnh ghép của Văn học tuổi 20 lần thứ bảy. Trong chương trình hôm nay, Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) muốn đem đến một sắc màu khác của cuộc thi này cho quý vị và các bạn. Đó là tập truyện ngắn “Vệt sáng của bụi” của nhà văn Lê Quang Trạng. Sau đây, mời quý vị và các bạn cùng bước vào không gian miền Tây sông nước của tập truyện này qua một vài cảm nhận của BTV Nguyễn Hà.

"Xóm Cồn": Thân phận người phụ nữ thôn quê (phần 1)

Ngày phát hành 0:0 | 27/8/2019

Lượt nghe: 2060

Vì sao tác phẩm văn học viết đạt về đề tài nông thôn vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, kể cả bạn đọc thời đại 4.0? Ta chỉ có thể lý giải rằng vì những áng văn ấy đã chạm đến sâu xa cội rễ tâm thức con người mà đời nào, thời nào cũng khó lòng suy suyển. Truyện ngắn “Xóm Cồn” của tác giả An Thư, tác phẩm tham dự cuộc thi truyện ngắn “Làng Việt thời hội nhập” đi sâu vào những thói tục đã ăn sâu thành định kiến truyền đời đày đọa người phụ nữ nông thôn. Mời các bạn cùng theo dõi:

"Xóm Cồn": Thân phận người phụ nữ thôn quê (phần 2)

Ngày phát hành 0:0 | 27/8/2019

Lượt nghe: 2147

Trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” phát 26/7, những trang truyện ngắn “Xóm Cồn” của tác giả An Thư đặc tả hình ảnh người mẹ của nhân vật “tôi” và những người đàn bà sống đời an phận ở xóm Cồn. Từ đây, tác giả cũng dần hé lộ cuộc đời làm vợ, làm dâu, làm mẹ của nhân vật bà nội. Mời các bạn tiếp tục theo dòng ký ức lật giở lại những trang đời trong truyện ngắn của tác giả An Thư...

“Chuyến trở về của cỏ”: Số phận người nông dân trong chiến tranh loạn lạc

“Chuyến trở về của cỏ”: Số phận người nông dân trong chiến tranh loạn lạc

Ngày phát hành 9:48 | 14/4/2022

Lượt nghe: 1182

Truyện ngắn đưa chúng ta trở về đất nước Việt Nam đầu thế kỉ XVI khi triều đình nhà Lê rối ren, các vua Lê ăn chơi xa đọa, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Nhân vật tôi của câu chuyện, người nông dân tên Nguyên Hải vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của thời đại. Cuộc sống gia đình ông quá khổ cực. Hàng ngày được ăn để còn sống đã là hạnh phúc của gia đình Nguyễn Hải. Và cũng như hàng trăm, hàng ngàn người nông dân khác đang bế tắc, Nguyễn Hải bị đưa đẩy tham gia cuộc khởi nghĩa do Trần Cảo phát động. Với những người nông dân như Nguyễn Hải việc tham gia khởi nghĩa đơn giản là được ăn và hy vọng có điều gì đó thay đổi. Cuộc khởi nghĩa do những người nông dân nghèo khổ cả đời chỉ biết cầm cái cày, cái liềm nhanh chóng thất bại và Nguyễn Hải quay trở về nhà của mình. Truyện ngắn trên sự kiện có thật trong lịch sư để thể hiện số phận của người nông dân trong chiến tranh loạn lạc. Chúng ta cảm nhận được không khí ảm đạm bao trùm lên câu chuyện với cái đói, cái khát, nỗi buồn. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi trong gia đoạn suy tàn của một triều đại thì làm gì có ai lo cho cuộc sống của người dân. Số phận con người nhất là người nông dân nghèo bấp bênh như chiếc lá vô định trong cơn cuồng phong của lịch sử. Là một cây bút mới hơn 30 tuổi, nhà văn Đinh Phượng đi vào đề tài dã sử khi hóa thân vào một nhân vật không có gì trong tay, nhiều ước vọng nhưng dễ thay đổi trước bất chắc, khó khăn. Truyện của anh không đi vào những đấu đá trong hoàng cung, những thay đổi lớn lao của thời đại mà khai thác số phận nhỏ bé của một người nông dân để thể hiện ý nghĩa cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Hiện nay khi thế giới vẫn có những nơi người dân khổ cực vì chiến tranh loạn lạc thì chúng ta càng trân quý cuộc sống hòa bình trên đất nước Việt Nam. (Lời bình của BTV Hoàng Hiệp)

