Ngày phát hành 10:11 | 11/6/2024
Lượt nghe: 1830
Truyện “Cha tôi – Kép Cúc” của nhà văn Phan Đình Minh kể về mối tình tay ba, họ đều là trai tài gái sắc và đều là học trò yêu của cụ Trùm Thảo-Trưởng Chiếu tuồng làng Thạch Lãm. Chỉ là một chiếu tuồng truyền thống, song nó khiến làng Thạch Lãm nổi tiếng quanh vùng, nó làm xao xuyến bao tâm hồn mỗi khi làng mở đám vào hội; các tuồng tích nhân đạo trung nghĩa, anh hùng trượng nghĩa thấm đẫm vào hồn người làng; làm nên chính hồn làng. Nhân vật xưng Tôi-người kể chuyện là con trai của ông Nhẫn bà Ngát. Tôi kể câu chuyện quá khứ hiện tại đan xen. Ngày ấy mẹ Tôi có tình cảm với kép Cúc chứ không phải với cha. Thế rồi chính ông ngoại là người chủ động kết duyên mẹ và cha. Cha đi bộ đội, mẹ Tôi và Kép Cúc vẫn diễn tuồng với nhau. Mẹ Tôi đã mắc lỗi với cha khi ngả vào Kép Cúc sau một buổi diễn họ vào vai tuồng hai nhân vật yêu nhau, như một tất yếu hóa thân. Đúng dịp ấy thì cha Tôi từ chiến trường về. Họ đã thách đấu nhau gần suốt đêm, rồi Kép Cúc bỏ đi biệt tích. Sau nhiều năm, Kép Cúc trở về muốn vực dậy chiếu tuồng, nhưng lực bất tòng tâm. Cái chết của Kép Cúc hóa giải ân oán giữa họ. Còn giọt nước mắt của cha Tôi bên huyệt mộ Kép Cúc thể hiện cái nghĩa từng gắn bó một thời tuổi trẻ say mê học tuồng diễn tuồng. Giọt nước mắt của người đàn ông nó bao hàm ý nghĩa sâu sa, cha Tôi chấp nhận di chúc của Trưởng Chiếu tuồng Kép Cúc, đặng vực dậy chiếu tuồng - văn hóa làng, mảnh hồn làng Thạch Lãm bấy lâu bị chểnh mảng, lãng quên.