VOV6 - Ngay từ nhan đề “Gót đỏ chân son”, nhà văn Trần Chiến đã thu hút sự chú ý của độc giả, trước hết là bởi sự ấn tượng của hình ảnh, sau là vì nó gợi nhớ những câu ca: “Còn cha gót đỏ như son – Đến khi cha thác gót con đen sì – Còn cha nhiều kẻ yêu vì – Đến khi cha thác ai thì thương con”. Viết về Sơn – một cậu bé mồ côi cha, nhà văn Trần Chiến không chọn một cách kể khiến người ta phải sụt sùi thương xót ngay từ đầu, mà lại chọn giọng kể tưng tửng từ ngôi thứ nhất. Sơn có thân phận như bao đứa trẻ khác lớn lên từ làng, bỏ học, rồi nhanh chóng nhập vào đội quân lên thành phố làm thuê. Năm năm tháng tháng, mơ ước đổi đời nơi phố thị vẫn còn, nhưng cũng đã lấm lem những cay đắng thị thành… Qua con mắt của một đứa trẻ, hành trình đi từ xóm “liều”, khu trọ “đen”… rồi “khách sạn” Xa mẹ được Sơn kể lại một cách hồn nhiên. Câu chuyện cuộc đời của nhiều người khác cũng thấp thoáng trong hành trình ấy. Có chú Hệ bị quỵt tiền đi xuất khẩu lao động, chuyện các bà ô-sin, dân lao động tụ tập nói đủ thứ chuyện không hiểu nổi về thành phố… “Gót đỏ chân son” trước hết là câu chuyện về thân phận của một người quê lưu lạc phố phường; sau có thể coi là chân dung phố thị qua mắt của người ở quê ra – một bức chân dung mà nét hào hoa đã dần nhường chỗ cho những góc còn khuất lấp, rằng phố thị hoa lệ nhưng là hoa cho người giàu còn lệ cho người nghèo. “Gót đỏ chân son” kết lại trong những suy nghĩ vẩn vơ của Sơn. Còn quê đấy, nhưng về quê thì làm gì? Chừng nào câu chuyện việc làm ở làng quê vẫn còn là một câu hỏi, thì chừng ấy chúng ta vẫn còn những người như Sơn, như chú Hệ, vất vưởng mưu sinh nơi phố thị, biết bao giờ mới được “gót đỏ chân son”? (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)