“Gương cầu”: Buồn thương thân phận người phụ nữ vùng cao

“Gương cầu”: Buồn thương thân phận người phụ nữ vùng cao

Ngày phát hành 14:56 | 19/8/2021

Lượt nghe: 961

Truyện ngắn “Gương cầu” cho chúng ta cảm nhận về số phận của người phụ nữ vùng cao, nỗi dày vò, ám ảnh, tận cùng nỗi đau đã được tác giả khắc họa bằng nhiều chi tiết chân thực.Trong cái mạch cảm xúc về phụ nữ vùng cao, tác giả thể hiện đậm nét số phận nhân vật, nó như lời một bài hát buồn thương rót trong tâm khảm tác giả và người đọc, người nghe. Đó là những người phụ nữ mà tác giả gặp cùng đồng đội ở đồn biên phòng tiếp nhận từ lực lượng công an nước bạn, sau những tháng ngày các cô gái ấy tủi nhục, ê chề, trôi lạc trên đất người. Truyện kể về nhân vật Vì, cô gái dân tộc Mông, vì muốn đổi thay số phận mà lầm lạc, không thể nào thoát khỏi vòng xoáy của sự ê chề. Mối tình dang dở với người yêu cô là Lùng khiến cho chúng ta càng xót thương hơn, họ đã không thể nào có được hạnh phúc, Lùng không thể giữ dược người mình yêu. Chi tiết anh đi tìm cô và bị đánh đập, chứng kiến cuộc sống hiện tại của Vì, Lùng càng cay đắng. Cuối cùng, anh tìm đến cái chết để quên hết nỗi đau khổ ấy. Một kết cục buồn thương về kiếp người nhưng đôi khi đó là sự thực ở đời. Tác giả từng chia sẻ rằng, khi viết về nỗi đau của nhân vật, tôi không thể viết khác được, đành rằng muốn số phận họ phải khác đi, tươi sáng hơn nhưng sự thực bao giờ cũng đau khổ như thế. Cảm nhận diễn biến tâm lý nhân vật qua những lát cắt khi Vì nhớ về quãng thời gian đã quan, đi qua bảy tấm gương cầu ở những khúc quanh từ nhà đến chợ, những nơi Vì và Lùng từng hẹn hò, Vì càng thấy chua xót cho đời mình và người mình yêu. Người đọc, người nghe càng thấy thương hơn số phận người đàn bà vùng cao, họ không thể có được cuộc sống hạnh phúc khi những hủ tục khắc nghiệt vẫn còn. Vì thế mà Vì tự thoát ra cuộc sống nghèo khổ ấy thì vướng vào vòng đời dơ bẩn. Làm sao để quên, để thanh tẩy những nhơ nhớp, ê chề? Cái kết trong truyện quá đớn đau, nhưng đôi khi nó là sự thật ở đời, đầy ám ảnh…(Lời bình của BTV Vân Khánh)

“Nước như nước mắt”: Ám ảnh thân phận người phụ nữ miền sông nước

“Nước như nước mắt”: Ám ảnh thân phận người phụ nữ miền sông nước

Ngày phát hành 22:30 | 1/5/2021

Lượt nghe: 2112

“Cả hai không xếp hành lý, thậm chí không lấy ghe, cứ ào xuống nước bơi về phía bờ mà ai cũng biết là đã không còn bờ từ nước đuổi. Sau lưng, bè rau càng lúc càng rực rỡ. Ngọn đèn chong Sáo kê sát vách mùng giờ chắc đã bén lửa lan vào tận những đụn rơm phía ngoài. Người đàn ông bơi cạnh Sáo không một lần ngoái lại. Sáng hôm qua khi tiễn con gái nhỏ trở vô trong chợ, anh ta đã xiết nó đến nỗi nó kêu đau. Như không có lần sau. Giây phút đó Sáo nhận ra thứ anh ta quý nhất, đến nỗi sẵn sàng từ bỏ tất cả để có được. Là Sáo.” (Truyện ngắn “Nước như nước mắt” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) (Điểm hẹn văn nghệ 17/4/2021)

