Bay lên từ mặt nước – Cất cánh từ cội
nguồn mặt nước
Băng –
Một đoạn trích ngắn của vở rối ‘Bay lên từ mặt nước”
(Khoảng 40- 50’’)
Các bạn vừa nghe phần mở màn cho vở diễn “Bay lên từ
mặt nước”. Khác biệt hoàn toàn với những vở diễn thông thường, thay bằng những
con rối gắn liền với đời sống văn hóa dân gian Việt Nam là hình ảnh của trận
đấu bò tót, rồi đặc biệt là những con thiên nga trắng mảnh mai, thanh thoát như
những bông hoa xuất hiện trên nền mặt nước xanh của thủy đình (đặc trưng rối
nước Việt Nam). Dưới ánh sáng lung linh, huyền ảo của sương khói, phía sau là
hình ảnh cung điện lộng lẫy của phương Tây, những nàng thiên nga bắt đầu múa
hát và kể những câu chuyện cuộc đời theo từng cung bậc cảm xúc bằng sự dẫn dắt
của âm nhạc Tchaikovsky. Một bữa tiệc được bày lên với đầy đủ sự mãn nhãn của
thị giác, trầm bổng của âm thanh. NSND Mạnh Tưởng nhận xét:
Băng
Lần nào xem múa rối Thăng Long cũng đều
có cái bất ngờ. Ở tại Việt Nam
nhưng chúng ta diễn tích nước ngoài. Lần đầu tiên tôi được xem tác phẩm múa rối
áp dụng âm nhạc opera, âm nhạc giao hưởng. Cái đó tôi rất thích vì âm nhạc tôn
con rối lên mà điều khiển con rối lại làm tôn âm nhạc bởi nó chi tiết, tỉ mỉ
từng li tấc, diễn tinh, diễn kĩ từ động tác chân đến tay, múa mà nó khớp với âm
nhạc.
Chú Tễu, nhân vật kể chuyện đặc biệt của múa rối trong
tác phẩm này khác biệt ở chỗ, thay vì chú thường xuyên mang nét văn hóa đặc sắc
của Việt Nam đi giới thiệu với bạn bè quốc tế thì nay chú lại mang những nét
tinh hoa văn hóa thế giới về giới thiệu với công chúng trong nước. Chú Tễu
giống như những sứ giả văn hóa, do vậy đây là nhân vật được NSND Nhật Minh –
Nguyên giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội – thành viên Hội đồng lí luận sân khấu
Hà Nội quan tâm và góp ý:
Băng
Đây là tác phẩm đầy sáng tạo, con rối
biểu diễn trên sân khấu một cách tung hoành, công phu, hấp dẫn. Tôi chỉ thắc
mắc là Tễu để bị bé, nên để Tễu to ra, chỉ cần đội mũ phớt thôi là thấy khác
rồi và khán giả nhận ra ngay. Chỉ cần chi tiết vậy là đủ.
Giải thích thêm và ghi nhận những ý kiến, đánh giá góp
ý của giới chuyên môn và đồng thời đo độ hưởng ứng, cảm nhận tác phẩm qua mỗi
buổi biểu diễn, đạo diễn NSUT Hoàng Tuấn – đồng đạo diễn vở nói:
Băng
Bay lên từ mặt nước là bước giao thoa
văn hóa đông tây…Chú Tễu mang con rối từ ao làng đi ra thế giới để biểu diễn
thì đồng thời chú Tễu cùng du nhập được văn hóa của nước ngoài về ao làng biểu
diễn phục vụ đồng bào.
