Ngày phát hành 0:0 | 23/12/2020
Lượt nghe: 1386
"Chạy ngập" miêu tả cảnh chạy lụt của một vùng dân cư gần bờ sông. Truyện mở ra với nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp, sôi động. Những gia đình bị nước ngập phải di tản đến vị trí cao hơn, cụ thể là cùng nhau chuyển vào phía trong gò, ở nhờ nhà ông nội của Dũng. Bên cạnh đó, mỗi gia đình vẫn phải có người túc trực, canh chừng ở khu nhà ngập để trông coi tài sản, theo dõi diễn biến của dòng nước để còn kịp thời ứng phó. Nhiều gia đình đã bị lũ cuốn trôi mất nhà, như gia đình cô Sinh. Truyện tiếp tục được kể qua ngôi thứ nhất, xưng tôi, của nhân vật Dũng. Trong khó khăn, tình người càng trở nên ấm áp bởi sự đùm bọc giúp đỡ, yêu thương chia sẻ. Trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất dù những bữa cơm ngày chạy lũ thật đơn sơ, thậm chí là phải ăn cơm độn khoai. Có thể thấy, nhà văn Du An đã có những miêu tả rất sống động, chi tiết và thành công về đời sống sinh hoạt của con người trong ngày chạy lũ. Nào là sự náo nhiệt của mỗi bữa cơm khi những đứa trẻ chìa tay chìa bát nhao nhao xin đồ ăn, nào là cảnh ngủ chung líu ríu ở dưới sàn nhà, nào là cảnh nước ăn chân, cảnh bơi thuyền, cảnh di chuyển những bu gà, bu ngan. Một trong những đoạn đặc biệt sống động là phần miêu tả bọn trẻ con đi hái trộm mít do Dũng dẫn đầu. Gần chục quả mít được xơi hết khiến bọn trẻ no căng, bữa tối không thể ăn được cơm nên người lớn dễ dàng phát hiện ra. Bố mẹ của đám trẻ thì ái ngại nhưng ông nội Dũng chỉ cười hiền, không mắng cũng không phạt. Truyện kết thúc bằng hình ảnh Dũng mang sách giáo khoa bị ướt đi phơi để chuẩn bị cho năm học mới. Trải qua bao năm tháng, qua bao cuộc đấu tranh sinh tồn, những con người đã học được cách sống chung với thiên tai và khắc phục thiên tai. Trong lòng họ giữ trọn một trái tim nhân hậu, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ, đồng thời luôn biết hướng về tương lai với nhiều tin yêu và hy vọng. (Lời bình của BTV Đỗ Anh Vũ)