VOV6 - Gần đây, nhà văn Kiều Duy Khánh thường sử dụng các yếu tố kỳ ảo trong những sáng tác của mình. Nào là hũ bạc, hạt vía thiêng, hồn piêu hay trái tim sói tuyết, gà mái hoa mơ biết gáy; còn ở truyện ngắn này là bãi đá cổ và cụ già. Nhưng cái lạ, cái khác biệt ấy không phải để gây tò mò mà là nguyên cớ để nhà văn xây dựng đường dây câu chuyện, như một thủ pháp tạo dựng không gian nghệ thuật. Bất chấp bố mẹ không ưng Tạng, song Dua vẫn quyết tâm về làm dâu nhà họ Thào. Vậy nhưng ông trời không thương Dưa, đã hai mùa sơn tra trôi qua mà cô vẫn chưa có thai. Bà Pàng-mẹ chồng Dua tự động đi tìm cho Tạng một cô vợ mới thay thế cho Dua. Tạng không muốn lấy vợ mới. Tạng chỉ yêu Dua. Nhưng Tạng không dám cãi lời mẹ. Cái gục đầu bất lực của Tạng như một sự cam chịu khiến Dua thấy điểm bám víu mỏng manh cuối cùng vỡ vụn. Dua vùng chạy vào đêm…Dua tìm đến bãi đá cổ-nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của người Mông. Trên những phiến đá cổ đó ghi lại những câu chuyện, kinh nghiệm quý, lời hát, câu tục ngữ, phong tục tập quán của tổ tiên truyền lại…Chính ở nơi giàu bản sắc văn hóa này đã khiến Dưa từ bỏ ý định tìm đến cái chết và trong cô hình thành những tư tưởng mới. Câu chuyện không mới nhưng chính chi tiết bãi đá cổ đã làm nên sức nặng cho truyện ngắn này.