'Lời páo dung trong sương": Những xót xa phận người

'Lời páo dung trong sương

Ngày phát hành 0:0 | 2/11/2020

Lượt nghe: 1278

Vắn gọn nhưng cô đọng, “Lời páo dung trong sương” thu hút người đọc từ những dòng đầu tiên. Có ai lại hờ hững với những chuyện lạ lùng, có phần li kì, nhất là những chuyện ấy lại là của một người đẹp. Cuộc đời Mùi Tá có nhiều khúc truân chuyên. Nhưng có vẻ tác giả Vi Thị Thu Đạm không mấy bận tâm tới việc nhân vật đã vượt qua những khó khăn như thế nào. Lần Mùi Tá bị bố đánh gẫy chân, không cho đi học, cô chỉ cười. Chuyện gì đã xảy ra trong lần đầu tiên Mùi Tá bỏ nhà bố đẻ hay ba lần rời nhà chồng, tác giả cũng không kể… Chỉ vẻn vẹn trong mấy trang truyện, Mùi Tá – từ khi còn ở tuổi thiếu nữ cho tới khi là góa phụ 19 tuổi, đem đến cho người đọc nhiều câu hỏi “tại sao?”, “vì đâu” nhưng đều không nhận được câu trả lời rõ ràng. Những điều chi tiết cụ thể trong cuộc đời cô gái dường như cũng bị sương mù trên đỉnh Sơn Mẫu che phủ, nhưng dẫu vậy cũng đủ để người ta thấy xót thương. Cuộc đời của Mùi Tá đã sớm chịu cảnh bỏ học giữa chừng, làm vợ, làm mẹ khi còn quá trẻ, và rất có thể, cô đã chịu những giày vò khác trong những lần bỏ bản mà đi. Chồng mất, con thì đã bán, Mùi Tá dường như chẳng còn gì ngoài lời páo dung trong sương. Nhưng ngay cả lời páo dung cũng buồn bã xiết bao: “Không thể không gặp bởi lòng quá nhớ / Chả lẽ để nỗi nhớ trong lòng năm này qua năm khác…” (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

Thân phận người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên

Thân phận người phụ nữ trong truyện ngắn của Nguyễn Hương Duyên

Ngày phát hành 0:0 | 18/3/2020

Lượt nghe: 1351

Nguyễn Hương Duyên-cây bút trẻ ở mảnh đất Quảng Bình chang chang nắng cát ghi dấu ấn ở các truyện ngắn viết về người phụ nữ. Từ tập truyện ngắn “Bến đợi nhọc nhằn” cho đến “Ở giữa những người đàn ông” cùng nhiều truyện ngắn khác, chị đề cập rất nhiều đến thân phận người phụ nữ. Chương trình Đọc truyện đêm khuya 19/03, xin giới thiệu cùng các bạn hai sáng tác như thế của nữ nhà văn Nguyễn Hương Duyên

Tráng A Khành: Thân phận người phụ nữ vùng cao

Tráng A Khành: Thân phận người phụ nữ vùng cao

Ngày phát hành 0:0 | 11/4/2019

Lượt nghe: 1001

Hai mươi năm đặt chân xuống Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy giờ đã có trong tay 19 cuốn sách, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, trong đó chủ yếu mang âm hưởng vùng cao. Chương trình Đoc truyện đêm khuya phát 11/04 xin gửi đến quý vị và các bạn truyện ngắn “ Tráng A Khành” – một tác phẩm đậm đặc chất miền núi của nhà văn Đỗ Bích Thúy

Truyện ngắn "Má đào": Thân phận người phụ nữ trong sóng cả lịch sử

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 12/3/2018

Lượt nghe: 2018

Những trang văn dìu dặt, trĩu nặng như cung tơ lúc bổng lúc trầm. Ta nghe trong đó phận má đào rối như tơ vò bên tình bên hiếu, nhắm mắt đưa chân theo cuộc đẩy đưa, ai oán nỗi lòng riêng tư chốn khuê phòng, u hoài, nặng nợ ân tình nguồn cội. Tác giả Vũ Thanh Lịch đã chạm vào những nỗi niềm sâu kín của công chúa Phất Kim, con gái vua Đinh Tiên Hoàng, cũng là nỗi niềm chung của người phụ nữ xưa trong cung vàng điện ngọc...(VOV6 Đọc truyện đêm khuya 05/3/2018)