Để những con rối thiên nga múa ba lê uyển chuyển, nhịp
nhàng đều nhau từ hai rồi đến 6, thậm chí 8 con cùng một lúc thực hiện động tác
đưa chân, tay, xoay theo điệu nhạc mà dây không bị rối là cả một quá trình kì
công, đồng sáng tạo từ tác giả, đạo diễn, đặc biệt là diễn viên điều khiển con
rối. Với những màn múa đồng điệu của những nàng thiên nga trắng trên mặt nước
hồ xanh với những khúc biến tấu của âm nhạc, sự hưởng ứng tán dương của khán
giả là bên trong hàng chục nghệ sĩ múa rối ngâm mình dưới nước, điều khiển
những bộ máy hàng chục cân để làm thỏa nguyện bữa tiệc nghệ thuật. Nói về sự
công kì công khi tạo dựng những con rối giống như công việc của kĩ sư chế tạo
máy, tác giả, đạo diễn NSUT Chu Lượng chia sẻ:
Băng
Cái khâu đầu tiên là khâu tạo hình con
rối, cái quyết định thành công mà người nghệ sĩ phải giải quyết được. Cái khó
nhất, ngoài hình thức con rối thì phần giải phẫu bộ máy làm sao nó múa được
những động tác của bale. Thử nghiệm nhiều lầ, năm này qua năm khác chứ không phải làm một
lúc là được ngay.
Công việc sáng tạo là vậy và để đạt được kết quả như
mong đợi, trong quá trình dàn dựng vở, các nghệ sĩ nhà hát múa rối Thăng Long
đã mời nghệ sĩ múa ba lê chuyên nghiệp đến hướng dẫn anh chị em thực hiện từng
động tác của vũ công rối thiên nga. Vở rối ‘Bay lên từ mặt nước” là khát khao
của tập thể các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng thể hiện tinh thần hội nhập một
cách cụ thể. Tác giả, đồng đạo diễn NSUT Chu Lượng cho biết:
Băng
Khi chúng ta hội nhập văn hóa, nhất là
nghệ thuật múa rối nước, nó là đặc sản của Việt Nam rồi, thế những chúng ta
không chỉ diễn mấy trò cổ nữa mà tôi muốn nó sẽ hòa nhập với cái tinh thần văn
hóa quốc tế. Và cái quan trọng nhất là sáng tạo giữ được căn bản cốt lõi của
nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
Đó là chúng ta vẫn diễn ở không gian trong thủy đình và những con rối vẫn hồn
nhiên, trong sáng và múa những điệu múa ba lê, diễn những tích trò của các nền
văn hóa khác.
Ghi nhận về những cố gắng, sáng tạo của các nghệ sĩ
Nhà hát múa rối Thăng Long trong việc tạo dựng tác phẩm “Bay lên từ mặt nước”.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu biễn đánh giá:
Băng
Tôi đánh giá cao tìm tòi, sáng tạo của
các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long để xây dựng chương trình biểu diễn phục
vụ công chúng. Chương trình tốt, ấn tượng. Chọn nhạc chuẩn.
Là đồng nghiệp cùng làm nghề nên NSUT Nguyễn Tiến Dũng
- Nhà hát Múa rối Việt Nam
rất hiểu những nhọc nhằn đằng sau những màn biểu diễn của con rối trên mặt
nước. Anh chia sẻ:
Băng
Bay lên từ mặt nước của Nhà hát múa rối
Thăng Long, tôi rất ghi nhận sự sáng tạo của họ, bên cạnh đó là sự nỗ lực của
các nghệ sĩ bắt nhập với cái mới. Hiệu quả có cái được như mình mong muốn, có
cái chưa nhưng tôi nghĩ cái đó không quan trọng mà qua cái này ta rút ra cái gì
để phát triển tiếp thì đấy mới là cái quan trọng.
Vở rối “Bay lên từ mặt nước” là tác phẩm khai thác kho
tàng văn hóa phong phú và giàu có của thế giới kết hợp với đặc trưng ngôn ngữ
văn hóa truyền thống là một cách làm mới, mang lại kết quả khả quan không chỉ
đối với nghệ sĩ nhà hát múa rối Thăng Long, mà điều quan trọng nhất là nó đã mở
ra những ý tưởng sáng tạo mới để các nghệ sĩ tìm được con đường cất cánh trong
sáng tạo tác phẩm không chỉ phục vụ công chúng trong nước mà rộng mở với công
chúng thế giới.
Thanh Hoa