Truyện ngắn "Mùa mộng mơ": Nỗi niềm hoang hoải của phận người

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 5/4/2017

Lượt nghe: 7542

Ngỡ rằng chuyện tình yêu tuổi hoa niên là đắm say mơ mộng, là lãng mạn hẹn hò nhưng đằng sau chuyện ba người ấy, sâu thẳm bên trong là nỗi đắng cay xa xót về phận người, thân phận của những người đàn bà bất hạnh. Điểm sáng của truyện là lòng bao dung độ lượng, tình thương và lòng nhân ái vô bờ,hướng về ánh sáng và niềm tin để cuộc sống này tươi đẹp và ý nghĩa. (Đọc truyện đêm khuya 03/4/2017)

Truyện ngắn "Ngôi sao vô danh": Những phận người lặng lẽ

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 28/10/2016

Lượt nghe: 5737

Cuộc đời cũng giống như những chuyến tàu luôn đi qua quá khứ để hướng về phía trước. Ga Mả Phu Tàu không được tái sinh, những số phận như hai ông cháu người gác ghi không biết trôi dạt về đâu, còn mất thế nào. Dấu hiệu duy nhất để người lính năm xưa nhận ra sự kết nối giữa quá khứ và thực tại là ngôi sao vô danh đứng cách biệt với nhiều ngôi sao khác. Có thể nói, đây là một hình ảnh đẹp, đậm chất thơ vốn là thế mạnh trong văn xuôi Bảo Ninh. (Đọc truyện đêm khuya 27/10/2016)

Truyện ngắn "Nhà trong ngõ hẻm": Góc khuất những phận người

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 17/10/2017

Lượt nghe: 8474

Không gian truyện là ngõ hẻm, là góc phố và chứa đựng những phận người mong manh, cay cực, đắng chát. Góc nhìn của nhà văn Ma Văn Kháng về những phận người rất nhân văn. Đó là những phát hiện sâu sắc về tâm tính và sự đổi thay đằng sau góc khuất bụi bặm và cay đắng. (Đọc truyện đêm khuya 16/10/2017)

Truyện ngắn "Vòng vía": Buồn vui khổ đau của mỗi phận người

Truyện ngắn

Ngày phát hành 0:0 | 15/5/2017

Lượt nghe: 5613

Bức tranh bản Mạ vùng cao trước nạn khai thác quặng bừa bãi được tái hiện. Truyện ít chi tiết, biến cố, tình huống, duy có chi tiết người đàn bà bị đẩy xuống từ chiếc xe bóng nhoáng. Chi tiết có tính điểm nhấn báo động về cái ác không những hiển hiện mà còn hoành hành tác oai tác quái nơi vùng rừng heo hút vốn bình yên. Cảm nhận sau những trang văn là tiếng thở dài của nhà văn về buồn vui, khổ đau của mỗi phận người. (Đọc truyện đêm khuya 11/5/2017)

Xa xót phận người với "Cuộc đời không bán được"

Xa xót phận người với

Ngày phát hành 0:0 | 28/3/2016

Lượt nghe: 3894

Truyện ảm đạm, nhưng may mắn thay, ánh sáng của tình thương chưa hoàn toàn mất hẳn. Trong cái gia đình chẳng vẹn tròn giữa một tay giang hồ thất thế và một gái bán hoa đã quá lứa lỡ thì, ít ra nhân vật Tám Ô cũng có cảm giác về sự gắn bó, sự ràng buộc, cũng từng được hưởng chút hơi ấm tình người. Có lẽ vì vậy, dẫu khổ cực, ông vẫn ráng bán máu để cứu đứa cháu nội, như thể cố chấp giữ lấy một lý do để sống và tồn tại trên cõi đời này.(Đọc truyện đêm khuya 26/3/2016)

Mã QRCODE xem trên mobile
chương trình hôm nay
08h00 - 08h30 Văn nghệ
08h30 - 08h45 Làn sóng Nghệ thuật
08h45 - 09h00 Câu chuyện nghệ thuật
10h45 - 11h00 Văn nghệ thiếu nhi
13h00 - 13h30 Đọc truyện dài kỳ
14h30 - 15h00 Xin chờ hồi kết
18h15 - 18h30 Văn nghệ thiếu nhi
18h30 - 19h00 Văn nghệ
19h00 - 19h30 Đọc truyện dài kỳ
19h30 - 20h00 Xin chờ hồi kết
20h30 - 20h45 Làn sóng Nghệ thuật
20h45 - 21h00 Câu chuyện nghệ thuật
21h45 - 22h00 Kể chuyện và Hát ru cho bé
22h30 - 23h00 Đọc truyện đêm khuya